Stankevich: Đàm phán hay bắn vào anh em của mình?

DUY VĂN (TRÍCH DỊCH) 08/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - Chính biến tháng 8 là tên gọi của những sự kiện diễn ra trong ba ngày, từ 18 đến 21-8-1991 ở Matxcơva, khởi đầu cho loạt xung đột dẫn tới sự sụp đổ chính quyền Xô viết và tiếp đó là sự tan rã Liên bang Xô viết.

Những người cản xe tăng leo lên một chiếc ở quảng trường Đỏ trong cuộc chính biến tháng 8-1991 -japantimes.co.jp
Những người cản xe tăng leo lên một chiếc ở quảng trường Đỏ trong cuộc chính biến tháng 8-1991 -japantimes.co.jp


TTCT trích giới thiệu những chia sẻ của hai người trong cuộc: cựu bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Dmitry Yazov - ủy viên Ủy ban Quốc gia tình trạng khẩn cấp và Sergei Stankevich - cố vấn chính trị của cố tổng thống Boris Yeltsin, trên tờ Sự Thật Komsomol nhân kỷ niệm 25 năm chính biến.

Cuộc chính biến có bất ngờ không, hay đã có những tín hiệu báo trước?

- Có vô số tín hiệu. Bản thân chúng tôi chẳng nghi ngờ gì việc một lúc nào đó, các thế lực “chế độ cũ” sẽ mưu toan quay trở lại, nhưng hoàn toàn không ngờ nó sẽ xảy ra hai ngày trước khi ký kết hiệp ước Liên minh các quốc gia độc lập (xem box).

Dễ thấy là các hành động quân sự chẳng bao lâu sẽ được viện tới ở Matxcơva. Tháng 3-1991, người ta nghĩ ra một cái cớ và đưa quân đội vào thủ đô. Từ thời điểm đó, nhóm của ông Yeltsin, bao gồm tôi, bắt đầu chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp, thậm chí cả khả năng đảo chính.

Chúng tôi thảo kế hoạch hành động ở Sverdlovsk, quê hương Yeltsin, thậm chí còn chuẩn bị cả cơ sở điều hành dự bị và chính phủ thay thế, phòng khi bộ máy chính thức bị bắt. Đảo chính thất bại, dân chủ chiến thắng, nhưng tiếc thay với cái giá quá lớn, bởi đã bắt đầu quá trình tan rã Liên Xô không thể nào ngăn cản.

Nhưng có ý kiến cho rằng nhóm của Yeltsin không nghi ngờ gì việc Liên Xô sẽ tan rã.

- Hoàn toàn không phải vậy. Năm 1991, một công trình khổng lồ - tôi không ngần ngại nói từ “khổng lồ” - đã được tiến hành để chuẩn bị cho hiệp ước liên bang.

Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô cũ), dĩ nhiên, sẽ bị xóa bỏ, nhưng đã có chín nước cộng hòa tự nguyện tham gia Liên bang các quốc gia độc lập (Belarus, Kazakhstan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan, Armenia, Kyrgyzstan, Ukraine, Turkmenistan).

Ngày 20-8 dự kiến ký hiệp ước liên bang đầy đau khổ theo đúng nghĩa đen này. Chúng tôi đã thảo chi tiết từng bước thủ tục, ai sẽ bước đại sảnh George của Điện Kremlin, theo thứ tự nào, các đại biểu ngồi ở đâu. Các nguyên thủ nước ngoài, ngoại giao đoàn cũng đã được mời.

Và cả 20 cộng hòa tự trị ở Nga mà chúng tôi phải khó nhọc thuyết phục: đừng vội, đừng yêu cầu cũng phải ký kết Hiệp ước các quốc gia độc lập, xin đừng phá hủy nước Nga, hãy đến dự ký kết với tư cách khách mời và hiệp ước tiếp theo là sẽ với các ông, một liên bang (federal), trong nước Nga.

Thậm chí chúng tôi còn chuẩn bị cả sâmbanh rồi. Quốc gia mới sẽ có nền quốc phòng chung, nền chính trị chung, tiền tệ thống nhất - đồng rúp, nghị viện liên bang, tổng thống liên bang, hiến pháp chung.

Một quốc gia như thế thì có gì tệ chứ? Các bạn có sẵn lòng sống trong một quốc gia như thế hay không? Tôi nghĩ là có. Nó còn mạnh hơn EU trong nhiều khía cạnh.

Nhưng quốc gia đó lại có duy nhất một khuyết điểm trong mắt các nhà lãnh đạo cộng sản khi đó: trong liên bang này không có chỗ cho họ, vì thế họ ra tay trước, tổ chức cuộc chính biến và phá hủy một sự nghiệp vĩ đại.

Dimitry Yazov -Getty Images
Dimitry Yazov -Getty Images

 

Vậy phải chăng đã có khả năng bảo toàn Liên Xô sau chính biến? Dẫu sao việc để Liên Xô sụp đổ cũng đã được quy kết cho Yeltsin và những cố vấn của ông ta, trong đó có ông, trong vai trò cố vấn chính trị?

- Khi những kẻ khóc thương Liên Xô cáo buộc các nhà dân chủ khiến Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì đơn giản là những kẻ ấy không đủ dũng khí để nghĩ cho thấu đáo kế hoạch thay thế của họ đến tận cùng.

Tôi xin nhắc lại là từ ngày 22-8-1991 đã bắt đầu cuộc “diễu hành độc lập”: các nước cộng hòa Xô viết đã bỏ chạy khỏi một Matxcơva khó tiên định, một đế chế hấp hối với các cuộc chính biến mới đầy nguy hiểm.

Matxcơva buộc phải hoặc xem nền độc lập của các quốc gia mới như một thực tế, hoặc gửi xe tăng đi khắp nơi và giữ lấy những nước cộng hòa này bằng giá máu. Tức là đi theo kịch bản Nam Tư đau buồn của Milosevic.

Chúng tôi không viện đến bạo lực. Và lạy Chúa. Ở nước Nga, đảng của những kẻ làm trước nghĩ sau luôn mạnh. Đấy, hãy để những đảng viên ấy trả lời, có cần hay không năm 1991 gửi xe tăng, binh đoàn đổ bộ bắn vào anh em mình, hay là thử đàm phán với họ?

Ông Sergey Stankevich -nacexpert.ru
Ông Sergey Stankevich  ( ảnh: nacexpert.ru) sinh năm 1954, là đại biểu nhân dân Liên Xô từ 1989, cố vấn chính trị cho tổng thống Yeltsin từ 1990. Năm 1995, sau khi cùng một số đại biểu chống lại việc đề cử ông Yeltsin làm tổng thống nhiệm kỳ hai, Stankevich bị cáo buộc tham nhũng và khởi tố hình sự. Ông rời nước Nga sang sống ở Ba Lan và trở về năm 1999, khi tất cả cáo buộc chống lại ông được xóa bỏ. Hiện Stankevich làm việc cho Cục thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Vậy các ông đã thử đàm phán sao?

- Lẽ đương nhiên. Ngay sau thất bại của chính biến, ban lãnh đạo Nga đã cung cấp chuyên cơ để một nhóm đặc biệt thực hiện “sứ mệnh cứu nguy” đi một vòng thủ đô các cộng hòa với nhiệm vụ ngăn chặn quá trình tan rã tự phát.

Cầm đầu sứ mệnh đó là chúng tôi với phó tổng thống Nga Alexander Rutskoi. Hết ngày đến đêm, hết thủ đô này sang thủ đô khác, chúng tôi lần lượt thảo luận với lãnh đạo các nước cộng hòa, kêu gọi họ đừng vội vã, thuyết phục họ là sẽ không có hiểm họa báo thù cộng sản. Chúng tôi nói hãy thử bàn về một quốc gia chung, có lợi cho tất cả.

Rồi họ trả lời thế nào?

- Họ nói với chúng tôi: Cảm ơn vì những lời tốt đẹp, nhưng tiếp theo chúng tôi sẽ tự lo liệu, nhưng chúng tôi hiểu khó nhất khi đó là quay lại với ý tưởng liên bang.

Sau khi bắt hết những người làm chính biến, các ông không bị cám dỗ tiến hành trấn áp sao?

- Không hề. Và đã có một phiên tòa công bằng cho họ. Rồi năm 1994, họ được ân xá, việc làm tôi cho là đúng. Không nên tiếp tục quán tính ngu ngốc của nội chiến, thêm mấy thập niên nữa chia xã hội ra làm hồng quân và bạch vệ!

Cuối những năm 1980, sau nhiều năm trì trệ, Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị sâu sắc. Giọt nước tràn ly là ý định của Gorbachev muốn biến Liên Xô thành Liên bang các quốc gia độc lập, tức một liên minh các nước cộng hòa độc lập, khiến nhiều chính khách bảo thủ vẫn muốn tập trung quyền lực vào Đảng Cộng sản và trung ương không hài lòng.

Ngày 19-8, khi Gorbachev đi nghỉ ở Crimea, một sắc lệnh do phó tổng thống Liên Xô khi đó là Ghenadi Yanaev ban hành, tuyên bố ông Gorbachev “không còn khả năng lãnh đạo đất nước vì tình hình sức khỏe”, và tự tuyên mình trở thành “quyền tổng thống Liên Xô”.

Một chỉ thị khác tiếp theo tuyên bố thành lập Ủy ban Quốc gia tình trạng khẩn cấp gồm 5 thành viên, bao gồm các lãnh đạo chóp bu của nhà nước.

Ngày 19-8, ủy ban quyết định đưa quân đội vào thủ đô để vãn hồi trật tự. Thủ lĩnh nhóm chống ủy ban khi đó là chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Nga Boris Yeltsin đã ra lời kêu gọi công dân và yêu cầu tất cả cơ quan hành pháp chuyển sang phục tùng duy nhất ban lãnh đạo Liên bang Nga, qua đó giúp ông Yeltsin tổ chức việc phòng thủ Nhà Trắng.

Ngày 20-8, Boris Yeltsin và những người ủng hộ đã bẻ gãy mưu toan đảo chính và kiểm soát tình hình. Ngày 21-8, tất cả các thành viên ủy ban bị bắt.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận