"Thập niên 1990 là những năm xấu hổ"

DUY VĂN (TRÍCH DỊCH) 31/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Trưởng nhóm nhạc rock Va Bank nổi tiếng ở Nga, Alexander Felixovich Sklyar, từng là một nhà ngoại giao Nga ở CHDCND Triều Tiên. Năm 1985, ông đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để lập nhóm nhạc rock đình đám và từ đó đến nay vẫn trung thành với đam mê này. Tờ Luận Chứng Và Sự Kiện đã phỏng vấn nhân vật đặc biệt này trong dòng kỷ niệm 25 năm chính biến Nga.

Sasha (tên thân mật của Sklyar), hãy cho biết khi nào anh nghĩ ra tên gọi nhóm nhạc Va Bank, nó có ý nghĩa gì?

Từ năm 1980 đến 1985 tôi là một nhà ngoại giao ở CHDCND Triều Tiên. Vị trí mà tôi giữ trước khi nghỉ việc là tùy viên của Cục Viễn đông đầu tiên của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Tôi đã vĩnh viễn quyết định từ bỏ công việc ngoại giao. Lẽ tự nhiên, việc bỏ đi chơi nhạc được xem như một kiểu va - bank, đốt cháy hết tất cả các chiếc cầu, không còn đường quay lại.

Sự nghiệp ngoại giao tẻ nhạt đến vậy sao?

Công việc của tôi với tư cách nhà ngoại giao rơi đúng vào giai đoạn lụi tàn của Liên Xô. Các tổng lãnh sự của chúng tôi lần lượt qua đời. Và có cảm giác trì trệ quá mức trong tất cả các lĩnh vực... Vì thế mà công việc của nhà ngoại giao khi đó hoàn toàn chẳng lãng mạn gì.

Nhưng mặt khác đó là một công việc ổn định, tạo điều kiện du lịch ra nước ngoài. Mà vào năm 1985 anh cũng chỉ mới 27 tuổi và chưa thể tưởng tượng đam mê âm nhạc sẽ đưa mình về đâu.

Không nghi ngờ gì, tôi cũng không thể hình dung nó sẽ đi về đâu. Những năm đầu tồn tại của nhóm nhạc rất nặng nề. Chúng tôi chẳng có đồng thu nhập nào, mà tôi còn phải nuôi gia đình, năm 1986 chúng tôi sinh con trai. Phải qua rất nhiều thời gian chúng tôi mới kiếm được đồng tiền đầu tiên bằng các buổi diễn. Nhưng chúng tôi rất nhiệt thành. Và khi còn trẻ, chuyện thu nhập ổn định cũng không quá gay gắt.

Alexander Felixovich Sklyar
Alexander Felixovich Sklyar

Nhưng rồi anh đã sống sót thế nào?

Tôi làm quyền giám đốc nghệ thuật tại Cung văn hóa Kurchatov với một mức lương khiêm tốn - 100 rúp (hay ít hơn một chút). Công việc của tôi là theo dõi và ghi chép hoạt động của các nhóm nghệ thuật. Nhưng mặt khác, đầu tiên, tôi có được phòng làm việc riêng với điện thoại giúp tôi liên lạc với thế giới bên ngoài. Và thứ hai, nó tạo điều kiện để tôi gần như suốt ngày ngồi ở cung Kurchatov. Và khi các nhóm kết thúc sinh hoạt, chúng tôi có thể tập luyện ở đó. Ở hội trường nhỏ của cung khi đó không chỉ có nhóm chúng tôi, mà còn “Lữ đoàn C” của Garik Sukhachyov, nhóm “Bravo”, nhóm “Giờ yên tĩnh”, nhóm “Trung tâm” của Vasili Sumov.

Từ thành viên đầu tiên của Va Bank, đến nay hầu như không còn ai, ngoài anh. 30 năm đã trôi qua, liệu anh có thể nói: “Nhóm Va Bank - đó là tôi”?

Đâu phải vậy. Vâng, người duy nhất còn sống trong các thành viên ban đầu của nhóm chỉ còn tôi. Nhưng từ một thời điểm xác định, chúng tôi đã cảm thấy mình tư duy như một nhóm. Đó không đơn giản là những nghệ sĩ cao cấp có thể chơi cùng tôi và hoàn thành những nhiệm vụ sáng tạo khác nhau. Mà chúng tôi là những người cùng tồn tại khi cùng nhau suy nghĩ. Và khi chúng tôi cùng sáng tác bài hát thì trong nhóm chúng tôi có cùng một tiếng nói và cái nhìn chung.

Theo anh thì nhóm anh đã hoạt động bình thường và quan trọng là tất cả thành viên của nhóm đều có chung cái nhìn chính trị? Trong các nhóm “Cỗ máy thời gian” và “Chủ nhật”, người ta nhận ra có sự phân cực trong cái nhìn về những gì đang diễn ra hiện nay ở Ukraine. Andrey Sapunov (của “Chủ nhật”) và Andrei Makarevich đã từ chối lưu diễn ở Crimea, cho rằng nó bị chiếm đóng.

Tôi giao tiếp (với một số người tôi khá thân thiện) với gần như hầu hết các nhạc sĩ thế hệ của mình và biết rất nhiều nhóm phân cực về chính trị. Tôi nghĩ rằng điều đó tốt cho nhóm. Nhóm chỉ nên thống nhất trong những vấn đề nguyên tắc, cơ bản. Những cái nhìn khác nhau nói chung có thể dẫn nhóm đến tan rã. Nhưng từ phía khác, tôi đi tới kết luận rằng thường thành viên các tập thể sống lâu đến một lúc nào đó sẽ không còn là bạn bè gần gũi. Tôi đã đọc tiểu sử Một cuộc đời của tay ghita The Rolling Stones Keith Richards. Ông ta cùng với Mick Jagger là bạn từ thuở nhỏ. Nhưng trong quyển sách có một số chỗ Keith chế giễu bạn vì cho rằng Mick tự tán dương. Đọc xong quyển sách, tôi hiểu tại sao họ có thể cùng nhau sáng tác nhạc nhưng lại sống trong những phòng thay đồ khác nhau và không bao giờ trò chuyện với nhau ngoài sân khấu.

Vì quan điểm chính trị của Makarevich mà hiện nay các buổi diễn của nhóm “Cỗ máy thời gian” còn rất ít, những bài hát mới của nó, nếu có, cũng không xuất sắc, mà chỉ là những câu trả lời nào đó cho các đối thủ chính trị...

Andrei là một người trưởng thành độc lập. Và dĩ nhiên anh ấy có quyền có ý kiến riêng của mình. Quan trọng hơn là anh ấy có dũng khí nói lên điều đó. Điều mà đa số đồng nghiệp của chúng tôi không dám làm.

Anh có đồng tình với quan điểm của anh ấy không?

Không. Nhưng tôi sẽ không tránh né cuộc nói chuyện với Makarevich về đề tài Crimea và Ukraine. Sẽ thú vị nếu thảo luận đề tài này với anh ấy, nhưng bằng cách là không ai nghe và ghi chép lại cuộc nói chuyện này. Nhưng đến nay tôi chưa được tạo điều kiện này.

Tranh: Salvador Dali
Tranh: Salvador Dali

Trong album Diều hâu mới của nhóm Va Bank có bài hát Hàng triệu, trong đó anh hát về “chiến tranh đã tới ngay ngưỡng cửa”. Anh nói về cuộc chiến tranh nào?

Bài hát này tôi viết từ hai năm trước và dĩ nhiên, nó là phản ứng trước những sự kiện ở Novorossiya. Mặc dù tôi không bao giờ muốn trở thành một diễn đàn ngắn hạn, mà luôn khao khát đưa ra một số khái quát nào đó. Salvador Dali có tác phẩm Linh cảm nội chiến. Nếu xem tranh mà không biết tên tác phẩm, anh cũng sẽ cảm nhận được một điều gì đó lo âu, không tự nhiên và đáng sợ. Và khi đó tôi đã cảm nhận rõ trạng thái này. Trạng thái bối rối trong tất cả chúng ta: ở đây và ở Ukraine. Cảm nhận “chiến tranh ngay ngưỡng cửa” vẫn còn đó.

Chúng ta đang sống trong một thời đại rất không bình yên. Trong tiên cảm những thảm họa nghiêm trọng nào đó sắp diễn ra. Và đó không chỉ là chiến sự ở Donbass. Nó còn là về xung đột ở Nagornyi Karabakh. Và cả những gì đang diễn ra ở Syria. Thêm nữa, câu “chiến tranh ngay ngưỡng cửa” tôi đọc được từ quyển sách mới xuất bản gần đây ở Nga của nhà báo Mỹ Hunter S. Thompson Giết chúng ta. Ông ta tiếp cận một cách cực đoan tất cả các vấn đề, kể cả mạng sống của mình (tự sát bằng súng năm 67 tuổi), cả những vấn đề chính trị.

Còn một bài hát nữa trong album Va Bank mà tôi nhớ là Thây thịt, trong đó tôi bắt gặp nỗi đau vì sự tan rã Liên Xô và hậu quả của việc sụp đổ đế chế Xô viết.

Cuối thập niên 1980 và cả thập niên 1990, từ một phía, đó là tuổi trẻ của tôi. Chúng tôi thấm nhuần tinh thần tự do. Rock’n’roll. Nhưng giờ nhìn lại quá khứ, tôi thấy đó là thời đáng xấu hổ cho đất nước chúng ta. Dĩ nhiên Liên Xô cần cải cách. Nhưng không phải theo cái cách thiếu cân nhắc mà một con người ít học như Gorbachev với cái tôi vũ trụ của mình khởi sự.

Ông ta nắm một đất nước mà không biết phải làm gì với nó, để cuối cùng làm sụp đổ một đất nước vĩ đại. Sau những chuyện đó, tôi nhìn ông ta như thế nào? Dĩ nhiên như một kẻ phản bội. Ông ta thậm chí còn không ăn năn trước nhân dân mà ông ta đã biến thành những kẻ bần cùng. Bất tài, đó là từ nhẹ nhàng nhất mà tôi có thể nói về ông ta. Không thấy cảnh ngày nay đất nước phải cùng nhau tự thu thập lại từng mảnh một chỉ có thể là những kẻ quá thành kiến. Vâng, đất nước với quá nhiều sai lầm và mất mát.

Vâng, đất nước với nạn tham nhũng quái vật và vô số luật lệ khó hiểu. Nhưng không thể không nhận ra một vectơ rõ ràng của sự hồi sinh. Tôi cố thể hiện lại chính cảm giác này trong bài hát của mình. Nhưng dẫu sao nó cũng chỉ là một bài hát, chứ không phải một truyện ngắn 25 trang, tôi buộc phải phản chiếu trong đó những khoảnh khắc then chốt. Không biết nghe nó thế nào. Hãy để thính giả phán xét.

Tôi có cảm tưởng là không có nhiều các tay rock’n’roll nhìn lại quá khứ của mình và truyền đạt lại những cảm xúc, chứ không đơn giản chỉ là chê bai và tung ra khẩu hiệu. Như một nhân vật của Kurt Vonnegut, Kilgore Trout đã nói: “Ít nhất tôi đã cố gắng” và tôi cũng vậy, ít nhất tôi cũng đã cố gắng.

25 năm sau chính biến: một nước Nga vẫn còn bối rối...

Những ngày tháng 8-2016 này, người Nga đang kỷ niệm 25 năm cuộc chính biến (từ ngày 19 đến 21-8-1991), khi Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp thất bại trong mưu toan giành chính quyền của tổng thống Boris Yeltsin. Quỹ Dư luận xã hội Nga đã tổ chức thăm dò 1.500 người Nga sống ở 53 khu vực để tìm hiểu cái nhìn của họ về sự kiện được cho là “đặt dấu chấm hết thật sự cho Liên bang Xô viết” này.

Thăm dò cho thấy số người Nga không ủng hộ Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp tăng theo thời gian. Nếu năm 2001 có 20% người được hỏi cho rằng nếu ủy ban này thành công, tình hình nước Nga sẽ tốt hơn thì đến năm 2016 chỉ còn 17%; trong khi số người khó trả lời tăng từ 49% của năm 2001 lên 56% của năm nay.

Các chuyên gia chỉ ra nghịch lý: việc số người chống ủy ban trên tăng theo thời gian đang đi ngược lại xu hướng tư tưởng phổ biến hiện nay ở Liên bang Nga. Vì thăm dò của Trung tâm Levada hồi tháng 4-2016 nói 56% người Nga được hỏi đã tiếc rẻ về việc để Liên Xô tan rã. Bởi chiến thắng của chính biến năm 1991, nếu ủy ban này giành được, chính là cơ hội cuối cùng của Liên Xô.

Theo chuyên gia Leonti Byzov của Viện xã hội học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, thái độ tiêu cực của người Nga đối với Ủy ban tình trạng khẩn cấp là do sự kiện này đang lùi sâu vào ký ức lịch sử, nhiều người Nga trẻ đã không còn biết ủy ban này là ai, trong khi những người Nga lớn tuổi đã dần quá vãng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận