Chợ phiên nông sản sạch Sài Gòn

YẾN TRINH - TRẦN MẠNH 12/05/2016 20:05 GMT+7

TTCT- Gần đây, người dân Sài Gòn có thêm một kênh mua nông sản sạch: ghé các phiên chợ được tổ chức mỗi tuần một lần hoặc 2 lần/tháng do chính những nông dân từ các tỉnh thành đem về thành phố bán.

Tham gia phiên chợ, nông dân được trang bị thêm kỹ năng bán hàng -KIM ANH
Tham gia phiên chợ, nông dân được trang bị thêm kỹ năng bán hàng -KIM ANH


Phần nào đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, những phiên chợ này còn là cơ hội cho nhà nông giảm sự phụ thuộc vào trung gian, tự quyết định số phận cọng rau, con cá của mình.

Mua tận tay nông dân

10g30 chợ phiên Lương Nông (Q.1) mới bắt đầu nhưng khoảng sân chừng 50m2 với 7-8 gian hàng đã đông người. Phiên chợ bày biện hệt như một phiên chợ quê theo kiểu có gì bán đó: góc bên này là mấy nải chuối, bên kia là thùng cá tươi, rau củ quả, trái cây, gia vị...

Dù đang là thứ sáu bận rộn nhưng không ít công nhân viên chức lẫn người nội trợ hào hứng ghé vào. Dừng trước gian hàng bán đu đủ, xoài, rồi quay qua gian hàng bán đủ loại rau từ lá lốt, rau dền đến sả cây, bí đỏ, chị Lê Thị Thanh Vân mua mỗi thứ một ít.

Chị nói: “Tôi đến đây 2-3 lần rồi, lần nào cũng đi thật sớm vì sợ hết hàng. Hàng hóa ở đây tươi ngon và giá chấp nhận được, như các loại rau giá chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg, cá cỡ 70.000 đồng/kg...”. Càng về trưa khách càng đông. Hầu hết những người đến đây tỏ ra khá hài lòng với hàng hóa mình mua được. Hơn 13g, mặt hàng rau củ quả, thịt cá đã hết sạch.

Hai ngày cuối tuần diễn ra phiên chợ Xanh Tử Tế (Q.3), người ra kẻ vào không ngớt bên khoảng 20 gian hàng bán đủ loại nông sản do nông dân cả ba miền đem đến. Anh Quang Minh (nhà ở Q.10) ghé mua bó rau dền, khô cá lóc ở gian hàng của nông dân Bến Tre và nho xanh của gian hàng Ninh Thuận.

“Tự tay lựa rau quả tươi ngon như vầy cũng thú vị. Hơn nữa, mua trực tiếp của người trồng như vầy thấy an tâm hơn, có thắc mắc gì về hàng hóa cũng được giải đáp luôn” - anh nói.

Các loại rau sạch được đóng gói cẩn thận - Ảnh: V.S.
Các loại rau sạch được đóng gói cẩn thận - Ảnh: V.S.

 

Liên kết cung ứng nông sản sạch

Tháng 1-2016, chợ phiên Lương Nông ra đời từ ý tưởng của một nhóm khách hàng và nông dân có chung mối quan tâm nông sản sạch. Mỗi tuần chợ bán một lần, mượn khoảng sân trống của một công ty nên những người tham gia phiên chợ không mất phí.

Bà Nghiêm Thị Thảo - “đầu mối” liên kết những nông dân - cho biết: “Tôi sống ở Sài Gòn, không có đất trồng trọt nhưng rất hứng thú với nông sản sạch. Qua Facebook, tôi kết nối và tìm đến những người có cùng mong muốn sử dụng thực phẩm sạch như mình, rồi mở chợ phiên Lương Nông”.

Từ ý định ban đầu chỉ là nơi trao đổi thực phẩm sạch giữa những người nông dân với nhau, phiên chợ dần nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khách hàng. Càng về sau này, chợ kết nối nhiều hơn với những người trồng rau củ sạch ở các tỉnh thành, có người quê tận Đồng Tháp, Kon Tum, Bến Tre...

Phiên chợ Xanh Tử Tế có sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Bà Vũ Kim Anh - chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của trung tâm - cho biết: “Thông qua phiên chợ này, chúng tôi giúp người sản xuất có cơ hội nâng cao kỹ năng bán hàng, hiểu nhu cầu người mua để có cách trồng trọt, chế biến phù hợp”.

Về phía người mua, khi đến phiên chợ ngoài việc mua hàng, họ sẽ được cung cấp những kinh nghiệm lựa chọn hàng hóa, cách chế biến đảm bảo dinh dưỡng. Theo bà Kim Anh, mỗi phiên chợ sẽ phát phiếu cho khách bình chọn gian hàng trưng bày đẹp, tiếp thị tốt... Gian hàng được bình chọn nhiều nhất sẽ được giảm 50% mức phí tham gia lần kế tiếp.

Tham gia phiên chợ, những nhà nông nhận ra rằng họ sẽ được lợi nhiều hơn nếu liên kết cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Nhóm trồng rau hữu cơ của chị Nguyễn Thị Loan (Bến Tre) có bốn người, họ hỗ trợ nhau khá tốt khi bán hàng. Ở quê nhà, họ thường xuyên gặp nhau để nắm tình hình trồng tỉa, để khi người này thiếu hàng hoặc người kia còn dư sẽ san sẻ cho nhau.

Gian hàng bán nho, táo, măng tây, dưa lê... của bốn thành viên trong CLB Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng bán đắt như tôm tươi ở phiên chợ Xanh Tử Tế. Có sự liên kết với BSA, khi sắp có phiên chợ, CLB họp hướng dẫn thêm kỹ năng bán hàng cho các thành viên.

Anh Nguyễn Kỳ Trí, phụ trách CLB, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia phiên chợ kế tiếp, vì đây là cơ hội cho các hộ kinh doanh khởi nghiệp, học hỏi, tìm kênh tiêu thụ nông sản thay vì tự mò mẫm như trước đây”. Tương tự, HTX An Phú (Đà Lạt) với những mặt hàng rau củ quả trồng trong nhà kính, HTX nông nghiệp Mai Hoa (Hóc Môn) với các loại rau hữu cơ... cũng nhận được phản hồi tốt sau khi tham gia phiên chợ.

Các loại rau sạch được đóng gói cẩn thận - Ảnh: V.S.
Các loại rau sạch được đóng gói cẩn thận - Ảnh: V.S.

 

Lên phố bán rau: Không dễ

Mặc dù có nhiều thuận lợi khi liên kết sản xuất và tiêu thụ, nhưng chủ nhân của những mặt hàng nông sản sạch vẫn còn nhiều khó khăn khi quyết định đem những “đứa con” của mình lên Sài Gòn. Từ 4g sáng, chị Nguyễn Thị Loan đã cùng ba người hàng xóm cũng tham gia chợ phiên lên xe đi Sài Gòn.

Thùng xe chứa 30kg rau các loại được chia nhỏ trong các bọc nilông có in địa chỉ, điện thoại và logo chứng nhận rau sạch của Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS - đây là hệ thống đảm bảo có sự tham gia giữa các bên trong khâu sản xuất, tiêu thụ lẫn vai trò của cơ quan giám sát). Người nông dân muốn tham gia hệ thống này buộc phải sản xuất theo nhóm, các trưởng nhóm giám sát chéo, bộ phận điều phối sẽ thanh tra và cấp chứng nhận...

Chị Loan nói: “Người ở phố hay hỏi về xuất xứ, cách trồng, có người còn hỏi đây là rau sạch nhưng đất trồng có sạch không... Mình phải diễn giải cặn kẽ quy trình sản xuất từ khi làm đất đến khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển họ mới an tâm”.

Theo chị Loan, để chuyển đổi từ rau thông thường sang rau hữu cơ, chị phải mất một năm để theo dõi, thử đất, thử nước. Để đạt chứng nhận PGS, trong quá trình trồng chị chỉ dùng phân hữu cơ như phân bò, phân gà để bón cho rau và dùng thuốc bảo vệ thực vật từ dung dịch ớt, tỏi, gừng... “Mô hình này phải có dàn lưới bao quanh, hàng rào đệm bằng cây xanh để cản côn trùng.

Trồng như vậy cực hơn vì phân phải ủ ba tháng mới dùng được” - chị nói. Mặt khác, trồng theo phương pháp này giúp chị tiết kiệm chi phí, lợi nhuận cao hơn cách trồng thông thường khoảng 40%, lại thân thiện với môi trường.

Còn anh Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp) thì cho biết khởi điểm mô hình trồng lúa sạch của mình cũng ba chìm bảy nổi với việc nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Quy trình trồng lúa của anh khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, anh tự xay xát lúa và đóng gói gạo của mình với thương hiệu Tâm Việt. Chị Phạm Thị Tuyết Mai (ở Củ Chi) cùng hai người bạn cũng trầy trật hơn một năm với vườn rau hữu cơ 1.000m2 của mình. Ngoài các biện pháp kỹ thuật đạt chuẩn, chị Mai còn đối mặt với câu chuyện mẫu mã, nhãn mác phải bắt mắt.

Trên sản phẩm của chị in rõ tờ giới thiệu trang trại cũng như nguồn gốc của các mặt hàng cho khách dễ nắm thông tin.

Một góc Phiên chợ Xanh Tử Tế đông đúc kẻ bán người mua - Ảnh: V.S.
Một góc Phiên chợ Xanh Tử Tế đông đúc kẻ bán người mua - Ảnh: V.S.

 

Tự kiểm soát chất lượng

Ông Dương Hoa Xô, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết chợ cộng đồng như một vài điểm tổ chức vừa qua đã được nhiều nước trên thế giới làm thành công. Đây là một hình thức gắn kết cộng đồng tiêu thụ tại đô thị với những người nông dân trực tiếp sản xuất ra các loại thực phẩm, qua đó hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ tại địa phương.

Tuy nhiên do quy mô các chợ phiên nông sản còn nhỏ nên đến nay việc quản lý chất lượng hàng hóa tại các chợ này chưa được quan tâm. Ngành nông nghiệp vẫn để ban tổ chức và nông dân tự đứng ra đảm bảo chất lượng của chính họ. Hiện nay Sở NN&PTNT đang nghiên cứu tổ chức các phiên chợ tương tự để tạo không gian giao lưu và buôn bán cho nông dân và người tiêu dùng.

“Phiên chợ do Sở NN&PTNT chỉ dành cho những người sản xuất và doanh nghiệp có chứng nhận an toàn từ VietGAP trở lên, chứ không phải ai muốn đem sản phẩm vào bán cũng được” - ông Xô cho hay.

Bà Vũ Kim Anh cho biết ban tổ chức có quản lý chất lượng của các đơn vị và cá nhân đưa hàng về bán. Hầu hết các sản phẩm bày bán tại phiên chợ này đều là của các thành viên trong CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, các HTX, doanh nghiệp địa phương.

Những đơn vị này đều có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số thành viên mới chưa có giấy chứng nhận được chuyên gia của CLB đến tận nơi để xem quy trình sản xuất mới được đưa sản phẩm về bán.

Theo một chuyên gia nông nghiệp, chất lượng các sản phẩm ở đây có thật sự sạch, thật sự an toàn như quảng cáo hay không vẫn còn là vấn đề cần quan tâm. Việc một nông dân hay một tổ chức không có chức năng chứng nhận đứng ra tuyên bố sản phẩm nông sản nào đó là sạch, là an toàn rất khó kiểm chứng.

Người tiêu dùng ở Sài Gòn thời gian qua ủng hộ nhiệt tình các phiên chợ này trước hết là ở niềm tin, bởi tính mới lạ, sự gắn kết với nông dân hay uy tín của đơn vị tổ chức là chính chứ chưa hẳn là vì chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải cứ sản xuất nhỏ lẻ là không đảm bảo an toàn. Nhiều người sản xuất nhỏ lẻ nhưng theo một quy chuẩn và có sự kiểm soát vẫn có thể tạo ra các sản phẩm tốt. Một trong những mô hình như vậy cũng đã được tổ chức Seed to table hỗ trợ nông dân ở Bến Tre trồng rau hữu cơ, đưa sản phẩm lên phiên chợ Xanh Tử Tế vừa qua.■

Nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm của các nhóm nông dân này tuân theo tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia). Đây là hệ thống cấp chứng nhận hữu cơ cho nhóm hộ nông dân theo hình thức đảm bảo các bên cùng tham gia, bao gồm người nông dân, ban điều phối PGS tại các địa phương và kể cả người tiêu dùng.

Mô hình PGS được áp dụng để hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ ở cả những quốc gia tiên tiến như New Zealand, Mỹ... đến các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan. Tham gia mô hình này, nông dân sẽ phải cam kết thực hiện các quy trình sản xuất đúng như đơn vị hướng dẫn đưa ra và tự quản lý lẫn nhau, tự kiểm tra và tự chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình. Từ năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là cho thị trường nội địa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận