“Thôi ta đứng lại nhường đường em qua...” (*)

KIM OANH 29/03/2017 22:03 GMT+7

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná


1.  Trường tôi có thầy H. cực kỳ mô phạm, lúc nào cũng đúng mực “đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ”, chúng tôi chưa bao giờ thấy thầy nóng nảy, lắp bắp hay vội vàng.

Thầy là phó giáo sư uy tín với nhiều công trình nghiên cứu, đồng thời là trưởng một khoa lớn trong trường, thầy vẫn tà tà mà việc nào cũng hoàn thành sớm cả.

Hỏi ra, phương châm đơn giản: Muốn nhanh thì phải từ từ! Mọi việc thầy đủng đỉnh làm từ sớm, tuân thủ kế hoạch tự vạch ra, vì làm thong thả nên bình tĩnh, không sai sót, không phải sửa chữa lại.

Thầy luôn ngủ đúng giờ nên dậy sớm thoải mái, từ tốn pha trà rồi mới đi dạy, vì đi sớm nên chạy xe cẩn thận, không va chạm với ai, chẳng phiền toái bao giờ, do đó thầy H. luôn đến điểm xe đón trước mươi phút điểm báo nhẹ nhàng...

Chiều về đường đông thầy vẫn ung dung chạy xe chậm rãi, nhường hết mọi bon chen giành giật từng centimet đường cho mọi người. Bởi thầy về nhà nghỉ ngơi bên gia đình đầm ấm, chẳng phải tụ tập với ai để chém gió hay âm mưu điều gì, hà tất chi vội vàng.

Tất cả đạt được nhờ thầy được sinh trưởng trong gia đình nho giáo, thầy tiếp tục phát huy tính nghiêm cẩn đó ở nhà riêng của mình, tất cả theo nền nếp.

Đương nhiên các thành viên phải hi sinh thú vui thời đại: không í ới dông dài qua điện thoại, không nhì nhằng trên Facebook, hạn chế la cà quán xá... nên dư dả thời gian cho những việc cần thiết, thoải mái thong dong.

2.  Ngẫm lại, văn hóa lưu thông của chúng ta ngày một kém đi và ai cũng thấy nhiều nguyên nhân khách quan: đường chật, người đông, quán xá ngập vỉa hè khiến người đi bộ phải rơi xuống lòng đường càng thêm chật chội, hàng rong tràn lan bức bối, khói xe ồn ả, nắng bụi mưa ngập... khiến người tham gia giao thông dễ cáu bẳn, sẵn sàng xung đột dù chỉ va quẹt nhẹ.

Người người kêu gào thay đổi, như thể mọi phiền toái ấy hoàn toàn không có lỗi của mình. Tình thế sẽ chẳng thể cải thiện rõ rệt dẫu cho quản lý nhà nước được điều chỉnh hay đến mấy nếu chúng ta chưa chịu thừa nhận có nguyên nhân chủ quan của bản thân.

Ở đây có thể vận dụng nguyên tắc Pareto: Chúng ta thường mất nhiều thời gian và năng lượng (80%) vào những việc vô bổ/ ít hữu ích (chiếm 20% giá trị) nên không đủ tâm sức (20%) vào những việc rất thiết thực khác (chiếm 80% giá trị), dẫn đến hiệu quả kém, phải lật đật vừa vất vả mà chẳng bù đắp được bao nhiêu.

Chẳng hạn, tình hình phổ biến là khuya bạn trẻ dành thời gian lướt web nên ngủ muộn, do đó sáng không thể dậy sớm, đâm ra vội vàng quên trước quên sau mất thêm thời gian tìm kiếm.

Đi đứng hấp tấp dễ gây tai nạn. Vào cơ quan trễ lật đật giải quyết công việc nên dễ sai sót, phải sửa chữa quá mệt càng bực bội. Ra về muộn kẹt xe rất phiền, mà đồng nghiệp điện nhắc liên tục ra quán nhậu/ cà phê/ mua sắm.

Ta cố gắng chen lấn từng chút một để đến kịp nhậu nhiều nhiều/ chém gió được lâu lâu/ ngắm nghía chọn đồ được kỹ kỹ... Tàn cuộc, về khuya ngủ muộn, chu kỳ hấp tấp lặp lại đều đều. Dần dần ta thấy sự vất vả là đương nhiên, như biểu tượng của nhịp sống trẻ ở những thành phố năng động!

Nói “văn hóa cướp đường” thì hơi nặng, song thật sự tính nhường nhịn đã thành khan hiếm mất rồi. Khi mình không đủ thời gian tận hưởng sự chuyển động của đất trời thì có đâu hào phóng tặng chút thời gian cho người khác trong lưu thông.

Khi mình không tập sống chậm thì đâu dễ chấp nhận sự chậm rãi chính đáng của người khác. Khi mình chăm chăm ích kỷ những mục tiêu riêng rất có thể sẽ bất chấp sự yên ổn của cộng đồng... Văn hóa đi lại ngày càng kém đi là vậy.

Trong khi chờ Chính phủ và các đoàn thể xây dựng và thực thi các biện pháp kinh tế, hành chính, tuyên truyền vốn rất nhiêu khê, thì mỗi chúng ta tự điều chỉnh hành vi của mình ắt xã hội sẽ khá lên nhiều.

Nhà tôi thường bảo nhau: ra đường là nhường tất, cứ hát câu: “Thôi ta đứng lại nhường đường em qua”(*) cho lành. Hơn thua gì vài vòng bánh xe trên quãng đời dằng dặc mấy mươi năm của mình. Mỗi người có hành trình riêng cần được hoạch định và chuẩn bị chu đáo, thực hiện mạnh mẽ và dứt khoát sẽ thành công thôi.

Như vận động viên marathon chuyên nghiệp, quan trọng bền bỉ đường dài và biết phân sức đúng thời điểm, chứ nhằm nhò gì mấy bước chân gian lận. Ông xã hay trêu khi tôi chớm hối con nhanh chóng: “... Em không dám đi mau - Sợ chàng chê hấp tấp - Số gian nan không giàu”(**). Quả thật, chắc chẳng ai dễ chịu khi tiếp xúc với kẻ lật đật - hứa hẹn cuộc đời lận đận.

Thế là chịu khó dậy sớm, đưa con đến trường trong lung linh bình minh, ngô nghê tiếng bi bô trẻ thơ cùng líu lo chim sẻ, thong thả chỉ con xem chú sóc thoăn thoắt trên vòm cây, bầy bồ câu lao xao mổ thóc dưới hiên nhà, mỉm cười với những người đồng hành vui tính... Buổi sáng nhẹ nhàng, một ngày dễ chịu, cuộc sống thanh thản...■

(*): Lời bài hát Chuyện ba người - nhạc sĩ Quốc Dũng.

(**): Thơ Em đi chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận