Muốn rẽ trái, làm sao đây?

NGỌC HẠNH 26/04/2017 00:04 GMT+7

TTCT- Tôi là dân ở tỉnh (Bình Dương), thi thoảng có việc đến TP.HCM. Nhưng mỗi lần đi là mỗi lần ngán ngẩm.

Minh họa: Sà Và Ná
Minh họa: Sà Và Ná

 

 Ngoài những nỗi lo thường trực như kẹt xe, khói bụi, ngập nước, tôi còn lo nhất cảnh mỗi khi muốn sang đường hoặc đến giao lộ cần phải rẽ trái...

Học kinh nghiệm người thành phố...

Chia sẻ nỗi niềm này với một người chị bà con sống lâu năm ở thành phố, được chị bày cho “kinh nghiệm”. Chị bảo ở thành phố này muốn sang đường thì phải bình tĩnh và... dũng cảm một chút.

Một khi muốn qua cứ mạnh dạn băng qua, vừa đi vừa giơ tay, người ta thấy mình thì người ta né cho qua! “Đứng chờ cho bớt xe thì chờ đến... nửa đêm mới qua được!” - chị dặn. Còn khi lái xe tới ngã tư muốn rẽ trái, từ xa phải chuyển làn từ từ.

Chờ đèn đỏ thì phải dừng xe sát con lươn, khi thấy đèn vừa chuyển tín hiệu là quẹo liền, phải nhanh hơn xe bên chiều ngược lại, chứ mà không kịp, xe bên kia qua trước là bị “đứng hình” giữa ngã tư, rất nguy hiểm!

Một lần đi xe máy cùng chị, khi gần đến ngã tư thấy chị “chuyển làn” bằng cách chen ngang vào giữa hai ôtô có khoảng cách hẹp vừa đủ chỗ một xe máy mà tôi muốn đứng tim.

Chị bảo phải đi vậy, thấy chỗ trống thì cứ lách để qua chứ mà chần chừ, gây cản trở có khi bị “hốt xác” chứ chẳng chơi! Còn muốn rẽ trái mà đứng chờ ở làn xe máy, chẳng những không rẽ được mà còn rất nguy hiểm, vì đèn xanh là mạnh ai nấy “phang” chứ không có ai nhường cho mà qua...

Và, thực hành...

Học theo “kinh nghiệm” của chị, một lần tôi suýt bị “hốt xác” giữa ngã tư. Lần đó khi đèn tín hiệu vừa chuyển màu, tôi liền cho xe rẽ trái, đến giữa ngã tư bị đụng đầu với một ôtô từ phía chiều ngược lại băng thẳng qua.

Chẳng những không được nhường đường mà tôi còn bị tài xế taxi thò đầu ra chửi: “Chạy xe kiểu gì vậy, bộ muốn chết hả!?”. Khi đã tấp vô lề, hoàn hồn lại rồi tôi ngẫm thấy mình đâu có vi phạm luật, mà anh tài xế taxi kia cũng đâu có vi phạm luật!

Chỉ là tại đèn tín hiệu có mấy mươi giây mà vừa dành cho xe đi thẳng vừa dành cho xe rẽ trái nên đến điểm “giao nhau” xảy ra “xung đột” cũng là điều... dễ hiểu!

Sau lần đó, tôi không dám làm theo “kinh nghiệm” của bà chị lần nào nữa. Mỗi lần đi thành phố, đến ngã tư cần rẽ trái, nhắm thấy không ổn là tôi... chạy thẳng, chờ đến khúc con lươn có lối rẽ quành xe lại.

Bụng cứ bảo dạ: “Thây kệ! Thà đi xa một tí nhưng vậy cho chắc ăn!”.

Một lần trên đường Hùng Vương (Q.5) khi xe hai bên xe dừng đèn đỏ, thấy đường trống tôi liền quành xe rẽ trái ngon ơ qua đường Lý Thường Kiệt, vừa sang đến nơi đã thấy CSGT đón sẵn chĩa gậy ngoắc vào.

Anh CSGT thấy bản mặt “hai lúa” ngơ ngác của tôi, đã hỏi: “Chị biết tại sao bị thổi vào không?”. Tôi tình thiệt bảo thấy không có xe qua lại nên quẹo vậy cho an toàn, chứ không cố tình vi phạm. Nhờ thiệt tình kiểu “hai lúa” nên lần đó tôi chỉ bị nhắc nhở...

Tôi là dân tỉnh, không rành rẽ hết các tuyến đường ở TP.HCM. Nhưng trên những giao lộ đã từng qua, thấy gần như thiếu đèn tín hiệu dành riêng cho phương tiện rẽ trái.

Trong khi một số tuyến đường khá hẹp, rất khó để chia làn dành riêng cho phương tiện dừng đèn đỏ để chờ rẽ trái. Chính những bất cập này khiến cho người đi xe máy buộc phải lấn làn, chạy xen kẽ với ôtô gây nên sự hỗn loạn tại các giao lộ, nhất là vào giờ cao điểm.

Tại Bình Dương, một số giao lộ lớn đều lắp đặt đèn tín hiệu dành riêng cho phương tiện rẽ trái. Rất thuận tiện, nề nếp và trật tự.

Người rẽ trái không hề bị “vướng” bởi người chạy thẳng, nên mỗi khi rẽ trái tâm lý rất thoải mái chứ không phải căng đầu, căng mắt, cân não như khi muốn rẽ trái ở những giao lộ trên các tuyến đường tại TP.HCM.

Góc nhìn của một người dân, khi tham gia giao thông tại TP.HCM, tôi thấy thật bất tiện khi ở những giao lộ lớn, đèn tín hiệu dùng chung cho phương tiện đi thẳng và phương tiện rẽ trái.

Thế cho nên tôi nghĩ cần có thêm đèn tín hiệu dành riêng cho phương tiện rẽ trái tại các giao lộ, nhất là những giao lộ lớn để người dân được yên tâm khi tham gia giao thông. Đó cũng là cách để hạn chế những va chạm không mong muốn có thể xảy ra...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận