​Cách chăm sóc người sa sút trí tuệ

BS NGUYỄN THÀNH TÂM 02/09/2014 06:09 GMT+7

TTCT - Sa sút trí tuệ là rối loạn của não làm mất khả năng nhận thức, trí nhớ và trí tuệ. Nhận thức bị rối loạn nhưng ý thức không ảnh hưởng, chẳng hạn người bệnh không hề mê sảng.

Chăm sóc người bệnh, nhất là người lớn tuổi, cần kiên nhẫn và đầy tình yêu thương - Ảnh: Quang Định
Chăm sóc người bệnh, nhất là người lớn tuổi, cần kiên nhẫn và đầy tình yêu thương - Ảnh: Quang Định

Sa sút trí tuệ (SSTT) là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh lý hệ thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh (gây hẹp) mạch máu, chấn thương đầu, đột quỵ, nghiện rượu, u não, nhiễm trùng hệ thần kinh... Tần suất bệnh tăng dần sau 40 tuổi, trên thế giới 15-30% sau 75 tuổi và 25-50% trên 85 tuổi, ở Việt Nam tần suất khoảng 10%.

Bệnh nhân thường diễn tiến từ những triệu chứng không đặc hiệu như giảm nhớ về những chuyện mới xảy ra, khó diễn đạt, cho đến giảm khả năng làm các việc thường ngày, vệ sinh cá nhân, hay có ảo giác, cho đến nặng nhất là không thể thực hiện những sinh hoạt như ăn uống, vệ sinh, đi lại, mất trí nhớ và lệ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Chăm sóc một bệnh nhân SSTT là một gánh nặng nếu không biết cách. Sau đây là một số gợi ý.

1. Người chăm sóc nên tự tìm hiểu nguồn thông tin phong phú từ thầy thuốc và nguồn khác từ các trang thông tin y học uy tín. Kiến thức sẽ giúp người chăm sóc hình dung được đặc điểm và tiên lượng bệnh. Điều quan trọng nhất cần biết là bệnh không thể chữa được và sẽ nặng thêm theo thời gian, để đừng kỳ vọng vào những “phương thuốc bí truyền” nào đó.

Có thể lên kế hoạch chăm sóc cụ thể để từng người đảm trách trong từng giai đoạn, vì sự chăm sóc thường sẽ trường kỳ. Nên gắn bó với một thầy thuốc duy nhất để có sự hậu thuẫn tốt nhất về lâu dài.

2. Bệnh nhân SSTT thường hay có những cơn kích động, đưa đến hành vi bạo lực và rối loạn. Cơn kích động này luôn có một nguyên nhân nào đó chứ không phải là bệnh nhân giận dỗi, điều mà người chăm sóc thường gán cho. Cần tìm và giải quyết những nguyên nhân đó như:

• Đau hay khó chịu do ngồi lâu ở một tư thế

• Có bệnh hay chấn thương gì khác

• Thay đổi môi trường hay những quy trình hằng ngày mà bệnh nhân đã quen

• Thiếu ngủ, đói hay khát

• Cô đơn

• Nóng hoặc lạnh

• Không đủ ánh sáng (tối)

• Giao tiếp không được

• Kích động do tác dụng phụ một loại thuốc nào đó đang dùng

Bệnh nhân có thể khó chịu tới mức “bùng nổ”. Nếu nắm được những quy trình thường ngày của bệnh nhân và kiểm tra cẩn thận, có thể ngăn ngừa hiệu quả những cơn kích động này.

3. Ngược lại, bệnh nhân cũng có thể có những cơn âu sầu buồn bã. Để phòng tránh, nên làm quen với bệnh nhân để nắm bắt ngay khi bệnh nhân biểu hiện sự khó chịu. Cần kiểm tra tình hình xem bệnh nhân có đói, khát, nóng lạnh hay buồn ngủ gì không.

Mỗi bệnh nhân thường có những dấu chỉ đặc hiệu riêng, người chăm sóc có thể quen với việc nhận ra các dấu chỉ này để can thiệp sớm.

Nếu kiểm tra mà mọi thứ vẫn tốt thì có thể làm bệnh nhân giảm chú ý bằng cách bắt chuyện về những chủ đề bệnh nhân thích, đi dạo hoặc làm một hoạt động yêu thích nào đó. Nếu không có cách nào hiệu quả thì có thể an ủi, vỗ về dịu dàng, ôm vào lòng, dành thời gian đủ lâu để giúp bệnh nhân qua cơn buồn bã.

4. Đừng bao giờ ép bệnh nhân làm theo ý mình, không những ít thành công mà còn có thể gây rối loạn hành vi. Việc này cũng giống như ráng nhét một cái mẩu hình vuông vào cái lỗ hình tròn. Do đó, nhìn chung có thể cho phép bệnh nhân làm theo ý mình miễn là an toàn, và nên cùng tham gia với bệnh nhân trong việc họ làm.

5. Hoạt động và thể thao không chỉ tốt cho người bình thường mà cũng tốt cho bệnh nhân SSTT. Tăng hoạt động làm giảm trầm cảm và tốt cho sức khỏe chung, mang lại cảm giác khoan khoái và ngủ ngon hơn. Khi ngủ ngon, bệnh nhân lại có khuynh hướng hoạt động nhiều hơn vào hôm sau.

Vấn đề quan trọng là cố gắng giữ quan điểm tích cực và vui vẻ dù rất “tình hình” vì thực tế nếu bệnh nhân hay gia đình bắt đầu xem vấn đề là gánh nặng thì rất nhanh chóng, tình hình sẽ là một gánh nặng thật sự.

6. Người chăm sóc nên tránh thái độ “đương đầu” và đặt câu hỏi liên tục. Nếu muốn hỏi nên đặt câu hỏi đơn giản và chịu khó chờ câu trả lời. Nhìn chung, giao tiếp phải thật đơn giản, dùng câu ngắn và rõ ràng.

Luôn vỗ về bệnh nhân và sẵn sàng lặp lại câu nói khi cần. Tìm cách nói chuyện với bệnh nhân thường xuyên giúp tránh được cảm giác cô đơn. Nhớ tránh tiếng lóng!

7. Cuối cùng, phải duy trì chế độ thuốc và chăm sóc cho bệnh nhân. Nên đưa bệnh nhân tái khám đúng hẹn cũng như nếu cần phải thuê thêm người giúp. Nhớ đừng tự ý thêm bớt hay ngưng thuốc của bệnh nhân mà không tham khảo ý của thầy thuốc.

Giữ gìn sức khỏe cho bệnh nhân cũng là một cách làm chậm tiến triển của SSTT nữa đấy!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận