Samsung, mô hình chaebol và thách thức của Hàn Quốc

CỔ LONG 09/03/2017 02:03 GMT+7

TTCT - Ngày 17-2 vừa qua, phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong đã bị bắt giữ với cáo buộc đưa hối lộ cho người “bạn thân pháp sư” của tổng thống Hàn Quốc đang bị đình chỉ chức vụ Park Geun Hye.

Ông Lee Jae Yong bị nhóm công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc giải đi ngày 17-2 -Getty Images
Ông Lee Jae Yong bị nhóm công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc giải đi ngày 17-2 -Getty Images


Việc người thừa kế sáng giá của gia đình giàu có và quyền lực bậc nhất Hàn Quốc “ngã ngựa” đặt ra nhiều dấu hỏi về tương lai của mô hình kinh tế từng giúp quốc gia Đông Á này nhanh chóng “hóa rồng”.

“Cộng hòa Samsung”

Trực tiếp chứng kiến cảnh 100.000 người chen chúc dự cuộc tuyển dụng với tỉ lệ 1 chọi hơn 100 của Samsung giữa tháng 10-2013 mới thấy hết sức mạnh to lớn cũng như sức hút kỳ lạ của tập đoàn này. Samsung không chỉ là tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, nó còn là một thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Không phải vô cớ mà người dân Hàn Quốc vẫn gọi tập đoàn này là “Cộng hòa Samsung”. Một ví dụ: thống kê của tờ New York Times cho thấy riêng doanh thu từ xuất khẩu của Samsung Electronics chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Và Samsung chỉ là một trong số hàng loạt tập đoàn - gia đình, được gọi là chaebol, đang thống trị đời sống kinh tế Hàn Quốc. Âm Hán - Việt của “chaebol” là “tài phiệt” và trên thực tế, bản thân một chaebol chưa bao giờ chỉ có ý nghĩa là công ty, hay thậm chí là tập đoàn.

Trong văn hóa Hàn Quốc, chaebol là cả một triều đại. Các chaebol đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế, quan trọng tới mức người đứng đầu các chaebol là những yếu nhân trong mắt công chúng. “Bạn có thể nói chủ tịch Samsung còn quyền lực hơn cả tổng thống Hàn Quốc” - Woo Suk Hoon, chủ một trang web chuyên về kinh tế, bình luận với tờ Washington Post.

Vào thế kỷ trước, các chaebol là một nhân tố quan trọng trong công cuộc đưa đất nước Hàn Quốc vươn lên từ đống tro tàn sau chiến tranh Triều Tiên.

Ý tưởng về các gia đình sở hữu thiểu số cổ phần nhưng điều hành toàn bộ hoạt động của tập đoàn là di sản của mô hình kinh tế những năm 1960, mà người khởi xướng là tổng thống Hàn Quốc quá cố Park Chung Hee, cha của tổng thống đương nhiệm Park Geun Hye.

Khi ông Park Chung Hee lên nắm quyền vào năm 1963, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ là 67 USD. Để vực dậy nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, những năm 1960 và 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ để biến một số công ty lớn do gia đình quản lý thành các tập đoàn kinh tế đa ngành.

Các tập đoàn này phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành động cơ chính cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia, tiêu biểu là Samsung, Hyundai, Daewoo, LG...

Nhờ những lợi thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của chính phủ, các chaebol phát triển rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, áp đặt sự thống trị lên nền kinh tế, thậm chí có thể kiểm soát được cả khu vực tài chính.

Quá lớn không thể sụp đổ

Sự phát triển mạnh mẽ của các chaebol đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng nghèo đói và vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế.

Các chaebol lớn nhất mà báo chí Hàn Quốc gọi là “tứ đại gia”, gồm Hyundai Motor, SK Group, Samsung và LG, thậm chí còn đủ sức làm lung lay vị trí các tập đoàn Mỹ và châu Âu. Mô hình chaebol thì trở thành hình mẫu để một số quốc gia khác noi theo.

Tuy nhiên, các chaebol Hàn Quốc cũng đầy những mảng tối kinh tế bắt đầu thao túng nền chính trị. Những năm 1980, các tập đoàn gia đình Hàn Quốc, khi đã đủ tiềm lực kinh tế, dần tạo ra những ảnh hưởng chính trị đáng kể.

Các chính trị gia dựa vào hậu thuẫn tài chính từ các tập đoàn này trong quá trình tranh cử, đổi lấy các ưu đãi như những khoản vay, giảm thuế cho đến nhiều chính sách ưu tiên khác.

Mối quan hệ phức tạp giữa chaebol với các chính quyền đắc cử là đầu mối dẫn tới nhiều vụ tham nhũng lớn và hơn nửa thế kỷ qua, các tập đoàn gia đình đã phủ bóng lên mọi hoạt động của Hàn Quốc.

Tổng thống Park Chung Hee, ngay trong những năm đầu lên nắm quyền, từng trả tự do cho hàng loạt ông chủ chaebol lúc đó đang ngồi tù, bao gồm người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung.

Năm 2008, ông Lee Kun Hee, chủ tịch thứ hai của Samsung, cha của Lee Jae Yong, bị buộc phải rời chức vụ với các cáo buộc tham nhũng. Nhưng chỉ một năm sau, ông đã được tổng thống khi đó Lee Myung Bak ân xá.

Quyết định này được cho là nhằm tận dụng sức ảnh hưởng của ông Lee Kun Hee trong chiến dịch vận động đăng cai Olympic mùa đông 2018 của Hàn Quốc, mà sau đó quả thật họ đã thắng cử, giành quyền đăng cai về cho thành phố Pyeongchang.

Mối liên kết chặt chẽ giữa chính phủ và các chaebol, ngoài sự nhập nhằng về lợi ích, còn khiến các tập đoàn, và bản thân nền kinh tế, không kịp trở tay với những bất ổn của thị trường khu vực và thế giới.

Năm 1997, khi nổ ra khủng hoảng kinh tế châu Á, khoảng 3.500 công ty Hàn Quốc phải tuyên bố phá sản mỗi tháng và để cứu vãn tình hình, chính quyền phải viện đến gói cứu trợ trị giá 58 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Các chuyên gia cho rằng rủi ro hệ thống xuất hiện khi các chaebol mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực không phải cốt lõi của họ, với sự hỗ trợ tín dụng quá dễ dàng, đến mức bừa bãi, của các ngân hàng, biến những đế chế này thành “quá lớn không thể sụp đổ”.

Tiếng chuông cảnh tỉnh 1997 đã khiến giới lãnh đạo Hàn Quốc tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, song những thay đổi không đủ triệt để bởi vị thế “bất khả xâm phạm” đã được xây dựng quá lâu đời của các chaebol. Mỗi một cuộc bầu cử trôi qua, các chính trị gia đều hứa hẹn sẽ quản lý các chaebol tốt hơn, nhưng rồi trên thực tế, tiến bộ vẫn rất chậm chạp.

Đó cũng là một cam kết trong nghị trình tranh cử năm 2012 của Tổng thống Park Geun Hye, kèm theo lời hứa hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng vụ bê bối Samsung cho thấy nhiều khả năng “mèo lại hoàn mèo”.

Thái độ kiêng dè của các nhà cầm quyền và động thái “giơ cao đánh khẽ” khiến người dân Hàn Quốc ngày càng chán ghét những tập đoàn kinh tế vốn từng là niềm tự hào dân tộc.

Động lực lớn của quá khứ đang dần trở thành gánh nặng và sự cản trở, trong bối cảnh các chaebol vẫn đóng góp 2/3 GDP cho nền kinh tế. Những tập đoàn gia đình còn ngày càng đào sâu hố ngăn cách xã hội, bao gồm khoảng cách giàu nghèo, đẳng cấp và khoảng cách giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tập đoàn lớn.

Khủng hoảng và cơ hội

Hàng loạt bê bối chính trị và tình trạng bất ổn kinh tế diễn ra gần như cùng lúc tại Hàn Quốc dai dẳng từ khi khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới bùng phát năm 2007 tới giờ đang làm lung lay tận gốc rễ mối liên minh cũ chính quyền - tập đoàn gia đình từng đưa nước này “hóa rồng”.

Những tiếng nói đòi thay đổi đang lớn hơn bao giờ hết. Vụ bê bối của Tổng thống Park Geun Hye với bà bạn thân Choi Soon Sil vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly, phơi bày những rạn nứt sâu sắc ở đất nước này.

Đầu tuần rồi, cả triệu người Hàn Quốc đã xuống đường ở thủ đô Seoul, không chỉ để đòi tổng thống từ chức, mà còn để bộc lộ sự bất mãn của họ với tầng lớp cai trị.

Những vấn đề chính gắn với chaebol là việc tạo ra một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, dễ bị tác động với các biến động của kinh tế thế giới; sự thiếu đa dạng trong các mặt hàng xuất khẩu là điểm yếu thứ hai, nhất là trong bối cảnh sự vươn lên của các công ty ở nước láng giềng Trung Quốc; văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, từng là nơi ươm mầm cho các ý tưởng và công nghệ mới, giờ cũng đang trở nên nặng nề hơn. Nhiều tập đoàn lớn không còn đổi mới và có tinh thần doanh chủ như trước.

Xâu chuỗi các sự kiện với nhau, mô hình kinh tế kiểu “gia đình trị” của Hàn Quốc dường như đã đến hồi cáo chung, với một loạt quân domino trong dãy dài nối nhau sụp đổ thời gian qua.

Cú ngã ngựa của lãnh đạo Samsung diễn ra ngay trước bê bối tương tự ở Lotte, rồi cuộc đình công của công nhân Hyundai Motor hay vụ phá sản của Hanjin Shipping Co., tất cả diễn ra trong không đầy một năm.

Nhưng bối cảnh ảm đạm đó cũng được xem là một cơ hội tốt để các tập đoàn lớn và chính nền kinh tế Hàn Quốc, thay đổi và thích nghi, theo nhận định của Financial Times.

Với riêng Samsung, cuộc khủng hoảng sẽ là dịp để họ nhìn nhận lại mình, cải tổ hệ thống quản trị và phát triển bền vững hơn.

Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở bởi bất chấp những bê bối, sức cạnh tranh của Samsung là không thể phủ nhận. Trên thực tế, trong một vụ việc có màu sắc chính trị, giá trị cổ phiếu Samsung không bị ảnh hưởng nhiều, và các lĩnh vực công nghệ - chế tạo của họ, từ sản xuất điện thoại di động, màn hình và tivi OLED, đến chế tạo chip hoạt động độc lập, nên không chịu nhiều tác động từ sự xáo trộn ở ban lãnh đạo cấp cao.

Khi lệnh bắt giữ phó chủ tịch Lee Jae Yong được tòa án ban bố hôm 17-2, cổ phiếu của hãng cũng chỉ tụt 0,4%. Tờ Forbes nhận định riêng lần này, một cuộc cải tổ triệt để rất có thể sẽ diễn ra ở Samsung.

Với Hàn Quốc, thay đổi cách vận hành của cả một nền kinh tế là việc không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng giờ chắc chắn các ý kiến kêu gọi việc giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào một số tập đoàn lớn sẽ được lắng nghe hơn.

Tương tự, các kinh tế gia hi vọng dịp này, chính phủ mới của Hàn Quốc - dù người thay thế bà Park Geun Hye có là ai - sẽ thúc đẩy cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, thân thiện hơn với những công ty khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Thời đại của việc xây dựng các ngành công nghiệp ngốn nhiều vốn đã hết. Đã tới lúc (Hàn Quốc) kiếm tiền bằng cách bán các nền tảng và dịch vụ cạnh tranh” - ông Michael Na, chiến lược gia tại Nomura, nói với Financial Times.

Giới đầu tư cũng hi vọng Seoul sẽ nhanh chóng bãi bỏ các quy định rườm rà nhằm cải thiện năng suất ở lĩnh vực dịch vụ, giúp nền kinh tế tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, đa dạng hóa khỏi mảng chế tạo truyền thống.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận