Có một “chủ nghĩa hôn nhân”?

MINH NGỌC 09/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Có lẽ, họ cần yêu và kết hôn với một con người cụ thể với mọi mặt tốt xấu của người đó chứ không phải là một hình mẫu chung chung hay một “chủ nghĩa hôn nhân” nào đó.

Minh họa: Nguyễn Thu Vân
Minh họa: Nguyễn Thu Vân


1 Ai đã từng xem bộ phim Trăng nơi đáy giếng (2008, đạo diễn Vinh Sơn) sẽ thấy Hạnh - nữ nhân vật chính - luôn đặt mình vào tâm thế yêu chồng, hay nói đúng hơn là phục vụ chồng vô điều kiện.

Sau khi bị phản bội, Hạnh làm lễ kết hôn với người cõi âm và cô lại tiếp tục phục vụ “anh chồng” đó một cách tận tụy như đối với người chồng cũ(!?).

Hạnh đại diện cho rất nhiều phụ nữ Việt Nam lấy “cái gọi là” chồng chứ ít khi nghĩ đến việc đó phải là một con người cụ thể, tức chỉ cần người đó là “chồng” còn người đó bản chất ra sao, tốt xấu thế nào không quan trọng, nói cách khác, họ kết hôn mà “chủ nghĩa hôn nhân” với đủ thứ thuộc tính ăn theo, dẫn đến nhiều bi kịch gia đình không thể cứu vãn.

Nói giới trẻ chúng tôi lười yêu, chậm kết hôn vì quá chán ngán các bi kịch đó, thật ra mới chỉ chạm tới bề nổi của vấn đề.

Hiện nay, nhiều cô gái trẻ xem chuyện lấy chồng như một sự thành công trong cuộc sống, là sự bảo chứng cho giá trị của mình; còn các chàng trai thường lập một danh sách, trong đó các hạng mục lập thân bao gồm cả kiếm việc làm, xây nhà, mua xe và... cưới vợ. Tức mọi thứ được bỏ vào chung một cái sọt, cả vật chất và tình cảm, rồi cứ thế mà cố gắng thực hiện.

2 Chính “chủ nghĩa hôn nhân” đã khiến giới trẻ bị áp lực, một khái niệm nói chung về gia đình lấn át mọi thứ; các cô gái thường nghĩ đã là vợ thì mình phải có bổn phận giữ lửa gia đình và chiều chồng, các chàng trai thì nghĩ đã là chồng phải lăn xả kiếm tiền để nuôi gia đình.

Trong cái tổ chức đó, mối quan hệ vợ chồng hầu hết đều gắn liền với bổn phận - trách nhiệm - nghĩa vụ với rất ít tình yêu, điều mà lẽ ra là giá trị gắn kết căn bản nhất giữa hai cá nhân. Sống theo “chủ nghĩa hôn nhân” là sống phải có đôi có cặp, có gia đình là phải chịu cực chịu khổ, vợ phải đẹp, chồng phải giỏi, con phải ngoan, trong khi cuộc sống vô vàn khó khăn, liệu có ai đảm bảo việc kết hôn sẽ thỏa mãn được các tiêu chí đó?

Vợ chồng cãi nhau, thu nhập bấp bênh, con đau yếu, khó bảo là một phần khó tránh khỏi khi bước vào cuộc sống gia đình và tình trạng đó thường bị đánh đồng với sự thất bại trong hôn nhân. Ít ai bình tâm suy xét bạn đời mình có điều gì đáng yêu hơn không, nhân cách có tốt không, đó là bởi vì họ chỉ xét đoán dựa trên các tiêu chí trên chứ không dựa trên giá trị một con người cụ thể.

Vậy là giới trẻ chúng tôi sợ, không phải sợ yêu hay sợ kết hôn mà sợ không thể nào đạt được tất tần tật các tiêu chí đó, tệ hơn nữa, chúng thường trở thành thước đo trong đôi mắt phán xét của bố mẹ, bạn bè đồng nghiệp và của cả “phe đa số” trong xã hội.

Trong nỗi sợ này có cả sự hèn nhát. Lúc yêu nhau thấy khó khăn quá thì buông tay dễ hơn là cố gắng khắc phục, lấy vợ vụng lại đổ thừa tại số phận, lấy chồng nghèo, đổ cho định mệnh... ít ai hân hoan hay sẵn sàng đối diện thực tế tất yếu đó của cuộc sống.

3 Bất chấp các áp lực trên, tôi lại nghĩ lớp trẻ bây giờ rất dễ yêu. “Bọn nhóc” ở tuổi tiểu học công khai bày tỏ tình yêu dù chả hiểu gì, nhiều bậc phụ huynh còn chia sẻ chuyện này với thái độ hài hước hơn là bực dọc, còn “cô - cậu” cấp II cấp III thì mạnh dạn hẹn hò nhau và... đánh ghen.

Lên đại học, số trẻ đã có bạn tình đủ mọi cấp độ, “góp gạo nấu ăn chung” không phải chuyện hiếm. Cho đến khi trưởng thành, dù bị thúc ép bởi nhu cầu việc làm, lập thân thì điều đó cũng không gây cản trở đến nhu cầu tìm kiếm tình yêu của phần lớn các bạn trẻ.

Chúng tôi thừa nhận mình có hoang mang cực độ trước các bi kịch hôn nhân trong thực tế đời thường nhưng có lẽ do nội tiết tố tuổi trẻ làm việc hăng quá (lại đổ thừa) nên chúng tôi vẫn dễ bị lung lạc trước sức hấp dẫn của đối tượng.

Tuy nhiên tình yêu và hôn nhân bây giờ đã khác ngày trước, có lẽ chúng ta nên xem tình trạng lười yêu, chậm kết hôn của giới trẻ hiện nay không hoàn toàn là tiêu cực, một phần nào đó nó đang phản ảnh sự thay đổi nhận thức của giới trẻ đối với việc yêu đương và kết hôn, họ dần nhận ra họ cần yêu và kết hôn với một con người cụ thể với mọi mặt tốt xấu của người đó chứ không phải là một hình mẫu chung chung hay một chủ nghĩa hôn nhân nào đó.

Nó buộc họ phải cân nhắc nhiều hơn khi quyết định gắn bó với một người sẽ đồng hành cùng họ trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta cần giúp họ mạnh dạn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu, phân tích cho họ thấy những thử thách tất yếu của quan hệ vợ chồng, chuẩn bị cho họ kỹ năng giải quyết các rắc rối phát sinh của đời sống hôn nhân.

Không nên sợ nhân loại bị diệt vong vì lớp trẻ không chịu lập gia đình, hãy hướng dẫn họ cách làm thế nào để nhận diện được một nửa của mình trong cuộc sống lứa đôi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận