TTCT - “Cell phone watch là tương lai của đồng hồ thông minh hay chỉ là trào lưu thoáng qua?” - Appcessories, chuyên trang bình luận, phân tích các thiết bị đeo tay, không chỉ đưa cái tít khiêu khích như vậy hồi cuối tháng 7 mà còn cho rằng “trong khoảng 10 năm nữa, có lẽ người ta vẫn thích chạm vào điện thoại màn hình lớn hơn là đồng hồ”. Đồng hồ thông minh cho ai? (www.businesscomputingworld.co.uk) Thị trường đồng hồ thông minh được dự báo đạt đến mức 117 tỉ USD vào năm 2020, so với chỉ 1,3 tỉ USD năm 2014 - năm đánh dấu sự bắt đầu bùng nổ của dòng thiết bị thông minh này. Cuộc chơi đồng hồ thông minh vẫn tiếp tục sôi động khi cả Samsung lẫn Apple đều sẽ cho ra mắt thế hệ mới nhất của họ, Gear S3 và Apple Watch 2, trong năm nay. Tách khỏi smartphone Smartwatch thế hệ đầu tiên được xem như chiếc remote, hay “cánh tay nối dài” của smartphone hoặc máy tính bảng. Người đeo có thể đọc tin nhắn, kiểm tra email, xem thông báo hay giải trí trên smartwatch và ngược lại điều khiển một vài tác vụ trên smartphone thông qua chiếc đồng hồ này. Để làm thế, họ luôn phải kết nối hai thiết bị với nhau. Điều này rõ ràng rất bất tiện! Nếu không được kết nối thì thiết bị thông minh này chỉ là vật để xem giờ như bao đồng hồ khác. Về sau, các nhà sản xuất tiếp tục phát triển để smartwatch có thể vận hành như chiếc điện thoại thực thụ, nghĩa là bản thân đồng hồ đã là một điện thoại và không cần phải kết nối với thiết bị chính. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt ở mảng phần cứng, đã biến điều này hoàn toàn khả thi: các thiết bị tối quan trọng như cảm ứng, cảm biến, bộ vi xử lý và cả màn hình ngày càng được thu nhỏ nhưng lại mạnh mẽ hơn, hoàn toàn có thể gắn vào chiếc đồng hồ nhỏ xíu. Những smartwatch như vậy gọi là cell phone watch hoặc smartwatch phone. Nếu hai thế hệ smartwatch đầu tiên của Samsung (Galaxy Gear và Gear 2) chỉ đơn thuần là “cánh tay nối dài” cho các smartphone của hãng thì từ xêri Samsung Gear S (2014), nhà sản xuất Hàn Quốc đã bắt đầu cho ra các cell phone watch. Gear S và Gear S2 đều có các tính năng đo nhịp tim, giải trí và lần đầu tiên được trang bị cả kết nối 3G, WiFi và bluetooth, giúp người đeo có thể nghe - gọi - nhắn tin ngay trên đồng hồ mà không cần lấy điện thoại ra. Thanh toán bằng đồng hồ -manofmany.com Dễ điều khiển Cuộc chạy đua giành thị phần của các nhà sản xuất smartwatch không chỉ ở nâng cấp phần cứng hay thiết kế thời trang, mà vấn đề quan trọng hơn cả là làm sao để đồng hồ thông minh ngày càng thông minh hơn. Với màn hình, dù cảm ứng, gói gọn trong diện tích quá nhỏ của mặt đồng hồ, xây dựng trải nghiệm của người dùng thế nào để người đeo thực hiện các tác vụ dễ dàng và tiện lợi luôn là vấn đề đau đầu với các nhà sản xuất. “Dù smartwatch của bạn có hàng tá chức năng, nhưng việc sử dụng chúng là một thử thách với người dùng, chẳng ai sẽ thèm đeo đồng hồ của bạn đâu” - trang Wareable bình luận. Tin vui là các nhà khoa học máy tính thuộc Đại học St. Andrews (Scotland) vừa tạo ra một hệ thống có tên WatchMI, giúp người đeo sử dụng nhiều tính năng trên chiếc smartwatch của họ chỉ bằng cử động tay. Chẳng hạn để tăng giảm âm lượng, ta chỉ việc xoay mặt đồng hồ qua trái hoặc phải, nghiêng tay về hai phía để lướt các menu. Muốn soạn tin nhắn, người dùng chỉ việc đè vào các phím để hiển thị đúng ký tự, thay vì phải chạm tay gõ vào mặt đồng hồ nhiều lần. Trong thông cáo ngày 12-8, nhóm nghiên cứu cho biết phần mềm của họ tận dụng cảm biến gia tốc và con quay hồi chuyển vốn có sẵn trong hầu hết các smartwatch, đồng nghĩa bất kỳ hãng nào cũng có thể áp dụng hệ thống điều khiển này cho đồng hồ của họ. Ngoài ra, nhiều smartwatch đã có thể điều khiển bằng giọng nói (các smartwatch chạy Android sẽ dùng Google Now), đây cũng là giải pháp hiệu quả cho bài toán giúp người dùng sử dụng smartwatch dễ dàng hơn. Đồng hồ thông minh điều khiển bằng giọng nói Smartwatch có thật sự cần thiết? Doanh số smartwatch lần đầu tiên đã giảm sút từ quý 2 năm nay khi chỉ có 3,5 triệu chiếc bán ra trên toàn cầu, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IDC. Trong quý 2-2016, Apple vẫn dẫn đầu thị trường với 1,6 triệu Apple Watch bán ra (chiếm 47%), tuy con số này đã giảm mạnh (55%) so với 3,6 triệu chiếc một năm trước đó. Samsung và Lenovo (sở hữu Motorola) đứng tiếp theo với 600.000 và 300.000 sản phẩm được tiêu thụ, lần lượt chiếm 16% và 9% thị phần. Đáng chú ý là hai hãng này đều tăng trưởng (Samsung tăng 51%, Lenovo 75%) so với quý 2-2015. Để smartwatch có thể thật sự trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” (game changer), các hãng công nghệ hào hứng với sản phẩm này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Giới “chống smartwatch” luôn cho rằng sản phẩm này chỉ là trào lưu thoáng qua, thậm chí còn so sánh nó với kính thông minh Google Glass vốn được hứa hẹn nhiều nhưng thực tế chẳng được đón nhận bao nhiêu. “Vũ khí” quan trọng nhất của giới chỉ trích chính là câu hỏi tại sao phải bỏ tiền mua thêm smartwatch khi ai cũng đã có smartphone, làm được đủ chuyện trên đời rồi? Trừ những tên tuổi kém nổi tiếng, những smartwatch của Samsung và Apple không hề rẻ, đôi khi còn đắt bằng hoặc hơn giá một chiếc smartphone. Smartwatch hiện vẫn chỉ là phụ kiện cộng thêm cho giới sành công nghệ. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chi một số tiền lớn mua một thứ đắt tiền bằng smartphone và đều có chừng ấy chức năng. Vấn đề thứ hai, các nhà sản xuất luôn khẳng định đồng hồ thông minh sẽ giúp người dùng bớt phụ thuộc vào smartphone, tức không phải cứ lấy điện thoại ra vào mỗi khi cần gọi điện hay xem email, thông báo. Trên thực tế, điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ. Vì việc kiểm tra tin nhắn hay các thông báo trên đồng hồ tiện hơn smartphone, người ta vẫn cứ phải loay hoay với thiết bị này suốt. Dĩ nhiên ta có thể tắt tính năng thông báo trên đồng hồ là xong, nhưng nếu thế thì mang đồng hồ thông minh để làm gì nữa? Cuối cùng, vấn đề quan trọng hơn là các smartwatch thật sự chưa có đột phá nào kể từ năm 2014. Các mẫu mới chỉ là đẹp hơn, máy mạnh hơn, pin bền hơn và... chấm hết. Dù chỉ mới phát triển vài năm nhưng smartwatch gần như đã bão hòa, giống như smartphone: ai cũng có thể mua được và sản phẩm mới không có gì thật sự mới ngoài việc làm tốt hơn những gì đã có. Vì lẽ đó, theo trang NewAtlas.com ngày 17-8, smartwatch “cần một ứng dụng sát thủ khiến nó trở thành một món hàng “nhất định phải mua” với số đông, làm những người chưa có đồng hồ thông minh phải sẵn sàng bỏ ra vài trăm đôla để có một cái”. Nhưng khi nào mới có một app như thế? “Điều lo lắng ở đây là ngày ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến” - trang mạng này kết luận. con đường nào? Con đường nào nên đi? Giới phê bình cho rằng các nhà sản xuất đồng hồ thông minh đang đi sai hướng khi tiếp tục tung ra nhiều ứng dụng mới cho smartwatch, nhưng thật ra các app này chỉ để làm tiếp những việc mà ai cũng có thể làm trên smartphone. Con đường đúng là tập trung vào các tính năng hỗ trợ việc tập luyện thể thao hay theo dõi sức khỏe, điều mà smartwatch sẽ làm tốt hơn smartphone. Thật bất tiện khi tập thể dục mà vẫn phải mang điện thoại bên người để chạy các ứng dụng theo dõi sức khỏe. Với smartwatch, người dùng có thể đeo mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi đi ngủ (để chạy ứng dụng theo dõi giấc ngủ). Chưa kể vì đeo dính trên tay, tiếp xúc trực tiếp với da nên các cảm biến cần thiết cho ứng dụng theo dõi sức khỏe sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Dù phần lớn smartwatch đời đầu đều có mặt vuông, trang chuyên về các thiết bị đeo trên người Wareable ngày 16-8 cho rằng “smartwatch mặt vuông đang chết”. Wareable chứng minh nhận định trên bằng việc kể ra hàng loạt nhà sản xuất đã từ bỏ mặt vuông và chuyển sang mặt tròn như Samsung, Asus, Motorola và Fossil. Apple Watch và dòng Pebble Classic vẫn kiên định với mặt vuông ngay từ dòng sản phẩm đầu tiên. Lý do? Tờ The Sydney Morning Herald cho rằng “Đồng hồ thông minh mặt vuông chẳng khác gì buộc cái màn hình máy tính vào cổ tay”. Còn theo Wareable, 80% đồng hồ kinh điển đều có mặt tròn, vì thế smartwatch phải thuận theo xu hướng này để gần gũi với người dùng hơn. Dù tăng trưởng chậm lại và vẫn còn chưa được công nhận là một sản phẩm thay đổi thị trường, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa có ý định từ bỏ smartwatch. ■ - Các smartwatch chạy Android Wear, phiên bản hệ điều hành Android Google phát triển riêng cho smartwatch và các thiết bị wearable, giúp người dùng “nói chuyện với cổ tay” của mình và chẳng cần phải đụng tới điện thoại dễ dàng hơn bao giờ hết. Thông qua trợ lý ảo Google Now vốn quen thuộc với người dùng smartphone, người dùng có thể ra lệnh cho đồng hồ đáp ứng các nhu cầu như tìm kiếm thông tin trên Internet hay tra cứu lịch làm việc. Bạn chỉ cần đưa tay lên và nói “khi nào tới hẹn gặp nha sĩ?”, Google Now sẽ quét lịch làm việc trên đồng hồ và trả lời lại chính xác những gì bạn đã ghi chú. - Trang mạng Droid Life cho biết Samsung đã thử nghiệm ứng dụng Samsung Pay trên đồng hồ Gear S2 cho một nhóm nhỏ người dùng. Sau khi cài đặt và nhập thông tin thẻ tín dụng, người đeo Gear S2 chỉ cần đưa cổ tay vào máy thanh toán sử dụng công nghệ giao tiếp tầm gần (NFC) là đã hoàn tất giao dịch. - BMW, Mercedes-Benz hay Hyundai đã phát triển ứng dụng giúp tài xế điều khiển xe của họ từ xa chỉ bằng cách thao tác ngay trên đồng hồ. Người đeo có thể định vị, đóng/mở cửa, bật/tắt động cơ bằng smartwatch và một số ứng dụng như Blue Link của Hyundai dành cho Android Wear còn cho phép bật đèn pha hay bóp kèn từ đồng hồ. Tags: Đồng hồ thông minhMau hết thờiĐồng hồ thông minh đến đâu
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thủ tướng dự khánh thành khu tái định cư Làng Nủ, Kho Vàng, Nậm Tông NGUYỄN KHÁNH 22/12/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Ga Bến Thành chật cứng người dân muốn lên tàu metro số 1 CHÂU TUẤN 22/12/2024 Sáng nay 22-12, tuyến metro số 1 chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lịch sử trong hành trình phát triển giao thông đô thị của TP.HCM.
Văn Toàn chia tay ASEAN Cup 2024 HOÀNG TÙNG 22/12/2024 Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn phải nói lời chia tay hành trình ASEAN Cup 2024 cùng đội tuyển Việt Nam, vì chấn thương dây chằng đầu gối.
Trung tướng Mỹ nói về triển vọng hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ DUY LINH 22/12/2024 Trung tướng Steven Rudder, cựu tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ tại Ấn Độ Dương - TBD, đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện riêng.