Lộng lẫy hồ xanh Toba 

TRẦN THÁI HOÃN 18/08/2016 22:08 GMT+7

TTCT - Indonesia, đất nước thường được biết đến bởi những thiên đường du lịch biển. Ít người biết rằng nhờ đại dương mênh mông cách trở, quốc đảo này còn sở hữu những cánh rừng già nhiệt đới lớn nhất nhì thế giới vẫn giữ được nét hoang sơ đến tận giờ.

Danau Toba đón nắng trưa đậm, xanh ngăn ngắt-T.T.H.
Danau Toba đón nắng trưa đậm, xanh ngăn ngắt-T.T.H.


Giữa những rừng sâu thâm u, núi đồi thênh thang đó, điểm tô những hồ nước ngọt ngăn ngắt xanh làm xứ vạn đảo trở nên cuốn hút lạ lùng. Trong đó không thể không nhắc đến viên ngọc biếc lấp lánh Toba.

Vết tích núi lửa

Nằm trên đảo lớn Sumatra, Toba là hồ lớn nhất Indonesia, cũng là hồ núi lửa lớn nhất trên toàn thế giới với diện tích chừng 1.707km2, lớn hơn Singapore khoảng 1.000km2.

Hồ hình thành từ đợt phun trào của siêu núi lửa cùng tên cách đây khoảng 75.000 năm, được xem là hoạt động núi lửa dữ dội nhất trên trái đất từ suốt 25 triệu năm qua. Trong ba giả thuyết còn tranh cãi, đã có giả thuyết rằng sự phun trào đó khởi đầu cho kỷ băng hà cuối cùng của Trái đất. Nghiên cứu cho thấy hành tinh xanh đã trải qua mùa đông băng tuyết suốt sáu năm sau vụ nổ.

Tuy có giảm đi ít nhiều sau đó, tình trạng lạnh giá vẫn kéo dài 1.000 năm tiếp, kéo theo sự tuyệt chủng của nhiều loài (giả thuyết Đại thảm họa Toba). Dấu vết người tiền sử bắt đầu biết cách chế tạo công cụ săn bắt, vẽ tranh trên đá... chỉ xuất hiện sau thời gian đó.

Tuy siêu núi lửa đã ngủ 75.000 năm, khu vực Toba vẫn được xem là đang hoạt động. Không chỉ vì các cùi núi lửa nhỏ trong hồ đã phun trào cách đây vài trăm năm, mà ngay cả miệng núi lửa nhỏ Pusubukit ở rìa tây nam hồ hiện vẫn phì phò phả khói lưu huỳnh vào hồ xanh.

Những giá trị khoa học, lịch sử, địa chất lôi cuốn các nhà khoa học. Còn du khách thì mê mệt với viên ngọc xanh Toba, mà ngay từ khi trên con phà dập dềnh từ Penang sang Medan, tôi đã được những người dân địa phương nhiều lần hỏi “có định đi Toba không, đẹp lắm đó”. Và đúng vậy, vừa đặt chân đến, tôi đã choáng ngợp với Toba.

Hướng dẫn viên thị phạm làm kẻ bị trói tay chuẩn bị đưa lên thớt đá phía sau lưng để hành hình
Hướng dẫn viên thị phạm làm kẻ bị trói tay chuẩn bị đưa lên thớt đá phía sau lưng để hành hình

 

Đảo trong đảo

Tiếng địa phương là Danau Toba, hồ xanh được viền quanh bởi nhiều dãy núi chập chùng xanh. Nằm ở độ cao 900m, lại rất sâu, đến 0,5km ở những nơi sâu nhất nên biếc xanh thăm thẳm, mặt hồ luôn nhẹ phả những hơi thở trong lành, mát lạnh tặng khách.

Rộng thênh thang, điểm nhấn của hồ không phải là thị trấn ven hồ Parapat ít nhiều đô thị hóa mà là đảo Samosir nằm giữa hồ. Những cư dân bản địa thuộc nhánh Batak nổi tiếng tài hoa đã xây dựng, giữ gìn đảo sạch xanh. Rực rỡ cỏ hoa, trên bờ lẫn dưới nước.

Một căn nhà cũ đặc trưng Toba bên cội cổ thụ già âm u
Một căn nhà cũ đặc trưng Toba bên cội cổ thụ già âm u

 

Những mái nhà truyền thống dáng thuyền cong vút điệu đàng khi dập dềnh bên hồ, lúc nghiêng nghiêng sườn núi, lúc phô phang kéo dài hun hút như đoàn chiến thuyền trên đường nhựa. Được chấm phá thêm bởi những nóc chuông thánh đường Công giáo thanh thoát càng lạ, càng lôi cuốn hơn ở quốc gia Hồi giáo này.

Đã là đảo trong đảo, Samosir còn sở hữu những chiếc hồ trong hồ. Nên nhiều khi vừa khuất mắt triền xanh Toba, con đường chênh vênh trên những sườn núi sẽ dẫn đến các gương hồ nhỏ Sidihoni, Aek Natonang...

Càng đẹp hơn khi điểm xuyết bởi những nương ruộng bậc thang cũng đủng đỉnh bò trâu leng keng lục lạc gợi nhớ sao quê nhà. Rồi cũng những con đường ngang qua mấy làng quê xưa cũ hiền hòa, râm mát dưới những hàng cổ thụ lớn, lũ trẻ con nô đùa, thân thiện mến khách.

Một nghệ nhân ở làng Tuk Tuk tự làm các vật dụng trong nhà cũng như để trang trí cho quán cà phê của mình
Một nghệ nhân ở làng Tuk Tuk tự làm các vật dụng trong nhà cũng như để trang trí cho quán cà phê của mình

 

Xen lẫn là những di tích vài trăm năm tuổi với những câu chuyện huyền bí pha thần thoại địa phương về ma thuật của các thầy mo...

Samosir diện tích chỉ tương đương Singapore, nhưng ngày trước nhiều chúa đất, tù trưởng hùng cứ các khu vực khác nhau với những nét văn hóa, lối sống riêng, lạ và rất khác.

Đến ngôi làng Ambarita bây giờ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng “tòa án” xưa với những chiếc ghế đá cho quan tòa bên cạnh cái thớt đá hơn 300 năm tuổi mòn vẹt vết chém cũ. Là nơi xử phạt những tội nhân nặng, đây cũng là nơi chia phần (!) lúc tập tục ăn thịt người vẫn còn.

Tiếp trên đường sẽ là hậu cung Simanindo, nhà sàn với gỗ, tranh, nứa của vị chúa đất có đến 14 vợ Simalugun. Biết về tập tục khá hoang sơ bên Ambarita, ở Simanindo du khách sẽ ngạc nhiên với nét tinh xảo trong kiến trúc, trang trí, vật dụng hằng ngày, vải vóc thêu thùa... cả những điệu múa truyền thống mềm mại, duyên dáng của trai quê gái làng, khi mộc mạc, khi bừng sáng.

 

 

Góc xa hơn nữa là làng Tomok, gợi nhớ Tây nguyên dù nghìn trùng cách biệt qua những nhà mồ với các pho tượng giông giống môtip. Chỉ khác là ngoài các tượng gỗ, họ còn có những tượng đá kể lại những câu chuyện xưa, thật và huyền hoặc đan xen.

Đã thỏa với những tò mò, lại về với làng nhỏ Tuk Tuk bình yên ven hồ. Những khi đón hoàng hôn đi ngang hồ, chờ bình minh leo lên đỉnh núi, thả mình trên những chiếc ghế ven hồ cho sóng vỗ về ve vuốt dưới chân, dập dềnh đong đưa lũ súng hồng đỏ phô phang... mới hiểu sao nhiều du khách Âu - Mỹ bén rễ xanh cây tại đây, về cố quốc mang cả gia đình sang sinh sống. Để có một người cứ mãi tẩn ngẩn tần ngần tiếc ngơ tiếc ngẩn ngày ra đi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận