Tôi đã mù tịt về giới tính

MAI THẢO AN 13/10/2016 02:10 GMT+7

TTCT - Tôi đã có một tuổi thơ mù tịt về giới tính và nỗi ám ảnh đến muốn tự vẫn khi bị người ta sờ vào “chỗ ấy”. Tất cả là vì mẹ tôi đã muốn tôi lớn lên phải là một cô gái ngây thơ.

 


Thơ ngây có phải là tốt?

Mẹ tôi, do thừa hưởng nền giáo dục của trường dòng, là người sống khá đơn sơ và khắt khe trong chuyện giới tính. Mẹ sinh ra chúng tôi, dạy dỗ rất tử tế. Tuy nhiên, mẹ cũng muốn chúng tôi phải thật thơ ngây, trong sáng và tránh xa vấn đề giới tính, tình dục nhiều chừng nào tốt chừng đó.

Từ nhỏ, tôi là một cô bé ăn mặc giản dị, tóc cắt đúng một kiểu ngang ngắn trên vai, áo quần chỉ luôn là áo trắng, quần âu. Trong đầu tôi luôn có một lối suy nghĩ kiểu như: sơn móng tay, uốn tóc chỉ dành cho những người ăn chơi, hư hỏng.

Tôi lớn lên trong cảnh đói sách báo vì ở nông thôn, nhà lại khó khăn. Là một cô bé mê đọc sách từ nhỏ, thế nên hễ trong nhà có sách báo là tôi đọc ngấu nghiến. Nhưng thời ấy, mẹ chỉ cho đọc mỗi Khăn Quàng Đỏ, những cuốn như Kiến Thức Ngày Nay được liệt vào “sách người lớn”, mẹ cấm đọc. Nhưng thực tế thì dù mẹ có cấm, có giấu, tôi vẫn “moi” ra để đọc tất tần tật những gì được viết trong đó.

Lên cấp II, tôi vẫn là một cô bé ngây thơ nhưng nỗi tò mò về giới tính cũng lớn dần. Dù vậy, tôi không thể hỏi ai hay có phương tiện nào để tìm hiểu. Tôi nhớ có lần, năm tôi 13 tuổi, khi cha mẹ đi làm, chị và em gái đi học, tôi ở nhà một mình. Một ông lão ăn xin vào nhà xin ăn.

Nhưng khi ấy nhà không còn một hạt gạo, tôi thật thà nói: “Ông ơi, nhà con chẳng còn gì để cho ông, hôm khác ông đến vậy!”. Lão ăn xin ấy có lẽ trông thấy vẻ mặt thơ ngây thật thà của tôi bèn cười nham nhở. Lão vừa cười vừa lấy tay chạm vào “chỗ ấy” của tôi rồi lão quay đi.

Tôi cảm thấy xấu hổ, thẹn đến mức bật khóc. Nhưng tôi đã không dám nói với mẹ vì trong đầu cứ nghĩ: “Chuyện này thật là rất gớm, nói với mẹ thế nào cũng không được thông cảm”. Ơn Chúa, may mà lão già ấy chỉ dừng lại ở mức “quấy rối” và lão cũng không quay lại nhà tôi nữa, không thì...

Năm tôi 14 tuổi, lần nọ, anh hàng xóm lớn hơn tôi bốn tuổi sang chơi. Anh nói với tôi câu: “Anh yêu em”. Và sau câu nói ấy, tôi thấy “ghê” đến mức bỏ ăn hai ngày. Sau này, suốt năm năm tôi không bao giờ đặt chân sang nhà anh dù hai nhà rất thân nhau.

Lên cấp III, tôi là một cô bé phổng phao, xinh xắn, cùng với nét ngây ngô hiện lên trên khuôn mặt, tôi luôn là đối tượng bị đàn ông “quấy rối”. Những lần ấy, tôi đều lặng lẽ chịu đựng, lặng lẽ xin Chúa tha tội, lặng lẽ vượt qua sự tổn thương trong lòng mình.

Tôi đã lớn lên trong nỗi vật vã giữa sự thơ ngây và những lần bị quấy rối. Không ai chỉ cho tôi phải đối phó và nhìn nhận vấn đề đó như thế nào. Sau này khi trưởng thành, tôi mới hiểu ra như thế là “bị quấy rối”, tôi rùng mình, may mắn là mình không bị kẻ xấu xâm hại.

Và bước lơ ngơ đi vào đời

Tất nhiên là với tôi khi trưởng thành, chuyện tình dục trước hôn nhân là điều không thể. Nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không nhịn được cười vì mình ngày ấy “rất ngu”. 20 tuổi, là sinh viên đại học, mỗi ngày tôi vẫn lo canh cánh vì “sợ có bầu” sau mỗi lần đi xe buýt.

Tôi khi ấy đã từng nghĩ: nếu như mình ngồi vào chỗ đàn ông con trai vừa ngồi vào, có khi mình sẽ “bị có bầu”. Ra trường, đi làm, có bạn trai, tôi bắt đầu hiểu hơn về chuyện giới tính, nhưng tôi vẫn giữ một quan niệm rất khắt khe về chuyện tình dục.

Dường như những chuẩn mực mà tôi giữ từ khi còn nhỏ, những quan niệm về tình dục - giới tính của tôi vẫn “không kịp lớn” với cuộc đời. Dù đã cố gắng thay đổi, cởi mở, học hỏi, dù đã cố gắng “diễn” xuất sắc trên giường, tôi vẫn thấy mình rất “lơ ngơ” trước sự thật trần trụi của đời sống.

Thế nên, với tôi, thật khó chấp nhận khi bị người đàn ông của mình phản bội. Dù đó là lỗi của người ta, tôi đã từng ghê tởm đến mức nuôi ý định tự vẫn. Cái “sạch sẽ” trong tâm hồn tôi dường như không thắng nổi sự thật về giới, về những giá trị đạo đức đang ngày dần mai một.

Cho đến bây giờ, khi đã tường tận về chuyện tình dục, biết tận hưởng niềm vui trong đời sống vợ chồng và cả việc chấp nhận “sống chung với lũ”, tôi vẫn là một cánh chim lạc loài. Đâu đó trong tâm hồn tôi là một sự tổn thương không gì chữa lành được.

Vì giữa cái tôi được dạy với thực tế đời sống là một khoảng cách như giữa thiên đàng và địa ngục. Tôi ước gì mẹ đã dạy cho tôi hiểu về giới tính từ nhỏ. Và tôi cũng ước gì mẹ dạy cho tôi hiểu một chút về “đời sống tình dục của đàn ông”, hẳn tôi đã chuẩn bị tâm lý để không phải vật lộn cả một thời gian dài vì sốc, vì tổn thương.

Và phải chăng, những gì thuộc về bản năng chúng ta không thay đổi được, vậy hãy học cách am hiểu và “sống tốt” với nó. Tôi 32 tuổi và sẽ là một người mẹ khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận