​Viêm màng não do não mô cầu, lưu ý gì?

Trong điều kiện bình thường, có 5-10% dân số mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Trong số này có thể có chủng gây bệnh hoặc chủng lành tính. Tuy người mang khuẩn không có biểu hiện bệnh lý nhưng trong một số trường hợp, việc lây nhiễm vi khuẩn này sang người khác có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh.

Văcxin nhóm nào chỉ có thể phòng ngừa nhóm đó và không có tác dụng phòng ngừa chéo cho các nhóm khác - Ảnh: Hữu Khoa

Chỉ 3-4% người sống chung nhà với bệnh nhân nhiễm não mô cầu bị nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, nếu ca bệnh đã được khẳng định thì việc phòng ngừa bằng thuốc cần được tiến hành ngay trên các đối tượng có tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng vài ngày đầu sau khi phát bệnh.

Phòng ngừa bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu tiên bị phơi nhiễm, có thể dùng Ciprofloxacin 500mg liều duy nhất hoặc Azithromycine 10mg/kg (tối đa 500mg) liều duy nhất. Sau 14 ngày, việc phòng ngừa bằng kháng sinh trở nên vô hiệu hoặc vô ích. Các loại văcxin chỉ giúp phòng ngừa 85-90% trường hợp, chưa kể việc phức tạp trong chọn lựa các loại phân nhóm để sử dụng.

Tiêm ngừa ra sao?

Các bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa bằng tiêm văcxin. Tuy nhiên, việc tiêm văcxin phù hợp lại là những vấn đề khác. Cho đến nay, chưa có loại văcxin nào đảm bảo gây miễn dịch đủ cùng lúc cho cả sáu loại vi khuẩn não mô cầu A, B, C, X, Y và W135. Việc chọn lựa văcxin thường dựa vào đặc điểm của vùng dịch tễ để có loại phù hợp.

Trên thị trường hiện nay có loại văcxin nhị liên cho nhóm A, C như Mevac AC hoặc nhóm C và Y kèm Hib như MenHibrix. Ngoài ra, có loại tứ liên có tác dụng gây miễn dịch cho bốn nhóm A, C, Y và W-135, có thể là loại polysaccaride như Menomune, hoặc loại conjugate như Menactra, Menveo.

Văcxin chuyên dành cho nhóm B chỉ mới được đưa vào sử dụng gần đây: Bexsero và Trumenba. Ở Việt Nam cũng có dạng văcxin kết hợp cho hai nhóm B và C:VA-Mengoc BC.

Văcxin nhóm nào chỉ có thể phòng ngừa nhóm đó và không có tác dụng phòng ngừa chéo cho các nhóm khác. Ở vùng Đông Nam Á, nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Tại Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C đã được ghi nhận.

Có thông tin cho rằng không có văcxin phòng ngừa nhóm B. Nói thế không đúng vì văcxin nhóm B mới được đưa vào sử dụng gần đây. Trumenba được FDA Mỹ cấp phép vào tháng 10-2014 và Bexsero được cấp phép vào tháng 1-2015.

Ở Việt Nam, để đảm bảo phòng ngừa cả ba nhóm A, B, C, phải chủng ngừa cả hai loại văcxin. Văcxin não mô cầu A-C nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia nhưng thuộc nhóm không bắt buộc và có thể phải trả chi phí thêm. Việc chủng ngừa thường được thực hiện lúc 18 tháng tuổi và lặp lại mỗi ba năm.

Xuất huyết hay cứng cổ... quá trễ

Cần nhấn mạnh là bệnh lý gây ra do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh và có thể đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh. Do đó, việc chờ đợi những triệu chứng điển hình như ban xuất huyết hay cứng cổ có thể là quá trễ.

Mặt khác, việc soi/cấy ra vi khuẩn không giúp phân biệt được người mang khuẩn hay bệnh nhân thật sự. Do đó, chẩn đoán sớm chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ học và kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng.

Trên nguyên tắc, khi một người có các biểu hiện sốt, nhức đầu, việc tự điều trị bằng các thuốc cảm sốt không ghi toa (OTC) là hợp lý và bệnh nhân luôn được khuyên đi khám bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 48-72 giờ.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm não mô cầu, đây có thể là khoảng thời gian vàng trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nặng. Vì thế, không nên chần chừ khi có nghi vấn, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ tiếp xúc bệnh nhân trước đó. Về sinh cá nhân vẫn là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.         

Vi khuẩn gây bệnh là Neisseria Menigitidis, có hơn 13 nhóm nhỏ, trong đó sáu nhóm gây bệnh chính là A, B, C, W135, X và Y. Bệnh cảnh thể hiện dưới ba dạng khác nhau: viêm hầu họng đơn thuần, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ.

Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua các đồ dùng, dụng cụ hằng ngày như ly, tách, điện thoại... Các môi trường tiếp xúc gần gũi như khu tập thể, khu cắm trại, trường học có nguy cơ lây truyền cao.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận