Hiếu khách đến chừng nào??

NGUYỄN PHI HÙNG (PHÚ YÊN) 09/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “Vô tửu bất thành lễ”.

Minh họa: Lê Đình QuìNgày nay, không thành văn, người ta coi chuyện lễ tân phải có người đẹp, muốn sang hơn thì chọn người đẹp với học vấn cao. Lòng tham thì khôn cùng, kể cả cái tham cho nhu cầu tinh thần.

“Tâm hồn nghệ sĩ”

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông nọ được đánh giá là một tay “khá hào hoa”, giao du rộng rãi. Nam giáo viên thường ít ngán ngại khi nhận xét (vui chứ chẳng ganh ghét gì đâu) về ông rằng: nhậu số dách, văn thơ lai láng và hay viện dẫn lời cổ nhân, đặc biệt rất thích cánh chị em trẻ đẹp. Riêng cái khoản sau cùng đàn ông ai chả thế nhưng thầy hiệu trưởng hơi lộ liễu chút thôi.

Người có “tâm hồn nghệ sĩ” như sếp (thầy hiệu trưởng khoái được gọi vậy) nên mỗi lần trường lễ lạt, “mấy ông cấp trên” cũng “tâm hồn nghệ sĩ” dạt dào thích về trường vui với sếp.

Dịp khai giảng năm học, một ông vỗ vai sếp bảo: “Chúng tôi ưu tiên về trường ông đấy”. Tôi nghĩ nếu “tâm hồn nghệ sĩ” không gặp nhau giữa sếp và quan trên thì làm gì có chuyện sếp dám lôi kéo mỗi cô giáo dạy văn ngồi cùng một “ông ngoại” sắp hết nhiệm kỳ bên bàn tiệc.

Mấy cô sượng sùng ngồi cứng đờ, “quan trên” đành phải: “Nào, tôi xin rót bia mời cô giáo của tôi”, tưởng vậy là galăng nhưng xem ra khiếm nhã. Những bữa tiệc đó, thầy cô nào không vui thì về trước, ai vui ở lại chơi, “dzô dzô” chúc tụng, không việc gì nghiêm trọng xảy ra.

Ai “giật mình”?

Xầm xì đâu đó trong trường có người ghen với mấy cô giáo được sếp chiếu cố nhưng rồi sân si ấy qua mau vì thấy vô duyên. Có cô hãnh diện được sếp quan tâm nhưng nghĩ lại giật mình, chẳng lẽ sếp coi mình là món hàng đổi chác?

Cô K. chiều sếp một lần, ngồi tiếp vị khách tóc muối nhiều hơn tiêu. Sau tôi để ý sếp năn nỉ mấy lần nữa cô kiên quyết từ chối, huỵch toẹt: “Quan phải xứng đáng bậc phụ mẫu chi dân, không thể chấp nhận được. Kém cỏi mà còn rửng mỡ”.

Cô P. cự tuyệt sau hai lần đi “rót bia”. Sếp nài nỉ, cô trở quạu: “Thầy coi tôi là gì vậy?”. Cô đã chuẩn bị tâm thế: “Nếu hiệu trưởng trù dập tôi thì chưa biết ai thất thủ trước. Hiếu khách cũng phải có chừng chứ”.

Cô V. trẻ trung, độc thân vui vẻ, thường tháp tùng sếp đi công vụ. Cô kể với mọi người chuyện vui, cười giòn: Mấy ổng tức cười lắm, thơ Nguyễn Khuyến bảo của Tú Xương và ngược lại. Thơ Bà Huyện Thanh Quan tưởng nhầm thơ Đoàn Thị Điểm.

Thơ Xuân Diệu gắn cho Nguyễn Bính, thơ Chính Hữu gắn cho Hữu Thỉnh... Đọc thơ thì chắp từ câu cuối lên câu đầu, dễ dãi, sửa những từ đồng nghĩa với nhau. Dẫn lời cổ nhân cứ gắn vào mỗi Khổng Tử...

Chuyển công tác đến chỗ khó khăn là cái đáng sợ nhất với nữ giáo viên, nhưng cách đây không lâu, một nữ giáo viên của trường chuyên tỉnh bị điều chuyển bất hợp lý, cô đã khởi kiện và phần thắng thuộc về cô. Một “án lệ” làm chỗ dựa, tạo sức mạnh công lý cho giáo viên.

May mắn, lớp quan trên có “tâm hồn nghệ sĩ” kia vài năm sau về hưu ráo trọi. “Tâm hồn nghệ sĩ” của sếp giờ đây chẳng đồng điệu với ai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận