Đi để học làm người

NGUYỄN CHÍ LINH 03/01/2017 22:01 GMT+7

TTCT - Anh trai hay nói với tôi: “Nếu mình ở nhà mãi sẽ không thấy điều gì hay ho, chỉ khi trung chuyển ở các sân bay mới thấy thế giới này vận động theo nhiều cách khác nhau như thế nào!”.

Thánh địa Machu Pichu ở Peru
Thánh địa Machu Pichu ở Peru

Để thành công dân toàn cầu

Một lần trong chuyến công tác về đồng bằng sông Cửu Long với anh bạn người Nhật trong những ngày Noel gió lạnh, Tsubota hỏi tôi: “Linh bắt đầu thực hiện những chuyến đi lúc nào, tại sao Linh phải đi và thu hoạch được những gì sau chuyến đi ấy?”.

Tôi hỏi lại: “Thế Tsubota có thích đi vòng quanh thế giới không và nếu có thì mục đích của những chuyến đi là gì?”. “Được ngắm nhìn hay sờ tay chạm vào những cảnh vật mà mình chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh trên các phương tiện truyền thông trước đây là trải nghiệm “rất đã”.

Những chuyến đi giúp mình thư giãn, để cho đầu óc... trống rỗng sau một núi công việc bộn bề như là đặc tính riêng để nói về người Nhật. Sau những chuyến đi đấy, tôi có thể hiểu thêm được văn hóa các nước để rồi “nhập gia tùy tục” với các tập đoàn kinh tế của Nhật vốn có mặt khắp toàn cầu...” - Tsubota chia sẻ.

Lễ hội đường phố ở Oruro, Bolivia
Lễ hội đường phố ở Oruro, Bolivia

 

Anh bạn trẻ người Nhật này cho biết mới ra trường được hai năm, nên khát khao trở thành công dân toàn cầu là khá lớn. Và những chuyến đi đến các quốc gia Đông Nam Á là những chuyến đi thực địa đầu tiên bởi theo Tsubota, tiếng Anh châu Á tương đối dễ nghe.

Cũng như Tsubota, những chuyến đi của tôi mục đích chính là được học hỏi và lớn lên. Và dĩ nhiên để những chuyến đi như vậy thành hiện thực, ai cũng phải “cày” cật lực và... dành dụm.

Học từ những chuyến đi

Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên đến New Zealand quá ấn tượng trong mắt tôi, mọi thứ lạ lẫm từ cảnh vật, cách quy hoạch một thành phố đến những tập tục truyền thống...

Ấn tượng đầu đời đó về một thế giới quá rộng lớn khiến tôi quyết định dành dụm tiền để thực hiện những chuyến đi, nhằm có thể học hỏi những điều bổ ích. Thật khó để đánh giá những gì đã học được sau các chuyến đi ấy.

Có lẽ nó cũng như cơm mình ăn, nước mình uống, thấm vào rồi “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc mà”, tôi nói vui với Tsubota. Sau những chuyến đi, năng lượng như được “sạc” lại, làm việc hiệu quả hơn. Điều này không có gì mới, chỉ là chúng ta không làm thôi...

Xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân: nhiều công ty Nhật khi đi khảo sát thị trường Việt Nam thường yêu cầu tôi tháp tùng với tư cách “hướng dẫn viên”. Một lần “trà dư tửu hậu”, Fujita - người bạn Nhật - đã “bật mí” rằng: ngoài am hiểu thị trường thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, anh có kiến thức về văn hóa người Nhật nên các sếp ưng ý...

Thật lòng, tôi không học văn hóa Nhật mà chỉ có chút kinh nghiệm qua những lần “phượt” một mình, lang thang và tìm hiểu những câu chuyện dân gian ở xứ Phù Tang... Thế mới thấy những chuyến đi có ích chứ nhỉ!

Đi thuyền trên sông của người Maya
Đi thuyền trên sông của người Maya

 

Tôi học hỏi khá nhiều trong những chuyến đi, từ việc trải nghiệm cung cách phục vụ của đoàn tiếp viên trên các chuyến bay đến việc tổ chức hay phương thức nào đó để có thể quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp nhưng có thể mang lại hiệu quả về hình ảnh sản phẩm, bởi xu hướng thị trường ngày nay đã chuyển sang một khái niệm khác về khách hàng.

Không ai khác hơn, chính khách hàng là người trả tiền lương hằng tháng, tôi nhớ ai đó đã nói như vậy khi mới vào nghề. Một người bạn Singapore tên Tang gặp ở Jordan đã “dạy” tôi thế này: “Việc học hỏi để biết được những nền văn hóa khác nhau và ứng dụng vào thực tế là một trong những ưu điểm khi xã hội đang từng bước một tiến lên kinh doanh toàn cầu”.

“Khi tết về, ông sẽ già đi một tuổi nhưng cháu sẽ lớn thêm một tuổi!”, câu nói này tôi nghe được trên một chuyến xe khi ngồi gần một ông lão và cô gái trẻ, nó đơn giản nhưng cứ khiến tôi suy nghĩ mãi về chữ “lớn”.

Trước khi thực hiện chuyến đi đầu tiên đến các quốc gia Hồi giáo, tôi cứ nơm nớp sợ những người hiếu chiến. Đến được những vùng đất Hồi giáo rồi, tôi cảm nhận được vì sao họ trở nên “cực đoan” theo cách gọi của truyền thông.

Khi đã đặt chân trên những mảnh đất Hồi giáo, tôi thật sự cảm nhận những tấm lòng ấm áp của người dân nơi đây, khác xa với những gì tôi từng nghĩ trước đây. Tôi “lớn” hơn một chút khi nghĩ về một thế giới luôn vận động đa chiều, khi hiểu thêm về nhu cầu khí đốt và dầu hỏa và lòng tham của con người, sự khác biệt trong quan điểm chính trị đã gây nên những đau thương, mất mát cho người dân vô tội...

Trong những ngày đầu tập tễnh đi du lịch, tôi thật sự chưa hiểu ý nghĩa tâm linh tôn giáo, để rồi một ngày nào đó tôi chợt nhận ra tôn giáo luôn giúp con người vượt qua nỗi sợ và đau buồn. “Chúng ta không thể chống chọi hay lẩn trốn, người khôn ngoan phải tìm cách đi qua nó”, tôi đã nghe lời này đâu đó trên vùng đất tang thương Trung Đông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận