Đừng để trẻ im lặng trong nơm nớp lo sợ

DIỆU NGUYỄN THỰC HIỆN 17/11/2016 01:11 GMT+7

TTCT - Giáo dục giới tính được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây bởi các vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện nhiều trên mặt báo. Các trường đặt hàng các chuyên gia “nói những điều khó nói” đến với học sinh của mình nhiều hơn. Một khuynh hướng tốt, nhưng một số chuyên gia e rằng: coi chừng lại bệnh hình thức.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, người gắn bó rất nhiều những chương trình nói chuyện giới tính cho các trường học, chia sẻ rằng những ngày đầu cùng nhà trường đưa chủ đề giáo dục giới tính tới học sinh, chị thường xuyên nhận những câu hỏi rất e dè, ngại ngùng như tuổi nào mới nói về giới tính, tiểu học tiếp cận đề tài này có quá sớm không, có nên tách nam sinh riêng với nữ sinh để chia sẻ không, lúc chia sẻ nên ở ngoài sân trường sinh hoạt chung hay trong phòng riêng...

Nhà trường cho rằng đây là câu chuyện thầm kín, riêng tư, khó trình bày mạch lạc...

“Còn những đứa trẻ hồn nhiên, khi các em đặt ra những câu hỏi: “Lạm dụng tình dục là gì?”, “Tình dục là gì?”, “Yêu râu xanh là ai?”... chúng tôi hiểu rằng người lớn đã giải thích không kỹ hoặc cố tình mập mờ, càng làm khó các em.

Cha mẹ nói chuyện giới tính với các em không hề dễ vì không biết nên nói đến mức độ nào thì phù hợp vì sợ tuổi các em còn nhỏ...

- Trong gia đình, các bé gái ngay từ lúc nhỏ đã được dạy dỗ và dọa dẫm bằng nỗi sợ hãi, không được trang bị kiến thức. Và thậm chí phụ huynh không phân biệt được đâu là dạy, đâu là dọa, phải dọa để con sợ mà tránh.

Phân tích cho phụ huynh rằng nói quá nhiều về các rủi ro sẽ làm các con ám ảnh, sợ hãi... còn dạy là nói về kiến thức để con hiểu và nhận diện vấn đề, đưa ra cách giải quyết, cho con cảm giác an tâm và tự tin khi xảy ra chuyện. “Con ra đường phải đi bên phải” sẽ khác hoàn toàn với “Ra đường bên trái xe đâm chết mà còn không được đền”.

Nhưng rõ ràng là truyền đạt không khéo sẽ làm vẩn đục tuổi thơ của các em?

- Vì tâm lý e ngại của nhà trường nên thông thường các buổi chia sẻ giới tính ở cấp tiểu học chỉ chọn các em khối lớp 4 và 5. Nhưng thực tế, một đứa trẻ khi bắt đầu biết nói (khoảng 2-3 tuổi) đã có nhận thức, so sánh, bắt chước và mặc định giới tính của mình.

Ngay lúc còn rất nhỏ này, gia đình là nền tảng giáo dục giới tính quan trọng nhất, kiến thức giới tính như cơm ăn, áo mặc được truyền tải từng ngày để ngấm dần. Tôi khẳng định rằng giới tính là chuyện hết sức bình thường, đây là kiến thức khoa học, không thể làm tuổi thơ các em xấu đi.

Vậy qua kinh nghiệm của chị, với các em tuổi cấp tiểu học, trung học có biện pháp nào giúp giảm thiểu xâm hại tình dục?

- Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có thể là nạn nhân, không chỉ trong nhà trường mà ngay cả người thân, hàng xóm... không chỉ bé gái mà cả bé trai cũng là nạn nhân. Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ, câu chuyện giáo dục phải có từ đầu.

Trước hết cha mẹ và nhà trường cần trang bị kiến thức giới tính cho chính mình, tác hại của việc bị xâm hại tình dục ra sao và trao cho con ít nhất bốn kỹ năng:

- Hiểu: giúp con hiểu rằng câu chuyện giới tính không có gì là xấu xa, không có gì đáng xấu hổ... Đây là môn học cần thiết không thể thiếu.

- Sẵn sàng: khi con hiểu được giá trị vấn đề, con sẽ sẵn sàng học hỏi, chia sẻ kiến thức và sự hiểu biết sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn.

- Nhận biết: với những kiến thức đã được trang bị, các em dễ dàng nhận biết hành vi xâm hại mình. Có thể cảm xúc người khác trẻ khó nhận diện nhưng cảm xúc của bản thân mình và thái độ người khác các em sẽ rõ ràng hơn.

- Tìm sự hỗ trợ: cuối cùng các em biết mình nên tìm đến ai nhờ hỗ trợ sớm hơn.

Người lớn cần lưu ý với con em mình, việc tìm người hỗ trợ không chỉ bảo vệ chính bản thân mình mà còn giúp người khác không phạm tội. Chỉ từ những hành vi ban đầu kịp thời được can thiệp và ngăn chặn sẽ cứu được cuộc đời của cả hai.

Bởi đôi khi những hành vi bộc phát do cảm xúc chứ không phải là một yêu râu xanh chuyên nghiệp, có chủ đích mà là được tạo điều kiện để trỗi dậy “thú tính”.

Bên cạnh đó, việc nói chuyện giới tính với con phải kèm theo hành vi ứng xử tế nhị của cha mẹ. Trẻ vô tình làm chuyện “người lớn” do tò mò không biết cha mẹ làm gì khi ngủ cha mẹ con cái ngủ chung.

Có trường hợp bé trai 14 tuổi bị tiểu nhắc ban đêm, khiến cả hai mẹ con không thể nào ngủ được. Người mẹ đưa con đi chữa trị khắp nơi, uống nhiều thuốc từ tiết niệu đến các khoa khác mà mẹ nghi ngờ con mắc bệnh. Đến khi được hỗ trợ tâm lý mới biết nguyên nhân do cha mẹ ly dị, mẹ cô đơn nên ngủ cùng con và vẫn cứ nghĩ con còn bé như ngày nào.

Mẹ không hiểu được rằng con không thể kiểm soát được hóc môn giới tính của mình khi có hơi phụ nữ, khi con xốn xang phải ra vào nhà vệ sinh liên tục dù không thể nào tiểu ra được. Nếu đi sâu vấn đề hơn, những ức chế tâm lý tình dục rất dễ khiến những đứa trẻ trở thành người xâm hại người khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận