Amip ăn não người: Bệnh hiếm gặp

TTCT - Những ngày qua dư luận xôn xao về chứng bệnh mới do “amip ăn não người” gây ra. Những thông tin chủ yếu cho thấy bệnh do Naegleria Fowleri, một loại amip tồn tại khá phổ biến ở vùng nước ngọt, ấm và bẩn, gây ra. Bệnh do Naegleria Fowleri gây ra có tỉ lệ tử vong cao nhưng tần suất vô cùng thấp.

Amip không ký sinh

* Naegleria Fowleri không tồn tại trong nước biển và các hồ bơi đã được xử lý đúng cách (được diệt khuẩn với chlorine).

* Nếu thường xuyên tắm hồ, ao, sông, nên hạn chế lặn, chú ý không bị sặc nước vào mũi, tránh khuấy lên lớp bùn lắng dưới đáy.

Thật ra, amip không phải là một sinh vật kinh khủng và trong hệ thống tiêu hóa của chúng ta lúc nào cũng có một vài con amip chung sống một cách hiền lành (chủng Entamoeba Coli). Chủng amip gây bệnh đường ruột là một chi khác (Entamoeba Histolytica), chủ yếu gây bệnh ở đại tràng và thể hiện ra bằng hội chứng lỵ.

Naegleria cũng như Entamoeba đều là những phân nhóm amip nhưng khác biệt ở cách thức sinh sống và gây bệnh. Entamoeba là một ký sinh trùng, đòi hỏi có những giai đoạn ký sinh và phát triển trong cơ thể người để có thể gây bệnh. Ngược lại, Naegleria không thật sự là một ký sinh trùng mà là một nguyên sinh động vật sinh sống tự do ngoài môi trường, không cần đến vật chủ con người. Các bệnh nhân bị nhiễm Naegleria chẳng qua chỉ là một biến cố xui xẻo, xảy ra một cách ngẫu nhiên tuy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sợ vì cái tên?

Khái niệm “ăn não người” không phải là hiện tượng kinh dị hay hiếm gặp. Thực chất đây là một quá trình hoạt động ở mức độ tế bào, có thể gặp ở mọi cơ thể sống nhằm mục đích dinh dưỡng hay bảo vệ.

Naegleria vốn là một vi sinh vật sống tự do trong môi trường. Trong điều kiện tự nhiên, nó sinh sống bằng cách ăn (thực bào) các vi khuẩn xung quanh nhờ vào các chân giả. Trong trường hợp tình cờ “đi lạc” vào cơ thể người, nó bắt buộc phải tồn tại bằng cách thực bào các tế bào trong mô não. Khả năng thực bào này không phải là đặc tính chuyên biệt của Naegleria mà của hầu hết động vật nguyên sinh.

Như con amip quen thuộc Entamoeba Histolytica, hoạt động thực bào chủ yếu của nó là nhằm vào các hồng cầu. Hệ thống miễn dịch tế bào của con người gồm nhiều loại tế bào khác nhau (bạch cầu đa nhân, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào...) cũng có chức năng “ăn” các vật lạ, các mảnh mô chết, vụn tế bào và kể cả các con vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài nhằm đảm bảo cơ thể chúng ta là một môi trường “sạch đẹp”.

Đối với bệnh lý não do Naegleria, tên đúng của nó là viêm não màng não nguyên phát do amip. Trước hết, bệnh không phải là bệnh hiếm. Viêm não màng não là một bệnh rất thường gặp và trong đa số trường hợp, biểu hiện đều giống nhau với sốt, đau đầu, cứng cổ, kèm một số triệu chứng thần kinh định vị. Cách chẩn đoán bệnh cũng bằng cách phân tích dịch não tủy gồm cả soi và cấy, hoặc các xét nghiệm chuyên biệt về sinh học phân tử.

Thứ hai, bệnh xảy ra ngay từ đầu - không giống với tổn thương não thứ phát sau khi amip (Entamoeba) gây bệnh ở ruột (gây lỵ) và gan (abces gan). Thứ ba, nguyên nhân của bệnh thuộc nhóm amip, không phải do vi trùng, lao hay nấm.

Phân tích này phần nào giải thích được việc chẩn đoán chậm trễ vì trong đa số trường hợp viêm não màng não cấp, các bác sĩ luôn có xu hướng nghĩ đến những nguyên nhân thường gặp như do vi khuẩn hay siêu vi, trước khi nghĩ đến các loại ký sinh trùng.

Rủi ro hơn là nguy cơ

Thật ra đây là một bệnh hiếm gặp và việc mắc bệnh này có thể coi như một rủi ro trong cuộc sống hơn là một nguy cơ mà chúng ta phải luôn chú ý đề phòng. Thật vậy, khi một người nhảy xuống ao để tắm, anh ta lo ngại về nguy cơ bị vọp bẻ chết đuối hơn hay nguy cơ bị nhiễm amip ăn não người?

Tại Mỹ, số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) từ năm 2005-2009 cho thấy mỗi năm có 3.880 người bị chết đuối và khoảng 5.789 người được cứu sống trong các bệnh viện sau khi được vớt. Ngược lại, từ năm 1962-2011 (gần 50 năm), chỉ có 123 ca bị nhiễm Naegleria Fowleri được ghi nhận, đáng tiếc là chỉ có một ca sống sót mà thôi.

Hằng ngày chúng ta tiếp xúc với vô số yếu tố rủi ro và thực hiện hàng ngàn hành động nguy cơ. Hãy xem hiện tượng nhiễm Naegleria chỉ là một trong những rủi ro đó. Nói đến viêm não màng não do ký sinh trùng, gần đây cũng đã có báo cáo về nhiều trường hợp viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus Cantonensis sau khi ăn ốc sên tại TP.HCM. Trước đây cũng có rất nhiều báo cáo báo động về tình trạng tổn thương não do ký sinh trùng Toxocara Canis mà nguyên nhân gián tiếp là lây từ việc ôm ấp các vật cưng, chó mèo trong nhà.

Trong điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, sự tồn tại và lây lan của tác nhân gây bệnh, không chỉ là amip ăn não người, amip gây lỵ hay vô số loại vi trùng, ký sinh trùng khác, là một điều khó tránh được. Vì thế, cẩn thận và tuân thủ những nguyên tắc vệ sinh cơ bản trong sử dụng vật dụng hằng ngày và vệ sinh cá nhân sẽ giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh mà không phải lúc nào cũng lo lắng về những nguy cơ rình rập xung quanh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận