Ông Trị sáng chế

MAI VINH 11/05/2015 22:05 GMT+7

Ở tuổi 53, trắng tay sau thất bại trong kinh doanh, ông một mình đến Lâm Đồng tìm quên trong công việc ruộng vườn. Rồi một ngày ông lao vào nghiên cứu chế tạo máy để trở thành tác giả của hàng chục loại máy nông cơ có mặt trên khắp ruộng đồng Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Lê Thanh Trị chế tạo một chi tiết máy tại nhà xưởng ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh:MAI VINH

Đó là câu chuyện của ông Lê Thanh Trị (58 tuổi), hiện sinh sống tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng). Năm năm miệt mài sáng chế giữa vùng nông nghiệp công nghệ cao, ông Trị cho ra lò 28 loại máy nông cơ tự động gồm: máy gieo hạt, máy ép giá thể lên khay, máy rửa khoai lang, cà rốt, máy ép nước chanh dây, máy ép nước cốt chanh có hạt...

Máy ông làm ra thường giá rẻ, chỉ bằng một nửa giá máy ngoại nhập mà công suất lại cao hơn.

Thành bại với nghề

Minh bạch trong sáng chế

Ông Trị kể mỗi khi một chiếc máy mới ra đời, ông sướng phát khóc. Ông bảo ranh giới của việc sáng chế máy mới và mô phỏng sản phẩm nhập ngoại rồi gắn với tên mình rất mong manh. Vì thế, việc ông đề nghị cơ quan chức năng công nhận sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình không chỉ vì lý do bảo hộ mà còn để minh bạch trong sáng chế.

Giữa không gian đượm mùi khói hàn và tiếng khoan đục không ngớt của máy tiện, máy cắt sắt thép, ông Trị bắt đầu câu chuyện của mình bằng một câu đúc kết đoạn đường đã qua bằng cái giọng rặt chất Nam bộ:

“Cái nghề mình đến với nó chỉ vì kiếm tiền thì có thể phụ mình, chớ còn bắt đầu bằng đam mê thì không bao giờ phụ mình đâu chú à”.

Khi còn là học sinh, ông Trị đã đam mê cơ khí và sáng tạo máy móc. Nhân dịp về quê mẹ ở Bến Tre chơi, thấy cả chục nông dân hì hục vét bùn nạo mương dẫn nước vào ruộng, ông suy nghĩ mông lung lắm.

Về lại Sài Gòn, hồn ông vẫn còn vương ở những bờ mương xứ dừa. Ngồi giữa lớp học cô giáo đang giảng văn chương, ông hí hoáy vẽ thiết kế chi tiết máy vét mương. Cô giáo bắt gặp, định phạt nặng nhưng khi nghe ông kể đang làm cái máy giúp nông dân thì cô tha.

Ông cười: “Rồi cái máy cũng xong, tốn hết mớ tiền tiết kiệm của mấy anh em trong nhà nhưng không hoạt động được. Từ tưởng tượng đến thực tế xa quá”.

Năm 1975, ông Trị theo học Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, mong thành một thợ cơ khí lành nghề nhưng rồi phải bỏ dở. Sau đó ông học Đại học Bách khoa TP.HCM. Đến năm thứ 2 ông lại nghỉ ngang.

Lúc rời trường cũng là lúc ông đã hoàn thành xong quy trình thu gom khí CO2 để bán cho các cơ sở sản xuất nước giải khát và làm bình chữa cháy. Ông kể thời đó chỉ việc bán quy trình cho các cơ sở cũng có đủ tiền lo cho gia đình no đủ. Ở tuổi 21 ông thành người dư dả giữa thời đói kém.

Nhờ những thành công trong sáng chế, ông có cơ hội làm việc ở những vị trí tốt chuyên phụ trách kỹ thuật tại xí nghiệp, nhà máy lớn ở TP.HCM và Bến Tre. Những công việc ấy đã mang lại cho ông một số tiền đủ để đầu tư trồng cao su và làm thầu xây dựng.

Nói đến đây ông ngậm ngùi: “Sau 20 năm bỏ đam mê sáng chế kỹ thuật để chăm chăm kiếm tiền tôi đã trắng tay, tài sản bán hết để trả nợ”. Họ hàng bên vợ đang định cư tại Úc biết chuyện yêu cầu ông đưa gia đình “sang bển” sống, ông từ chối nhưng để vợ con đi vì không muốn họ phải chịu chung cực khổ.

Ông Lê Thanh Trị (thứ hai từ phải) bàn giao máy gieo hạt trên giá thể cho khách hàng Malaysia. Ảnh:MAI VINH

Nơi nào cũng có “máy ông Trị”

“Tôi ở lại để làm việc và chứng minh mình không vô dụng, nhưng bắt đầu từ đâu thì tôi không biết. Trong lúc đang phân vân thì bạn bè rủ lên Lâm Đồng coi vườn giúp. Tôi xách balô lên đường” - ông nói. Ông Trị đi tìm chốn khuây khỏa nỗi nhớ vợ con nhưng mỗi sáng nhìn ra những cánh đồng, nơi có hàng trăm nông dân tụ tập, ông nghĩ mình nên làm một cái gì đó giúp họ.

“Nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều máy móc, không thể tốn công lao động thế này được” - ông nói rồi chỉ chiếc máy ép giá thể lên khay. Đó là sáng chế đầu tiên của ông Trị tại Lâm Đồng và ông thực hiện bằng 50 triệu đồng vay từ gia đình. Lúc bấy giờ đa số cơ sở ươm giống dùng giá thể bằng xơ dừa, mùn cưa đã được xử lý để thay cho đất trong quá trình ươm hạt giống và trồng cây con.

Mỗi đợt ép giá thể vào khay, tùy quy mô mà chủ vườn ươm phải thuê hàng chục đến gần trăm lao động chỉ để làm mỗi việc dùng tay ép giá thể dính chặt lên khay. Mỗi khi đi qua vườn ươm thấy nông dân lặp đi lặp lại một vài động tác, ông Trị tự thấy “ngứa ngáy”.

Sau gần bốn tháng mày mò, chiếc máy ép giá thể mang tên ông Trị ra đời, khiến nhiều chủ vườn ươm giống hào hứng vì thay được hàng trăm lao động chân tay.

Để có ý tưởng thiết kế hàng loạt máy nông cơ tự động phủ hầu hết khâu trong sản xuất nông sản, ông Trị cùng cánh thợ đến các nhà vườn và vựa mua nông sản để thực địa. Cứ thấy chỗ nào nông dân tụm ba tụm bảy làm việc là ông sấn tới ngồi quan sát hàng giờ. Sau những lần đó, ông Trị cho ra lò sản phẩm mới hoặc ít nhất cũng cải tiến sản phẩm cũ để đạt hiệu suất cao hơn.

Có lần ông Trị tới một vựa mua nông sản. Ở đó có khoảng 20 phụ nữ ngồi quanh một hồ nước nhỏ rửa củ cà rốt. Chiếc máy rửa cà rốt tự động để chỏng chơ cạnh đó. Hỏi ra mới biết máy rửa cà rốt tự động làm gãy cuống nên họ phải rửa bằng tay.

Với mặt hàng này, để phân biệt cà rốt Đà Lạt với cà rốt Trung Quốc chỉ dựa vào một đặc điểm là cuống. Nếu cà rốt không còn cuống thì bị đánh đồng là hàng Trung Quốc và bị mua với giá chỉ bằng 2/3 giá thị trường.

Ông Trị nói với chủ vựa: “Tôi làm cái máy rửa cà rốt giữ nguyên cuống cho ông, một ngày rửa bằng 200 công nhân cộng lại”. Chủ vựa xin đặt cọc tiền tại chỗ, ông gạt đi: “Uy tín với nhau là được”.

Vài tháng sau, máy rửa cà rốt giữ nguyên cuống ra đời. Sau bốn năm, đến nay máy rửa cà rốt của ông Trị có mặt khắp vùng rau Đà Lạt. Cũng trên khung chiếc máy này, ông Trị cải tiến thành máy rửa khoai lang không trầy vỏ lụa để xuất khẩu. Loại máy này bán nhiều cho các vựa khoai lang tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Tới một cơ sở xuất khẩu nước cốt chanh có tiếng ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), ông thấy hàng chục công nhân ngồi hì hục cắt lát từng trái chanh rồi vắt, vớt hạt. Ông hỏi ông chủ: “Khó ở chỗ nào mà phải ngồi vắt từng trái chanh đem bán vậy?”. Ông chủ cho biết phải tốn công làm bằng tay vì nếu không thì vỏ chanh nát, hạt vỡ, nước cốt không đạt, không bán được.

Ông nói: “Ông đợi tôi bốn tháng, tôi làm cho ông cái máy làm hết các khâu đó”.

Đúng hẹn, ông Trị giao hàng. Nửa năm sau ông chủ vựa đến gặp ông Trị cảm ơn. Ông Trị bảo: “Tôi bán được máy tôi không cảm ơn ông thì thôi, ông làm chuyện ngược đời”. Ông chủ xưởng nước cốt chanh đáp: “Cái máy đó ông lời cùng lắm 100 triệu đồng. Tôi mua máy của ông về sáu tháng sau lời 6 tỉ đồng, tôi phải cảm ơn ông chứ”.

Xuất khẩu máy “made in Việt Nam”

Các sản phẩm của ông Trị đạt tổng cộng 17 giải thưởng về cơ khí trong nước và khu vực Asean. Cuối năm 2013, ông được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tiến cử gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tư cách là người có nhiều sáng chế giúp ích cho cộng đồng.

Bạn bè trong lĩnh vực nông sản nể ông Trị ở chuyện ông luôn cân nhắc giá cả sao cho hợp túi tiền của nông dân. Ông Trần Huy Đường, nguyên chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, kể mỗi lần giao máy cho khách, ông Trị thường đưa thêm một tờ giấy đánh máy ghi quy trình hoàn vốn khi sử dụng máy.

Hỏi thì ông Trị đáp: “Nông dân ít tiền, mua cái máy vài chục triệu đồng lo sốt vó. Lo quá sao dám làm ăn. Mình tính được thì tính giùm họ”. Đó là cách ông nghĩ mỗi khi tính toán chế tạo máy móc. Đi kèm với mỗi bản thiết kế thường là câu hỏi: bao giờ hoàn vốn. Hỏi rồi ông tự trả lời giúp nông dân.

Một lần, có đoàn khách Malaysia sang tham quan vùng chuyên canh nông sản Đà Lạt. Đến đâu họ cũng thấy những cỗ máy nông cơ công suất cao, hoạt động rất hiệu quả mà giá thành rất rẻ. Từ thông tin của người trồng rau Đà Lạt, họ tìm đến tận xưởng sản xuất của ông Trị tìm hiểu, đặt hàng.

Ông Trương Đức Phú, chủ trại giống PH (Đà Lạt), người từng đi cùng ông Trị sang Malaysia giao máy gieo hạt cho một trại giống rất lớn. Sau khi lắp đặt và chuyển giao quy trình, ông chủ trại giống cho đục ngay nhãn mác xuất xứ bằng tiếng Anh. Ông chủ trại giống nói: “Tôi không muốn ai biết tôi mua máy từ Việt Nam”.

Hai tháng sau, đích thân ông chủ ấy đến Lâm Đồng. Ông Trị tiếp và khăng khăng bảo chỉ bán máy với điều kiện phải giữ lại nhãn “Made in Viet Nam” và phải gắn trả lại nhãn mác cho chiếc máy bị đục trước đó.

Kể lại chuyện này, ông Trị cười: “Mình đã mang máy ra nước ngoài bán là cả niềm tự hào đất nước. Người ta có thể đục cái tên mình nhưng xuất xứ phải giữ lại”. Hiện ông Trị đã bán sang Malaysia khoảng 100 máy gieo hạt tự động và ký hàng chục hợp đồng giao hàng vào cuối năm 2015.

Ông Trị thường tự nhận mình là kẻ phá đám vì cánh đồng nào nông dân tụ tập đông thì ông lại tìm cách rã ra. Cứ thế những chiếc máy của ông Trị ra đời đều đặn theo năm tháng. Ông khoe còn 15 sáng chế khác đang nằm trong ngăn tủ, đợi đến khi đăng ký sở hữu trí tuệ xong rồi mới sản xuất hàng loạt.

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận