Làng Quảng ở miền Tây

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ 17/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - “Chú mi nói chi lạ rứa, chừ tau còn nhớ như in cái ngày tau với cha mi bị đưa lên xe đò Phi Long mà không biết là đi mô tề. Khủng khiếp lắm chứ mi tưởng!”. Cuộc tranh cãi bằng giọng Quảng đặc sệt giữa ông già râu trắng cước với một người đàn ông luống tuổi trong không gian sông nước miền Tây mênh mang khiến chúng tôi tò mò.

Ông Đỗ Văn Anh cùng chiếc đòn xóc - dụng cụ gánh củi, lúa đặc trưng của người Quảng Nam - mà ông đã gìn giữ hàng chục năm nay. Ông cho biết dù giờ không còn làm ruộng nhưng chiếc đòn xóc ông vẫn muốn lưu giữ để nhắc nhở con cháu mình về cội nguồn tổ tiên-Mậu Trường
Ông Đỗ Văn Anh cùng chiếc đòn xóc - dụng cụ gánh củi, lúa đặc trưng của người Quảng Nam - mà ông đã gìn giữ hàng chục năm nay. Ông cho biết dù giờ không còn làm ruộng nhưng chiếc đòn xóc ông vẫn muốn lưu giữ để nhắc nhở con cháu mình về cội nguồn tổ tiên-Mậu Trường


Ông già có bộ râu trắng là ông Nguyễn Đắc Khanh, 78 tuổi; người còn lại là ông Nguyễn Trung Thành, 50 tuổi, cùng ngụ thị trấn Sa Rài, H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cả hai đều gốc Quảng Ngãi. Họ đang nói về cuộc di dân của những người con xứ Quảng hơn nửa thế kỷ trước.

Nằm giáp biên giới Tây Nam bộ, cộng đồng người gốc Quảng (Quảng Nam và Quảng Ngãi) ở thị trấn Sa Rài với hàng ngàn hộ dân hình thành và sinh sống hơn nửa thế kỷ qua.

Đến nay họ vẫn giữ được những nét riêng của người xứ Quảng, từ cách nói chuyện, món ăn đặc sản đến tinh thần hiếu học của con người miền Trung.

Ký ức về cuộc di dân

Coi trọng việc học hành của con cháu

Theo ông Phạm Văn Hăng - chủ tịch UBND H.Tân Hồng, nói là dân miền Trung di cư vào địa phương chứ thật ra bây giờ bà con đã là dân đồng bằng rồi. Sự góp mặt của họ ở vào nhiều thời điểm khác nhau nhưng đều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, đa số phụ huynh đều rất coi trọng việc học hành của con cháu, nhiều em học sinh gốc xứ Quảng ở H.Tân Hồng học rất giỏi, đỗ đạt thành tài và làm việc ở nhiều cơ quan trong huyện, tỉnh và TP.HCM.

Trong ký ức của ông Nguyễn Đắc Khanh, chuyến đi đánh dấu bước ngoặt cuộc đời ông diễn ra vào cuối năm 1958. Chế độ cũ đã thực hiện chính sách đưa người dân miền Trung (Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào miền Tây vừa để phát triển vùng kinh tế mới, vừa tách những người tham gia hoạt động cách mạng khỏi căn cứ.

Cha ông Khanh là cụ Nguyễn Đắc Đài, sinh năm 1907, tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1955, bị sốt rét trên rừng, cụ được đưa về nhà tại H.Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi dưỡng sức.

Sau ba năm, biết cụ có ý định quay lại rừng tiếp tục tham gia cách mạng, địch đã gom cả gia đình cụ cùng hàng trăm gia đình khác nhốt vào một trại tập trung và dùng 15 xe đò hãng Phi Long chở vào Nam. Không ai trong số khoảng 700 người biết mình sẽ được chở đi đâu, trong đó có cả ông nội và cha của ông Nguyễn Trung Thành. Lúc đó, ông Khanh 18 tuổi.

“Theo cha tôi kể lại, chuyến đi đó ai cũng nghĩ sẽ bị đưa đi chết. Các cửa kính xe bị bít kín lại bằng vải đen, người ngồi trong xe không thể nhìn ra ngoài để xác định hướng đi” - ông Thành kể.

“Họ cũng không chở thẳng tụi tui đến đây đâu. Họ chạy vòng xe xuống Cao Lãnh, sau đó đi ghe vào và có một số đoạn thì đi bằng xe trâu, đi bộ, làm cho mình không nhớ đường quay về” - ông Khanh tiếp lời.

Cuộc di dân của người miền Trung vào miền đất mới cứ tiếp diễn từ đó đến những năm sau giải phóng và đến nay đã hình thành cộng đồng người gốc Quảng tại đây với hàng ngàn người.

Cũng có người đi vì lý do không giống ai. Ông Lê Tấn Thọ, 56 tuổi, kể: “Khi tui còn nhỏ, cha mẹ chết, chị gái bị thất lạc nên tui phải bươn chải đủ nghề: đi ở, chăn trâu thuê, bốc vác... cho đến tuổi thanh niên.

Trong một lần nhìn thấy cảnh sông nước bát ngát, trù phú, cá tôm rẽ nước mà lội trên... phim Cánh đồng hoang, tui buột miệng kêu: Được đến đây sống thì tốt biết mấy. Không ngờ lại có người ủng hộ và muốn đi cùng tui”.

Cuối năm 1979, ông Thọ cùng gia đình một người bạn thực hiện ước mơ của mình. Chuyến Nam tiến kéo dài nửa tháng bằng tàu hỏa, xe đò, xe bò, đi bộ. Vượt gần 1.000km, ông cũng đến được miền đất hứa bắt đầu cuộc sống mới.

“Năm đầu tiên, điều kiện thuận lợi nên hầu hết người dân đều sống được. Nhưng vài năm sau, lũ lụt, sâu bọ tàn phá mùa màng nên gia đình nào cũng đói. Nhiều người không bám trụ nổi nên trốn về quê.

Nhưng hồi đó, xứ ni rừng rậm, nhiều kênh lạch, lại không rành đường nên mười người đi thì chỉ có một người sống sót” - ông Nguyễn Đắc Khanh nhớ lại những ngày sơ khai. Nhưng đất không phụ lòng người, phần lớn những người ở lại được đến hôm nay đều có của ăn của để, hay chí ít họ cũng đủ sức để lo cho con em mình học hành đến nơi đến chốn.

Trong căn nhà khang trang ở thị trấn Sa Rài, ông Trương Quang Hòa (73 tuổi, gốc Quảng Nam) cho biết cơ duyên được đến với vùng đất mới, lập nghiệp rồi sinh con đẻ cái như một ân huệ của trời đất. Những năm đầu làm ruộng, ông Hòa cùng một số người gốc Quảng miệt mài học theo cách làm của người miền Tây.

“Họ am hiểu con nước, tiết trời nên làm ăn hiệu quả hơn hẳn. Ban đầu tụi tui chỉ mần một vụ lúa mỗi năm nhưng nay có thể mần ba vụ” - ông Hòa nói.

Mái nhà theo thiết kế của người Quảng Ngãi của ông Nguyễn Đắc Khanh-Thanh Tú
Mái nhà theo thiết kế của người Quảng Ngãi của ông Nguyễn Đắc Khanh-Thanh Tú

 

Giữ hồn quê giữa miền sông nước

Theo ông Trương Quang Hòa: “Muốn biết nhà nào gốc Quảng, chỉ cần nhìn vào kiến trúc nhà là nhận ra ngay”. Nhà ông có mái thấp, tường kiên cố. Chính những trận bão, lũ triền miên ở quê nhà đã ăn sâu vào tâm trí của người miền Trung nên khi vào vùng đất mới, dù khí hậu hiền hòa hơn nhưng hầu hết người dân vẫn có tâm lý xây nhà kiên cố để đề phòng thiên tai.

Tại thị trấn Sa Rài có khoảng 30 quán mì Quảng, là món truyền thống của xứ Quảng. Ông Võ Văn Chương, 61 tuổi, chủ một quán mì Quảng ở thị trấn Sa Rài, cho biết: “Tui mở quán này vừa để phục vụ nhu cầu người dân tại chỗ vừa để khách thập phương biết đến một món ăn đặc trưng của người xứ Quảng. Tên quán là 92 cũng là mã biển số xe tỉnh Quảng Nam”.

Ông Hai Nam (tên thật là Văn Công Dũng, 64 tuổi, quê gốc Đại Lộc, Quảng Nam) được nhiều người giới thiệu là hội đủ nét tiêu biểu của người Quảng.

Dáng người nhỏ thó, rắn chắc, da đen sạm, ông Hai Nam nói ông vào Tân Hồng năm 1959 nhưng khi đất nước thống nhất, ông lại trở về quê Quảng Nam sinh sống. Lập gia đình nhưng không có đất sản xuất, năm 1980 ông dẫn theo vợ con vào lại đất Tân Hồng lần hai với hai bàn tay trắng.

Hai vợ chồng ông Hai Nam làm thuê đủ nghề, từ gặt lúa thuê, đào mương đến lợp nhà, xây hàng rào... “Cứ được trả tiền công, vợ chồng tui lại tích lũy rồi mua thêm công đất.

Nhưng động lực lớn nhất không phải kiếm tiền tích lũy ruộng đất mà là để nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của những đứa con. Từ hàng chục công đất sau nhiều năm tích cóp, tôi bán dần để đóng học phí cho các con. Đứa này ra trường rồi đứa khác lại vào, cứ thế những công đất cuối cùng lần lượt bán hết” - ông Hai Nam nói.

Đổi lại, con của ông Hai Nam trở thành những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hiếu học ở vùng đất này: năm người con thì hai người là kỹ sư, một là giáo viên và một người làm ngân hàng, người còn lại mở tiệm hớt tóc gần nhà.

“Dù đã xem đây là quê hương thứ hai nhưng trong tui vẫn đau đáu về nơi đã sinh ra. Cứ có điều kiện là tui lại đón xe đò về thăm bà con lối xóm. Tui dặn các con mình không bao giờ được quên quê cha đất tổ” - ông Hai Nam tâm sự.

Khi con trai lớn của ông là anh Văn Công Vững, 39 tuổi, kỹ sư ngành dầu khí, xin ý kiến để về làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), ông lập tức đồng ý để con đi.■

Người miền Trung khai phá đất Nam bộ

Những cuộc di dân của người miền Trung vào đất Nam bộ bắt đầu từ năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp sau đó chiêu mộ thêm những người lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất.

Thế nhưng yếu tố Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để lại dấu ấn sâu sắc ở vùng đất Nam bộ bắt đầu từ cuộc chiến tranh dằng dai từ năm 1777-1789 giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

Đội quân hai bên, nhất là nhà Tây Sơn, đã vô tình để lại một lực lượng binh lính đông đúc trên vùng đất này và có thể nói chính họ đã tạo nên một sự phát triển dân số đột biến cho vùng đất Nam bộ cũng như đặt nền tảng cho một nền văn hóa người Việt thành chủ đạo ở vùng đất còn nhiều yếu tố Khmer và Minh Hương này.

Đến thời Minh Mạng cũng đưa nhiều di dân đến khai khẩn vùng đất này. Năm 1858 Pháp đánh Đà Nẵng khiến sau đó Quảng Nam đói kém dịch bệnh, triều đình ra chính sách “Thóc đưa đến người đưa đi”, và phần lớn là đi vào đất Nam bộ.

Chính vì lý do này mà các tộc họ ở Nam bộ thường không quá 8-10 thế hệ, tức 200 năm kể từ thời Tây Sơn và sau đó là Minh Mạng.

Đây là một chút hình dung về dân cư, hình dung về sự hình thành bản sắc người Nam bộ, một vùng đất giàu có và phóng khoáng, nơi dung chứa người từ khắp nơi trên cả nước tụ về. Và những cuộc di dân về vùng đất này hình như vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.

Hồ Trung Tú

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận