Từ chỉnh sửa đến hồi sinh người chết

TRƯỜNG SƠN 28/06/2017 05:06 GMT+7

TTCT- Con người hiện đã có thể “đọc” và “chỉnh sửa” sự sống của mình từ khi các nhà khoa học tìm được cách đọc toàn bộ bộ gen của loài người và công nghệ chỉnh sửa ADN. “Giờ đây chúng ta có thể tiến thêm một bước - cải biến, thậm chí tạo ra cuộc đời mới...” - trang Futurism viết.

Mầm sống hồi sinh
 

 

Sinh học tổng hợp được xem là xương sống của công nghệ sinh học (biotech), cho phép con người thay tạo hóa tạo ra vật chất, chẳng hạn tổng hợp các cơ quan của cơ thể để ghép cho người cần. Câu hỏi mà Futurism đặt ra là chúng ta rồi sẽ còn làm được điều không tưởng nào nữa? Và có nhất thiết phải chống lại quy luật của tự nhiên hay không?

Dữ liệu di truyền học, giá bao nhiêu?

Một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học là kéo dài tuổi thọ loài người. Hòn đảo Sardinia (Ý) nằm ngoài khơi Địa Trung Hải nổi tiếng là nơi có nhiều người thượng thọ. Tỉ lệ để một người sống trên 100 tuổi tại đây cao hơn gấp 5 lần so với ở Mỹ.

Những cư dân Sardinia này đã trở thành đối tượng nghiên cứu đáng quan tâm của Công ty công nghệ sinh học Tiziana Life Sciences (Anh). Bloomberg ngày 2-6 cho biết Tiziana đã đạt được các thủ tục pháp lý để mua bộ dữ liệu di truyền học của gần 13.000 cư dân từ Công ty nghiên cứu Shardna SpA với giá 290.000 USD, nhằm phân tích nguyên nhân trường thọ của cư dân trên đảo.

Song, mục tiêu cuối cùng của Tiziana không phải là “tạo ra một viên thuốc thần kỳ giúp sống thọ, bởi điều này sẽ không bao giờ xảy ra” - nhà sáng lập Gabriele Cerrone nói với Bloomberg.

Theo Cerrone, mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu các yếu tố góp phần giúp người dân trên đảo sống lâu và các điều kiện sức khỏe khác nhằm phục vụ cho việc bào chế thuốc trị ung thư và các bệnh miễn dịch, vốn là lĩnh vực hoạt động chính của Taziana.

Taziana không phải là công ty duy nhất quan tâm đến dữ liệu di truyền học.

Theo Bloomberg, nhiều công ty dược phẩm cũng bắt đầu mua thông tin về gen nhằm tìm ra liệu pháp điều trị đột phá, tận dụng thực tế là chi phí của công nghệ phân tích trình tự gen (gene sequencing) ngày càng giảm. Năm 2012, Công ty công nghệ sinh học Amgen (Mỹ) cũng chi 415 triệu USD để mua dữ liệu di truyền học của hơn 1/2 dân số Iceland.

Cụ Maria Tegas, 100 tuổi. Các nhà khoa học nỗ lực tìm hiểu bí quyết sống lâu của những người Sardinia như cụ
Cụ Maria Tegas, 100 tuổi. Các nhà khoa học nỗ lực tìm hiểu bí quyết sống lâu của những người Sardinia như cụ

 

Từ “ngủ đông” đến hồi sinh người chết

Không chỉ tìm kiếm phương thuốc chống lại quy luật sinh lão bệnh tử, liệu chúng ta có thể nào tạm xa rời cuộc sống hôm nay và thức dậy ở tương lai, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới?

Đó là lý tưởng cốt lõi của cryogenic - công nghệ “bảo quản” cơ thể người với nhiệt độ siêu lạnh, cho họ vào giấc “ngủ đông”, chờ ngày được “rã đông” để sống cuộc đời mới.

Bộ phim Passengers là một trong những tác phẩm mới nhất chuyển tải giấc mơ “chết” hôm nay và “tái sinh” trong tương lai của con người. Điều trái với lẽ tự nhiên này hiện đã gần với hiện thực hơn chỉ là những bộ phim khoa học giả tưởng.

Tổ chức Alcoa Life Extension (Arizona, Mỹ) đang điều hành dự án “bảo quản lạnh” con người như thế và hiện có đến 8 cơ thể đang được “cấp đông” tại cơ sở của họ. Công ty Cryonics Institute (Michigan, Mỹ) cũng theo đuổi mục tiêu tương tự, với tầm nhìn việc “ngủ đông” hôm nay sẽ mang lại “tương lai tươi sáng hơn” cho con người, khi họ có thể tiếp tục vui vầy cùng con cháu, trải nghiệm thế giới tương lai thay vì tưởng tượng về nó và “làm lại cuộc đời” nếu bạn đang không hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Cryonics Institute cũng nhấn mạnh những người mắc bệnh mà y học hiện tại chưa chữa được có thể chọn “ngủ đông” với hi vọng ở tương lai mà họ tỉnh dậy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Trang web chuyên về công nghệ sinh học châu Âu Labiotech hồi tháng 1-2017 khẳng định “khoa học đã sẵn sàng” cho những viễn tưởng khó tin và có phần đáng sợ này, vấn đề là chúng ta đã sẵn sàng cho nó hay chưa.

Tuy nhiên, theo Labiotech, các tiến bộ khoa học hiện tại chưa thể đông lạnh toàn bộ cơ thể người mà chỉ ở cấp độ phôi hoặc mô như máu hay tinh trùng. Và vì lẽ đó, các công nghệ trữ đông cơ thể người được cho là “thiên về niềm tin hơn là khoa học”.

Thực tế cũng cho thấy quá trình đạt được tham vọng cũng đầy chông gai. Năm 2016, một nhóm nghiên cứu tiến hành trữ đông não thỏ trong một tuần và nhận thấy bộ não này không còn hoạt động sau khi “rã đông”, dù mô và liên kết giữa tế bào thần kinh được bảo toàn nguyên vẹn.

Kết quả này chứng minh hạn chế của công nghệ hiện tại, rằng “bảo quản hoàn hảo không có nghĩa là chức năng được bảo đảm”; nghĩa là “thành công trong việc cho con người ngủ đông hãy còn xa lắm”, theo Labiotech.

Các nhà khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm với niềm tin họ có thể làm được quyền năng như hồi sinh người chết.

Đầu tháng 6, Công ty công nghệ sinh học Bioquark (Philadelphia, Mỹ) gây xôn xao khi tuyên bố sẽ tiến hành dự án đưa những người chết não sống lại vào cuối năm nay.

Theo trang Futurism ngày 2-6, 20 người tham gia đã chết não, sống thực vật nhờ máy móc, với nhiều quá trình điều trị khác nhau.

Đầu tiên, những người tham gia sẽ được tiêm tế bào gốc (lấy từ chính máu của họ) ngược trở lại cơ thể, sau đó được truyền protein thẳng vào tủy sống, kích thích thần kinh điện và điều trị laser để các tế bào thần kinh mới phát triển và kết nối với nhau.

Sau đó, những người này sẽ được đeo máy thở để các nhà nghiên cứu quan sát trong vài tháng với hi vọng não họ sẽ hoạt động lại và mang đến cuộc sống mới. Himanshu Bansal - bác sĩ phẫu thuật thuộc Đại học Uttarakhand (Ấn Độ), một thành viên của dự án - cho rằng mục tiêu là giúp bệnh nhân “trở lại trạng thái nhận thức tối thiểu” như cử động được mắt.

Trường hợp chọn “ngủ đông” gần nhất là cô bé 14 tuổi người Anh qua đời hồi tháng 10-2016 vì mắc bệnh ung thư hiếm gặp. Trước khi chết, cô bé đã kịp hoàn thành mọi thủ tục pháp lý để cơ thể mình được bảo quản lạnh ở Cryonics Institute, với mong muốn có thể được “hồi sinh” trong tương lai, khi chứng bệnh của cô bé đã có thuốc chữa.

Quy trình đông lạnh không hề đơn giản. Ngay sau khi qua đời, thi thể cô bé được rút hết máu và thay bằng chất lỏng đặc biệt để tránh trường hợp khi đông lạnh, lượng nước trong cơ thể sẽ hóa thành băng - tức chuyển từ thể lỏng sang rắn - khiến các mô và tế bào vỡ tung. 

Cơ thể cô bé sau đó được ướp đá lạnh và cấp đông với nhiệt độ âm 700C. Cuối cùng, hòm chứa cơ thể được chuyển đến Mỹ và cho vào khoang riêng làm lạnh âm 1960C bằng nitơ lỏng. Quy trình này cũng cực kỳ đắt đỏ, gia đình cô bé đã trả 37.000 bảng Anh cho Cryonics Institute và chi phí của toàn gói dịch vụ có thể lên đến 200.000 bảng.

Công nghệ đang làm biến đổi cuộc sống
Công nghệ đang làm biến đổi cuộc sống

 

Hão vọng hay thực tế?

Những dự án cho tương lai, đặc biệt liên quan đến sinh mạng con người, luôn gây tranh cãi. Từ góc nhìn người trong cuộc, Ramon Risco, một chuyên gia “đông lạnh cơ thể”, tự tin rằng trong 10 năm tới, các nhà khoa học sẽ có thể tái sinh thành công các loài động vật có vú nhỏ như chuột bằng phương pháp “ngủ đông”.

Ở thì hiện tại, Risco cho rằng con người cứ tiếp tục tận hưởng công nghệ này qua phim ảnh về du hành thời gian, song khẳng định mối quan tâm của công chúng và các công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy công nghệ này đến gần thành công hơn.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà khoa học cho rằng phổ biến ý tưởng rằng ta có thể ngủ hay chết đi và sống lại ở tương lai là “rao bán ảo vọng” và vì thế điều này cần bị cấm.

Giáo sư Martin Rees, cựu chủ tịch Hội Hoàng gia Anh, cho rằng ngay cả khi công nghệ này thành công thì việc một người đang ở thời đại này bỗng dưng bắt đầu cuộc sống ở thế hệ tiếp sẽ trở thành gánh nặng cho thời đại mới đó.

“Những người hồi sinh sẽ là nỗi phiền toái hoặc lạc loài trong thế giới tương lai đó” - Labiotech dẫn lời giáo sư Rees cảnh báo.

Với những công nghệ như hồi sinh người chết não của Bioquark, vấn đề đặt ra lại là sự đồng thuận của người tham gia nghiên cứu, điều có vẻ bất khả thi với người đã chết não.

Các nhà nghiên cứu của Bioquark đã lên tiếng phản biện rằng họ sẽ chấp nhận thư đồng ý của người đại diện hợp pháp của bệnh nhân trước khi thực hiện việc “hồi sinh”. Song, vẫn còn hàng loạt câu hỏi như “chuyện gì sẽ xảy ra nếu não của bệnh nhân thực sự hoạt động trở lại, và họ sẽ ở trong trạng thái tinh thần thế nào?”.

Năm 2016, tiến sĩ khoa học thần kinh Ariane Lewis và chuyên gia “đạo đức sinh học” Arthur Caplan viết chung một bài báo trên tạp chí Critical Care, chỉ trích dự án của Bioquark là “đáng ngờ” và “không có cơ sở khoa học”.

“Thử nghiệm của Bioquark nói nhẹ nhất là tranh cãi về mặt đạo lý, và nói thẳng ra là hoàn toàn phi đạo đức” - hai chuyên gia viết.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ Ed Cooper cho rằng phương pháp của Bioquark sẽ không thành công vì sai ngay từ xuất phát điểm: bắt đầu với người đã chết não.

Cooper cho rằng cần phải có cuống não (brain stem) còn hoạt động được thì nơron thần kinh mới có thể kết nối được với vỏ não. “Với người đã chết não, cuống não không còn hoạt động và phương pháp của Bioquark sẽ thất bại” - Cooper viết trong một bài báo.■

 

“Trồng não”

Công ty BRTI (Minnesota, Mỹ) đã phát minh ra công nghệ Cell-Mate 3D, xây dựng mô hình tế bào não ở dạng 3D để phục vụ việc nghiên cứu với giá được cho là không quá đắt đỏ, từ 350 - 495 USD cho mỗi 0,75 - 1,5 milimet vật liệu tạo ra, theo trang News Tribune ngày 21-5. Tiến sĩ Timothy O'Brien, giáo sư Đại học Minnesota, cho rằng đây là “mô hình não gần giống với não thật nhất từ trước đến giờ” và điều này thực sự quan trọng cho việc phát triển thuốc cho các bệnh thần kinh, đặc biệt là khi cần kiểm tra tác động độc hại của thuốc.

Điều đặc biệt là Cell-Mate 3D có thể dựng mô hình não với nguyên liệu đầu vào là tế bào gốc lấy từ người đã trưởng thành chứ không nhất thiết phải từ phôi.

Điều này có nghĩa ta có thể mô phỏng lại não của bệnh nhân bị bệnh Parkinson hay Alzheimer để nghiên cứu chính xác tình trạng của họ. Tiến sĩ O’Brien tin rằng trong tương lai 5-10 năm nữa, “tế bào não “trồng” được bằng công nghệ này có thể dùng để ghép cho người hoặc y học tái tạo (regenerative medicine)”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận