Làm "lục bình trôi" trên sông 

MINH UY 18/01/2017 03:01 GMT+7

TTCT - Hơn 3 giờ đồng hồ lang thang trên sông lớn, sông nhỏ, những con rạch rợp bóng mát của vùng Vĩnh Long khiến chúng tôi nhận ra: ngồi trên chiếc ghe có cảm giác mình như đám hoa lục bình vừa nổi trôi lang thang theo con nước lớn, nước ròng.

Chụp hình cưới trên sông -Minh Uy
Chụp hình cưới trên sông -Minh Uy


Mặc cho thời tiết nắng hay mưa thì vi vu trên sông nước miền Tây Nam bộ này đều mang lại thú vui độc đáo và đáng nhớ.

Dọc theo bến sông của công viên Sông Tiền (Vĩnh Long), chúng tôi dễ dàng tìm thuê một chiếc ghe máy có mui có thể chở được hàng chục người. Bến sông này lúc nào cũng nhộn nhịp hàng chục ghe lớn nhỏ khác nhau chờ đón khách du ngoạn trên sông.

Thông thường du khách đến đây sẽ được các tài công mời chào đi thăm các vườn trái cây, nhà vườn, khu du lịch sinh thái...

Đây đều là những điểm đến cố định, có “hợp đồng” từ trước với các chủ ghe. Thậm chí cùng lúc các ghe có thể đưa hai hoặc ba đoàn khách ghé thăm các nhà vườn, trong thời gian chừng hơn một giờ để một đoàn ăn uống vui chơi thì tài công lại tranh thủ đi đón đoàn khác.

Chỗ nào đẹp thì ghé vô

Theo quy định chung, tất cả ghe du lịch đều được trang bị áo phao và phao cứu sinh. Khi xuống ghe du khách nên yêu cầu tài công hướng dẫn vị trí, cách sử dụng, thao tác lấy phao, áo phao… để an tâm du ngoạn trên sông.

Một chuyến tham quan trên sông, làng nghề làm cốm, kẹo, vườn trái cây… tiền thuê ghe chỉ vào khoảng 400.000 - 500.000 đồng.

Nếu khách muốn “lang thang” trên sông thì giá thuê ghe khoảng 1 triệu đồng. Các món ăn đều dễ dàng tìm mua tại chợ Vĩnh Long hoặc nhờ tài công gọi cho nhà vườn làm sẵn, khi ghe đi ngang ghé lấy mang theo.

Quá quen thuộc với các tour cố định như thế, chúng tôi yêu cầu chỉ cần chạy lang thang trên sông, thấy chỗ nào mát và đẹp thì ghé vô, không thì cứ đi vô định vô phương để hưởng gió sông thôi.

Một tài công kể: “Chạy kiểu này cũng vui lắm. Nhiều khi khách hứng chí đi ngang con rạch nào đó thấy đẹp đẹp lại kêu mình chạy ghe vô đó. Nói thiệt là nhiều khi mình chưa bao giờ chạy ghe qua và chỉ có gặp khách kêu mới được đi chứ bình thường lo chạy sông lớn đường dễ đi để làm ăn cho nhanh và thuận tiện”.

Tài công này cho biết có lần anh tình cờ phát hiện đám bần thiệt mát khi đi lang thang trên sông. Lần đó đi vô rồi mấy khách ham chơi đi ra không kịp, bị mắc cạn nằm dưới tán bần mấy tiếng. Vậy mà cũng thành cái thú vui của khách.

“Còn tui thì trong lòng như lửa đốt bởi về bến không kịp thì không đón được khách, không đủ chi phí một ngày. Nhưng nhờ khách vui nên có tiền boa cũng đỡ lắm” - tài công nói.

Cũng có nhóm mướn chiếc ghe chở 20 người mà chỉ non chục tay thanh niên với đủ cả mồi màn như cá lóc nướng trui, nem nướng, phá lấu, cá cóc, cá chạy chiên, vài ba thùng bia và đá lạnh.

Nhớ lần đầu tiên đưa ra yêu cầu không ghé các điểm tham quan, chỉ đi lang thang trên sông ăn nhậu và ca hát thôi, mấy tay tài công ái ngại vì sợ mất vệ sinh trên ghe.

“Mấy anh cứ cho giá rồi đi thôi, tụi tôi đi chơi nên muốn lạ một chút. Thu nhập của anh không thua gì chở khách đi điểm tham quan” - anh Minh Vương, dân cố cựu vùng sông nước Vĩnh Long, cố ra sức thuyết phục mấy ông chủ ghe chở mình và cuối cùng cũng được chấp nhận.

“Mấy thằng bạn ở quê bày ra cái vụ ăn uống, ca hát trên ghe cũng hay. Mua thức ăn rồi mướn ghe đi lang thang trên sông, đờn, ca hát. Nghe nói là đã thấy ham rồi” - anh Xuân Trọng, người từng tham gia những “tour” này, cho biết.

Cách đây khá lâu, khi chúng tôi còn học phổ thông ở Trường Lưu Văn Liệt, cũng là lần đầu chúng tôi được đi ngoại khóa trên sông nước.

Năm đó thầy dạy sử lớp tôi nói rằng Vĩnh Long mình là vùng đất xưa thuộc về Long Hồ Dinh, cũng có nhiều di tích mà không phải tỉnh nào ở miền Tây cũng có được. Lớp tôi hồi ấy hùn tiền nhau để thuê một con đò đi chơi trên sông.

Chuyến đi của chúng tôi được mở rộng tầm mắt với rất nhiều di tích như nhà của các địa chủ vùng Long Hồ Dinh xưa, đình chùa cổ hàng trăm năm nằm ven mé sông hay Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

Tất cả những di tích đó dễ dàng đi bằng xe đến nơi, nhưng “trắc trở” của đường sông lại khiến nhiều bạn vốn ở quê rất thích thú: “Chùa Tiên Châu này sát nhà tao nè, vậy mà tao không biết đi ghe tới cũng được, ngộ ghê”.

Đối với dân sống ở Vĩnh Long, hàng chục năm mà vẫn còn thấy quá mới mẻ, mới đến nỗi tưởng nơi xa lạ. Trong miền đất quê mình mà có những cảnh vật chưa bao giờ được thấy.

Anh Thum, người lái đò ở bờ sông Vĩnh Long, kể “có nhiều người còn mướn ghe tui đi chụp hình cưới trên sông. Tui chạy lòng vòng chỗ nọ chỗ kia, họ bảo đẹp mà sao mình thấy bình thường, đến khi xem hình thì thiệt là đẹp, cây lá xanh mướt.

Mấy năm sau, những cặp vợ chồng đó quay lại tìm tui, nhờ chở đi những chỗ họ đã từng chụp hình, nhưng mà tui đâu có nhớ hết chỗ, kể cả cây cỏ cũng thay đổi nhiều, coi như là họ đi một chuyến khác” - anh Thum cho biết.

Chị Nguyệt Cầm, một người thuê ghe chở đi chụp ảnh, nói chị tự hào về bộ ảnh cưới trên sông của mình là độc đáo, không trùng lắp ý tưởng với ai, cảnh vật tự nhiên, con người thì vui vẻ.

Người dân xung quanh thấy mình chụp hình nên cũng có người “xin diễn chung”, thành ra có những khoảnh khắc có một không hai. Tài công Thum chia sẻ thêm: “Chở chụp hình cưới thì vui lắm, cô dâu chú rể hay cho thêm tiền.

Nhưng ngán nhất là chở mấy ông nghệ sĩ nhiếp ảnh, họ lội bùn leo lên ghe rất dơ, phải lau dọn rất mệt. Đôi khi họ còn bắt mình mé (chặt - PV) nhánh cây để dễ chụp, không xin chủ nhà mà làm thì rất dễ bị la...”.

Nhiều trẻ em rất thích thú khi được “lang thang” trên sông nước -Minh Uy
Nhiều trẻ em rất thích thú khi được “lang thang” trên sông nước -Minh Uy

 

Mua vườn làm du lịch

Anh Minh Trí, chủ một hệ thống phòng nha ở TP.HCM, vì mê sông nước miền Tây đã mua miếng vườn 2,2ha trên cồn Tân Tạo (H.Long Hồ, Vĩnh Long). “Như cái duyên vậy đó, đi ghe từ bên Vĩnh Long băng ngang sông Tiền, rẽ vô con rạch nhỏ là rợp bóng mát.

Tôi thích quá liền kêu ghe ghé vô mé sông mắc võng nằm chơi rồi ngủ một giấc ngon lành. Tỉnh dậy lên bờ chơi thấy chủ nhà cũng vui vẻ, xung quanh là dịch vụ homestay cho khách ngoại quốc rất nhiều. Tôi tìm hiểu và mê nên mua luôn miếng đất này.

Bây giờ miếng vườn của tôi là điểm tiếp nước uống, đồ ăn hay chỉ đơn giản là nơi cho bạn bè dân thành phố muốn về vườn cuốc đất đôi ngày” - anh kể.

Hỏi thăm những tài công hay khách thương hồ về những món ăn dọc đường sông nước, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình: món ăn trên sông mang lại cảm giác ngon miệng lạ thường hơn khi ăn cùng món đó trên bờ.

Khi đi ghe trên sông có thể yêu cầu tài công ghé vào các địa điểm du lịch để mua đồ ăn, trái cây mang theo ghe. Khi cặp bến đò, chúng tôi chạm mặt một nhóm khách cũng vừa kết thúc hành trình “thả trôi trên sông”. “Mấy anh đi đâu?” - nhóm này hỏi. “Thả trôi sông” - chúng tôi trả lời.

“Đi ghe mà nghe tiếng máy nổ nhức đầu quá, tụi tui kêu ông chủ ghe chở lên cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) rồi thả trôi sông mấy tiếng sau là về tới Bến Tre. Gió hiu hiu êm ru không tiếng ghe máy nổ, hát vọng cổ nghe đã đời” - nhóm khách mà chúng tôi gặp mặt gợi ý.

Những tràng cười rộn rã, bắt tay làm quen rồi chia tay nhộn nhịp cả bến sông. Người thả trôi sông, người lang thang kênh rạch hẹn hò lần sau thử cảm giác nữa. Có lẽ cái hứng thú chính là được trôi nổi vô định, tự do tự tại, chốn nào trên miệt sông nước cũng có thể mang lại sự mới lạ. Điều đặc biệt là được hít thở không khí trong lành sau những ngày tháng dài sống ngột ngạt nơi thành thị.■

Khách du lịch mê miền sông nước có thể đến thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), tìm ghe thuê chạy về Vĩnh Long, con đường sông với rất nhiều kênh rạch, cù lao, sông lớn, sông nhỏ đi khoảng 3 giờ đồng hồ.

Dọc đường có thể ghé các điểm du lịch sinh thái nhà vườn để ăn uống, tham quan. Tại Vĩnh Long, dọc theo công viên Sông Tiền có rất nhiều ghe để thuê. Thông thường những ghe này đi theo tuyến cố định là những điểm tham quan thân quen với tài công hoặc chủ ghe. Tuy nhiên, du khách hoàn toàn có thể thương lượng đi theo ý mình, “miễn sao mấy anh chở tôi đi cho vui là ngon rồi, tiền hoa hồng bến bãi tôi sẽ phụ mấy anh”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận