Đàn ông nấu cơm, chăm con: Còn ngạc nhiên, còn bất bình đẳng

LAN HƯƠNG 15/02/2017 23:02 GMT+7

TTCT - Dường như xã hội hiện đại đang đem lại nhiều quyền hơn cho người phụ nữ. Phụ nữ trẻ sẽ thành công hơn đàn ông trong sự nghiệp? Và điều đó dẫn đến thực tế đàn ông nên ở nhà giữ con?

Cùng nhau trên con đường học vấn, phát triển bản thân và bây giờ là một gia đình nhỏ đầy hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc của tiến sĩ Vũ Quốc Hoàng - Nguyễn Anh Thư đón bé Tường Nghi tan học - Ảnh: Quang Định
Một gia đình nhỏ hạnh phúc khi cả hai vợ chồng cùng chung tay chăm sóc con cái - Ảnh: Quang Định


Gánh nặng tài chính: yếu tố quyết định

Hình ảnh người đàn ông là trụ cột của gia đình, người kiếm cơm đã thay đổi theo thời gian. Những người bố mạnh mẽ như gấu nay bắt đầu một ngày của mình bằng việc thay tã cho con là hình ảnh có thể khiến ta không khỏi ngậm ngùi.

Cảm hứng từ sự biến đổi trong vai trò trụ cột gia đình giữa đàn ông và phụ nữ, năm 2012, GS Brad Harrington và các cộng sự thuộc Boston College đã tiến hành nghiên cứu có tên “The New Dad: Right at Home” (Hình ảnh người cha mới: người của gia đình).

Nghiên cứu của Harrington tiến hành phỏng vấn sâu với 31 người đàn ông đã ở nhà nội trợ từ 6 tháng trở lên, độ tuổi trung bình là 39 tuổi, thuộc 13 bang khác nhau của nước Mỹ.

Trong nghiên cứu của Harrington, lý do khiến cánh đàn ông chấp nhận ở nhà, ngoài lịch sử gia đình, thì chính yếu vẫn là thu nhập. Dễ hiểu khi chúng ta đang sống ở thời kinh tế thị trường can thiệp vào mọi quyết định.

Cân nhắc giữa chi phí giữ trẻ và thu nhập của vợ hoặc chồng thì người có thu nhập thấp hơn sẽ chọn ở nhà. Paul, một ông bố trong nghiên cứu, cho biết “bởi vì vợ tôi có thể đảm bảo chi tiêu cho cả nhà khi một mình cô ấy đi làm, còn tôi thì không thể, nên tôi ở nhà chăm con”.

Hoặc một gia đình có vợ là bác sĩ, trước khi quyết định có con đã nghiêm túc đánh giá các yếu tố, để cuối cùng anh chồng trở thành một đáp viên trong nghiên cứu vài năm sau đó.

Mặc dù nghiên cứu được tiến hành ở phương Tây, nơi suy nghĩ xã hội có vẻ như khá cởi mở, nhưng những trải nghiệm của đáp viên phơi bày khía cạnh khác của xã hội. Phản ứng nhiều nhất đến từ các thành viên khác trong gia đình. Hầu hết là lo lắng về vấn đề tài chính.

Với những người lớn tuổi đã trải qua các mẫu hình gia đình truyền thống, thật khó chấp nhận chuyện con trai mình ở nhà để vợ nuôi.

Với bạn bè và người quen, dù không nói thẳng nhưng những người tham gia phỏng vấn đều cảm thấy áp lực với những lời xì xầm sau lưng. “Họ không nói thẳng vào mặt đâu, nhưng trong mắt họ, thật sự đang hiện hữu một thằng vô công rồi nghề, một thứ bỏ đi, bám váy vợ” (Corey).

Trong suy nghĩ của những người tham gia nghiên cứu của Harrington, làm nội trợ cũng đồng nghĩa với đánh mất các mối quan hệ xã hội và giao tiếp của những người trưởng thành.

Đi cùng nó là áp lực khi phải đương đầu với những cảm xúc mới, trong môi trường mới, với đối tượng là những đứa trẻ đang khóc ngặt nghẽo và công việc tại bất cứ góc nào của ngôi nhà.

Mặc dù ở nhà có thể đem lại sự an tâm trong chuyện chăm sóc con cái và quán xuyến nhà cửa, nhưng phiền toái của nó lại đến nhiều từ việc quay trở lại thị trường lao động sau này.

Nội trợ giống như một thời điểm của công việc. Tuy nhiên, bạn không thể đem các kinh nghiệm trong quản lý gia đình để viết vào hồ sơ xin việc. Điều này đồng nghĩa cơ hội đi làm của bạn tỉ lệ nghịch với thời gian bạn ở nhà.

Dù chưa có nghiên cứu sâu, nhưng chính cảm giác bị cô lập trong những mối quan hệ giới hạn khiến những suy nghĩ yếm thế nảy sinh. Những ông - nội - trợ không chắc chắn về công việc tương lai.

“Lựa chọn chăm sóc gia đình, tôi đã đánh mất sự nghiệp. Đánh mất cả năng lực độc lập của mình” (Anthony), hoặc “đôi khi tôi cảm thấy mình nhu nhược, nhất là khi không đụng đến chuyện tiền bạc. Vợ tôi cười phá lên, hỏi anh có đủ tiền không? Tôi bảo không, cho anh ít tiền để thay bình gas” (Elis).

Dường như xã hội hiện đại đang đem lại nhiều quyền hơn cho người phụ nữ - Ảnh tư liệu

 

Thay đổi cách nào?

Câu chuyện của những ông nội trợ ở Mỹ trong nghiên cứu của Boston College gợi mở nhiều khía cạnh áp lực của người ở nhà, nhất là khi người đó là đàn ông. Phân tích dữ liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau data), Tổ chức Pew Research Center cho thấy số lượng ông bố ở nhà với con đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1989. Từ 1,1 triệu người đã tăng lên 2 triệu người trong năm 2012.

Cũng từ bảng dữ liệu này, năm 1989 chỉ có 5% đàn ông khẳng định lý do họ không đi làm vì ở nhà chăm con thì đến năm 2012, tỉ lệ này đã là 21% (1). Dường như dù muốn dù không thì xu hướng những ông bố lo việc nội trợ cũng đang khá phổ biến.

Mặc dù vậy, chính khi xã hội có sự nhìn nhận lại về vai trò nội trợ của đàn ông thì các góc độ bất bình đẳng bắt đầu lộ rõ. Những chia sẻ trong nghiên cứu sâu của Boston College phần nào minh chứng cho góc độ trên.

Sự ngạc nhiên, phẫn nộ, ghẻ lạnh của người đối diện phản ánh tâm thế của xã hội trước một hiện tượng khác thường.

Khác thường bởi họ luôn tâm niệm việc nội trợ là việc của đàn bà. Cần một người chăm con, người hi sinh phải là phụ nữ. Cần một người dọn dẹp nhà cửa, người thích hợp không phải là đàn ông. Tư tưởng này ăn sâu từ Đông sang Tây.

Thống kê của Úc cho thấy tỉ lệ ông nội trợ chiếm khoảng 3% (2). Còn tại Nhật Bản, tư tưởng đàn ông đi làm, phụ nữ ở nhà nội trợ vẫn còn ở mức 44,6%.

Mỗi người đàn ông trong nghiên cứu của Boston là mỗi câu chuyện về sự phân biệt đối xử với vị thế của ông nội trợ trong xã hội. Tuy nhiên, nếu những câu chuyện trong nghiên cứu Boston không phải là đàn ông, mà là những người phụ nữ quanh chúng ta, liệu phản ứng của xã hội sẽ là gì? Trong nhóm các bà nội trợ có chồng đi làm, 85% trả lời lý do khiến họ không đi làm là chăm lo cho gia đình (3).

So với 2 triệu ông nội trợ thì năm 2012 Mỹ vẫn còn 7,1 triệu bà nội trợ - những người ở nhà trong khi chồng đi làm. Nghiên cứu năm 2013 của Pew Research buộc người trả lời lựa chọn: có mẹ ở nhà hay đi làm thì tốt hơn cho trẻ? 51% người tham gia cho rằng mẹ ở nhà thì tốt hơn, trong khi 34% cho rằng mẹ đi làm thì trẻ vẫn tốt.

Khi câu hỏi này được đặt lại với sự thay đổi đối tượng là người cha thì chỉ có 8% cho rằng hữu ích cho trẻ hơn khi cha ở nhà, trong khi 76% cho rằng bọn trẻ sẽ tốt hơn khi cha đi làm (4).

Những con số của nghiên cứu cho thấy sự thật hiển nhiên rằng xã hội đã dành vai trò nội trợ cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Dường như việc kiếm tiền, bươn chải ngoài xã hội mới xứng với phái mạnh.

Do đó, phản ứng ngạc nhiên của xã hội với các ông nội trợ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, logic của hiểu biết ấy ẩn chứa sự thiếu công bằng trong phân công nhiệm vụ.

Trở lại nghiên cứu của Boston College, một ngày bình thường của các ông nội trợ quay cuồng với việc thay tã cho con, dọn dẹp nhà cửa và mệt lả người vào cuối ngày. Vậy người ta mong đợi điều khác biệt gì ở phụ nữ - những bà nội trợ? Hay phụ nữ là những siêu nhân có thể dễ dàng vượt qua cảm giác kiệt sức vào cuối ngày cũng với chừng đó công việc?

Cho nên, khi chúng ta ngạc nhiên với hình ảnh người đàn ông làm nội trợ là não ta đã mặc định một định kiến phân biệt đối xử rằng việc nhà là của đàn bà. Mất thời gian, sức khỏe, mất cơ hội phát triển, đó là bất bình đẳng của giới nữ.

Vì vậy, có lẽ thay vì ngạc nhiên, thay vì phẫn nộ hoặc gièm pha, xã hội cần những bàn tay ủng hộ người đàn ông làm nội trợ. Còn những người chưa thể thay đổi được vai trò trụ cột gia đình, không hẳn tả khuynh buộc các anh, các ông phải ở trong bếp, nhưng cần một sự trân trọng đối với những công việc bếp núc của các chị, các bà - mà xã hội đang cho là bé mọn.

Bởi lẽ để mang cho hết gánh nặng của các mỹ từ như hi sinh hay thiên chức, người phụ nữ đang phải cố gắng và chịu đựng rất nhiều.

______

(1): www.pewsocialtrends.org/2014/06/05/growing-number-of-dads-home-with-the-kids/

(2): http://stayathomedaddy.com.au/australian-bureau-of-statistics/

(3): www.pewsocialtrends.org/2014/04/08/after-decades-of-decline-a-rise-in-stay-at-home-mothers/

(4): www.pewsocialtrends.org/2014/04/08/chapter-4-public-views-on-staying-at-home-vs-working

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận