Bao nhiêu đường thì đủ?

LOAN PHƯƠNG 06/08/2016 01:08 GMT+7

TTCT - Trong thực đơn hằng ngày, đường đã là một thành phần luôn chịu tiếng xấu, bị nghi ngờ là gây ra nhiều thứ bệnh.

Bao nhiêu đường thì đủ? -YouTube
Bao nhiêu đường thì đủ? -YouTube

Một tổng hợp các nghiên cứu trên trang y tế Medical News Today đã liên hệ việc tiêu thụ đường với sự lão hóa nhanh hơn, các bệnh tim mạch, béo phì và thậm chí cả ung thư. Nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế trên thế giới kêu gọi giảm lượng đường sử dụng trong thực đơn, hay chấm dứt hoàn toàn việc dùng đường. Nhưng thực hư thế nào?

Có rất nhiều loại đường khác nhau, bao gồm glucose, fructose, lactose, maltose và sucrose. Một số loại đường, như glucose, fructose và lactose, xuất hiện một cách tự nhiên trong trái cây, rau củ và các loại thực phẩm khác. Nhưng nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hay uống được cho thêm đường, hoặc tự chúng ta cho vào để làm tăng hương vị, hoặc do nhà sản xuất đưa vào.

Những loại thực phẩm và đồ uống thêm đường phổ biến nhất là nước ngọt, bánh các loại, sôcôla, đồ tráng miệng... Chỉ một lon Coca-Cola thôi cũng chứa lượng đường tương đương 7 muỗng cà phê, trong khi một thanh sôcôla cỡ trung có thể có lượng đường tương đương 6 muỗng cà phê.

Chính đường tăng thêm này được các chuyên gia trích dẫn là nguồn gốc gây ra nhiều vấn đề y tế. Tạp chí Open Heart chẳng hạn, nói đường tăng thêm có thể tăng rủi ro cao huyết áp.

Một nghiên cứu quy mô khác của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tháng 2-2014 cho thấy đường cho thêm trong đồ ăn thức uống liên quan tới tỉ lệ tử vong cao hơn ở người bị bệnh tim mạch.

Rõ ràng hơn cả, đường tăng thêm được liên hệ với tình trạng béo phì hoành hành ở Mỹ, quốc gia có 1/3 người trưởng thành thừa cân, trong khi tỉ lệ trẻ em béo phì đã tăng gấp đôi và ở thanh thiếu niên tăng gấp bốn lần trong 30 năm qua. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận việc các sản phẩm nước ngọt tiêu thụ gia tăng ở một nước tỉ lệ thuận với mức tăng dân số bị béo phì của nước đó.

Nghiện đường?

Người ủng hộ việc hạn chế dùng đường mạnh mẽ là bác sĩ Robert Lustig, chuyên gia về nội tiết nhi ở Đại học California, San Francisco, là tác giả cuốn sách Nguy cơ béo phì: Sự thật bị che giấu về đường. Bác sĩ Lustig nói đường là một “chất độc” đã gây nghiện ở nhiều người.

Một nghiên cứu năm 2008 ở Đại học Princeton, New Jersey thấy rằng những con chuột được nuôi với thực đơn có hàm lượng đường cao thể hiện những dấu hiệu “vật vã” khi đường trong đồ ăn của chúng bị rút xuống.

“Chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc đó, phải khiến cuộc đời chúng ta thoát khỏi đường, phải coi đường là thứ đồ ăn thưởng thức chứ không phải là thành phần cơ bản trong bữa - bác sĩ Lustig nói với báo Anh The Guardian - Ngành công nghiệp thực phẩm đã biến đường thành thành phần cơ bản trong thực đơn của chúng ta vì họ biết khi đó chúng ta sẽ mua nhiều hơn.

Nếu một nhà sản xuất ngũ cốc ăn sáng độc ác cho morphine vào đồ ăn sáng của bạn để bạn mua nhiều hơn thì bạn nghĩ sao về họ? Với đường, họ đã làm đúng như thế”.

Theo báo cáo của CDC, trong toàn bộ lượng calorie nạp vào cơ thể mỗi ngày ở những người trưởng thành tại Mỹ thì 13% là từ đường tăng thêm, con số đó là 16% ở trẻ em và thanh thiếu niên. Những mức này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO năm 2012 là không nên dùng quá 10% đường trong tất cả những gì ăn mỗi ngày, quy đổi ra calorie, dù là đường tự nhiên hay tăng thêm.

Năm 2013, giáo sư Wayne Potts và các đồng nghiệp ở Đại học Utah thậm chí còn cho rằng tiêu thụ đường tăng thêm, ngay cả ở mức khuyến cáo, vẫn không tốt cho sức khỏe.

Bỏ hẳn, tốt cho sức khỏe?

Hàng loạt nghiên cứu tiêu cực về lượng đường tăng thêm đã khiến WHO xem xét lại khuyến cáo mức dùng đường của họ vào năm 2014, theo đó họ nói đang cân nhắc điều chỉnh mức khuyến cáo từ 10% xuống còn chỉ 5%.

“Mục tiêu của hướng dẫn là đưa ra những khuyến nghị với việc dùng đường tự nhiên và giảm rủi ro các bệnh không truyền nhiễm ở người lớn và trẻ nhỏ - WHO giải thích - đặc biệt tập trung vào ngăn ngừa, kiểm soát béo phì và các bệnh răng miệng”.

Nhiều chuyên gia y tế, nhà dinh dưỡng học, và cả người nổi tiếng như Paltrow đã nhanh chóng lên tiếng về một thực đơn hoàn toàn không có đường.

Nhưng liệu điều đó có là khả thi? Và quan trọng hơn, có tốt cho sức khỏe? Nhà hóa sinh học Leah Fitzsimmons thuộc Đại học Birmingham ở Anh mới đây nói với báo Daily Mail: “Loại bỏ hoàn toàn đường khỏi thực đơn của bạn là điều khó đạt được.

Trái cây, rau củ, các sản phẩm sữa và thay thế cho sữa, trứng, đồ uống có cồn và các loại hạt đều có đường, khiến cho một thực đơn tuyệt đối không đường sẽ chỉ còn lại thịt và chất béo - rõ ràng là rất không tốt cho sức khỏe”.

Nhiều người chuyển sang các chất làm ngọt nhân tạo thay đường, nhưng một nghiên cứu trên tạp chí Nature năm 2014 cho thấy các chất làm ngọt, bao gồm saccharin, sucralose và aspartame vẫn gây ra béo phì và tiểu đường như thường.

Việc dùng trong dài hạn các chất đó cũng có thể liên quan tới béo phì và đường trong máu tăng. “Cùng với những chuyển biến lớn khác trong dinh dưỡng của con người, sự gia tăng việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo trùng khớp với tăng mạnh chứng béo phì tiểu đường - các tác giả viết - Những phát hiện của chúng tôi cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể góp phần trực tiếp vào các chứng bệnh phải ngăn ngừa”.

Thay vì thôi ăn đường hoàn toàn, nhiều chuyên gia y tế tin rằng đường có thể là một phần trong một thực đơn tốt cho sức khỏe, với một vài người đường có các lợi ích nhất định.

“Giống như mọi nguồn calorie khác, đường có thể được dùng trong một thực đơn cân bằng, tốt cho sức khỏe, kết hợp với một lối sống lành mạnh - bác sĩ Alison Boyd, giám đốc Viện Dinh dưỡng về đường của Anh, nói với Medical News Today - Đường có thể giúp một số thực phẩm khác trở nên ngon miệng hơn, và qua đó thúc đẩy một thực đơn đa dạng, cân bằng”.

Một số nhà nghiên cứu thậm chí cho rằng cơ thể chúng ta cần đường. “Đó là loại nhiên liệu ưa thích cho cơ thể. Đường có vai trò trong thực đơn của chúng ta. Thêm nữa, sống khỏe để làm gì nếu sống không thích thú?” - bác sĩ David Katz, giám đốc Trung tâm ngăn ngừa bệnh dịch ở Đại học Yale, nói với CNN.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), vốn khuyến cáo phụ nữ không dùng hơn 100 calorie (6 muỗng cà phê) và đàn ông không quá 150 calorie (9 muỗng cà phê) đường tăng thêm mỗi ngày, lại không nghĩ như thế. “Đường tăng thêm chỉ làm tăng lượng calorie chứ không hề làm tăng dinh dưỡng trong đồ ăn” - AHA giải thích.

Nhưng AHA cũng không khuyến cáo ngưng hẳn việc sử dụng đường. Bác sĩ Katz cũng nhấn mạnh rằng trong khi đường vẫn có thể được dùng trong một thực đơn cân bằng, tình trạng hiện tại là chúng ta vẫn đang sử dụng đường quá nhiều. ■

Khuyến cáo của AHA: giảm lượng đường bạn hay cho vào đồ uống hay đồ ăn, như trà, cà phê, ngũ cốc, bánh…; thay đồ uống thêm đường với đồ uống không đường, ít calorie; so sánh các nhãn hàng khi mua sắm và chọn những nhãn với lượng đường thêm vào ít nhất; khi làm bánh, giảm 1/3 lượng đường trong công thức gốc; thử thay đường bằng các gia vị khác như quế, gừng, vanilla…; thay vì trộn đường vào đồ ngọt, hãy thử bằng các loại trái cây ngọt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận