Sao cứ phải đạp lên nhau mà đi nhỉ?

LAN HƯƠNG 29/04/2017 01:04 GMT+7

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Có dịp đi Đài Loan, băng ngang nhiều ngã tư đường, những gì tôi thấy là sự nhẫn nại đợi đèn cho người đi bộ bật xanh mới băng ngang.

Thậm chí, ở những đoạn không có đèn giao thông, nhìn cách ôtô chầm chậm đi tới và nhường nhịn người đi bộ mới phát hiện ra giao thông thể hiện trình độ phát triển của một xã hội.

Ứng xử ở không gian công cộng

Chuyến đi của chúng tôi tại Đài Loan chủ yếu di chuyển bằng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm và xe buýt. Hệ thống tàu điện ngầm (MRT) của Đài Loan chính thức hoạt động từ năm 1996. Buổi sáng, dòng người hối hả đổ về các cổng MRT.

Tuy nhiên, không thấy sự chen lấn hay ồn ào. Có cảm giác như mỗi người Đài Loan tôi gặp đều thu mình vào ốc đảo của riêng mình. Chẳng thế mà những người bạn đi cùng sẵn bản tính rôm rả của người Việt đã phải lập tức le lưỡi ái ngại trước cái nhìn nghiêm khắc của những người đi tàu về việc tôn trọng không gian riêng tư.

Dù toa tàu chật cứng người trong giờ cao điểm, nhưng không ai ngồi lên các hàng ghế ưu tiên dành cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người tàn tật. Ai cũng hối hả, tất bật, thế nhưng khi bạn hỏi đường, họ sẵn sàng bỏ lỡ chuyến tàu của mình để hướng dẫn bạn lên đúng chuyến.

Một người bạn của tôi trong quá trình di chuyển qua các cổng kiểm soát đã vô tình quẹt thẻ thanh toán (loại easy card nạp sẵn tiền) quá nhanh, máy không nhận diện kịp mà bạn tôi không biết. Thế là thẻ bị khóa. Khi xuống ga, không thể quẹt thẻ để ra ngoài được.

Để mở được thẻ, buộc phải đến quầy hỗ trợ khai báo và đóng tiền khấu trừ cho hành trình của mình. Mọi chuyện được giải quyết mau chóng, thân thiện. Sau câu chuyện trên, những người bạn tôi đều ngạc nhiên về sự hiện đại và tiện nghi của hệ thống MRT.

Hệ thống MRT của Đài Bắc cáng đáng hầu như toàn bộ giao thông của thành phố với số lượng chuyên chở lên đến 2,1 triệu người/ngày.

Điều này giải tỏa áp lực cho giao thông khá nhiều, nên mặc dù trên đường phố có xe buýt, ôtô, xe máy (đậu cả dưới lòng đường) song không thấy kẹt xe và chen lấn vào giờ cao điểm. Đường sá của Đài Loan cũng tương tự đường ở TP.HCM, chẳng phải rộng hơn gì cho cam.

Quyền năng cộng đồng

Sự so sánh về ý thức đi đường, loanh quanh lại trở về chuyện ý thức. Chính chúng ta chứ chẳng phải ai khác không ít lần chép miệng bảo dân Việt Nam mình ý thức kém.

Ý thức từ đâu ra, giáo dục từ thuở bé hay trui rèn từ va đập cuộc sống? Khi được trải nghiệm giao thông công cộng ở Đài Loan, tôi nhận ra sở dĩ văn hóa đi lại ở đây văn minh, giao thông trật tự thoải mái là nhờ ý thức cộng đồng của họ khá cao.

Người dân ở đây sẵn sàng tỏ thái độ phản đối đối với các hành vi lệch chuẩn, vi phạm quy tắc xã hội và người phản đối không đơn độc.

Điều thứ 2, hệ thống hỗ trợ của MRT khá tốt với các quầy hỗ trợ kiểm tra, giải quyết thắc mắc của khách tại các cổng ra vào, cũng như đội ngũ tình nguyện viên luôn túc trực trong sân ga để nhắc nhở và chỉ dẫn người lưu thông chấp hành quy định.

Ngày đầu tiên tiếp cận MRT, cả nhóm chúng tôi rất ngạc nhiên khi hầu như không tìm thấy thùng đựng rác trong MRT. Chúng tôi hiểu ngay nguyên do khi một thành viên trong đoàn mở chai nước để uống, lập tức tình nguyện viên đến nhắc nhở không được ăn uống trong sân ga.

Nhờ đó, không gian MRT luôn sạch sẽ. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến mọi người chọn MRT để di chuyển chứ không hắt hủi như xe buýt của mình.

Câu chuyện của chúng tôi trong 6 ngày ở Đài Loan cho thấy một khía cạnh khác của pháp luật, đó chính là quyền năng của cộng đồng trong việc chấn chỉnh ý thức của người vi phạm.

Vẫn là chuyện đi lại ở Đài Loan. Khi chúng tôi lên xe buýt từ ga tàu điện đến trạm tàu lửa ở Đài Trung, loay hoay xếp vali vào chỗ trống thì có một phụ nữ quay sang chúng tôi cố giải thích điều gì đó bằng tiếng Hoa mà chúng tôi không hiểu.

Sau một lúc bối rối, chúng tôi mới hiểu ra người phụ nữ ấy nhắc nhở vì chúng tôi đang để những chiếc vali chiếm dụng khu vực dành cho người đi xe lăn.

Thời gian ở Đài Loan không nhiều, nhưng những sự cố liên quan đến di chuyển với sự góp ý của người bản xứ khiến những “con ếch” chúng tôi lần đầu ngoi ra khỏi miệng giếng bắt đầu có ý thức trong tìm hiểu phương tiện giao thông công cộng quanh mình và tránh không mắc thêm lỗi nữa (nếu không muốn tiếp tục bị chú ý vì cách hành xử khác người).

Người vi phạm luật giao thông thường chủ quan cho rằng người thực thi công quyền sẽ không phát hiện được hành vi của mình hoặc sự trừng phạt của pháp luật không nặng.

Thực tế cũng cho thấy không thể bố trí cảnh sát khắp nơi để theo dõi các hành vi vi phạm. Do đó, biện pháp giám sát tốt nhất là giám sát của cộng đồng. Đó là một dạng quyền năng từ cộng đồng để áp chế người vi phạm.

Quả thật, những ánh mắt nghiêm khắc cùng lời nhắc nhở hợp lý của người Đài Loan khiến chúng tôi thấy mình tiến bộ hơn qua từng ngày di chuyển ở một nơi xa lạ. Không phải vì chúng tôi là những người ngoại quốc ngơ ngác mà được đối xử nhẹ nhàng hơn.

Có cảm tưởng rằng những người Đài Loan mà chúng tôi gặp đã yêu cầu chúng tôi hành xử công bằng trong các trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Trải nghiệm này khiến tôi tin rằng nếu ý thức cộng đồng của người Việt Nam mình tương tự người dân ở đây, những vụ kẹt xe, giành đường, vượt đèn giao thông sẽ không còn cơ hội phát triển nữa. Không để sự cảm thông theo kiểu “cái người lấn tuyến, vượt đèn đỏ kia đang chở con đi học, có thể bé sẽ bị trễ giờ” còn đất sống.

Trước pháp luật, mọi người như nhau, ai cũng phải tôn trọng quy ước xã hội sẽ không còn những đám đông hỗn loạn mỗi lúc ra đường nữa.

Sự giám sát của cộng đồng xem ra hỗ trợ đắc lực hơn cả những anh cảnh sát giao thông phải vật lộn tại các ngã tư đường vào mỗi giờ tan tầm. Quyền năng của cộng đồng là những cặp mắt giám sát đầy đủ và đanh thép hơn những camera ghi hình.

Nó ngăn chặn kịp thời những hành vi lệch chuẩn, điều chỉnh vào khuôn phép các cá thể đang manh nha vi phạm vì ảo tưởng luật pháp không tìm thấy ta.

Quá trình hình thành ý thức cộng đồng, ngoài việc cần hỗ trợ đắc lực từ pháp luật và thể chế hiện hữu thì chính yếu vẫn là lay động khao khát từ mỗi con người, với niềm mong mỏi đem lại sự cải biến trong hành vi của từng cá thể nhằm thay đổi diện mạo phát triển của một xã hội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận