Châu Á sẽ định nghĩa Internet di động

CHIÊU VĂN (THEO MEDIUM.COM) 23/09/2016 02:09 GMT+7

TTCT - Giám đốc điều hành châu Á - Thái Bình Dương của Google Karim Temsamani trao đổi với CEO của Mạng lưới các tổng biên tập toàn cầu Bertrand Pecquerie trong một cuộc trò chuyện thú vị về tương lai của Internet, Internet di động và bối cảnh truyền thông số ở châu Á.

Châu Á sẽ là tương lai của Internet di động -Hữu Khoa
Châu Á sẽ là tương lai của Internet di động -Hữu Khoa

Các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, sự thay đổi trong thói quen xem video, hành vi của thế hệ thiên niên kỷ và một viễn cảnh hoàn toàn mới của báo chí hòa nhập đang mở ra trước mắt.

Bertrand Pecquerie: Điện thoại thông minh không được phát minh ra ở châu Á, nhưng ngày nay đó là châu lục chính yếu của thiết bị này. Liệu điều đó có nghĩa là tương lai của điện thoại thông minh sẽ được định hình bởi người dùng châu Á?

- Karim Temsamani: Điện thoại thông minh không được phát minh ra ở châu Á, nhưng những nền tảng của Internet đa dạng và mang tính di động cực cao là ở đó, và đó là nơi người tiêu dùng sẽ xây dựng tương lai của điện thoại di động.

Những quốc gia như Thái Lan có nhiều đăng ký điện thoại di động hơn cả dân số! Châu Á sẽ thật sự định nghĩa Internet di động của thế giới.

Từ năm 2008, châu Á đã luôn chiếm ở mức ổn định 40% số người sử dụng Internet di động băng thông rộng của thế giới, và chúng tôi nghĩ họ sẽ duy trì mức độ đó khi tỉ lệ này ở châu Âu giảm. Một vấn đề đơn thuần là số lượng người ở đó.

Nhưng cũng còn nhờ vào các sáng tạo xuất phát từ châu Á cả trong phần cứng và phần mềm. Các hãng chế tạo châu Á đang tạo ra thiết bị hiệu quả không chỉ với những cư dân giàu có ở Tokyo hay San Francisco, mà cả những người sống bên ngoài các trung tâm đô thị lớn như ở Ấn Độ.

Những người ở Tokyo và New Delhi có một điểm chung: họ dùng di động trước hết và tất cả những người mới lên mạng ở châu Á - Thái Bình Dương hầu như là những người chỉ dùng di động.

Dân cư của vùng này đang thúc đẩy tất cả mọi người phải tư duy lại cách vận hành các ứng dụng và những quan điểm mặc định về điện toán. Sự sáng tạo trong những ứng dụng trò chuyện trực tuyến từ Line, KakaoWeChat trải khắp khu vực.

Dân châu Á dành nhiều thời gian và - ở một số nước - nhiều tiền bạc hơn hẳn cho việc sử dụng điện thoại thông minh của họ so với châu Âu và Mỹ. Kiểu hành vi đó sẽ trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu chỉ trong vài năm nữa. Bên ngoài công nghệ, trung tâm của tiêu dùng hộ gia đình trên thế giới cũng đang di chuyển về hướng nam và hướng đông, ra khỏi châu Âu và Mỹ.

Điều đó đồng nghĩa việc ra quyết định, các xu hướng văn hóa và quyền lực sẽ ngày càng đặt trọng tâm ở châu Á. Nói một cách đơn giản: Nếu bạn muốn biết ngành công nghiệp tin tức ở châu Âu sẽ vận hành ra sao vào năm 2020, chỉ cần nhìn Tokyo hay Nhật Bản vào năm 2016.

Tầm quan trọng của tin tức trên điện thoại thông minh ở châu Á ra sao? Liệu ở đó người ta có thích xem tin tức hơn các châu lục khác?

- Tin tức là một yếu tố tối quan trọng với người dùng Internet di động ở châu Á với tỉ lệ người dùng cao hơn nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc kiểm tra tin tức trên điện thoại di động của họ mỗi ngày so với ở châu Âu.

Thật ra, tin tức là loại ứng dụng được sử dụng nhiều số 1 ở Nhật Bản trong những người dùng điện thoại thông minh. Nhưng sự nổi lên của các ứng dụng trò chuyện trực tuyến cạnh tranh trực tiếp với tin tức trong việc thu hút sự chú ý và báo tin cho người dùng.

Cách tốt nhất để vượt qua sự ồn ào đó là bằng báo chí chất lượng cao được thiết kế để dễ tiếp cận trong bối cảnh di động, đủ hấp dẫn để lôi kéo người dùng trở lại trong tương lai và dễ chia sẻ.

Người dùng châu Á có gì đặc biệt trong việc tiêu thụ tin tức? Hành vi của thế hệ thiên niên kỷ ở đó có giống ở Mỹ và châu Âu không?

- Những hình mẫu hành vi chúng ta gán cho thế hệ thiên niên kỷ ở Mỹ và châu Âu cũng giống ở châu Á với người dùng di động.

Những người tiêu dùng phấn khích nhất giờ sống ở châu Á, họ bỏ qua các công nghệ và thói quen cũ. Họ thay đổi cách sử dụng tiền bạc và thời gian trên mạng nhanh hơn nhiều so với ở phương Tây. Nhật Bản là một quốc gia di động trước tiên, Malaysia có tỉ lệ sử dụng ứng dụng nhắn tin cao nhất thế giới và Singapore có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao thứ hai thế giới.

Người dùng trung bình ở châu Á dành một lượng lớn thời gian với điện thoại mỗi ngày, với những con số lên tới 6-7 giờ mỗi ngày ở Philippines. Và trong khoảng thời gian đó, họ dành rất nhiều cho các ứng dụng liên lạc, xem video, chụp và chia sẻ hình ảnh.

Điều này kết hợp với hệ thống báo tin liên tục trên điện thoại đồng nghĩa người dùng chờ đợi và đòi hỏi sự tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng và chia sẻ được với mọi thứ. Điều đó cũng có nghĩa là thay vì những đơn vị xuất bản ở châu Á phải quay sang Mỹ và châu Âu để học hỏi ý tưởng, giờ nhiều khả năng điều ngược lại sẽ xảy ra.

Ông Karim Temsamani -Getty Images
Ông Karim Temsamani -Getty Images

 

Ông có cho rằng các ứng dụng trò chuyện sẽ định nghĩa tương lai điện thoại thông minh châu Á? Người dùng châu Á pha trộn tin tức và các cuộc trò chuyện ra sao?

- Không chỉ là các ứng dụng nhắn tin hay trò chuyện, mà đưa điện thoại trở lại việc sử dụng cốt lõi của nó là để liên lạc, nên dù là ứng dụng video như Viber hay ứng dụng nhắn tin như Line, một điều rõ ràng là người dùng hiện đang tương tác và chia sẻ liên tục với nhau.

Người dùng giờ đã quen với việc nhận được tin nhắn liên tục và tiếp cận mọi thứ thật dễ dàng, nên các trang web và ứng dụng tải chậm ngày càng có nguy cơ bị loại bỏ hơn, với 40% người dùng từ bỏ một trang nếu nó tải chậm hơn ba giây.

Những đơn vị xuất bản ở châu Á phải chấp nhận rằng các ứng dụng đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống của người dùng và phải suy nghĩ làm sao sử dụng điều đó như một công cụ, để xây dựng quan hệ trực tiếp với độc giả của họ theo cách của họ, trên nền tảng của họ.

Điều cũng đã trở nên rõ ràng là các ứng dụng không nhất thiết hiệu quả trong việc xây dựng mối quan hệ. Không phải ngẫu nhiên mà một số trang tin đã trở thành ứng dụng mới nhất xuất hiện ở Indonesia và Pakistan, nơi phí dữ liệu tải một ứng dụng có vai trò cực kỳ quan trọng.

Nếu xem thử babe.news (Indonesia) hay geo.tv (Pakistan), bạn sẽ thấy nó có vẻ là một ứng dụng, nhưng thật ra đó là một trang web. Nội dung vẫn còn lại khi điện thoại đã ngắt kết nối Internet. Chúng ta đang tiến ngày càng gần tới một thế giới mà không còn sự phân biệt giữa ứng dụng và trang tin nữa.

Các thiết bị thực tế ảo sẽ cho phép nghề báo nhập vai phát triển mạnh mẽ. Ông có thấy ở châu Á sẽ có thị trường cho điều đó, hay thực tế ảo sẽ chỉ tập trung vào giải trí và chơi điện tử?

- Người dùng châu Á đã là những người tham gia các cuộc cách mạng công nghệ mới từ sớm, điều tương tự cũng có thể đúng cho thiết bị thực tế ảo, miễn là chúng có thể được tiếp cận rộng rãi và có những nền tảng mở.

Người dùng không bị bó buộc bởi công nghệ trước kia - một nửa dân số Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Malaysia là dưới 30 tuổi, có nghĩa họ chưa bao giờ sống trong một thế giới không có máy Walkman và mới 5 tuổi hay nhỏ hơn nữa khi Internet đại chúng ra đời. Với họ, Internet không phải là một cuộc cách mạng, nó đã có sẵn ở đó rồi.

Và sự cởi mở đó với các công nghệ mới là một cơ hội lớn với họ. Chìa khóa cho các tổ chức báo chí là nhìn vào điều đã khiến trò chơi điện tử là một thành công lớn ở châu Á. Các nhà phát triển trò chơi điện tử kiếm được doanh số lớn qua đăng ký, bán lẻ và quảng cáo, tất cả những điều mà ngành công nghiệp tin tức sẽ muốn học theo.

Các hãng tin tức vì thế không chỉ đơn giản bổ sung thực tế ảo như một tính năng, họ cần phải thật sự tích hợp và khác biệt. Lấy ví dụ, họ cần đặt câu hỏi liệu có lý do thích đáng để đưa người xem ra thẳng hiện trường qua công nghệ hay không, như một máy quay 360 độ tạo cho người xem cảm giác họ có mặt tại đó.

Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc mới đây mô tả ở một sự kiện tại Tokyo những gì họ làm với công nghệ thực tế ảo, rất hấp dẫn. Không chỉ truyền hình trực tiếp 360 độ, họ còn muốn trang của họ là nền tảng cho các nội dung thực tế ảo do tất cả mọi người tạo ra ở Hàn Quốc. Chúng ta không được quên rằng trong vài năm nữa, thực tế ảo sẽ là điều nhiều người muốn khám phá.

Những bài học từ thành công của trò chơi điện tử là rất giá trị ở châu Á, và chúng ta thấy ngày càng nhiều thử nghiệm với tin tức trong lĩnh vực này. Trên toàn cầu, hơn 75% người dùng Android chơi điện tử. Ở Nhật Bản, 9/10 ứng dụng phổ biến nhất là trò chơi điện tử.

Và không phải tất cả những người đó đều là dân chơi điện tử “chuyên nghiệp”. Những người chưa bao giờ mua một máy chơi điện tử giờ đi loanh quanh với điện thoại thông minh và chơi những trò phức tạp.

Hiện tượng “người người chơi game” này đang tạo ra một ngành công nghiệp nhiều tỉ đôla và một làn sóng mới các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở châu Á, cũng như cơ hội mới cho các hãng tin, cả trong việc vươn tới với độc giả mới và kiếm được tiền từ nội dung.■

Giống như các ứng dụng trò chuyện trực tuyến trở thành nền tảng di động trước tiên cho gần như mọi thứ, ngành công nghiệp điện tử ở châu Á có thể được hiểu là một yếu tố tiên phong trong các khuynh hướng chủ đạo mà ngành tin tức toàn cầu phải hiểu được. Họ phân loại khán giả giữa người dùng thông thường có thể thu được tiền qua quảng cáo và các tay chơi game thứ thiệt sẵn sàng bỏ tiền cho trò chơi của họ. Họ cũng khiến việc thanh toán dễ dàng. Họ mang lại cảm giác thành tựu cho người chơi. Họ là một thói quen hằng ngày. Đó cũng phải là cách tư duy của các hãng tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận