Miễn dịch trị liệu, hi vọng mới chữa ung thư

HIẾU TRUNG TỔNG HỢP 13/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter gây ngạc nhiên lớn khi tuyên bố đã khỏi bệnh ung thư tế bào hắc tố giai đoạn bốn di căn tới não. Sự hồi phục thần kỳ của ông Carter đã đem lại niềm hi vọng cho vô số bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh này.

Ông Jimmy Carter -REUTERS
Ông Jimmy Carter -REUTERS


Phép màu nào?

Người bị ung thư tế bào hắc tố nếu sớm được điều trị sẽ có 98% cơ hội sống sót trong năm năm, khi tế bào ung thư đã di căn, cơ hội sống sót chỉ còn 16%. Tháng 8-2015, các bác sĩ chẩn đoán ông Carter, 91 tuổi, bị ung thư tế bào hắc tố, loại ung thư da nguy hiểm nhất. Bệnh của ông đã phát triển tới giai đoạn bốn, tế bào ung thư đã di căn tới gan và não.

Bản thân ông Carter cho rằng mình chỉ còn có thể sống trong vài tuần. Nhưng điều thần kỳ là sau hơn ba tháng điều trị tại Trung tâm ung thư Winship thuộc Đại học Emory, cựu tổng thống Mỹ đã bình phục, các khối u trong cơ thể ông đã biến mất. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của ông Carter.

“Nhưng đó là kết quả tốt nhất mà một bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố giai đoạn bốn có thể mong chờ” - kênh NBC dẫn lời bác sĩ Len Lichtenfeld thuộc Hội Ung thư Mỹ nhận định. Tất nhiên một cựu tổng thống Mỹ như ông Carter chắc chắn phải được chữa trị hết sức tận tình cùng những phương tiện hiện đại nhất. Nhưng việc một ông cụ 91 tuổi có thể đánh bại bệnh ung thư giai đoạn bốn được xem là một phép mầu. Nhưng thực tế không có phép mầu nào cứu ông Carter cả mà chính là khoa học.

Cựu tổng thống Mỹ được điều trị bằng hàng loạt phương pháp kết hợp, từ xạ trị, phẫu thuật (khoảng 1/10 gan của ông được cắt bỏ) và quan trọng nhất là phương pháp miễn dịch trị liệu. Đây là phương pháp trị liệu mới, giúp tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch để cơ thể người bệnh tự chống lại tế bào ung thư.

Ông Carter được điều trị bằng một loại thuốc rất mới là Keytruda. Loại thuốc này mới được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn sử dụng hồi tháng 9-2014 dành cho các bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố giai đoạn cuối, khi tất cả các thuốc khác đều đã vô tác dụng. Keytruda là loại thuốc đầu tiên cản trở khối u trốn tránh tế bào miễn dịch.

Keytruda tác động đến hoạt động của hai gen PD-1 và PD-L1. Sự tương tác giữa hai gen này giúp một số tế bào ung thư lẩn tránh đòn tấn công của các tế bào miễn dịch. PD-1 ngăn chặn tế bào miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh. Và các tế bào ung thư kích thích PD-L1 chống lại PD-1 khi các tế bào miễn dịch đến gần. Keytruda cản trở quá trình này và tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư.

Chạy đua chống ung thư

Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy Keytruda giúp giảm khối u tới 90% ở ít nhất 35% bệnh nhân. Tuy nhiên, Keytruda phát huy tác dụng ở 50-60% bệnh nhân khi kết hợp với một số loại thuốc khác.

Bác sĩ Lichtenfeld khẳng định các loại thuốc như Keytruda là kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm. Chuyên gia ung thư Andre Goy thuộc Trung tâm Ung thư John Theurer cho biết phương pháp miễn dịch trị liệu có hiệu quả cao không chỉ với bệnh ung thư tế bào hắc tố mà cả với ung thư gan, ung thư phổi, ung thư ruột kết, ung thư máu...

Hiện nay các hãng dược đang chạy đua phát triển nhiều loại thuốc miễn dịch trị liệu. Pfizer và Merck KGaA đang hợp tác sản xuất loại thuốc Avelumab có tác dụng tương tự Keytruda. Hai hãng đang thử nghiệm loại thuốc này chống lại các bệnh ung thư bàng quang, ung thư dạ dày, ung thư đầu và cổ, u trung biểu mô, ung thư thận và ung thư buồng trứng. Một số hãng dược nhỏ hơn cũng đang nghiên cứu và phát triển các loại thuốc miễn dịch trị liệu.

Chuyên gia Goy khẳng định: “Điều trị ung thư là lĩnh vực y tế hấp dẫn nhất trong thời điểm hiện tại. Tình hình sẽ thay đổi trong 10 năm tới”. Y học đang thật sự có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. Và đó là thông tin tốt lành đối với hàng triệu bệnh nhân ung thư trên thế giới hiện nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận