Gương chiếu hậu, đèn xi nhan, ai quên ai nhớ?

ĐỖ NGÔ TRẦN 23/06/2017 01:06 GMT+7

TTCT - Nhiều người đi xe máy chưa chú trọng gương chiếu hậu và đèn xinhan nên đã xảy ra không ít vụ tai nạn, va quẹt trên đường mà lẽ ra có thể lường trước để chủ động xử lý an toàn.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Lưu thông trên đường phố, không khó để nhận ra những chiếc xe máy chỉ gắn một gương bên trái hoặc gắn theo sở thích về kiểu dáng, màu sắc nhưng không có tác dụng, rung lắc, lỏng lẻo, chưa đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, chỉ đối phó với cảnh sát giao thông để không bị kiểm tra, xử phạt.

Xe máy còn đủ hai gương chiếu hậu thì nhiều khi lại bị bẻ cụp áp nghiêng thành gương soi và có lúc để lệch, xéo, gập xuống, gập lên, gập ngang đủ kiểu.

Có lần cũng vì hiếu kỳ, tôi đứng ở một ngã tư quan sát và thử đếm trong 40 xe máy, có đến 15 xe chỉ gắn một gương chiếu hậu bên trái, 2 xe không có gương chiếu hậu, 1 xe có gương chiếu hậu bị vỡ mặt kính, 4 xe gắn gương chiếu hậu nhưng khá nhỏ và cụp xuống.

Còn đèn xinhan, rất nhiều người lúc bật lúc không khi chuyển làn đường, vượt xe khác, rẽ trái, rẽ phải, quay đầu xe. Không ít trường hợp bật đèn xinhan nhưng không giảm tốc độ, chuyển hướng đột ngột làm xe bên cạnh bị động, không sẵn sàng cho tình huống bất ngờ, thế là va chạm.

Lỗi này rất phổ biến vì nhiều lý do: không để ý, chỉ nhìn đèn tín hiệu hoặc thấy mũi tên màu xanh cho rẽ phải hay trái là cứ thế thoải mái chuyển hướng, quên luôn đèn xinhan.

Rất nhiều trường hợp không nhìn gương chiếu hậu mà lại ngoái cổ ra sau để quan sát trước khi chuyển làn đường, chuyển hướng, quay đầu xe.

Vì vậy làm người lái xe mất tập trung cho tình huống phía trước, mất thăng bằng, giảm khả năng phản xạ, chưa kể những lúc vành mũ bảo hiểm che khuất tầm nhìn hoặc không thể quan sát hết toàn cảnh.

Trước đây tôi cũng có thói quen ngoái cổ lại nhìn ra sau để quan sát mỗi khi chuyển hướng và không ít lần bị va quẹt.

Có vụ tai nạn làm tôi nhớ đời vì theo thói quen ngoái cổ ra sau để quan sát rồi qua đường, tôi bị chiếc xe phía trước chạy ngược chiều với tốc độ nhanh tông mạnh phía bên hông, phải nằm viện hơn 10 ngày, giờ nhớ lại vẫn còn sợ.

Tôi rút kinh nghiệm, chuẩn bị chuyển hướng là bật đèn xinhan trước 10-15 giây, nhìn qua gương chiếu hậu nếu thấy xe sau áp sát và xe trước ngược chiều chạy với tốc độ nhanh thì tôi chủ động nhường đường.

Ban đầu chưa quen nên tôi rất lo dù nhìn gương chiếu hậu nhưng vẫn cứ ngoái cổ liếc ngang liếc dọc, giờ thì quen rồi nên chỉ nhìn gương chiếu hậu và bật đèn xinhan khi sắp chuyển hướng, không còn phải ngoái cổ ra sau.

Tôi thấy trên đường phố xảy ra nhiều vụ va quẹt giữa các xe đi cùng chiều vì khó tránh nhau nếu không xem gương chiếu hậu để quan sát kỹ phía sau, chỉ cần người đi sau tăng tốc vượt qua trong lúc người đi trước bất chợt chuyển hướng hay lấn tuyến vượt lên những xe đi cùng chiều là dễ va quẹt, giờ nhiều người đi xe máy còn vượt cả bên phải.

Sử dụng gương chiếu hậu đúng cách có thể giúp người lái xe có tầm quan sát rộng, góc nhìn bao quát, nhận diện tình huống để biết các xe đang lưu thông phía sau với tốc độ nhanh hay chậm, vị trí áp sát... mà chủ động xử lý an toàn.

Đèn xinhan giúp cho người đi phía sau nhận biết xe phía trước sắp rẽ trái, phải hay quay đầu để kịp xử lý tình huống. Nhưng việc đó, có lẽ vì quá đơn giản nên mọi người... cho qua.

Thiết nghĩ, phải sử dụng gương chiếu hậu đạt chuẩn bởi nhà sản xuất đã tính toán về kích thước, góc quan sát tương ứng với từng loại xe.

Nếu tự thay đổi gắn các loại gương theo sở thích, gương bán trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, e rằng vừa khó đảm bảo chất lượng cũng như an toàn và khả năng quan sát đầy đủ khoảng không gian phía sau.

Nên giảm tốc độ trước khi vào chỗ rẽ, bật đèn xinhan trước khoảng chục giây với khoảng cách 15-20m, sau khi rẽ xong cũng nên duy trì tín hiệu đèn xinhan tới vị trí đoạn đường thẳng hoặc kéo dài thêm 5-7m để các phương tiện lân cận biết thời điểm xe sắp chuyển hướng, kết thúc thời gian chuyển hướng, chủ động với tình huống, không bất ngờ.

Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để ai cũng biết tác dụng thiết thực và chú trọng sử dụng gương chiếu hậu, đèn xinhan. Nên chăng là lồng ghép đưa vào chương trình kiểm tra sát hạch thi lấy bằng lái, tăng mức phạt và tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm. Tốt nhất vẫn là gắn gương chiếu hậu đạt chuẩn để sử dụng, đừng gắn để đối phó. ■

Quy định pháp luật có liên quan

Kích thước gương chiếu hậu môtô và xe máy theo quy chuẩn số 28/BGTVT do Bộ GTVT ban hành kèm thông tư số 36/2010/TT-BGTVT ngày 1-12-2010: “Diện tích của bề mặt phản xạ không nhỏ hơn 69cm2.

Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm. Trong trường hợp gương không tròn, kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78mm nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120mm x 200mm”. Ngoài ra, còn phải điều chỉnh được vùng quan sát.

Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 (điểm e, khoản 1, điều 53), các phương tiện tham gia giao thông là xe cơ giới phải có “đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển”. Quy định chặt chẽ như vậy còn cho thấy tầm quan trọng đối với gương chiếu hậu giúp người lái xe dễ dàng quan sát phía sau.

Còn về quy định bật đèn xinhan và giảm tốc độ trước khi chuyển hướng theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 (khoản 1, điều 15): “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận