Thú vui chinh phục sóng nước

NGỌC HIỂN 21/06/2017 20:06 GMT+7

TTCT - Nửa đêm, mưa trút nước xối xả xuống mái tôn, sấm chớp rầm rầm bừng sáng cả bầu trời thành phố biển Vũng Tàu. Dưới cơn mưa, chừng 20 người đàn ông nước da đen giòn rôm rả bàn thảo về mưa, gió và sóng biển.

Những cánh buồm ở Marina Bay tại Vũng Tàu -NGỌC HIỂN
Những cánh buồm ở Marina Bay tại Vũng Tàu - NGỌC HIỂN

Đó là các “tay chơi” thuyền buồm đến từ Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu trước giờ giong buồm ra khơi, cũng là đội hình rước dâu của một đám cưới hiếm hoi từ trước đến nay mà cả cô dâu và chú rể cùng nhau vượt biển bằng thuyền buồm.

Bốn chiếc thuyền vượt hải trình 17 hải lý đưa đôi uyên ương đến nơi tổ chức hôn lễ trên bãi cát trắng với ý niệm họ sẽ cùng nhau vượt qua dông tố của cuộc đời... “Tối nay đúng như dự báo, trời dông, gió chính hướng tây nam, tốc độ 10 knot (hải lý/giờ), giật 13 knot. Vậy là ok”.

“Sáng mai thế nào?”. “Gió nam, 7h sáng sóng biển cao 0,5m, đến 10h còn 0,4m, đêm nay dông lớn thế sợ sáng mai gió yếu”. “Đội hình xuất phát thế nào, bộ đàm kênh bao nhiêu?”.

“Chiếc 33 đi trước, Tiki đi thứ 2, Nobita thứ 3, Movado đi cuối cùng. Trường hợp có dông lớn, tuyệt đối đi theo Tiki, bộ đàm chuyển sang kênh 16 liên lạc giữa bốn chiếc”, cả nhóm lên kế hoạch.

Con thuyền Tiki 30 vượt mũi Nghinh Phong (TP Vũng Tàu) - Ảnh: Đỗ Tuấn Hùng

Chồng lèo vợ lái

7h sáng, cả đoàn đã có mặt tại bãi biển Bãi Sau (TP Vũng Tàu) với lỉnh kỉnh đồ đạc, thức ăn... gói ghém kỹ càng trong những chiếc túi chống nước chắc nịch. Cô dâu Triệu Thị Thu Hường (26 tuổi) và chú rể Lê Phạm Minh Quân (30 tuổi) mặc sẵn áo phao sẵn sàng cho hải trình sóng gió mà đích đến là lễ cưới của họ.

Cách bờ chừng 200m, bốn chiếc thuyền gỗ với những cột buồm cao vút tròng trành trên sóng biển. Đúng như dự đoán đêm trước, sáng nay gió nhẹ, trời âm u nhưng cả đoàn vẫn quyết định lên thuyền và giong buồm khi lộ rõ đường chân trời.

Ngồi trên chiếc Tiki 30 đang lắc lư theo từng cơn sóng, ông Lưu Văn Vi (64 tuổi), thuyền trưởng đồng thời là chủ nhân của chiếc thuyền mới toanh này, mở iPad cho chúng tôi xem phần mềm hải đồ hiển thị độ nông sâu của vùng biển, các bãi đá ngầm, tọa độ của các ngọn hải đăng...

Trên bản đồ, mũi tên chỉ thẳng hướng 77 độ, đó là hải trình của con thuyền sẽ đi từ Bãi Sau vượt qua mũi Kỳ Vân rồi tiếp tục đến Hồ Tràm.

Trên tay ông Vi còn có hai chiếc định vị tọa độ toàn cầu, phần mềm theo dõi chiều sóng, sức gió, nhiệt độ, triều cường, xác suất mưa... trong chiếc smartphone. “Chơi thuyền phải có những thiết bị này và phải nắm hết các yếu tố của thời tiết mới đảm bảo an toàn cho cả hải trình” - ông Vi nói.

Đúng 8h, từ bộ đàm, câu lệnh “nhổ neo, xuất phát” vang lên giòn giã. Lần lượt cả bốn chiếc thuyền căng buồm trắng tinh, trực chỉ mũi Kỳ Vân.

Các “thủy thủ” tham gia chuyến hải trình này quy tụ nhiều giới, nhiều độ tuổi. Người là doanh nhân, kỹ sư, người là nhân viên văn phòng nhưng chung đam mê thuyền buồm.

Vợ chồng Minh Quân và Thu Hường lèo lái con thuyền buồm trên biển-NGỌC HIỂN
Vợ chồng Minh Quân và Thu Hường lèo lái con thuyền buồm trên biển-NGỌC HIỂN

 

Cả chú rể Minh Quân, dù là nhân viên cơ giới trên không, thường xuyên chinh phục bầu trời nhưng đã tìm đến thú chơi thuyền buồm vài năm trước.

“Lái máy bay và thuyền buồm có nhiều nét tương đồng, đều liên quan đến thủy động học, khí động học và đều phải có sự quyết đoán” - anh Quân nói.

Những khi bước xuống cánh cửa trực thăng, Quân lại giong buồm cùng những người bạn lênh đênh trên các vùng biển ở Vũng Tàu, Nha Trang... Từ đó, Quân nảy ra ý tưởng sẽ tổ chức đám cưới trên bãi biển với màn rước dâu bằng thuyền buồm độc đáo để hội ngộ giới chơi thuyền buồm.

Trên chiếc Tiki 30, có lúc Quân điều khiển dây lèo cánh buồm, còn Hường cầm lái thuyền. Cả hai phối hợp lèo lái con thuyền chao đảo trước những ngọn sóng xô mạnh vào mạn thuyền.

“Người ta thường nói chồng lèo vợ lái ngụ ý cùng nhau vượt qua trắc trở của cuộc sống. Nhưng muốn hiểu lèo lái khó đến thế nào thì phải lên thuyền buồm, phải đồng lòng, đồng sức mới vượt qua sóng dữ nếu không muốn con thuyền tan rã” - anh Quân chia sẻ.

Chiếc thuyền ba thân 33 lênh đênh trên biển - Ảnh: Ngọc Hiển)

Lênh đênh thuyền buồm

Khi đoàn thuyền đã ra khơi được chừng vài hải lý, những chiếc thuyền dần đi xa nhau, nhấp nhô trước những con sóng rồi mất hút. “Tủm”, một chú cá phóng lên khỏi mặt biển rồi lặn biệt tăm trước con sóng. “Bụp, bụp, bụp”, một đàn cá đuổi nhau nối đuôi hình vòng cung tạo nên những tiếng rơi nghe lạ tai.

Tiếng gió thổi phần phật vào cánh buồm, tiếng sóng vỗ dưới mạn thuyền giữa không gian bao la khiến người đi thuyền khoan khoái như đang thưởng thức bản hòa tấu của đại dương.

Không ít lần theo chân những chiếc tàu cá của ngư dân ra khơi, chúng tôi cảm nhận sự khác biệt của thuyền buồm là không có tiếng gầm rú của động cơ, chẳng có mùi dầu nồng nặc. Mọi giác quan của con người dường như chỉ lắng nghe “tiếng nói” của thiên nhiên.

Năm 1977, ngay trong tuần trăng mật trên đất Mỹ, ông Vi cùng vợ thuê thuyền buồm ra khơi suốt một ngày. Trở về VN năm 2006, quá đam mê nhưng không thể mua được thuyền buồm, ông quyết định sẽ tự tay đóng dù không có chuyên môn.

Ông mua bản thiết kế từ Canada, nhập vật liệu từ những hãng đẳng cấp quốc tế rồi ròng rã ba năm trời đóng thuyền ba thân mang tên 33. Không ít lần, hai vợ chồng dạo chơi trên sông Sài Gòn để ngắm TP buổi hoàng hôn bằng chiếc thuyền đó.

Sau này, ông đã tặng lại thuyền cho Hội thuyền buồm Vũng Tàu và đóng mới chiếc Tiki 30. “Đóng thuyền buồm ở VN rất khó, từ bản vẽ, thiết bị và dây dợ đều phải nhập ngoại, như vải buồm phải mua của Hãng Jeckells có truyền thống 200 năm, hay cái neo thuyền cũng phải mua từ hãng chuyên về neo thuyền Rocna nổi danh trên thế giới” - ông Vi nói.

Hình ảnh ông Vi lom khom trên chiếc thuyền buồm giữa mênh mông đại dương khiến bất kỳ ai chứng khiến sẽ liên tưởng ngay đến tiểu thuyết từng đoạt giải Nobel Ông già và biển cả của nhà văn Hemingway.

Trên chiếc thuyền này, ông Vi là một Santiago không ngại đương đầu với sóng gió, vừa là một “già làng” của giới chơi thuyền buồm phía Nam bởi độ chịu chơi, tâm huyết và am hiểu hàng hải...

Những chiếc thuyền chuẩn bị ra khơi -NGỌC HIỂN
Những chiếc thuyền chuẩn bị ra khơi -NGỌC HIỂN

Người chơi thuyền buồm là những người phải sống, đương đầu và hòa hợp với thiên nhiên. Thiên nhiên đã thấm vào trong con người họ bởi từng phút, từng giây họ sống với mây, với gió, với trời, nó khác hẳn với những chiếc thuyền sắt có gắn động cơ. Khi đi thuyền buồm, họ sẽ rèn được bản lĩnh con người để đương đầu trước mọi thử thách

Kỹ sư Đỗ Thái Bình

(phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy VN)

Các thành viên hội Thuyền buồm Vũng Tàu đẩy thuyền ra khơi chuẩn bị giong buồm trước gió - Ảnh: Ngọc Hiển)

Đối mặt hiểm nguy

Chiếc thuyền buồm cuối cùng vừa cắm neo, bầu trời mây đen vần vũ kéo đến báo hiệu cơn dông. Vừa đặt chân lên bờ, anh Nguyễn Hoan (31 tuổi), một tay chơi thuyền buồm có tiếng ở Nha Trang, khẳng định đối diện với những cơn dông trên biển là một thử thách của giới chơi thuyền buồm.

Vài năm trước, thuyền của anh Hoan từng bị dông xé toạc cánh buồm khi đã ra khơi được 6 hải lý. Khi đó, cả bốn hướng mây đen xám xịt, hai cơn dông ập lại tạo nên gió xoáy khiến con thuyền chao đảo liên hồi.

Anh Hoan liền thả neo “chịu trận”, buồm rách toạc. “Quan trọng lúc đó là phải tránh không để gió quật làm dây buồm quấn vào người các thủy thủ, đảm bảo tính mạng của mình, chờ khi dông tan rồi khắc phục” - anh nói.

Với tay chơi Nguyễn Quý Dương (24 tuổi), chuyến vượt mũi Nghinh Phong (TP Vũng Tàu) tháng 12 năm ngoái là chuyến đi nhớ đời bởi cả đoàn đã đối diện những giây phút hiểm nguy đến mạng sống. Hôm đó biển động, sóng cao 2-3m nhưng sáu “thủy thủ” vẫn quyết định vượt mũi Nghinh Phong.

Khi đến Hòn Bà, dòng nước bên dưới quá mạnh đã bẻ gãy hai thanh chóng dạt, con thuyền buồm bị gió và sóng đẩy mạnh, đâm vào bãi đá ngầm. Trước khi con thuyền gỗ vỡ vụn, cả sáu thuyền viên đã quyết định nhảy xuống biển để không bị chiếc thuyền đâm trúng người.

“Bước lên bờ, ai cũng thở phào vì đã bước qua lằn ranh sinh tử” - anh Dương kể lại. Tuy nhiên, Dương vẫn gắn bó với thuyền buồm bởi thú chơi này đem lại cho bản thân những hiểu biết về thiên nhiên, về nắng gió và sự thay đổi của thời tiết theo chu kỳ, theo mùa.

Còn với anh Quân, từ khi chơi thuyền buồm chàng trai này mới ngộ ra thiên nhiên là sự ngay thẳng. Không ai có thể giảm bớt gió hay đẩy lùi một cơn mưa nên cách duy nhất là phải đương đầu. “Cuộc sống này cũng giống như cuộc chơi thuyền buồm và tôi muốn mọi người đều ngay thẳng giống như thiên nhiên vậy” - anh Quân nói.■

Sau một thời gian ấp ủ, kỹ sư Lê Phạm Minh Quân đã đóng xong 10 chiếc thuyền buồm loại nhỏ. Tháng 7 này, Quân sẽ đào tạo miễn phí cho khoảng 20 học sinh cách chơi thuyền buồm. Quân mong muốn sẽ tạo điều kiện cho người Việt chơi thuyền buồm sớm hơn và tạo nên cộng đồng chơi thuyền nhiều hơn bây giờ.

Theo Quân, ngạn ngữ có câu nói đại ý: Chúng ta không thừa kế trái đất từ tổ tiên mà đang vay mượn từ thế hệ kế tiếp nên mỗi người phải giữ thiên nhiên cho các thế hệ sau này. Mà muốn bảo vệ biển, bảo vệ thiên nhiên, trước tiên phải hiểu và yêu nó. “Khi các em chơi thuyền buồm thì các em sẽ hiểu biển, yêu biển và sẽ trăn trở với những sự biến đổi của biển để bảo vệ theo cách riêng của mỗi người” - anh Quân nói.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận