Khi lòng nhân ái Việt gặp lòng nhân ái Mỹ

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 29/04/2017 17:04 GMT+7

... Triển vẫn tiếp tục những việc làm nhân ái của mình, như một cách tỏ bày tình cảm của những người Việt yêu quê hương và cũng là mong mỏi nơi lòng nhân ái của người cha Mỹ...

Anh Lê Minh Triển  -Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Lê Minh Triển  -Ảnh: tác giả cung cấp

 

Câu chuyện của Lê Minh Triển dường như là câu chuyện chung của nhiều người Việt khác: chàng trai gốc Huế ra đi từ Trà Vinh trong một giai đoạn lịch sử phức tạp của đất nước, sự chăm chỉ và tinh thần trung chính giúp anh thành công, gặp được tình thương của một người cha Mỹ… 

Hành trình trở về Việt Nam của anh là sự kết nối của những thâm tình nhân ái: anh trở thành cha của 12 đứa trẻ mồ côi trên núi Cấm (An Giang) và hoạt động từ thiện ở nhiều nơi.

Tất cả bắt đầu từ năm 2008, khi Triển đọc được ký sự xúc động “Truyện cổ tích trên đỉnh mồ côi” của nhà văn Võ Đắc Danh.

Võ Đắc Danh viết: “Bà Võ Thị Ba, 70 tuổi, tóc trắng như một bà tiên. Con trai bà, anh Nguyễn Tấn Bông, 42 tuổi, người gân guốc, đen sạm và mạnh khỏe như anh tiều phu, 11 đứa trẻ, 9 trai 2 gái, đứa lớn lên 5, đứa nhỏ nhất 1 tuổi, đứa nào cũng trắng trẻo, khôi ngô như những thiên thần.

Đó là một gia đình sống trên đỉnh Mồ Côi hoang vắng thuộc quần thể núi Cấm, giữa vùng núi Thất Sơn - An Giang. Người ta cho rằng đó là một gia đình lạ, có một không hai trên đất nước này. Nếu không muốn nói là có một không hai trên thế gian...”.

Anh Bông và những đứa trẻ trên núi Cấm  -Võ Đắc Danh chụp năm 2007
Anh Bông và những đứa trẻ trên núi Cấm -Võ Đắc Danh chụp năm 2007

 

Bài ký kể lại câu chuyện hai mẹ con dì Ba và anh Bông lên núi Cấm sống thế nào và 11 câu chuyện đặc biệt đầy xúc động về 11 đứa trẻ, từng hoàn cảnh đã được đưa về nuôi nấng ra sao. Kết bài, Võ Đắc Danh nêu băn khoăn lo lắng của anh rằng khi “bà Tiên” qua đời, liệu con trai bà - một thanh niên chưa vợ - có tiếp tục lo cho những đứa trẻ nữa hay không.

Nhà văn tin rằng nếu đã là chuyện cổ tích thì thường có hậu, có nhiều tấm lòng sẽ đến giúp anh Bông. Quả thực như vậy, câu chuyện được bạn đọc dõi theo, nhiều tấm lòng đã đến sẻ chia, giúp đỡ.

Nhiều cô gái trong và cả ở nước ngoài tình nguyện chia sẻ với anh Bông, có người còn bày tỏ mong muốn cùng anh thành một gia đình trọn vẹn nuôi nấng đàn con. Nhưng anh Bông luôn như gà mẹ xù lông che chở đàn con.

Anh biết ơn, nhưng băn khoăn không dám nhận lời ai cả bởi không dám chắc nếu lấy vợ, có con riêng rồi thì người vợ khi ấy có còn toàn vẹn tình thương yêu với lũ con mồ côi của anh không.

Chính vì thế đến nay dì Ba đã già yếu nhiều, anh Bông vẫn chưa lấy vợ, vẫn ngày ngày chăm sóc, tự tay nấu nướng, giặt giũ cho đàn con nay đã lên đến 12 đứa. Không biết “cô Tiên” nào sẽ đưa cái kết đẹp đến cho câu chuyện cổ tích này.

Cha Mỹ, con Việt và 12 đứa trẻ ở núi Cấm

Và rồi không phải cô Tiên nào xuất hiện, mà là chàng trai Lê Minh Triển.

Triển kể lần đầu tiên anh về nước vào khoảng cuối năm 1989-1990: “Khi máy bay mới hạ độ cao, chuẩn bị đáp xuống phi trường, tất cả người Việt đã tháo hết dây an toàn đứng dậy reo lên nghẹn ngào trong nước mắt: Việt Nam kìa, quê mình kìa!

Đêm đó, tôi về ngay Trà Vinh, không thể nào đợi, đã bao năm xa mẹ và gia đình. Gặp lại mẹ, mẹ tôi không ôm, không nói gì, đứng khóc, rồi nghe mẹ rên: Có phải má nằm chiêm bao không?”.

Đọc bài ký của Võ Đắc Danh, Triển gọi điện cho dì Ba và anh Bông hỏi thăm, mong muốn giúp đỡ. Dì Ba cảm ơn, nhưng vì từng có rất nhiều cuộc điện thoại như thế nên bà cũng quên đi. Nhưng Triển thì không.

Năm 2008, khi về lại Việt Nam lần nữa, anh tìm đường lên núi Cấm mà không báo trước. Anh nhớ lại chuyến đi đầu tiên đó: “Từ Sài Gòn, tôi cùng mẹ vợ và một bà bạn của bà đi xe đò lên, mang theo bài báo photo vì tôi muốn lên tận nơi, nhìn tận mắt xem những gì báo chí viết. Đường lên đỉnh núi hẹp, dốc, mưa ướt, té xe tới hai ba bận, mình mẩy lấm bết bùn đất. Tôi chống cây gậy, từ xa thấy căn nhà nhỏ vách lá, lợp tôn”.

Bữa đó, Triển đưa tiền giúp dì Ba mua gạo. Anh nghĩ ngợi suốt đoạn đường đi bộ xuống núi, xúc động, lo lắng. Một bà cụ 75 tuổi, một anh thanh niên - cũng là con nuôi từ bé của dì Ba - và lũ trẻ sẽ ra sao, tiền đâu ra mà sống?

Dì Ba nói họ chỉ có mấy công đất núi trồng tre, sáng cắt măng xuống núi bán lấy tiền mua tã, mua sữa, mua gạo cho lũ trẻ. Trở lại Mỹ, Triển vẫn nặng lòng lo nghĩ.

Anh nhớ cuộc điện thoại với anh Bông: Bao nhiêu đứa, anh Bông? - 13, mất một đứa do bệnh úng thủy não, còn 12. Tương lai nó học hành sao, anh Bông? - Trước mắt mong đủ chén cơm manh áo, học chưa bao giờ dám nghĩ, khi mẹ già yếu quá chắc sẽ phải đưa chúng vào chùa cho tu hết...

Triển đem lo nghĩ này nói với cha anh - ông Ted Mountain. Nghe câu chuyện xúc động, ông bảo phải có sự đóng góp của nhiều người, phải lập hội từ thiện. Ông bày cho cách làm, liên hệ bạn bè, thủ tục, ông sẽ lo giúp chi phí luật sư.

Xong mọi thủ tục thì phát sinh khó khăn: vài trang báo của người Việt, vài trang web nói xấu ẩn danh nghi ngờ họ, cho là “giúp cộng sản” và “làm gì có người tốt thế”...

Rắc rối đến mỗi kỳ bán vé thu tiền lập quỹ, nhưng rồi sự minh bạch về tài chính và tấm lòng nhân ái của anh được nhiều bà con ủng hộ.

Từ người luật sư làm giúp, những nhà tổ chức đến các ca sĩ tình nguyện biểu diễn những đêm bán vé, tất cả đã giúp anh trụ vững. Và thế là Triển thành người cha nữa của lũ nhỏ trên núi Cấm.

Khi người cha nuôi và rồi cả mẹ ruột anh đều khuất núi, Triển vẫn tiếp tục những việc làm nhân ái của mình, như một cách tỏ bày tình cảm của những người Việt yêu quê hương và cũng là mong mỏi nơi lòng nhân ái của người cha Mỹ.

Anh đi đi về về giữa hai đất nước, làm từ thiện từ Hà Nội, Quảng Trị, Huế tới Đà Lạt, Mỹ Tho, Trà Vinh, tài trợ cho các nhóm từ thiện trong nước. Anh bảo có thể chưa thấm vào đâu, nhưng anh tin một điều như người kiên nhẫn nhặt hạt cát trên sa mạc, có những hạt cát may mắn gặp sự giúp đỡ mà vượt qua lúc khốn khó cơ hàn như chính anh từng được cứu giúp trong đời.

Tác giả (giữa) trong cuộc gặp vợ chồng anh Triển tại Việt Nam tháng 3-2017  -Ảnh: tác giả cung cấp

Tác giả (giữa) trong cuộc gặp vợ chồng anh Triển tại Việt Nam tháng 3-2017  -Ảnh: tác giả cung cấp

 

Di sản của bơ vơ

“Anh đã trở thành con của ông Ted Mountain như thế nào?” - tôi hỏi trong lần trò chuyện với anh vào cuối tháng 3 vừa rồi.

“Ông từng trốn quân dịch và có lẽ ông hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam. Thoạt đầu, tôi gặp là do ông mướn nhóm thợ khiêng đồ cho ông, tôi đi phụ giúp bạn trong nhóm thợ. Làm xong, ông cho mỗi người 200 đôla, riêng tôi không dám nhận vì nghĩ mình chỉ đi giúp bạn, nhưng ông cương quyết. Tôi đành cảm ơn và bảo coi như con mượn ông, con sẽ trả lại.

Mấy tháng sau, tôi đem đến trả, ông không nhận, khen tôi liêm chính quá. Sau nhiều thời gian tiếp xúc, bỗng một ngày ông hỏi tôi có muốn làm con ông không. Tôi cảm động, thưa đó là hân hạnh đời con.

Từ đó, ông chỉ dẫn tôi cách kinh doanh - Triển kể - Vừa làm ăn gom góp, tôi vừa quay lại Việt Nam làm từ thiện. Khi tôi nói với ông câu chuyện mình đỡ đầu 12 đứa trẻ mồ côi trên núi Cấm, ông khóc và nói: “Ba sẽ đứng sau lưng giúp con”.

Ông bảo tôi đăng báo kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ và hứa ai giúp 1 đồng, ông sẽ bỏ thêm 1 đồng, ai bỏ vô giúp 1.000 đồng, ông sẽ bỏ vô 1.000 đồng. Năm 2009, Hội “Giúp trẻ em khuyết tật và mồ côi tại Việt Nam” gây quỹ được 35.000 đôla, ông bỏ vào đúng 35.000 đôla như lời hứa”.

Đó là giai đoạn ấm áp đầu tiên mà Triển có được sau nhiều năm lưu lạc, cùng cực vì chiến tranh. “Ba tôi hồi trẻ sống ở Huế, sau cả gia đình theo ba - một người lính Việt Nam cộng hòa đi quân dịch - về đóng ở Trà Vinh.

Cuộc sống ở đó như bao người khác, mẹ nấu ăn bán cho những người lính muốn ăn thêm ngoài cơm phần, năm chị em chúng tôi đi học - Triển nhớ lại thuở thơ ấu - Một buổi trưa năm 1974, mẹ đang bổ củi ngoài sân thì có người lính vào tìm, báo tin ba tôi mất tích trong trận giao chiến ở Càng Long (Trà Vinh xưa gọi là Vĩnh Bình), khi đó mẹ đang mang thai đứa em thứ 6.

Mẹ dẫn tôi, lúc đó 10 tuổi, đi lấy xác cha về. Vào nơi xảy ra trận đánh, chúng tôi gặp một người chăn trâu. Anh ấy là người của bên Việt cộng, biết chỗ dẫn vào rừng, tới nơi cha nằm. Một sĩ quan đeo súng ngắn của bên Việt cộng lúc ấy đang cầm nhang khấn ba tôi.

Khi đưa tiễn chúng tôi xuống xuồng, anh nói với mẹ tôi: Lúc trước là đối phương, nhưng bây giờ tất cả chúng tôi là anh em”.

Kể từ đấy, cuộc sống của họ rất khổ cực. Triển bỏ học, vào rừng đốt than củi, đốn cây chằm lá, nghề rừng gì cũng biết hết. Rồi phụ chị bán hàng, đi học nghề thợ bạc, việc gì cũng trải qua để kiếm sống.

Năm 15 tuổi, gia đình gửi Triển đi theo đoàn người vượt biên. Chuyến vượt biển mạo hiểm do bị lừa, lênh đênh đưa Triển đến một trại tị nạn ở Malaysia.

Một đứa trẻ bơ vơ trong một trại tị nạn phải tìm mọi cách để sinh tồn. Triển lang thang trong trại, phụ giúp không công cho một cặp vợ chồng mở lò bánh mì trong đó. Sự chăm chỉ khéo léo đã giúp em. Đêm trước khi vợ chồng chủ lò bánh đi định cư ở nước thứ ba, họ gọi Triển tới, giao không lò bánh mì, lúc đó đã có người trả giá 4 cây vàng, cho em.

Triển trở thành chủ lò bánh mì - một chốn cứu đói cho bao người Việt ở trại, nhất là lúc khốn khó. Chẳng bao lâu sau, “ông chủ nhỏ” cần mẫn đã phát triển thành ba lò bánh. Khi được rời trại sang Philippines học tiếng Anh để sau đó nhập cư Mỹ, Triển tặng lò bánh mì cho người tiếp tục ở lại.

Triển kể với tôi về những ngày đầu định cư ở Mỹ năm 1982: “Tôi về San Diego, tá túc gia đình ông Năm Cẩm, người cùng quê Trà Vinh. Ngày ngày, 5 giờ sáng tôi cùng ông Cẩm đi lượm lon”.

Một kỷ niệm đau điếng hiện ra: “Một lần, đang nhặt lon bên ngoài một ngôi nhà, tôi nghe tiếng quát chửi... bằng tiếng Việt: “Đ.M mày, cút khỏi cổng nhà tao!”. Câu chửi ấy do một người Mỹ thốt ra. Tôi đau khổ nghĩ về mẹ và các em ở quê nhà xa vời vợi, không biết có ngày gặp lại, nghĩ về thân phận kẻ bơ vơ là mình, vì sao mình lưu lạc tới đây.

Tôi nguyện: Triển à, mày sẽ không thể thế này mãi!”.

Triển vừa đi học trung học vừa làm thêm đủ việc, từ rửa chén tới lau nhà, rồi học nghề sửa máy xe hơi. 25 tuổi, anh lập gia đình, rồi gặp cha nuôi Ted Mountain và được ông hướng dẫn kinh doanh.

“Tôi làm qua đủ cả: mở tiệm bán đồ lưu niệm, bán sinh vật cảnh, bán xe hơi... Nhưng rồi ba bảo hãy kinh doanh nghề cắt cỏ, vì làm nghề đó con làm chủ thời gian của mình. Bây giờ công ty cắt cỏ của tôi ở San Diego hầu như ai cũng biết. Ba lấy nhà ông cho tôi làm văn phòng giao dịch”.

Cứ như vậy, trung thực, chịu khó và uy tín trong làm ăn, Lê Minh Triển có tiền về Việt Nam gặp lại mẹ cùng gia đình và giúp mọi người làm từ thiện. Anh tổng kết về những gì xảy ra trong đời mình: “Nhân quả là có thật”.

Bà Ba cùng một trong những người con của anh Bông và anh Triển   -Võ Đắc Danh

Bà Ba cùng một trong những người con của anh Bông và anh Triển   -Võ Đắc Danh

 

Viết tiếp những điều may mắn

Tháng 4 này, trước khi rời Việt Nam về Mỹ, Triển đưa vợ con và mấy người bà con trở lại núi Cấm, cho các con anh thấy tận mắt cảnh mà trước đây chỉ thấy trong các đoạn clip anh đem về, lần nào xem chúng cũng khóc.

Anh xuất hiện bất ngờ, lũ trẻ tan học đang đạp xe về, thấy anh đều reo mừng, khoanh tay kêu “Ba Triển”. Họ đã xây được một căn nhà dưới chân núi cho bọn trẻ tiện đường đi học. Bọn trẻ đều có tên lót là Sơn: Sơn Ngọc, Sơn Giàu, Sơn Tịnh, Sơn Thanh, Tự, Minh...

Anh đem theo hình ảnh từng đứa trong lòng: đứa 6 tuổi chân có tật, câm điếc... phải có ba Bông phiên dịch; đứa con trai nhỏ nhất 4 tuổi đến bữa được hai anh chị xúc cơm cho, mai lại đến phiên anh chị khác...

Mang cả hình ảnh dì Ba nay đã yếu lắm mà vẫn kỹ tính khi chăm trẻ, mang cả hình ảnh chàng trai tên Bông đen nhẻm xoay trần vui vẻ, nấu cơm, giặt quần áo, phất tay ra hiệu “đi tắm đi con”... Vợ của Triển - cô Lâm Thị Vinh Tuyền - khi được hỏi cảm nghĩ về người chồng đã ứa nước mắt: “Em thích sự chân thật, thương người của ảnh” và “Nghĩ mãi chưa ra điều gì không thích ở anh ấy...”.

Sau nhiều lần trò chuyện cùng Triển, tôi cứ tưởng đâu những câu chuyện “lạc trôi” lúc 15 tuổi như thế sẽ mãi đi vào dĩ vãng.

Nhưng Triển kể cho tôi nghe ngậm ngùi: mấy ngày trước khi ra sân bay về Mỹ, một người bạn vẫn đọc cho anh nghe mẩu tin của Hãng Reuters dẫn nguồn từ Tổ chức Di dân quốc tế (IOM): “Người sống sót duy nhất trong vụ đắm thuyền là một thiếu niên 16 tuổi người Gambia. Một thuyền của tổ chức cứu trợ nhân đạo tìm thấy cậu lênh đênh giữa biển với một bình xăng rỗng ngày 28-3-2017.

Được đưa tới đảo của Ý, cậu kể trên chiếc thuyền cao su đó có 147 người châu Phi vùng Hạ Sahara, trong đó có 5 trẻ em và phụ nữ mang thai... tất cả đã chết”. Chiến tranh vẫn biến hàng triệu người thành người tị nạn...

Triển may mắn. Và tình yêu quê hương, điều dẫn anh trở về, vẫn đang viết tiếp những may mắn khác trên cuộc đời của những đứa trẻ lưu lạc khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận