“Mê hồn trận” hàng "Việt Nam xuất khẩu”

MAI HƯƠNG 06/08/2016 01:08 GMT+7

Hiện nay, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, quần áo, giày dép, túi xách mang danh “hàng Việt Nam xuất khẩu” trở thành trào lưu phổ biến, xuất hiện tại các shop sang trọng đến những cửa hiệu kín đáo ở chung cư. Nhưng để biết “hàng Việt Nam xuất khẩu” thật hay giả không phải chuyện dễ dàng.

Một cửa hàng bán phụ liệu may mặc nhái nhãn mác, thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như Lacoste, Ralph Lauren, Puma… tại chợ Tân Bình (TP.HCM)-Tự Trung
Một cửa hàng bán phụ liệu may mặc nhái nhãn mác, thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như Lacoste, Ralph Lauren, Puma… tại chợ Tân Bình (TP.HCM)-Tự Trung


Một lần dừng xe chờ đèn đỏ, chị Đinh Thị Thu Hoa, nhà ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, nhìn thấy đôi sandal Zara Basic dòng Spring Summer mà mình vất vả đặt mua qua website nước ngoài dịp tết năm ngoái đang nằm trên chiếu dép lề đường.

Chị tấp vô mua đôi giày giá 130.000 đồng - bằng 1/10 giá đôi giày chị đặt mua trên web (cả tiền thuế và tiền vận chuyển về VN). Cô bán giày nói đây là hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK).

Phần lớn là hàng nhái?

Chị Hoa kể mua xong, chị đem đôi giày mới đặt cạnh đôi giày chính hãng so sánh. Tuy không sắc nét bằng nhưng hình thức đôi giày VNXK giống khoảng 80% giày mua ở nước ngoài, nhưng khi mang vào chân cảm giác không thoải mái bằng.

“Họ làm cách nào để có được đôi giày giống mà giá bèo đến vậy?”- chị Hoa thắc mắc. Anh Phúc, nhà ở Q.12, cũng thất vọng khi mua giày VNXK tại một shop lớn trên đường Lý Chính Thắng, Q.3. Đôi giày nam đẹp, sắc sảo, hiệu N giá gần 500.000 đồng đã gãy đế, bung keo sau hai tuần sử dụng.

Anh không hiểu mình mua phải hàng loại gì, trong khi anh từng mua giày VNXK cũng hiệu N tại chợ Cây Gõ (Q.6) nhưng xài được đến 2-3 năm, được giới thiệu là hàng lỗi của công ty.

Đem những thắc mắc này hỏi vợ chồng anh Nguyễn Thành Long - chủ một shop bán giày VNXK chuẩn bị “giải nghệ”. Chị Thanh - vợ anh Long - ngó xuống đôi giày mà tôi đang mang bảo: “Chị đang mang đôi giày hàng xuất dư - phân khúc “xịn” nhất của hàng VNXK!

Em lăn lộn trong nghề này ba năm, đã nhìn, cầm, sờ, ngửi hàng ngàn đôi giày để lựa về bán, chỉ cần nhìn hình em biết giày nào loại gì”. Chị Thanh kể ngày vợ chồng chị mới vào nghề phải mò mẫm rất nhiều nơi tìm nguồn hàng. Về sau, họ tiếp cận được các nhánh “chân rết” phân phối hàng từ các công ty gia công giày cho nước ngoài.

Thông thường, mỗi nhà máy đều có “con lái” chuyên tuồn hàng ra để bán. “Con lái” không trực tiếp làm việc với các chủ shop nhỏ lẻ mà thông qua một vài khâu trung gian nữa để tránh lộ mặt.

Anh Long tiếp lời: “Giày VNXK có nhiều loại: hàng xuất dư là hàng mà công ty làm dư ra so với số lượng hợp đồng, bù cho giày bị lỗi. Hợp đồng làm xong không có sai sót gì thì số hàng dư có thể được tuồn ra thanh lý.

Một số công ty mẹ có quy định phải chờ 3-4 năm sau khi tung hàng chính hãng thì mới được thanh lý hàng dư. Cho nên hàng xuất dư có chất lượng ổn, nhưng khi bán ra thị trường đã qua mùa hoặc đề-mốt”.

Theo anh Long, phân khúc khác của hàng VNXK có chất lượng khá ổn là hàng xuất lỗi. Hàng xuất lỗi bị sai một hoặc vài chi tiết so với hàng chính hãng. Theo quy định, số hàng lỗi phải tiêu hủy, nhưng bằng cách nào đó các “con lái” vẫn móc được và tuồn ra ngoài.

Nhóm thứ ba là hàng trễ hợp đồng. Thi thoảng các công ty gia công hàng xuất khẩu cũng bị trễ hợp đồng và đơn hàng bị đối tác từ chối. Để vớt vát vốn, công ty sẽ bán thanh lý, đủ size, đủ màu. Nhóm thứ tư là hàng hải quan: hàng bị hải quan giữ lại không cho thông quan vì một số lý do. Các “con lái” cũng có đầu mối để tiếp cận nguồn hàng này, tìm cách bán lại ra thị trường.

“Khách mua được hàng VNXK thuộc các nhóm trên mới bền, kiểu dáng không chênh là mấy so với hàng chính hãng. Nhưng hàng loại này đa số thường không đủ size và số lượng cũng không nhiều.

Nhiều trường hợp người bán giới thiệu hàng VNXK thật ra là hàng nhái” - một người nhiều năm kinh doanh ngành hàng VNXK tiết lộ. Theo người này, nhiều shop thường lấy một ít hàng xuất khẩu chuẩn xịn và trộn thêm hàng nhái nhiều cấp độ để bán cho khách. Khách hên thì lựa được giày tốt.

Mẫu áo sơ mi Zara họa tiết khỉ của năm 2016 hàng chính hãng có giá về đến VN khoảng 1 triệu đồng, cả thuế và công vận chuyển (trái). Cùng mẫu áo này được bày bán tại shop chuyên hàng VNXK nhưng giá chỉ 280.000 đồng cùng tem mác tương tự (phải). Ảnh: Mai Hương
Mẫu áo sơ mi Zara họa tiết khỉ của năm 2016 hàng chính hãng có giá về đến VN khoảng 1 triệu đồng, cả thuế và công vận chuyển (trên). Cùng mẫu áo này được bày bán tại shop chuyên hàng VNXK nhưng giá chỉ 280.000 đồng cùng tem mác tương tự (dưới). Ảnh: Mai Hương
Mẫu áo sơmi Zara họa tiết khỉ của năm 2016 hàng chính hãng có giá về đến VN khoảng 1 triệu đồng, cả thuế và công vận chuyển (trái). Cùng mẫu áo này được bày bán tại shop chuyên hàng VNXK nhưng giá chỉ 280.000 đồng với tem mác tương tự (phải) -Mai Hương
 

 

Hiệu nào, giá nào cũng có

Cuối năm 2014, chị Nguyễn Ngọc, giáo viên ở Hậu Giang, định cải thiện kinh tế gia đình bằng cách lấy quần áo hàng VNXK về bán. Thấy shop L trên đường Điện Biên Phủ, Q.3 có nhiều mẫu đẹp và đắt khách, chị lên lấy hàng.

Thời gian đầu chị lấy hàng của shop với giá sỉ thấp hơn giá lẻ từ 10-20%. Chị năn nỉ cỡ nào chủ shop cũng không tiết lộ nguồn hàng gốc. Chị liền thuê một thám tử tư theo dõi chủ shop và các xe bỏ hàng, hi vọng sẽ lần ra được nơi lấy hàng gốc.

Thám tử đeo bám vài ngày thì báo tin: có nhiều xe bỏ hàng cho shop xuất phát từ... chợ An Đông, chợ Tân Bình. Chị Ngọc tìm đến hai khu chợ đầu mối này, lân la một buổi trong các sạp hàng tại đây, chị phát hiện có thể mua được các mẫu áo quần gắn mác y như hàng VNXK với kiểu dáng nhái tương tự nhưng chất liệu thì xấu hơn, giá cả rẻ.

Quần áo “xuất khẩu” ở đây cũng gắn nhãn mác đầy đủ của các thương hiệu nước ngoài nhưng chữ xiêu vẹo, in ấn mờ nhòe. Chủ hàng mách nước: “Ra chợ Tân Bình mà mua nhãn mác về may vào, muốn hiệu nào cũng có!”.

Chúng tôi tìm đến chợ đầu mối Tân Bình - khu vực bán phụ liệu may mặc. Tại đây, trong tủ kính trưng bày của tiệm bày bán công khai những cuộn vải in sẵn nhãn mác của các thương hiệu lớn: Mango, Zara, Forever 21, H&M, Oasis, Ralph Lauren, Burberry, Levis...

Chị bán hàng đon đả: “Mỗi cuộn 500 cái, giá 50.000 đồng. Mua nhiều giá còn 40.000 đồng/cuộn. Có đủ nhãn cổ, nhãn sườn, nhãn bấm rời bằng chất liệu plastic hay bìa cứng, nhãn quần kaki, quần jean. Em muốn làm kiểu gì, loại gì cứ đem cho chị một cái áo mẫu, đảm bảo với em làm được hết.

Trọn bộ nhãn mác cho một áo, quần, váy hàng hiệu giá tầm 1.000 đồng/bộ, đặt trong vòng một tuần lấy. Nếu bên em yêu cầu cao hơn như đặt nút, khoen, khóa có khắc tên thương hiệu thì chừng 10 ngày lấy được! Mấy xưởng, mấy nhà may gia công bên Q.4, Q.8 toàn lấy hàng này về lên đồ!”.■

Quản lý chặt, khó có hàng VNXK để bán

Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), thường các nhà đặt hàng quy định nghiêm ngặt đối với nhà cung cấp (sản xuất) sản phẩm quần áo, giày dép, đặc biệt với các thương hiệu lớn.

Việc các shop cho rằng nguồn hàng VNXK có được từ hàng lỗi, hàng sản xuất dư, bị hải quan giữ không cho thông quan…, ông Hồng khẳng định “nói như vậy là chưa đúng sự thật”. Chẳng hạn, thương hiệu U nổi tiếng của Nhật, khi đặt 1 triệu quần kaki tại VN thì cho phép tỉ lệ vải cắt dư từ 1-3% trên tổng số lượng đặt hàng, tương ứng khoảng 10.000 - 30.000 sản phẩm.

Tỉ lệ này nhằm phòng hờ trong suốt quá trình thực hiện đơn hàng nếu xảy ra lỗi, hư hỏng, sai sót… thì vẫn có sản phẩm bù vào, đảm bảo đúng 1 triệu quần kaki khi xuất hàng chính thức. Nếu đơn hàng không xảy ra sự cố gì thì phải hai năm sau nhà sản xuất mới được sử dụng 10.000 - 30.000 sản phẩm trên với điều kiện: cắt bỏ, tiêu hủy toàn bộ nhãn mác trước khi sử dụng, nên sản phẩm sẽ không còn xuất hiện bất kỳ thông tin, thương hiệu của nhà đặt hàng.

Nhà sản xuất không thực hiện đúng yêu cầu này, phía đặt hàng sẽ hủy bỏ hợp đồng với nhà sản xuất. Đối với sản phẩm lỗi, hư hỏng, hoặc vì lý do nào đó không xuất khẩu được thì nhà đặt hàng bắt buộc nhà sản xuất báo cáo số lượng, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo kết quả xử lý cuối cùng về cho họ.

Với sản phẩm giày dép, một người phụ trách quản lý sản xuất một doanh nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu lớn của tỉnh Đồng Nai cho biết khi các thương hiệu nước ngoài đặt hàng sản xuất tại nhà máy của VN, nguyên tắc đầu tiên bắt buộc phải tuân thủ là “hàng lỗi thì phải hủy”.

Trong quá trình sản xuất, nếu sản phẩm bị lỗi thì bắt buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu giám sát của chuyền sản xuất. Trước khi bị tiêu hủy, số hàng lỗi này thường được tập trung vào kho và quản lý nghiêm ngặt. Chúng sẽ được băm, chặt, hoặc cắt nhỏ vào thời điểm mà quản lý cao nhất ở đó quyết định.

Nếu nhà máy sản xuất làm đúng theo nguyên tắc mà các nhà đặt hàng yêu cầu thì chắc chắn sẽ không có sản phẩm lỗi của các thương hiệu nổi tiếng được rao bán rầm rộ như vậy. Cũng theo ông này, nguồn hàng rót chính cho các điểm bán hàng VNXK được các “đầu nậu” đặt từ Trung Quốc, đa dạng chủng loại, giá cả hấp dẫn, nguồn nguyên liệu rất dồi dào.

Đây có thể được xem là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, nhưng không thể gọi là hàng giả vì có khi chúng cũng được sản xuất cùng với nguyên liệu của các thương hiệu nổi tiếng đặt hàng.

TRẦN VŨ NGHI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận