Xem món ăn Nhật... “bay”

BỒ CÔNG ANH 06/02/2017 22:02 GMT+7

TTCT - Ở TP.HCM có đến 500 nhà hàng bán món ăn Nhật, khoảng 200 trong số đó là nhà hàng thuần túy Nhật.

Món bánh Wagashi của người Nhật được giới thiệu tại Hội thảo ẩm thực sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng Việt - Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN


Những món ăn đường phố truyền thống như takoyaki len lỏi khắp thành phố, vào cả những con hẻm nhỏ, xuống tận xứ dừa Bến Tre...

Chuyến bay lạ lùng

Món chả đẩy được giới thiệu cho khách mời tại hội thảo
Món chả đẩy được giới thiệu cho khách mời tại hội thảo "Ẩm thực Việt - Nhật: sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng"-DUYÊN PHAN

 

Hội thảo “Ẩm thực Việt - Nhật: sức hấp dẫn từ những điểm tương đồng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ajinomoto và Acecook vừa diễn ra ngày 14-1 tại TP.HCM.

“Mẹ ơi, con muốn ăn takoyaki!” - sự vòi vĩnh phụng phịu của nhóc 6 tuổi về món ăn có cái tên lạ lẫm khiến tôi ngạc nhiên.

Bản thân tôi chỉ biết đến takoyaki trong một chuyến đi Nhật hồi năm ngoái, khi bụng đang sôi, dạ đang réo thì bị mùi thơm ngào ngạt kéo vào một quán ăn lề đường với những cái bánh tròn ủm, vàng ươm ở Osaka.

Giữa tiết trời se lạnh của mùa thu vàng rực mà được hít hà ngấu nghiến những cái bánh rán ngoài giòn giòn, trong mềm mịn mọng nước, lại nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn thì chả còn gì thú bằng.

Cái kéo áo của nhóc con khiến tôi phải chia tay mùa thu Osaka phưng phức mùi takoyaki quay về thực tại. “Hai mẹ con mình mỗi ngày bỏ heo, khi nào đủ tiền thì đi Nhật ăn takoyaki nhé!” - tôi đùa.

Nhưng oắt con 6 tuổi khăng khăng chẳng cần đi Nhật mới ăn được takoyaki, nhỏ bạn thân của nó vừa ăn đấy thôi. Bán tín bán nghi, tôi gọi điện thoại hỏi mẹ “nhỏ bạn thân” và được trả lời đứa bé ăn takoyaki khi đi chơi ở Bến Tre.

Hỏi “anh bạn Google” thì được mách nước rằng đã có 70 địa điểm bán takoyaki khác nhau ở Sài Gòn! Không thể tin được một món ăn đường phố nhỏ bé ở Nhật lại đổ bộ vào Việt Nam ào ạt đến thế.

Đến quán ăn be bé mang tên Sukura ở “khu phố Nhật” trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM - một địa chỉ được các tín đồ mê takoyaki rỉ tai nhau rất nhiều trên mạng - thấy cảnh xếp hàng rồng rắn giữa mùi thơm ngào ngạt đang xoắn xuýt, quấn quýt tra tấn thực khách.

Dù quy mô lò bánh ở đây nhỏ hơn nhưng cũng hệt như cảnh tôi từng chứng kiến ở Osaka: cô đầu bếp tay cầm hai que nhỏ thoăn thoắt xoay những cái bánh bột mì được rắc thêm tí hành lá xắt nhỏ, riềng đỏ chua, bột giòn tempura và tất nhiên không thể thiếu “linh hồn” takoyaki: miếng bạch tuộc ở giữa.

Mỗi khuôn bánh mang hình bán nguyệt giống khuôn bánh khọt nhưng với hai cái que “ma thuật” trong tay, trong chốc lát “phù thủy” xinh đẹp ửng hồng đôi má đã “hô biến” từng chỗ bột lỏng thành những cái bánh takoyaki vàng ươm.

Thêm một chút xốt mayonaise Nhật beo béo, một tí xốt Nhật màu nâu thơm thơm, chút bột rong biển mằn mặn, chút bột cá bào ngạt ngào hương biển là những cái bao tử réo gọi của thực khách được đền đáp chóng vánh. Chỉ đơn giản như thế thôi nhưng takoyaki đang hớp hồn các nhóc tì và giới trẻ Sài thành.

Anh Trần Anh Tuấn, chủ quán Sukura, cho biết làm takoyaki không thể đơn giản hơn bởi tất cả nguyên liệu từ bột mì đến xốt hay bột rong biển, cá bào, thậm chí những hạt bột chiên giòn để rắc vào bánh đã được người Nhật đóng gói sẵn, chỉ việc rắc vào là xong. Và thế là takoyaki được chắp sẵn cánh bay đi khắp hành tinh, không riêng gì chốn Sài thành.

Món takoyaki ở “khu phố Nhật” trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM-L.N.M.
Món takoyaki ở “khu phố Nhật” trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM-L.N.M.

 

Con cá hay... khúc gỗ?

Chả phải ngẫu nhiên mà anh Tuấn dễ dàng kinh doanh takoyaki. Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương nhận xét tính tiện dụng là một đặc trưng nổi bật của ẩm thực Nhật.

Mà cũng chả phải tự nhiên ẩm thực Nhật tiện dụng. Người Nhật đã dày công nghiên cứu để nuôi, trồng, đánh bắt những nguyên liệu ngon nhất vào những thời điểm thích hợp nhất, chế biến theo công nghệ tiên tiến nhất để biến chúng thành hàng khô, hàng đóng gói mà vẫn cố gắng giữ lại tối đa hương vị thơm ngon tự nhiên để ai cũng có thể sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ ngóc ngách nào trên hành tinh, dù là đầu bếp chuyên nghiệp hay bà nội trợ bình thường.

Nếu bạn từng cầm trên tay một con cá ngừ khô của Nhật, hẳn bạn sẽ phải lúng túng không biết làm sao ăn được nó. Con cá cứng và chắc như một thanh gỗ, nếu chẳng may va trúng đầu, đảm bảo sẽ để lại một cục u!

Nhưng với một cái bào, bạn sẽ biến nó thành những lát cá mỏng tang như dăm bào gỗ, đem thả vào nồi nước dùng, độ ngọt hòa tan rất nhanh, mau chóng góp phần làm thành món xúp miso nổi tiếng của người Nhật.

Nghệ nhân Bùi Thị Sương cho biết việc chọn nguyên liệu luôn tuân theo những tiêu chuẩn đã được dày công nghiên cứu, chẳng hạn chọn con cá ở độ tuổi, trọng lượng thích hợp để có độ ngọt cao nhất, trải qua quá trình luộc chín, sấy khô, lên men... rất công phu để cuối cùng trở thành cá bào, dùng trong rất nhiều món ăn khác nhau.

Cũng giống như người Việt, người Nhật rất yêu thích nguyên liệu tươi, ẩm thực lấy tự nhiên làm gốc. Đầu bếp sushi Nhật Hoshino Masaaki chia sẻ bất kỳ một bà nội trợ Nhật nào cũng sẽ “không chịu nổi” khi thấy một tảng thịt hay một con cá tươi để ở nhiệt độ phòng.

“Họ sẽ lập tức dùng các biện pháp bảo quản để lưu giữ tối đa độ tươi sống” - ông Masaaki nói. Nhưng người Nhật cùng lúc cũng dày công nghiên cứu để đóng gói, làm khô nguyên liệu với chất lượng cao nhất.

Họ biết rõ nếu muốn “xuất khẩu” ẩm thực thì không thể lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu tươi. Quay lại với món takoyaki, cô Sương nhận xét nó có nhiều nét tương đồng với món bánh khọt của Việt Nam, chỉ khác là takoyaki giờ đây đã có mặt ở hàng chục nước trên khắp hành tinh.

Ngon ngay từ con mắt
Ngon ngay từ con mắt

 

Hượm đã, đừng vội ăn!

Tiện dụng với người Nhật không có nghĩa là xuề xòa về mặt hình thức. Người Nhật chỉn chu trong từng món ăn bởi cái ăn với họ phải là ăn từ mắt ăn! Nếu bạn từng sợ trễ tàu mà phải vội vã mua cơm hộp ở nhà ga thì nhớ... chừa chút giờ để chọn lựa.

Chẳng hạn chỉ riêng một cửa hàng cơm hộp trong nhà ga Tokyo đã có đến tầm 170 loại cả thảy, được đựng trong 170 loại hộp xinh xắn, rực rỡ sắc màu khác nhau, khi thì hộp cơm mang hình búp bê Daruma truyền thống, khi thì hộp tàu cao tốc Shinkansen đầy tự hào của người dân xứ sở mặt trời mọc, khi thì hộp tre trông rất nghệ thuật...

Ở Nhật, người ta có một từ riêng để gọi cơm hộp trong nhà ga: ekiben. Người viết từng mất 30 phút để chọn được một hộp ekiben trong hũ sành xinh xắn như món hàng lưu niệm, để rồi khi mở nắp ra cứ phải ngắm mãi trước sắp đặt tỉ mỉ bên trong.

Giữa lúc mùa thu đang nhuộm vàng nhuộm đỏ cả nước Nhật, hộp cơm ekiben hôm ấy cũng lãng đãng những chiếc lá phong mỏng tang được tỉa rất khéo léo từ cà rốt.

Mỗi món ăn Nhật thật sự là một tác phẩm nghệ thuật, nói thế chẳng ngoa tí nào. Hãy xem cách người Nhật tỉ mỉ “trang điểm” cho từng cái bánh mochi bé tí đến cách bài trí khéo léo những lát cá nóc sống sang trọng nở hoa trên đĩa chẳng khác gì trong nghệ thuật Ikebana.

Hay nếu có dịp xem đầu bếp Nhật búng bột để món tempura quen thuộc trở thành cành hoa anh đào ngay giữa chảo dầu chiên, bạn chỉ muốn ngắm mãi.

Mà một khi được ngắm nhìn, được hít hà, được nghe tiếng dầu reo..., sự hưng phấn cứ thế gia tăng đến khi thưởng thức, món ăn càng được dịp thăng hoa trên đầu lưỡi. Đó là một cái tài khác của người Nhật: lồng ghép nghệ thuật trình diễn món ăn (teppanyaki) vào văn hóa ẩm thực.

Cái hay, cái độc đáo của người Nhật là trình độ biểu diễn và thẩm mỹ trang trí món ăn, đưa việc nấu nướng dung dị lên thành nghệ thuật hút hồn người thưởng lãm. Món ăn đường phố của Việt Nam có thể nói đa dạng không kém và ngon lành cũng không thua, nhưng yếu tố thẩm mỹ và trình diễn quả thật còn phải học người Nhật rất nhiều.

 

 

“Ẩm thực Việt - Nhật có rất nhiều nét tương đồng như cân bằng, tốt cho sức khỏe, chuộng nguyên liệu tươi, gần gũi với thiên nhiên... nhưng cái khác nổi bật là người Nhật đã dày công nghiên cứu khiến ẩm thực Nhật rất tiện dụng, dễ dàng len lỏi vào các ngóc ngách khắp hành tinh. Đó là điều chúng ta có thể học hỏi” - chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận