Đằng sau sự cô lập Qatar

HẢI MINH 23/06/2017 01:06 GMT+7

TTCT - Theo các tuyên bố chính thức, lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng vùng Vịnh gần nhất với việc một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar là vì họ “bỗng nhiên” choáng váng trước việc nước này tài trợ cho khủng bố, nhưng e rằng đằng sau đó còn rất nhiều quan hệ dích dắc và lợi ích chồng chéo cực kỳ phức tạp.

Lý do khiến Qatar bị cô lập không chỉ liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố -sputniknews.com
Lý do khiến Qatar bị cô lập không chỉ liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố -sputniknews.com

 

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump sang Saudi Arabia không đầy hai tuần, vào đầu tháng 6, Qatar bị các nước vùng Vịnh nhất loạt cáo buộc “hỗ trợ khủng bố”, bao gồm việc cung cấp trực tiếp 1 tỉ USD cho Iran và các nhóm tàn dư của Al Qaeda.

Ở Riyadh, ông Trump đã hối thúc đồng minh của mình mạnh tay hơn với các hoạt động tài trợ khủng bố, và có vẻ như Saudi Arabia đã lắng nghe đề nghị đó để rồi hành xử mạnh tay với Qatar, một quốc gia nhỏ hơn họ rất nhiều trong khu vực.

Rối rắm như đường ống dẫn dầu

Tuy nhiên, như thường lệ trong các mối quan hệ quốc tế vốn cực kỳ rối rắm ở vùng Vịnh, câu chuyện đằng sau đó không đơn giản như thế.

Lý do thực sự cho cuộc “nghỉ chơi tập thể” này có thể là bởi sự áp đảo về nguồn khí đốt tự nhiên của Qatar trong khu vực.

Trước đó nữa, ngay từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ năm 2011, đằng sau những bức bình phong đủ kiểu về việc lật đổ nhà độc tài Bashar Al Assad, về xây dựng nền dân chủ, nhân quyền, dân trị... một bên, và quyền tự quyết, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ... ở bên kia; rất có thể lý do cốt lõi chỉ là sự cạnh tranh kiểm soát đường ống khí đốt qua Syria.

Qatar rất háo hức kết nối trữ lượng khí đốt khổng lồ của họ với châu Âu, vốn có mọi lý do để tìm kiếm những nguồn cung cấp khác ngoài Nga sau hàng loạt cuộc khủng hoảng với nước này. Điều đó sẽ đặt thế độc quyền của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom vào tình thế chông chênh.

Vì thế, Nga đã ủng hộ dứt khoát, mạnh mẽ, không chỉ về tinh thần, mà cả bằng các giải pháp quân sự, với chính quyền Assad.

Giờ đây, Qatar có nguy cơ trở thành nạn nhân (và có thể là cả thủ phạm) tiếp theo của cuộc chiến tàn bạo đó.

Hãng tin chuyên về kinh doanh Mỹ Bloomberg đã thẳng thừng khẳng định “thuyết âm mưu” trong một bài bình luận ngày 6-6 với tựa đề: “Tranh cãi Saudi với Qatar có lịch sử 22 năm gốc rễ là khí đốt”.

Bài bình luận nói sự cô lập Qatar “và những tranh cãi kéo dài trong quá khứ và nhiều khả năng còn dai dẳng trong tương lai có thể giải thích tốt nhất qua nguồn lợi từ khí đốt”.

Năm 1995 là lần đầu tiên quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này bắt đầu bán khí đốt hóa lỏng (LNG) từ khu vực khai thác lớn nhất thế giới do họ kiểm soát. Vấn đề là khu vực khai thác này, Qatar chia sẻ với Iran, kình địch vùng Vịnh của Saudi Arabia.

Nguồn khí đốt đó đã biến Qatar thành quốc gia giàu nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người 130.000 USD/năm, đồng thời là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Việc tập trung vào khí đốt cũng khiến Qatar khác biệt với các nước láng giềng vốn tập trung cho dầu mỏ trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, và khiến nước này thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Trong hai thập niên qua, Qatar đã trở thành siêu cường về khí đốt trong vùng, và chỉ còn Gazprom của Nga là có thể cạnh tranh với nước này trong lĩnh vực xuất khẩu LNG. Vấn đề trở nên rối rắm khi Qatar bắt đầu thay đổi mối liên minh ý thức hệ của họ.

Financial Times cho biết tới năm 2013, nước này vẫn còn là một người ủng hộ, và cả bỏ tiền, nhiệt tình cho phe nổi dậy đòi lật đổ Assad ở Syria. Financial Times ước tính chính quyền Qatar - cai quản quốc gia có diện tích chỉ hơn 11.000km2 và dân số 2,6 triệu người - đã bỏ ra tới 3 tỉ USD trong 2 năm qua cho các lực lượng nổi dậy ở Syria.

Tuy nhiên, cuộc chiến càng trôi đi, Qatar càng ý thức rằng Nga sẽ không bao giờ cho phép đường ống khí đốt của họ đi qua Syria, và kết quả là họ bắt đầu “xoay trục” về phía Nga.

Lẳng lặng và không được báo chí nhắc mấy, năm 2016, quỹ đầu tư nhà nước của Qatar đã đầu tư 2,7 tỉ USD vào công ty nhà nước Nga Rosneft Oil.

Là một nước quá nhỏ, Qatar đã chơi trò đi dây cực kỳ nguy hiểm, khi họ đồng thời là nước có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở vùng Vịnh, Bộ chỉ huy trung tâm vùng Vịnh Hoa Kỳ. Động thái “xoay trục” của Qatar, vì thế, tỏ ra cực kỳ đe dọa với Mỹ và các nước phương Tây trên chiến trường Syria còn rất căng thẳng.

Qatar từng là một kiểu nước chư hầu của Saudi, nhưng nước này đang sử dụng sự tự trị phần nào nhờ khối của cải khổng lồ mà nguồn khí đốt mang lại để tìm kiếm tự do” - Jim Krane, chuyên gia về năng lượng ở Viện Baker (Đại học Rice, Mỹ), nói với Bloomberg.

Vì sản xuất khí đốt, Qatar cũng không chịu áp lực gì từ những mối quan hệ rất rối rắm và chồng chéo, cũng như áp lực chính trị ở Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), một “câu lạc bộ” mà Saudi Arabia hoàn toàn áp đảo. “Cả khu vực này lâu nay đã tìm cách để đưa Qatar vào khuôn khổ” - Krane nói.

Cơ hội đó tới với chuyến thăm Trung Đông gần đây của ông Trump, theo Bloomberg, khi ông kêu gọi “tất cả các quốc gia có lương tâm” phải cô lập Iran. Khi Qatar tỏ ra không mặn mà với chính sách này, họ đã bị trừng phạt không thương tiếc.

Như thường lệ, ông Trump đã lại thông qua Twitter để đưa ra những tuyên bố gây sốc của mình. “Thật hay được thấy chuyến thăm Saudi Arabia và cuộc gặp nhà vua cùng 50 nước đã được đền đáp. Họ nói họ sẽ cứng rắn với việc chi tiền cho khủng bố, và mọi điểm đều chỉ về Qatar. Có lẽ đây sẽ là khởi đầu cho nỗi kinh hoàng với chủ nghĩa khủng bố!” - ông Trump viết trong hai tin nhắn liên tiếp trên tài khoản của mình ngày 6-6, có vẻ chẳng đoái hoài gì tới việc Qatar vẫn là nơi đồn trú của cả chục ngàn lính Mỹ ở đây.

Sự trơ trẽn của các chính trị gia ở đây có thể nói là lên đến cùng cực, khi những chữ ký bán số vũ khí trị giá hơn 100 tỉ USD của Mỹ cho Saudi Arabia nhân chuyến thăm của ông vẫn còn chưa ráo mực. Mà Osama bin Laden, ông trùm đã khuất của Al Qaeda, xuất thân từ đâu, thì là điều ai cũng biết.

Tiền lên tiếng

Việc Qatar làm nguồn khí đốt cực lớn khiến nước này có khả năng tạo ra tác động chính trị lớn hơn so với quy mô quốc gia của họ ở vùng Vịnh. Bloomberg giải thích rằng nhu cầu sản xuất điện gia tăng ở các nước trong khu vực khiến khí đốt trở nên cực kỳ quan trọng.

Ngoài trữ lượng lớn, khả năng khai thác khí đốt với chi phí vào loại thấp nhất thế giới càng giúp Qatar thêm đáng gờm. Sự giàu có về tài chính, như luôn luôn, dẫn tới đòi hỏi về ảnh hưởng chính trị.

Trên thực tế, tiền bạc giúp Qatar phát triển những chính sách đối ngoại làm phật lòng các nước láng giềng của họ. Nước này ủng hộ nhóm chính trị Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở Dải Gaza và các lực lượng vũ trang bị UAE hay Saudi Arabia phản đối ở Libya và Syria.

Khí đốt cũng đã giúp Qatar tài trợ cho mạng truyền hình toàn cầu Al Jazeera, vốn đã rất nhiều lần làm bẽ mặt và gây giận dữ với các nước Trung Đông. Quan trọng nhất, “khí đốt đã giúp Qatar xây dựng một chính sách đối ngoại thân thiện với Iran Shi’ite để đảm bảo được yên ổn khai thác đống vàng của họ” - Steven Wright, tiến sĩ ở Đại học Qatar, nói với Bloomberg.

Có thể đặt câu hỏi tại sao Qatar vẫn rất ngặt nghèo đòi đúng giá thị trường với các nước láng giềng - Wright giải thích qua điện thoại từ Doha - Có thể các nước đó kỳ vọng sẽ mua được khí đốt của Qatar với giá rẻ”.

Năm 2005, khi Qatar tuyên bố một ghi nhớ phát triển thêm vùng khí đốt phương Bắc với Iran, tình hình càng trở nên khó xoay chuyển.

Giới phân tích hiện đều không dám chắc Saudi chờ đợi gì ở Qatar - Gerd Nonneman, giáo sư về quan hệ quốc tế ở phân viện Doha của Đại học Georgetown, nói - Họ có vẻ muốn Qatar nhượng bộ hoàn toàn, nhưng họ sẽ không thể ép nước này gọi Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố, vì không phải là như thế, và cũng không thể bắt nước này cắt quan hệ với Iran, vì đó sẽ là một tổn thất mà Qatar không thể chấp nhận về phương diện đối ngoại và kinh tế”.

Dù cho Qatar có làm gì, số phận tiếp theo của họ có lẽ phụ thuộc vào những bước đi sắp tới ở Riyadh và Tehran, cùng Washington và Matxcơva, hơn là ở Doha. Bản thân Saudi Arabia cũng phải dè chừng.

Cùng với UAE và Ai Cập, họ phụ thuộc nhiều vào LNG từ Qatar, và nếu đẩy hẳn Doha về phía Tehran, chính Saudi Arabia có thể phải trả giá đắt, hoặc bị lôi vào một cuộc xung đột khó biết trước hậu quả.■

Iran: Saudi Arabia đứng đằng sau vụ khủng bố Tehran

Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã cáo buộc Saudi Arabia đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ở Tehran hôm 7-6 khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương, chỉ một ngày sau khi quyết định cô lập Qatar được công bố. Các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết đã đồng loạt tấn công tòa nhà quốc hội ở Tehran. Một tuyên bố của Lực lượng Vệ binh cách mạng liên hệ vụ tấn công với chuyến thăm của ông Trump đến Riyadh vào tháng trước. Saudi Arabia tất nhiên bác bỏ những cáo buộc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận