Quyền công dân để bán

KHỔNG LOAN 30/11/2016 01:11 GMT+7

TTCT - Một số quốc gia bán quyền công dân của mình thông qua các “chương trình đầu tư dài hạn” hoặc bán trọn gói. Đối tượng mua? Rất nhiều công dân ở những nước nghèo hơn nhưng có khả năng kinh tế. Số người nộp đơn tăng mạnh thời gian gần đây.

Hình ảnh đất nước ở vùng Caribe nắng ấm được dùng để quảng cáo kêu gọi các nhà đầu tư giàu có đến để có cơ hội định cư -aribbeanandco.com
Hình ảnh đất nước ở vùng Caribe nắng ấm được dùng để quảng cáo kêu gọi các nhà đầu tư giàu có đến để có cơ hội định cư -aribbeanandco.com


Trong cuốn sách 23 vấn đề người ta không nói với bạn về chủ nghĩa tư bản, tác giả Ha Joon Chang viết về cơ chế bán hộ chiếu thông qua số tiền đầu tư:

Cơ chế này chỉ làm tăng thêm sự thiếu vốn mà hầu hết các nước đang phát triển phải gánh chịu. Các nước giàu cũng góp phần gây ra tình trạng chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển bằng việc dễ dàng tiếp nhận hơn đối với những người có kỹ năng cao hơn.

Đây là những người có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước mình so với những người nhập cư không có kỹ năng chuyên môn, nếu họ còn sống tại quê nhà của mình...".

Đó là mặt trái. Nhưng dòng di cư không bao giờ ngưng. Có rất nhiều lý do của những cuộc di cư này, vì sự đa dạng của mục đích sống. Các nhà đầu tư nước ngoài thấy nhiều lợi ích khi việc mua quyền công dân hoặc giấy phép cư trú.

Khả năng chuyển cả gia đình sống lâu dài ở Mỹ, Anh hoặc Úc là sức hút lớn, trong khi khả năng đi lại mà không cần visa tới nhiều quốc gia khác là lợi thế. Malta và Cyprus giúp cho người nộp đơn có thể tới rất nhiều quốc gia mà không cần visa. Chất lượng sống tốt hơn; đi lại thuận tiện hơn; an ninh hơn; giáo dục tốt hơn; kế hoạch tài chính lâu dài hơn. Tốt hơn ở quê hương của những người quyết định di cư.

Thị thực đầu tư

Miami là thành phố mới nhất của nước Mỹ có chương trình cấp thị thực cho những nhà đầu tư ngoại quốc giàu có.

Từ trên tầng 36 của tòa tháp văn phòng ở trung tâm Miami, Ronald Fieldstone nhìn toàn cảnh ra các công trường đang được xây dựng mà mình đã góp phần tạo ra. Có tuyến tàu cao tốc nối thành phố tới Orlando, nơi có Disney World. Phía tây là khách sạn Langford vừa được cải tạo, và phía bắc là công trường Paramount Miami Worldcenter, khu phức hợp nhà ở và bán lẻ 60 tầng đang được đào móng.

Tất cả những dự án này đều được tài trợ một phần thông qua chương trình thị thực đầu tư gọi là EB-5, để từ đó nhà đầu tư có cơ hội trở thành công dân Mỹ.

Với mức đầu tư 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng) vào một dự án tạo ra ít nhất 10 việc làm tại khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao, một công dân ngoại quốc có thể cuối cùng sẽ nhận được thẻ xanh, cho phép họ sống và làm việc lâu dài tại Mỹ. Miami là cục nam châm cho những gia đình giàu có từ Venezuela, Brazil, Argentina, và đang sử dụng chương trình EB-5 để thu hút tiền mặt từ Trung Quốc.

Các quan chức địa phương hi vọng sẽ chuyển Miami trở thành một trung tâm ngân hàng quốc tế có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, và thuyết phục được các hãng hàng không Trung Quốc mở đường bay thẳng trực tiếp từ đại lục.

Việc Miami thúc đẩy EB-5 không phải là không gây tranh cãi. Những người chỉ trích nói chương trình đầy chuyện lừa đảo và được dùng để rửa tiền. Canada có một chương trình tương tự, còn Úc thì đang thắt chặt các yêu cầu sau khi phát hiện ra không có nhiều lợi ích kinh tế với nước này.

Một số nghị sĩ Mỹ cho rằng chương trình kiểu này đang đưa ra những tín hiệu xấu. Bán thị thực để lấy tiền mặt từ tầng lớp giàu có nhưng hầu hết tiền lại rơi vào những nơi đã giàu có rồi chứ không phải là những khu vực gặp khó khăn - mục tiêu cần sự trợ giúp ban đầu của chương trình này.

Trong khi những người ủng hộ chương trình cho rằng hàng trăm triệu USD được đầu tư vào các siêu dự án ở New York và California.

Chương trình EB-5 ra đời năm 1990 là một phần của Luật di cư giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ và tăng trưởng việc làm. Kể từ khi đó, chương trình đã mang về cho Mỹ 15,5 tỉ USD tiền đầu tư và tạo ra 84.400 việc làm, theo Cục Di trú và công dân Mỹ, thuộc Bộ An ninh nội địa phụ trách chương trình.

Người đăng ký cần cho chính quyền bang vay 1 triệu USD để tạo ra việc kinh doanh tạo ra việc làm, hoặc 500.000 USD nếu dự án được triển khai trong khu vực khó khăn về kinh tế. Sau khoảng 5 năm, nhà đầu tư có thể nhận được thẻ xanh và nếu may mắn thì nhận lại được tiền đã đầu tư kèm lãi.

Nhiều nước có các chương trình di cư ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ Pháp yêu cầu đầu tư 10 triệu euro vào dự án tạo ra 50 việc làm. Chương trình của Malta là một kiểu mua đứt bán đoạn luôn quyền công dân châu Âu với mức giá 650.000 euro, và đã khiến Ủy ban châu Âu rất giận dữ.

Còn Vương quốc Anh tăng yêu cầu lên thành 2 triệu bảng Anh để mua trái phiếu chính phủ.

Chương trình định cư đầu tư của Mỹ đã không được thực hiện nhiều cho tới khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến các nhà phát triển bất động sản nước này khó tìm vốn. Còn Canada quyết định đóng chương trình năm 2014 do quá nhiều người Trung Quốc giàu có tràn đến nước này vì tiền không phải là vấn đề quá lớn với người giàu Trung Quốc.

Chương trình của Mỹ đã đặt hạn ngạch 10.000 visa mỗi năm và năm 2014 lần đầu tiên số người nộp đơn đạt mức kịch trần. Các nhà đầu tư Trung Quốc luôn là người bỏ tiền nhiều nhất, chiếm tới 86% tổng số visa được cấp năm 2015.

Chương trình đầu tư EB-5 thu hút hàng ngàn triệu phú Trung Quốc mỗi năm, giờ đây thu hút thêm các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tới Mỹ. Ví dụ như các tập đoàn xây dựng, gồm cả của nhà nước như Greenland Holding Group, Xinyuan Real Estate Co và China State Construction Engineering Corp đều đang có các dự án thuộc chương trình EB-5 tài trợ một phần các tòa tháp nhà ở hay văn phòng.

Một nhà phát triển từ Trung Quốc thậm chí đứng đằng sau 5 trong số 27 dự án mới ở Mỹ, theo một nghiên cứu do hai giáo sư ở Đại học New York viết.

Lợi ích từ bán quyền công dân

Việc mở cửa chương trình này cũng đem lại lợi ích. Ví dụ với St Kitts và Nevis, số tiền đổ vào lĩnh vực công đã tăng gần 25% GDP trong năm 2013. Các nước vùng Caribe cũng thế.

Năm 2014, theo Công ty Henley & Partner chuyên dịch vụ tư vấn định cư, ước tính các nhà đầu tư đã dành 2 tỉ USD cho chương trình này. Các quốc gia châu Âu cũng có tín hiệu tốt. Chương trình Bồ Đào Nha đã giúp tăng thêm 15% GDP vào nước này năm 2014.

Với các nước châu Âu như Bulgaria, Pháp, Hungary, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, chương trình này gọi là chương trình "thị thực vàng" vì nó giúp người sở hữu thị thực có được quyền đến 26 quốc gia thuộc khu vực Schengen.

Số tiền đầu tư nhận được nhờ chương trình này rất lớn, đặc biệt với các nước nhỏ. Chỉ riêng trong lĩnh vực công ở St Kitts và Nevis, GDP đã tăng gần 25% (hai cách gồm: tặng luôn 250.000 USD cho quỹ từ thiện công St Kitts and Nevis Sugar Industry Diversification Foundation, hoặc đầu tư ít nhất 400.000 USD vào lĩnh vực bất động sản). Antigua, Barbuda và Dominica cũng tương tự.

Ở Bồ Đào Nha, số tiền này chiếm 13% nguồn vốn FDI năm 2014. Tại Malta, tổng số đầu tư cho chính phủ từ số ứng viên tiềm năng theo hạn ngạch (1.800 người) có thể tương đương 40% tổng số doanh thu thuế năm 2014.

Ảnh hưởng kinh tế vĩ mô của chương trình tùy thuộc vào cách thiết kế. Ví dụ với St Kitts và Nevis, vốn đầu tư vào bất động sản tăng mạnh giúp bùng nổ ngành xây dựng, đưa kinh tế ra khỏi cơn suy thoái kéo dài bốn năm lên tỉ lệ tăng trưởng 6% năm 2013 và 2014. Ở Bồ Đào Nha, 2.500 visa đã được cấp kể từ bắt đầu chương trình tháng 10-2012, giúp phát triển thị trường bất động sản và bùng nổ giá bất động sản xa xỉ.

Đó là mặt tốt. Nhưng mặt xấu là tiền đổ vào thị trường quá nhanh, quá nhiều vào bất động sản có thể khiến giá lương tăng và giá bất động sản bong bóng, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Lỗ hổng

Việc tăng trưởng nhanh chóng của chương trình đã tạo ra nhiều lỗ hổng của hệ thống. Có những vụ cáo buộc là tiền đầu tư bị mất. Ở Chicago, một người đã bị cáo buộc đánh cắp 160 triệu USD từ tiền nhà đầu tư mà đáng lý ông ta phải dùng để xây dựng trung tâm triển lãm và đã thừa nhận có tội.

Các cơ quan chức năng cũng thấy có nhiều vấn đề. Kiểm toán phát hiện Cục Công dân và di trú Mỹ (USCIS) không điền đầy đủ thông tin vào hệ thống để tránh lừa đảo. Chương trình này khiến Quốc hội Mỹ chia rẽ ra hai ngả, cải thiện hay chấm dứt, cũng giống Canada.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein thuộc phe Dân chủ từ California ủng hộ hướng chấm dứt vì cho rằng chương trình không công bằng, đưa ra thông điệp sai về giá trị nước Mỹ, và dễ bị lừa đảo hay lạm dụng. “Nó nói rằng quyền công dân Mỹ là để bán, chứ không phải là thứ để chúng ta bảo vệ”, bà cho biết.

Đổi tiền lấy thẻ xanh” - David North, một người thường xuyên chỉ trích chương trình EB-5 và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu di trú có quan điểm bảo thủ, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên bán thị thực cho bất kỳ ai”.

Một yếu tố quan trọng là nguồn gốc đồng tiền, rất khó để lần dở đường đi của nó, nhất là với hệ thống tài chính ở Trung Quốc hay Trung Đông. Điều này cũng gây quan ngại về sự minh bạch và an ninh toàn cầu. Có rủi ro rất lớn là các nền kinh tế sẽ trở nên quá phụ thuộc vào nguồn vốn từ những chương trình này.

Người ta lo ngại về tính minh bạch và giải trình của chương trình. Nhiều nước miễn cưỡng tiết lộ dữ liệu về người nộp hồ sơ, các khoản đầu tư trực tiếp của chính phủ hay quy trình ra quyết định.

Các tên tuổi lâu đời của chương trình đổi tiền lấy hộ chiếu này có thể kể tới cụm 2 quốc đảo St Kitts và Nevis, từ thời năm 1984.

Dù là một hiện tượng chủ yếu ở châu Âu và Caribe, Canada, Mỹ, Úc, Singapore và New Zealand đều rất được các nhà đầu tư quan tâm. Theo IMF, gần đây số người nộp hồ sơ và tiền vốn chuyển đi sang nước khác tăng mạnh. Lựa chọn rẻ nhất là Dominica, bạn có thể trở thành công dân với mức đầu tư 100.000 USD (cộng phí) và một buổi phỏng vấn trực tiếp.

Trước làn sóng đổ xô mua thị thực thông qua đầu tư, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding tuyên bố: “Phải chấm dứt việc bán quyền công dân”. Nhiều nước đã đóng cửa như Ireland (năm 2001), Grenada (mở lại năm 2014) và Montenegro, dừng năm 2010.

Canada đã chấm dứt chương trình chính thức năm 2014, nhưng các tỉnh như Quebec và đảo Prince Edward vẫn tiếp tục. Còn Mỹ và Anh thì tiếp tục mở rộng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận