Trí tuệ nhân tạo giỏi đủ “cầm, kỳ, thi, họa”

TRƯỜNG SƠN 08/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT - Có hay không một tương lai mà robot sẽ làm việc thay con người và chúng ta sẽ thưởng thức nghệ thuật từ hội họa đến âm nhạc, văn thơ do trí thông minh nhân tạo (AI) sáng tác?

Công nghệ của Prisma đang được nhiều người thích thú
Công nghệ của Prisma đang được nhiều người thích thú


Những bước tiến gần đây trong việc “luyện” cho máy tính biết sáng tạo nghệ thuật thông qua công nghệ neural network (mạng máy tính mô phỏng bộ não con người) cho thấy tín hiệu lạc quan rằng ngày ấy dẫu có thể còn xa, nhưng không phải là bất khả thi.

Neural network, hay còn gọi là “mạng nơron nhân tạo”, là một hệ thống gồm cả phần mềm lẫn phần cứng, được thiết lập và kết nối với nhau theo cách hoạt động của các nơron thần kinh trong não người.

Với khả năng học sâu (deep learning), các hệ thống này có thể nhận biết với dữ liệu đầu vào (input) này thì phải cho ra dữ liệu đầu ra (output) nào thông qua quá trình “học hỏi” dưới sự huấn luyện của người dùng. Chính vì có thể tự học, về lý thuyết người ta có thể dạy cho máy tính bất cứ thứ gì trong các món “cầm, kỳ, thi, họa”.

Thực tế, Google đã thành công khi dạy máy tính AlphaGo chơi cờ vây giỏi đến mức có thể thắng được nhà vô địch thế giới trong cuộc đấu xôn xao dư luận hồi tháng 5. Vậy khả năng vẽ vời, âm nhạc và văn chương thì sao?

Trí tuệ nhân tạo sẽ giỏi đến mức nào? -icdn2.digitaltrends.com
Trí tuệ nhân tạo sẽ giỏi đến mức nào? -icdn2.digitaltrends.com

 

Khi máy tính “vẽ như họa sĩ thực thụ”

Trung tuần tháng 7, giữa cơn sốt Pokémon Go, ứng dụng Prisma ra mắt và nhanh chóng cuốn hút người dùng khi có thể biến các bức ảnh chụp của họ thành “kiệt tác hội họa” theo đủ mọi phong cách, từ các bậc thầy như Picasso hay Monet đến các trường phái ấn tượng hay manga Nhật Bản.

Prisma được The Guardian cho là đã “định nghĩa lại quan niệm thế nào là ứng dụng chỉnh sửa ảnh”, là ví dụ tuyệt vời cho thấy công nghệ neural network có thể tiến xa thế nào.

Theo International Business Times, nhờ ba mạng lưới neural network khác nhau, các thuật toán deep learning của Prisma có thể vẽ nên các bức tranh mới hoàn toàn từ hai nguồn dữ liệu (ảnh gốc và kiểu tranh muốn vẽ) của người dùng, thay vì chỉ chồng bộ lọc màu (filter) lên ảnh như Instagram.

“Công nghệ deep learning của chúng tôi như một nghệ sĩ thực thụ - chúng phân tích ảnh của bạn, học cách vẽ theo phong cách nghệ thuật bạn chọn và vẽ bức tranh bạn cần” - Alexey Moiseenkov, đồng sáng lập Prisma, nói với International Business Times.

 


Đoạn video dài hai phút rưỡi “NYC Flow” vẽ lại mọi hình ảnh quen thuộc của New York từ tháp Tự do, quảng trường Union đến bến tàu điện ngầm, các vũ công hip hop đường phố bằng các nét cọ và màu sắc như các bức họa nghệ thuật thật sự.

Không dừng ở các bức ảnh tĩnh, Danil Krivoruchko, nghệ sĩ sống ở New York, đã dùng neural network để tạo ra một video theo phong cách slow-motion, với toàn bộ hình ảnh được thể hiện dưới dạng tranh vẽ nghệ thuật tương tự các bức tranh do Prisma “vẽ” ra.

Thay vì dạy neural network vẽ tranh từ ảnh chụp, bốn nhà thần kinh học tại Đại học Radboud (Hà Lan) “rèn luyện” để máy tính có thể dựng lại được ảnh chụp từ ảnh phác họa.

Theo trang công nghệ TechCrunch, nhóm nghiên cứu này đã lập được mô hình sử dụng neural network để tạo ra các ảnh thuộc trường phái photorealism (ảnh hiện thực - vẽ mô phỏng theo ảnh chụp mẫu) từ các ảnh phác họa chân dung.

Từ một bức ảnh chụp chân dung ban đầu, các nhà nghiên cứu sẽ vẽ lại thành ảnh phác họa. Phần mềm của họ sẽ đọc bản phác họa này và dựng lại tấm ảnh chân dung gần như giống y chang tấm ảnh chụp gốc.

Các nhà khoa học này cho rằng công trình của họ “không chỉ để chứng minh AI có khả năng hội họa, mà còn có thể giúp tái hiện chân dung nghi phạm được vẽ theo lời kể của nhân chứng để phục vụ điều tra”.

Người máy sẽ làm thơ viết truyện? -cdn04.androidauthority.net
Người máy sẽ làm thơ viết truyện? -cdn04.androidauthority.net

 

Làm thơ, viết truyện

Đại học Dartmouth (Mỹ) tổ chức hẳn một cuộc thi để các nhà khoa học thi thố khả năng văn thơ và âm nhạc của máy tính. Cuộc thi “Turing Tests in Creative Arts”, như tạp chí Slate mô tả, cho người tham gia đánh giá liệu các bài nhạc, thơ và truyện ngắn họ đang nghe/xem là do con người hay máy móc sáng tác, phỏng theo phép thử Turing nổi tiếng vốn luôn được dùng để kiểm tra trí thông minh nhân tạo.

Kết quả là có hai bài dự thi hạng mục âm nhạc vượt qua bài test, tức người nghe không phân biệt được bài hát đó do DJ người thật hay máy tính chơi.

Trong khi đó, dù không có phần mềm làm thơ và viết truyện ngắn nào đánh lừa được giám khảo nhưng theo trang Slate: các phần mềm tham gia dự thi thông minh và được lập trình tinh vi đến mức nhà tổ chức cho rằng sẽ sớm có được robot thắng giải trong các kỳ thi tới.

Trong khi đó, dù chưa thành công nhưng Harry Potter phần 9 của một công ty phần mềm tại San Francisco, như Digital Trend đánh giá, là “minh chứng lý thú cho thấy sẽ như thế nào nếu neural network được dùng để sáng tạo nghệ thuật”.

Người máy sẽ viết nhạc -technewsworld.com
Người máy sẽ viết nhạc -technewsworld.com

 

Và... chơi nhạc

ầu tháng 6, Google công bố bản nhạc đầu tiên được soạn bởi neural network do dự án Magenta “huấn luyện”, với dữ liệu ban đầu chỉ là bốn nốt nhạc đầu tiên trong bài hát nổi tiếng Twinkle Twinkle little star.

Bản nhạc của Google bắt đầu bằng các nốt đơn, giai điệu dần trở nên phức tạp hơn ở phần sau và “thật lòng mà nói, có một vài chỗ giai điệu thật sự rất hay”, như trang Popular Science nhận xét.

Magenta là dự án mà Google đeo đuổi để tạo ra các cỗ máy biết học cách soạn nhạc và vẽ tranh.

Theo Washington Post, gã khổng lồ Internet “dạy nhạc” cho Magenta bằng cách cho hệ thống này nghe thật nhiều bản nhạc đến khi nó nhận biết được nốt nhạc này thì nên được nối tiếp bởi nốt nào.

Và khi đã “cung thương làu bậc ngũ âm”, mạng máy tính này hoàn toàn có thể tự viết bài hát của riêng nó.

Copy hay sáng tạo?

Mặc cho các nhà phát triển đang hào hứng với những sản phẩm nghệ thuật được tạo ra từ neural network, không ít người cho rằng những sản phẩm do trí tuệ nhân tạo làm ra không thể coi là nghệ thuật. 

“Và tôi cũng sẽ không xem bọn robot đó là nghệ sĩ” - Masha Ryskin, họa sĩ đang dạy tại Trường thiết kế Rhode Island (Mỹ), nói với tạp chí Newsweek. Ryskin cho rằng AI với khả năng vẽ vời chỉ có thể coi là công cụ của nghệ sĩ.

Martine Rothblatt, chủ nhân của robot được cho là “giống người nhất thế giới” Bina48, cho rằng để thật sự được coi là “biết sáng tạo”, robot cần phải có khả năng “tạo ra những thứ hoàn toàn mới, thay vì dựa vào hình mẫu của những cái chúng từng thấy trước đó”. 

“Nếu bạn viết một chương trình chỉ để hòa trộn ngẫu nhiên các yếu tố sẵn có, đó không phải là sáng tạo” - Rothblatt nói với Popular Science.

Jaron Lanier, trưởng một nhóm nghiên cứu thuộc Microsoft và là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “thực tế ảo” (virtual reality), cũng hoài nghi việc máy móc có thể thật sự sáng tạo. “Cách AI hoạt động chỉ là tái tạo dữ liệu từ con người - Lanier nói với Popular Science - Mọi thứ rốt cuộc vẫn đi từ con người và để thật sự gọi là sáng tạo, con người phải hoàn toàn không can dự”.

Tương lai mà con người có thể nói với một cỗ máy: “Vẽ cho ta bức tranh phong cảnh nhé” hẳn còn xa nhưng có thể không đến mức bất khả thi, ít nhất là giới nghiên cứu tự tin như vậy. 

Trước mắt, vẫn có những người cởi mở với các robot sáng tạo nghệ thuật như Ali Momeni, phó giáo sư nghệ thuật thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), cho rằng người ta hoài nghi một phần cũng vì e sợ khi robot đã biết vẽ, những họa sĩ thực thụ sẽ mất việc làm, mối lo vốn đang hiện hữu trong rất nhiều ngành nghề khác nhau. “Nhưng với tôi, hãy gọi (sản phẩm của chúng) là một hình thức nghệ thuật mới” - Momeni nói với Newsweek.

 

Nhà sản xuất phần cứng không ngoài cuộc

Tập đoàn Samsung đã tuyên bố “AI và IoT sẽ là trung tâm trong kế hoạch phát triển công nghệ tương lai của hãng”. Sáu trong số 32 dự án nghiên cứu do Samsung thực hiện từ năm 2014-2016 liên quan đến AI và gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sẽ sớm cho ra mắt các thiết bị được trang bị công nghệ deep learning.

Sony cũng đang “bắt đầu canh bạc mới với AI” qua tuyên bố tập trung trang bị công nghệ deep learning để robot của hãng có thể được dùng không chỉ tại nhà, mà còn ở các nhà máy và công ty, theo tiết lộ của CEO Kazuo Hirai.

Tuy nhiên, ông Hirai không nói cụ thể loại robot mà công ty đang phát triển. Trong khi đó, Apple cũng tập trung vào công nghệ thực tại tăng cường (augmented reality), điều làm nên sức hút của game Pokémon Go và trí thông minh nhân tạo, trong chiến lược phát triển tương lai như CEO Tim Cook chia sẻ hôm 26-7.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận