Phần 1: Những đối tác “mắt khép hờ”

DUY VĂN 16/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - Chuyến thăm ba nước Trung Á của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khép lại tuần trước đã đặt vùng đất chiến lược về địa chính trị này vào sự chú ý mới: nơi giao cắt và chồng lấn ảnh hưởng của ba thế lực siêu cường đang lăm le phân chia lại thế giới.

Trung Á được cả Nga và Trung Quốc coi là vùng lợi ích cốt lõi -The Economist
Trung Á được cả Nga và Trung Quốc coi là vùng lợi ích cốt lõi -The Economist

 

Vùng đất rộng lớn, giàu tài nguyên và có ý nghĩa cốt tử về mặt quân sự này vốn được coi là khu vực ảnh hưởng truyền thống lâu đời của Nga, nhưng Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ ở đây nhờ sức mạnh kinh tế và đại dự án “Một con đường - một vành đai”, trong đó Trung Á đóng vai trò cốt tử.

Với Mỹ, quan hệ của họ ở khu vực cũng cực kỳ quan trọng khi mà siêu cường số 1 thế giới đã đổ không biết bao nhiêu tiền của vào các cuộc chiến ở những vùng tiếp giáp: Iraq, Afghanistan, và giờ là Syria.

Thừa kế di sản Xô viết, các nước cộng hòa cũ của Liên Xô ở Trung Á - Kazakhstan, Kyrgystan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan - từng được xem là “sân sau” của Nga, nhưng nhiều dấu hiệu ở giai đoạn chuyển giao thế kỷ cho thấy Matxcơva đang bị qua mặt.

Nhà báo Simon Denyer chỉ ra trên tờ The Washington Post cuối năm 2015: “Giữa thảo nguyên Trung Á mênh mông, không người, chậm chạp nhưng chắc chắn mọc lên đường cao tốc bốn làn xe. Những xe hơi thời Liên Xô, xe tải và xe buýt già cỗi chạy ngang qua những chiếc xe ủi đất hiện đại màu vàng, cần cẩu và khoan đang làm đường dưới sự điều khiển của các công ty Trung Quốc một ngày không xa sẽ nối Đông Á với Tây Âu...

Dải nhựa đường này, chạy qua những cánh đồng khoai tây, những đồi trọc xám và những đàn gia súc chăn thả - là biểu tượng sự vươn tay của Trung Quốc về phía tây, vào Trung Á. Người Trung Quốc đang dần thâu tóm khu vực này từ người Nga”.

Hợp tác và cạnh tranh kinh tế

Nếu Ukraine là “sân trước” của nước Nga, thì Trung Á chính là “sân sau”, gắn với Nga bởi những giềng mối lịch sử, kinh tế, chính trị lâu đời.

Hiện nay, Uzbekistan vẫn còn là nước nông nghiệp, trong khi đó Turkmenistan và Kazakhstan phát triển nhờ vào nguồn khí đốt và dầu hỏa. Một mình Kazakhstan đóng góp đến 2/3 GDP của khu vực. Hai nước còn lại là Kyrgyzstan và Tajikistan thì lệ thuộc vào nguồn tiền do kiều dân của họ ở các nước gửi về, lần lượt chiếm 35% và 50% GDP.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva đã nỗ lực củng cố ảnh hưởng ở đây qua các sáng kiến hội nhập chính trị, an ninh như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG, thành lập năm 1991), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO, 1992), và kinh tế như Liên minh thuế quan (TS, 2007) và Cộng đồng kinh tế Á - Âu (1996).

Đặc biệt, Matxcơva quan tâm tới việc duy trì kiểm soát xuất khẩu năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên của Trung Á để đảm bảo vị thế nước Nga ở đó: Nga vẫn sở hữu mạng lưới đường ống khí đốt từ thời Liên Xô trong khu vực.

Với Trung Quốc, vùng Trung Á giàu tài nguyên và có tính chiến lược về địa chính trị - khu đệm, ở ngã ba Á, Âu và Trung Đông, đang ngày càng trở nên quan trọng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tajikistan, Kazakhstan, Turmenistan và Kyrgystan.

Với riêng Kyrgystan, từ năm 2013, Bắc Kinh đã nâng quan hệ kinh tế lên mức chiến lược. Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện giờ khiến nguồn dự trữ dầu mỏ, than, khí đốt ở Trung Á không chỉ là vấn đề nguồn lực, mà còn là vấn đề chiến lược quốc gia.

Về dầu mỏ, Kazakhstan có trữ lượng gần 40 tỉ thùng, Turkmenistan và Uzbekistan 6 tỉ thùng. Về khí đốt, Kazakhstan có trữ lượng tới gần 2.500 tỉ m3, Turkmenistan gần 8.000 tỉ m3 (chiếm 1/3 trữ lượng thế giới).

Không muốn phụ thuộc vào chỉ một nguồn cung năng lượng nhiều rủi ro qua hướng biển từ Cận Đông và châu Phi, kho năng lượng Trung Á là hướng đi chiến lược với Trung Quốc. Đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Kazakhstan (hoàn tất năm 2009 và đã đạt công suất 20 triệu tấn vào năm 2014) thực sự khiến ảnh hưởng từ Nga suy giảm nhiều.

Thực ra, kinh tế Nga đến nay vẫn còn quan trọng với các nước Trung Á, đặc biệt là nguồn tiền từ người lao động Trung Á làm việc ở Nga gửi về nước. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tạo cơ hội cho các quốc gia Trung Á đa dạng hóa những quan hệ kinh tế của họ.

Chân không an ninh

Từ năm 1999, Mỹ đã có ý xây dựng khu vực Trung Á thành “Con đường tơ lụa mới”, “một khu vực kinh tế năng động và kết nối, bao gồm Afghanistan và những nước vùng Trung và Nam Á”.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ vào năm 2001 ở Afghanistan và sau đó ở Kyrgyzstan khẳng định ý định Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng ở khu vực.

Nhưng đến năm 2014, thực hiện lời hứa chấm dứt chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, cựu tổng thống Barack Obama tuyên bố đã tới lúc nước Mỹ “lật sang một trang mới” với cuộc chiến tranh bắt đầu từ năm 2001 và cam kết đưa toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan trước cuối năm 2016.

Tuy nhiên, sự hồi sinh của Taliban khiến lời hứa không thể thực hiện. Cuối cùng, tới cuối nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama vẫn để lại hơn 8.000 quân Mỹ ở Afghanistan, bàn giao lại vấn đề quân đội Mỹ ở đây cho người kế nhiệm Donald Trump, vốn tuyên bố không ủng hộ hoạt động “bảo kê” của NATO trên thế giới.

Dưới thời Obama, Mỹ cũng đã rút khỏi căn cứ quân sự Manas ở Kyrgyzstan, nhường ảnh hưởng lại cho Nga, thực hiện chính sách “xoay trục châu Á” - dịch chuyển về phía Đông Á.

Các động thái của Mỹ đã tạo ra chân không an ninh ở vùng Trung - Nam Á, đi kèm là những bất ổn tiềm ẩn. Không ít nhóm Taliban nguy hiểm nhất là những tay súng xuất thân từ Trung Á, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và sở hữu các mạng lưới rộng khắp ở Afghanistan.

Chính quyền các nước Trung Á đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ các tay súng Taliban đó trở lại nơi họ xuất thân để bắt đầu một làn sóng thánh chiến mới.

Cùng lo ngại trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và bạo lực, Nga và Trung Quốc đang nỗ lực lấp đầy khoảng chân không an ninh. Hai cường quốc này - trong khi tay bắt mặt mừng mỗi khi có dịp - trên thực tế vẫn cạnh tranh quyết liệt để chiếm vai trò người bảo đảm an ninh của khu vực.

Đối trọng với ảnh hưởng chính trị và an ninh vẫn lớn hơn từ Nga, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được thành lập năm 2001, theo sáng kiến của Bắc Kinh.

Từ nhiệm vụ ban đầu là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, chống ma túy, khủng bố và ly khai, đến năm 2003, SCO bắt đầu mở rộng sang hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, một kế hoạch thực chất là nhằm ngăn chặn các công ty dầu lửa Mỹ và phương Tây xâm nhập vào Trung Á.

Hiện nay SCO chiếm 25% dân số thế giới, tổng diện tích các nước thành viên chiếm khoảng 60% lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu.

Nhưng cơ chế đa phương có thể không đủ khả năng giải quyết sự kình địch. Trong khi Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa trong khuôn khổ SCO, Nga có xu hướng không ủng hộ các đàm phán đa phương không bảo đảm vị thế hàng đầu của họ.

Trong một thời gian dài, Nga đã phong tỏa nỗ lực của Trung Quốc thành lập Ngân hàng Hợp tác phát triển hạ tầng trong khuôn khổ SCO, kết quả là Bắc Kinh buộc phải đi vòng và tháng 6-2015 đã thành lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á với vốn đầu tư 100 tỉ USD.

Một lĩnh vực hợp tác - cạnh tranh điển hình nữa là việc buôn bán vũ khí. Trong khi bán hàng nghìn đơn vị vũ khí cho Trung Quốc, Nga cũng bán lượng vũ khí tương đương cho Ấn Độ và vẫn ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các vũ khí tân tiến hơn của họ.

Đồng sàng dị mộng

Trong một bài viết về tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung, The Washington Post cho rằng tuy Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược gần gũi, nhưng họ không hoàn toàn tin tưởng nhau, kiểu quan hệ “đồng sàng dị mộng” mà theo bài báo này, cả hai lúc ngủ đều mở một mắt! Riêng ở Trung Á, mối quan hệ Trung - Nga còn “vi diệu” hơn, bởi có vẻ cả hai đều coi đó là vùng lợi ích cốt lõi của mình.

Tháng 9-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn thủ đô mới của Kazakhstan, Astana, để công bố kế hoạch sau này trở thành nền tảng cho chính sách đối ngoại quyết đoán của Bắc Kinh muốn trở thành một tay chơi lớn trong khu vực:

Một con đường - một vành đai với mục tiêu hồi phục và mở rộng những tuyến đường thương mại của thời Trung Quốc còn là đế quốc số một hành tinh. Đây là dự án đối ngoại lớn nhất của nước Trung Quốc hiện đại.

Nga đã có những động thái đáp trả tương ứng: thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU, phát triển từ Cộng đồng kinh tế Á - Âu) vào tháng 5-2014 theo khuôn mẫu của EU với Nga, Belarus và Kazakhstan (về sau có thêm Kyrgyzstan).

Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 này hủy bỏ kiểm soát biên giới và hướng tới một đồng tiền chung cho khối. Tuy nhiên, sau khi quan hệ Nga với phương Tây xấu đi vì Ukraine, các lệnh cấm vận càng khiến Nga gặp khó trong việc duy trì ảnh hưởng ở khu vực sân sau này.

Nhà phân tích A. Gabuyev thuộc Trung tâm Carnegie Moskva nói thay lời kết: “Nga sẽ đảm bảo an ninh và Trung Quốc cung cấp tín dụng”. ■

Chuyến thăm của Putin

Ông Putin thăm ba nước Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan vào đầu tháng 3, với các nghị trình trọng tâm:

Về an ninh: Nga sẽ tăng cường các nỗ lực bảo vệ biên giới Tajikistan - Afghanistan, bao gồm việc sử dụng một căn cứ quân sự của Nga ở Tajikistan. Theo một hiệp ước sẽ hết hạn vào năm 2042, căn cứ quân sự này cũng là nơi đồn trú nhiều quân Nga nhất ở nước ngoài.

“Điều này quan trọng vì Tajikistan có đường biên giới 1.300km với Afghanistan, nơi sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ khủng bố nhất” - Stanislav Pritchin, chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu Trung Á và Caucasus thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông của Nga, bình luận.

Về kinh tế: Ở Duschanbe, ông Putin hối thúc xây dựng quan hệ kinh tế gần gũi hơn giữa Tajikistan và Nga và nói Matxcơva quan tâm tới việc tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ nước này.

Ở Bishkek, ông Putin tuyên bố Nga có kế hoạch đầu tư 100 tỉ rúp (1,7 tỉ USD) vào mạng lưới phân phối khí đốt của Kyrgyzstan và giúp nước này giảm gánh nặng nợ công. Ông cũng bày tỏ mong muốn Tajikistan sẽ gia nhập EAEU và loại bỏ một số hạn chế về lao động với người Tajikistan làm việc ở Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận