Ai cho mà đòi đi bộ?

NGỌC ĐÔNG 01/06/2017 22:06 GMT+7

TTCT - Tôi rời quê lên thành phố trọ học rồi ra trường, đi làm... Những năm đầu chưa rành đường sá, tôi đi học bằng xe buýt, và quả thật quãng thời gian đó với tôi là cực hình.

Xe máy phi lên cầu cho người đi bộ . Ảnh Ngọc Đông

 

 Đi xe buýt không ngán, chỉ ngán đi bộ đến trạm xe buýt. Khí hậu Sài Gòn oi bức, bụi bặm, đi một chút đã mệt, chưa kể, vỉa hè nào có được thông thoáng để mà đi, nhiều chỗ không đi được do vỉa hè bị quán xá chiếm, nhưng cũng phải nép sát vào hoặc ngó trước dòm sau né xe máy leo lề.

Tôi còn nhớ có lần đi chụp hình cưới với bạn, cả nhóm cùng cô dâu chú rể, quần là áo lượt xúng xính đi bộ trên vỉa hè, bỗng đâu một anh cưỡi xe máy phi lên lề, bóp còi inh ỏi bắt chúng tôi nhường đường, thậm chí còn nặng lời với chúng tôi!

Điều đáng nói là trên chiếc xe ấy còn có cả trẻ con, có vẻ anh này vừa đón con đi học về. Rồi con trẻ sẽ học được gì từ cha mẹ?

Một lần khác, tôi có việc ở khu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, quận 6. Vì chưa bao giờ đi sang khu vực này nên tôi hơi lúng túng với đường sá ở đây. Đến đoạn đường Lò Gốm dọc con kênh, tôi loay hoay tìm chỗ rẽ để băng qua bên kia kênh.

Gặp một cây cầu vượt, tôi thấy người ta vô tư phi thẳng xe máy lên cầu. Chiều cao, độ dốc và cách thiết kế của cây cầu này là dành cho người đi bộ, tôi ngờ ngợ, không biết mình có trách oan cho những người kia không.

Chạy lại gần hơn, thấy tấm bảng ghi “Cầu đi bộ số 1”, tôi mới vỡ lẽ. Thế nhưng thái độ bình thản của những người lái xe máy lên cầu vẫn khiến tôi vô cùng hoang mang và tự hỏi “có khi nào bảng báo ghi cầu cho người đi bộ, nhưng vẫn cho xe máy lên?”.

Rồi tôi quyết định không leo lên cầu vì cảm thấy không an toàn và chạy tiếp để tìm đường rẽ, đi một quãng mới thấy có chỗ mà tôi cảm giác an toàn để băng qua bên kia con kênh. Có lẽ ngại đi xa là lý do khiến người ta đi tắt một cách bất chấp như vậy.

Vẫn không thôi thắc mắc, một lát sau tôi “lì lợm” đi bộ thử lên cây cầu đó, và quả nhiên có liền cảm giác nơi đó không thuộc về mình, khi phải nép sát vào lan can cầu, liên tục ngó nghiêng ngó dọc canh chừng xe máy, nhưng đôi lúc vẫn giật bắn người vì tiếng còi xe.

Ở một số cây cầu vượt dành cho người đi bộ khác dù không có xe máy, tôi cũng không dám đi vì rác, vì kim tiêm và cả chất thải của con người.

Có lần tôi sang Thái Lan, cũng có dịp đi bộ bằng cầu vượt sang đường. Cầu được xây rộng rãi, thoáng mát, quan trọng là rất sạch sẽ và an ninh. Cầu vượt ở thành phố tôi sống không xấu, thậm chí có những cây cầu còn được trồng hoa cỏ rất nên thơ, chỉ thiếu cái sạch và an toàn.

Ở nhiều nước châu Á khác, giao thông vẫn là một vấn đề nan giải, và chuyện xe máy leo lề không phải chỉ là “đặc sản” của Việt Nam. Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, báo chí Thái Lan đăng tin Trường trung học quốc tế Bangkok ở quận Wattana đã phải lắp thanh chắn trên khu vực vỉa hè trước cổng vì lo lắng cho học sinh của mình phải đi bộ chung với xe máy trên vỉa hè.

Cộng đồng mạng cũng “dậy sóng” với hình ảnh cô gái dũng cảm Alfini Lestari gan lì đứng dang tay chặn dòng xe máy đông nghịt đang leo lên vỉa hè trong giờ cao điểm ở Jakarta, Indonesia hồi năm ngoái.

“Tôi đã nói với họ là họ nên thấy xấu hổ về bản thân mình”, cô Alfini trả lời phỏng vấn với tờ The Jakarta Post. Alfini cho biết cô đã yêu cầu những người đi xe máy leo xuống lề, và nếu họ không đi cô sẽ cứ đứng chặn ở đó, thậm chí nếu họ có muốn tông cô thì cô cũng chả sợ.

Ai cũng biết vỉa hè là dành cho người đi bộ, lòng đường là của các phương tiện giao thông, người đi bộ không tràn ra chiếm đường, vậy thì cớ sao người đi xe máy lại muốn... thâu tóm luôn vỉa hè?

Tôi từng nói chuyện với nhiều người nước ngoài sang Việt Nam sinh sống, và không ít lần nghe họ than phiền rằng “vỉa hè đâu mà đi?”.

Tôi thấy mừng vì thời gian gần đây thành phố tìm cách tạo điều kiện cho người đi bộ với các chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, phạt nặng người đi xe máy leo lề... Thay vì ngồi đó đổ lỗi, mỗi người, nhất là những bạn trẻ, hãy tự đóng góp bằng cách tham gia giao thông văn minh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận