Tôi làm tư vấn bất đắc dĩ

NGUYỄN HỮU NHÂN 27/07/2017 21:07 GMT+7

TTCT- Tôi nghĩ có thể thầy cô muốn học sinh thoát cảnh ngại ngùng khi cùng có mặt để nghe về những vấn đề khó nói của cả hai giới. Nhưng theo tôi, chỉ cần điều chỉnh thời lượng và những phần tế nhị nhất mới tách riêng thì việc truyền đạt kiến thức sẽ hiệu quả hơn

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Một lần vợ chồng em tôi có việc phải đi xa hai tuần nên gửi hai con cho chúng tôi trông nom. Cháu trai học lớp 9. Cháu gái học lớp 6. Mấy hôm đầu sinh hoạt của hai cháu cùng cả nhà bình thường, tôi thấy yên tâm. Không ngờ sau đó xảy ra một tình huống đặc biệt.

Nó ở dơ ráng chịu!

Đó là một buổi trưa tôi chuẩn bị đưa cháu gái đến trường. Cháu mang quần áo vào nhà vệ sinh để thay đồng phục như quy định. Nhưng hôm ấy chờ cháu khá lâu mà cháu vẫn chưa xong, tôi gõ cửa giục. Cháu không trả lời. Tôi lại thoáng nghe có tiếng khóc.

Ngạc nhiên, tôi hỏi vọng vào: Có gì mà con khóc? Ngập ngừng giây lát, cháu nói cháu lại đi tiểu ra máu. Cháu sợ quá không biết làm sao. Tôi hiểu ngay cháu gái tôi gặp phải sự cố đầu đời chứ không phải tai nạn gì. Nhưng khổ nỗi ngày hôm ấy vợ tôi lại vắng nhà.

Bằng giọng nói nhẹ nhàng, tôi trấn an cháu: Không sao đâu, từ từ ta giải quyết thôi. Cháu nghe, bớt khóc. Tôi hỏi chuyện của cháu là lần đầu tiên hay đã có nhiều lần.

Cháu cho biết đây là lần thứ hai. Tôi hỏi tiếp vậy mẹ cháu có chỉ cho cách sử dụng vật dụng gì để cháu an toàn khi rắc rối xảy ra không. Cháu trả lời có biết nhưng hiện tượng này mới xuất hiện, mẹ không chuẩn bị gì cho cháu lần này cả, cháu sợ lắm.

Tôi khuyên cháu bình tĩnh, chờ trong chốc lát. Cháu nghe ra không khóc nữa. Tôi nói tiếp: giờ cháu cho biết tên sản phẩm mẹ đã cho cháu sử dụng lần đầu. Cháu nói tên thương hiệu X. Tôi yên tâm vì như vậy cho thấy cháu cũng có hiểu biết để giải quyết sự việc.

Chợt nhớ cháu trai đang xem tivi ở nhà trước, tôi gọi cháu vào giao công việc ngay. Tôi dặn cháu bước qua cửa hiệu cạnh nhà mua ngay sản phẩm X cho em gái sử dụng.

Tôi chưa nói hết, cháu trai đã nhăn mặt và trả lời: “Con không đi mua món đồ mất vệ sinh đó đâu. Bạn con mà biết thì mất mặt lắm”. Tôi chưa kịp nói tiếp, cháu trai đã chạy đi rồi nói vọng lại: “Cho con xin lỗi, “nó” ở dơ thì ráng chịu đi!”.

Thế là chỉ còn mình tôi. Tôi vừa giận vừa buồn cười vì cháu trai coi đây là “nhiệm vụ bất khả thi” nên tôi phải “mần” thôi!

Đừng “Không bình thường” trong “cái sự bình thường”

Đến cửa hàng tôi làm ra vẻ thản nhiên hỏi mua sản phẩm X, cô chủ cửa hàng nhìn tôi “mắt tròn, mắt dẹt”. Chẳng là vì từ trước đến giờ, tôi ghé vào thì chỉ mua có mỗi mặt hàng sữa tươi mà thôi.

Tôi hơi bối rối: “Mua cho cháu gái thôi mà”. Cô chủ nhìn tôi cười cười... Cô rõ ràng không tin được một người đàn ông như tôi lại dám đi mua một món đồ riêng cho giới nữ như thế. Về đến nhà tôi thông báo cho cháu biết sản phẩm đã có, tôi để trước cửa phòng, cháu tự sử dụng.

Chốc lát sau, cháu gái tôi đã chỉnh tề trong bộ đồng phục để đến trường. Đôi mắt cháu còn ngấn nước trông thật tội. Cháu nói lời cảm ơn tôi. Tôi dặn dò cháu nhớ mang theo sản phẩm phòng khi cần thiết có mà sử dụng.

Nghĩ lại chuyện đã qua, tôi thầm trách mẹ cháu đã thiếu trang bị cho cháu kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Độ tuổi của cháu, những việc tế nhị như thế chưa phải đã xuất hiện đúng chu kỳ nên cháu bối rối là phải. Nếu chuyện xảy ra trong giờ cháu đang học thì khó xử cho cả thầy lẫn trò.

Những vật dụng thiết yếu cho cháu phải được chuẩn bị chu đáo, không thể quên được. Khi đưa cháu gái đến trường xong, về đến nhà tôi gọi cháu trai đến trao đổi. Tôi hỏi vì sao cháu không chịu giúp em.

Cháu trả lời bạn bè nói con gái những ngày ấy mất vệ sinh lắm, không nên lại gần. Vả lại ai đời con trai lại đụng tay vào sản phẩm “riêng tư” ấy! Trong lớp cháu có bạn gái bị sự cố như vậy, nhóm bạn trai trêu chọc, xa lánh khiến cô chủ nhiệm phải “xử” mới yên.

Tôi lại phải giải thích cho cháu trai biết việc của bạn trong lớp hay của em gái chỉ là bình thường ở nữ giới, báo hiệu khả năng làm mẹ sau này. Đó gọi là kinh nguyệt. Mỗi tháng hiện tượng này sẽ xuất hiện ở bạn gái và kết thúc sau khoảng ba, bốn ngày. Không nên quan niệm đấy là xấu xa, mất vệ sinh.

Là con trai, cháu cần thông cảm cho bạn, cho em gái mình. Hiện tượng đó báo hiệu các em gái đã bước vào thời kỳ dậy thì. Các bạn nam bằng độ tuổi cháu cũng có dấu hiệu của thời kỳ này qua việc mọc râu, mọc lông ở cơ quan sinh dục và cả việc xuất tinh... Cháu xem lại bản thân có đúng vậy không.

Cháu trai tôi lắng nghe ra chiều đồng ý nhưng vẫn còn băn khoăn. Cháu cho biết ở trường chủ yếu hiểu biết về giới tính là do nhóm bạn nam truyền tai nhau. Những giờ ngoại khóa, nam, nữ tách riêng để nghe theo chuyên đề, cháu và các bạn vì vậy có nhiều điểm còn mơ hồ.

Chỉ nghe thấy từ “kinh nguyệt” là cháu và các bạn đã có cảm giác “gớm ghiếc” rồi! Hôm nay nghe tôi giải thích cháu hiểu rõ hơn, tuy nhiên việc mua giúp món đồ đặc biệt đó cháu nói chưa dám hứa. Tôi đành tạm hài lòng với mức độ như thế.

Tôi nghĩ có thể thầy cô muốn học sinh thoát cảnh ngại ngùng khi cùng có mặt để nghe về những vấn đề khó nói của cả hai giới. Nhưng theo tôi, chỉ cần điều chỉnh thời lượng và những phần tế nhị nhất mới tách riêng thì việc truyền đạt kiến thức sẽ hiệu quả hơn.

Khi lên lớp, tôi luôn thông báo cho cả lớp biết những học sinh nữ nào có vấn đề về sức khỏe hãy nói riêng với thầy. Các em sẽ được quan tâm chăm sóc hơn ngày thường.

Các học sinh nam không nên thắc mắc vì sao có bạn gái được hưởng một số ưu tiên trong hoạt động thể chất, lao động hằng ngày...

Nếu được giao nhiệm vụ nhiều hơn, các bạn nam hãy hiểu đó là sự chia sẻ với các bạn nữ trong thời điểm đặc biệt và tự hào được giúp bạn. Nhờ vậy ở lớp tôi dạy các học sinh nam đã hiểu biết nhiều hơn về giới tính. Các em đã dám nói thẳng vào vấn đề. Tôi vui vì đã trở thành tư vấn viên bất đắc dĩ về giới tính cho học sinh như vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận