Những thành phố nổi tương lai

TRƯỜNG SƠN 01/12/2016 03:11 GMT+7

TTCT - Ứng dụng công nghệ để xây dựng các thành phố thông minh, nhiều tiện ích là nhu cầu thiết thực nhưng với nhiều đô thị, thông minh chưa chắc quan trọng bằng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố hoa súng
Thành phố hoa súng


Chuyện các thành phố có thể bồng bềnh trên mặt nước thay vì bị lũ lụt nhấn chìm không còn là chuyện điên rồ.

Như bình luận của Progrss.com, trang web chuyên về các giải pháp thành phố tương lai: “Những tiến bộ của công nghệ hiện tại không chỉ giúp việc xây dựng cuộc sống trên mặt nước là hoàn toàn khả thi, mà còn cho thấy những đại dương, sông suối và ao hồ trên trái đất này có thể mang đến các trải nghiệm đô thị phong phú hơn”.

Theo báo Independent, thiết kế nhà cửa đặt ưu tiên chống chọi thảm họa (disaster-resistant) lên hàng đầu vừa được bình chọn là xu hướng lớn kế tiếp của ngành kiến trúc Anh.

“Chúng ta buộc phải tìm cách chuẩn bị và thích nghi với các mối nguy ngày càng gia tăng này, và cốt lõi của việc này chính là làm sao để nhà cửa của ta có thể chịu đựng, hoặc có hư hại cũng nhanh chóng được khôi phục trước những thảm họa này” - tác giả Dennis Allen viết trên Independent.

Công trình có khả năng “kháng thảm họa” là thiết kế hoặc cải tạo nhà cửa theo hướng tăng khả năng chịu đựng các sự cố như cháy, bão lũ hay động đất, sẵn sàng cho việc bị mất nguồn cung điện, nước hoặc chất đốt khi xảy ra thảm họa, cần các giải pháp xây dựng xanh như tích trữ nguồn điện mặt trời và dự trữ nước mưa, phòng khi nguồn điện và nước bị cắt vì bão lũ.

Các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị trên thế giới đang miệt mài tìm các giải pháp thay thế truyền thống xây dựng chỉ với gạch và vữa để đảm bảo các thành phố có thể an toàn trước các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao.

“Nước lên thuyền lên”

Ngày 10-11, trang PSFK, trang tin tức chuyên về các giải pháp sáng tạo, đột phá, giới thiệu mô hình thành phố nổi SAFE Building System của Công ty công nghệ Arx Pax (Mỹ). Arx Pax đã chơi chữ khi gọi giải pháp của họ là SAFE (an toàn). Tên đầy đủ là Self-adjusting Floating Environment (Môi trường nổi tự điều chỉnh).

 


Theo Arx Pax, thành phố nổi có thể được xây dựng ngay trong lòng một thành phố thông thường, và kiến trúc đặc biệt của nó sẽ giúp cư dân thành phố nổi an toàn, trong khi phần còn lại kia sẽ chìm trong nước mỗi khi có sự cố lũ lụt.

Trong video giới thiệu SAFE Building System, thành phố nổi được xây dựng bằng cách cho đào một vùng trũng bất kỳ sau đó đổ nước vào, giống như đào một cái ao trong vườn nhà (dĩ nhiên diện tích phải lớn, ít nhất cỡ một khu phố).

Sau đó, các môđun nổi thiết kế như các thùng container được đặt vào “chiếc ao” này, kết nối với nhau tạo thành phần móng nổi cho thành phố. Bước cuối cùng là xây dựng các hạ tầng và thành phần thiết yếu của bất kỳ đô thị nào trên các phần móng nổi này.

Arx Pax giải thích với cấu tạo như thế, mỗi khi có lũ cả thành phố sẽ cùng nổi lên với mực nước và không bao giờ bị ngập. Arx Pax khẳng định sẽ sử dụng các công nghệ kỹ thuật và kiến trúc hàng hải hiện đại nhất để việc xây dựng thành phố nổi không quá đắt đỏ. Công ty này đang hi vọng sẽ được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng trên để có thể sớm đưa vào sản xuất.

Arx Pax không phải là công ty duy nhất có ý tưởng xây dựng thành phố nổi. Trang Inhabitat (chuyên về thiết kế xanh, công nghệ sạch) cũng giới thiệu bảy ý tưởng thành phố nổi được cho là “có thể cứu nhân loại”.

Một trong số này là ý tưởng thành phố nổi Prefab Self Sustaining Floating City, do công ty thiết kế AT Design Office (Anh) đề xuất nhằm giải quyết vấn đề dân số quá đông của Trung Quốc. Theo đó, thành phố nổi Prefab được xây dựng như một vùng đất rực rỡ sắc màu được ghép từ các hòn đảo riêng rẽ có hình lục giác.

Mỗi hòn đảo được thiết kế để không thải ra khí cacbon, tiết kiệm năng lượng, bao gồm các trang trại cả nông nghiệp lẫn thủy sản để đảm bảo tự cung tự cấp.

Một ý tưởng độc đáo và thú vị khác là Lilypad Vincent Callebaut, thành phố nổi với tạo hình hoa súng.

Cha đẻ của ý tưởng này, kiến trúc sư sinh thái người Bỉ Vincent Callebaut, giải thích “thành phố hoa súng” được hợp thành từ các đảo riêng (gọi là lilypad), mỗi đảo sẽ có đặc tính địa hình khác nhau. Các lilypad sẽ “hòa quyện” với nhau tạo nên thành phố chung, đủ sức chứa 50.000 dân và được vận hành bằng năng lượng tái tạo, giúp thành phố nổi đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường.

“Có thể hình dung Lilypad Vincent Callebaut như ngôi nhà tương lai cho những người “tị nạn” trước biến đổi khí hậu” - Callebaut nói.

Mô hình ngôi nhà nước
Mô hình ngôi nhà nước

 

Tận dụng không gian nước

Ở tầm mức nhỏ hơn “thành phố nổi”, việc tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp tận dụng các “thực thể nước” từ biển, sông hồ tự nhiên đến các hồ nhân tạo, hồ điều tiết, để xây dựng hạ tầng cũng được xem là xu hướng mới trên thế giới.

Trong bài viết hồi tháng 9, trang Progrss.com kể hàng loạt ví dụ các công trình nổi trên nước với nhiều công năng khác nhau, từ quảng trường, nơi ở cho người tị nạn đến ký túc xá cho sinh viên, tất cả đều nổi trên mặt nước.

Tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), công ty khởi nghiệp Urban Rigger cũng vừa hoàn tất khu ký túc xá nổi đầu tiên, được ghép từ các container. Mỗi “phòng” của ký túc xá này có đầy đủ bếp ăn, giường ngủ và phòng tắm với giá thuê 600 USD/tháng.

Các container được xếp chồng lên nhau theo hình tam giác, khoảng không giữa ba cạnh của tam giác chính là sân chơi sinh hoạt chung cho cư dân của ký túc xá. Cũng phải kể đến ý tưởng độc đáo “khu rừng nổi” Swale Floating Food Forest ở TP New York. Nghệ sĩ Mary Mattingly cho trồng các loại rau quả trên một chiếc sà lan và chạy quanh thành phố, sẵn sàng tặng không cho khách viếng thăm...

Ký túc xá nổi
Ký túc xá nổi

 

và Ngôi nhà nước Đan Mạch

Cùng với Hà Lan, Đan Mạch luôn là quốc gia đi đầu trong việc tìm ra các giải pháp đột phá để chống chọi với tình hình khí hậu, đặc biệt là lũ lụt. Công ty kiến trúc Đan Mạch Tredje Natur giới thiệu “House of water” (Ngôi nhà nước), được cho là đô thị gắn liền với nước tương lai.

Tredje Natur xây dựng "ngôi nhà nước" gồm cụm bảy đảo nhân tạo đặt trong một hồ chứa trung tâm, có thể sẽ được đặt ở cảng Copenhagen, đóng vai trò là không gian công cộng để mọi người tìm hiểu về môi trường nước và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên quý giá này.

“Ngôi nhà của nước” được thiết kế như một tảng băng trôi giữa đại dương bao la, “tượng trưng cho một giọt nước giữa đại dương - giúp mọi người thấy rõ nước sạch là tài nguyên hiếm và quan trọng thế nào” - Tredje Natur viết trên trang web giới thiệu dự án.

Bảy hòn đảo của “ngôi nhà nước” là bảy không gian gặp gỡ, khám phá khác nhau, nơi khách viếng thăm có thể trải nghiệm các công nghệ về nước độc đáo nhất của Đan Mạch.

Hồ chứa xung quanh bảy hòn đảo sẽ thu thập nước mưa, và được truyền nhiệt để giữ nhiệt độ thích hợp để có thể tắm biển quanh năm, bất kể thời tiết thực sự thế nào. Bề mặt ngôi nhà được phủ đá vôi, giúp làm sạch nước mưa tự nhiên. Tất cả những điều này góp phần làm thành phố thủ đô gần gũi thiên nhiên, lành mạnh và bền vững hơn.■

Điểm chung các ý tưởng thành phố nổi là sử dụng năng lượng tái tạo từ các tấm pin mặt trời hoặc tuôcbin điện gió. Điều này sẽ đảm bảo tính tự cung tự cấp cho các thành phố nổi vì không phụ thuộc vào lưới điện trên mặt đất, vốn chắc chắn sẽ bị cắt khi thảm họa xảy ra. Đây cũng là lí do mà hầu hết dự án đều “quy hoạch” khu vực trồng trọt để tạo nguồn cung thực phẩm.

Vật liệu gì?

Loại vật liệu đặc biệt, kết hợp giữa các tấm xốp EPS (expanded polystyrene) và bêtông cốt thép được các chuyên gia lựa chọn cho các dự án hiện nay. Các tấm EPS chính là các tấm mốp thường được chèn vào trong thùng đựng các thiết bị điện tử để chống va đập.

Loại xốp này được cấu tạo từ các hạt tròn nhỏ, bên trong là không khí nên luôn nổi trên mặt nước. “Kết hợp EPS với bêtông để tạo ra một vật liệu rắn, bền và trọng lượng thấp” - Bart Roeffen, giám đốc sáng tạo của DeltaSync, giải thích với tạp chí Factor. Các khối bêtông sẽ có “nhân” là tấm EPS để giúp chúng có thể nổi được.

Dự án của Seasteading Institute cũng dùng loại vật liệu này để đúc thành các môđun rồi ghép lại với nhau để xây phần đế nổi. Seasteading Institute khẳng định phần đế này có tuổi thọ 100 năm và có thể chịu được các công trình cao đến ba tầng.

Trang tin công nghệ Techzimo ngày 16-11 đưa tin một vật liệu trong tương lai sẽ vô cùng phù hợp để làm phần đế cho các thành phố nổi là metallic hydrogen, tức hydro kim loại.

Các nhà khoa học hiện đã chuyển được hydro từ thể khí sang dạng kim loại trong phòng thí nghiệm, nhưng mới đạt được kích cỡ rất nhỏ. Một thách thức khác là làm sao để vật liệu này giữ nguyên trạng thái rắn ở nhiệt độ và áp suất thông thường.

Khi đó, hydro kim loại sẽ là loại vật liệu siêu bền, siêu nhẹ, thích hợp để “xây dựng cả một thành phố có thể nổi trên biển hoặc làm nhiên liệu tên lửa, với lực đẩy mạnh gấp bốn lần so với hydro lỏng đang dùng hiện nay” - theo trang Techzimo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận