Bài học từ "người trong cuộc rượu"

MINH HỢP 18/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Chính sự khéo léo, tinh tế trong tính toán, sự nhẹ nhàng, dịu dàng trong giao tế khiến vai trò của các chị ở những buổi tiếp khách làm sếp hài lòng. Nhưng nhiều người “mang vạ” cũng vì những kỹ năng mềm ấy...

Minh họa: Kiều Hải

Công việc không tên

Chị T., một cán bộ trường văn hóa - nghệ thuật tỉnh, vẫn nghĩ rằng nên có phụ nữ trong cuộc gặp gỡ, liên hoan. Nhân viên nữ có thể đi tiếp khách cùng sếp với suy nghĩ như thực hiện một trách nhiệm, một đầu công việc không tên.

Phần nhiều họ đi để thực hiện một trách nhiệm “rất hậu cần” tại tiệc liên hoan, giao lưu, như thiết kế một thực đơn ngon, kỹ càng, tinh tế, lựa chọn không gian hợp lý, đón chào khách.

Ngoài những người phục vụ, những phụ nữ cũng khéo léo, lịch sự mời khách món ăn, lo luôn cả khâu thanh toán tiền thường đòi hỏi sự tế nhị, kỹ lưỡng. Họ như “người nội trợ” của cơ quan, ý thức với chuyện ngoại giao của tập thể.

Đó là những khả năng mà nhân viên nam ít sánh được. Thông thường, đó là những bữa cơm đúng chất thân mật, lãnh đạo thật sự mong muốn nhân viên nữ của mình quen biết cấp trên, đối tác để thuận lợi trong giao tiếp, phục vụ công việc chung cho cơ quan sau này.

Và những cuộc gọi tối trời

Nhưng chị K., làm việc ở một cơ quan truyền thông cấp tỉnh, khẳng định đã có những cuộc tiếp khách không vì mục đích giao lưu mà vì lợi ích của người lãnh đạo.

Có những bữa tiệc chẳng khác gì một dịp để lãnh đạo thể hiện quyền uy trước các vị khách và khoe khoang nhân viên nữ như “tài sản tinh thần” của đơn vị.

Và không ít cuộc gọi tối trời của lãnh đạo yêu cầu họ đi ra quán “cây dừa”, “cây khế”, rằng “anh đang ngồi với anh A, B, C”, lãnh đạo nơi này, nơi kia. Với chị K., sự yên ổn trong cuộc sống riêng tư khi ấy bị thử thách trước suy nghĩ “thôi thì đi để giữ mặt” cho lãnh đạo.

Song, rất nhiều lần chị phải cáo bận, cáo mệt, thậm chí tắt máy khi đã về nhà. Từng tự hào với bạn bè khi được khen có vẻ bề ngoài thu hút, đậm đà ở tuổi ngoài bốn mươi, nhưng đôi khi chị thấy cám cảnh cho mình vì “cái đẹp trời cho” phiền toái ấy.

Chị V., một cán bộ từng công tác nhiều nơi trong khối cơ quan văn hóa, nghệ thuật tỉnh B, cũng rút ra bài học từ những tháng ngày hăng hái đi “giao lưu” với lãnh đạo.

Khi còn trẻ, ý nghĩ muốn phấn đấu, thành đạt khá lớn, dẫn đến quan niệm nên đi nhiều để quen nhiều, được người khác biết đến mình nhiều hơn. Đối tác có tầm quan trọng và có sức ảnh hưởng thật lớn thì càng phải thể hiện hết mình.

Nhưng hồi tưởng lại, chị quả quyết sẽ không làm vậy nếu quay lại thời trẻ trung đơn giản ấy, bởi cái tiếng “đàn bà con gái uống được và nhậu được” lấn át hết những điều tích cực, xông xáo đã làm, những năng lực chuyên môn thực sự sẵn có, thậm chí còn bị gán cho cái nhìn về một “phụ nữ hư”.

Chị đúc kết: tất cả đều là do mình làm, mình gánh chịu, mình cũng nhận thấy những hậu quả đằng sau các cuộc rượu nhưng khi qua rồi thì nghĩ lại cũng muộn.

Những chia sẻ này của ba nữ nhân viên ngành văn hóa, cũng là “người trong cuộc rượu”, cùng đi đến một kết luận: nhân viên nữ phải đủ nhạy cảm và tỉnh táo, thậm chí bản lĩnh để trả lời các câu hỏi: nên hay không nên tham gia cuộc rượu, cuộc tiếp khách dạng nào thì cần có mặt.

Và trách nhiệm của một phụ nữ là gì, giới hạn nào là hợp lý trong cuộc tiếp khách sắp diễn ra ấy. Chỉ khi biết rõ và kiểm soát được sự xuất hiện của mình tại cuộc vui là đóng góp đúng đắn cho một tập thể và xây đắp những mối quan hệ chân thành, người phụ nữ mới không phải dằn vặt hay hối tiếc. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận