Những ranh giới đạo đức mong manh

CHIÊU VĂN 10/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT- Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tăng cường các biện pháp bảo vệ người tham gia thử nghiệm thuốc ở giai đoạn 1 trong toàn khối, sau cái chết bi thảm trong một nghiên cứu y khoa ở Rennes, Pháp.

Con người, đâu phải “chuột bạch”?
Con người, đâu phải “chuột bạch”?

Ngày 21-7, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) ở London công bố một “tài liệu sơ thảo”, trong đó chỉ ra những chiến lược cải thiện việc xác định và giảm bớt rủi ro với các loại thuốc “lần đầu dùng ở người” (“first-in-human”, hay FIH).

Bộ quy chuẩn của EU hiện giờ về FIH là từ năm 2007, được thiết lập sau một bi kịch tương tự năm 2006 ở London, khi 6 tình nguyện viên nhập viện với những biến chứng nghiêm trọng sau khi dùng thử một loại kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) tên là TGN1412 lần đầu tiên.

Khi thử nghiệm ở người thất bại

Rất nhiều thay đổi của EMA để đáp lại trực tiếp cuộc thử nghiệm ở Rennes, vốn đã bị các chuyên gia quốc tế chỉ trích vì thiếu chặt chẽ. Một báo cáo do Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine đứng tên vào tháng 5 đã kết luận rằng Công ty Biotrial vận hành việc thử nghiệm thuốc đã phạm những sai lầm nghiêm trọng sau khi tai nạn xảy ra, nhưng nghiên cứu không vi phạm các quy định và tiêu chuẩn của Pháp, dù bà Touraine thừa nhận sẽ cần các biện pháp cải thiện an toàn trong tương lai.

Chuyên gia độc học Michael Eddleston của Đại học Edinburgh, đồng tác giả một báo cáo gần đây về những thử nghiệm ở Rennes, đã hoan nghênh quyết định của EMA.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “không bao giờ được phép thiết kế các nghiên cứu FIH để đo lường khả năng chịu đựng (ở người)..., mà chỉ nên dùng chúng để hiểu về dược học của thuốc với người, nhất là trong tương quan dữ liệu thu được từ các thử nghiệm ở động vật trước đó”.

Trong thí nghiệm tại Rennes, loại thuốc được thử là một loại thuốc giảm đau trị bệnh trầm cảm và rối loạn vận động. Công ty dược Bial (Bồ Đào Nha) đã tuyển lựa 128 tình nguyện viên tham gia thử thuốc tuổi từ 18 tới 55 và được coi là những người khỏe mạnh.

90 người đã được cho dùng thuốc với các liều lượng khác nhau, còn những người khác được đặt trong tình trạng giả dược (placebo) nhưng được thông báo là có công dụng tương tự loại thuốc thử nghiệm.

Tại Mỹ, vào đầu tháng 7, cái chết của hai bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc ở giai đoạn 2 cũng đã buộc Công ty dược Juno Therapeutics công bố tạm ngưng chương trình thử nghiệm thuốc ROCKET theo chỉ thị của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Các bệnh nhân này đang tham gia giai đoạn 2 thử nghiệm thuốc B (ROCKET) - tế bào bệnh bạch cầu tăng lymphô bào cấp tính tái phát, một loại bệnh ung thư máu, theo CNN.

Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy) được ca ngợi là ranh giới mới trong cuộc chiến chống ung thư. Liệu pháp này tận dụng hệ miễn dịch của cơ thể để chiến đấu chống lại ung thư từ bên trong. Nhưng nhiều liệu pháp tân tiến nhất vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Giai đoạn 2 của thử thuốc ở người được thiết kế để thí nghiệm sự hiệu quả của thuốc hay phương pháp trị liệu mới, còn giai đoạn 1 là để đánh giá sự an toàn và các tác dụng phụ.

Trước khi một loại thuốc mới được đưa ra thị trường, nó còn phải trải qua một giai đoạn 3 thử nghiệm nữa, theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Trong một cuộc họp báo trực tuyến sau đó, CEO của Juno, Hans Bishop, cho biết hai bệnh nhân đã qua đời vì phù não (cerebral edema) do tràn dịch.

Juno hiện vẫn đang xin được tiếp tục thử nghiệm của họ với một số điều chỉnh, nhưng FDA yêu cầu Juno phải xem xét lại toàn bộ quy trình của công ty này, bao gồm cả các đơn tự nguyện tham gia nghiên cứu của bệnh nhân.

“FDA xác định rằng bất cứ thời điểm nào người tham gia thử nghiệm thuốc đang hoặc sẽ gặp phải các rủi ro nghiêm trọng và vô lý bị thương tổn hoặc đau ốm.

FDA có toàn quyền tạm hoãn nghiên cứu, cấm việc tiếp tục triển khai thử nghiệm tới khi FDA thấy rằng mọi quan ngại về an toàn đã được giải quyết thỏa đáng” - người phát ngôn của FDA Tara Goodin nói.

Chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm ước tính có hàng nghìn người tham gia các cuộc thử nghiệm khoa học liên quan tới y tế. Các bảng quảng cáo được đăng tải khá công khai và rõ ràng, trên xe buýt hay các trang mạng như Craigslist. Nhưng liệu có ai thật sự muốn làm “chuột bạch”? Và câu hỏi luôn là các thử nghiệm thuốc an toàn tới mức độ nào?

Steve Reszka - cư dân ở Buffalo, New York - từng tham gia một thí nghiệm như thế với bệnh tiểu đường và cao huyết áp mà ông đang mắc phải.

“Tôi có một người cậu bị tiểu đường nặng và qua đời khi còn rất trẻ. Một bà dì khác cũng chết vì tiểu đường - Reszka nói - Nên tôi đã đăng ký tham gia thử nghiệm một phần vì muốn giúp người khác, một phần vì muốn xem liệu thử nghiệm có giúp gì được cho tôi không”.

Ông sẽ phải trải qua nhiều xét nghiệm sơ bộ rồi đăng ký tiêm thuốc hằng tuần, chưa kể “hàng tấn” giấy tờ pháp lý liên quan. Cuộc thử nghiệm kéo dài sáu tháng nhưng không giúp gì nhiều cho Reszka (cũng có thể ông đã được cho dùng giả dược).

Các thử nghiệm đều được thiết kế để thông tin rõ ràng cho tình nguyện viên về các rủi ro. Chỉ dẫn được FDA yêu cầu cụ thể là phải “viết sao cho học sinh lớp 6 cũng đọc hiểu được”. Một chuyên gia có chứng chỉ sẽ hướng dẫn các tình nguyện viên qua từng trang của các tài liệu cam kết và mỗi trang đều phải có chữ ký của người tình nguyện.

Cuối cùng, người tham gia thử thuốc được quy định phải ở trong phòng một mình khi ký các tài liệu để họ không thấy bị áp lực và để đảm bảo hết mức có thể đó là quyết định tự nguyện.

Bác sĩ - tiến sĩ David Gortler, từng là một chuyên gia ở FDA và hiện là nhà tư vấn, tin rằng những sự cố như ở Pháp là khá hiếm và việc tuyển tình nguyện viên thử thuốc luôn dễ dàng. Một số người đăng ký chỉ để kiếm tiền, những người khác nói họ muốn giúp mọi người.

Tuy nhiên, Gortler thừa nhận trong khi ông biết ơn những tình nguyện viên, cá nhân ông sẽ không tham gia, nhất là với các thử nghiệm giai đoạn đầu. “Tôi là một nhà khoa học chuyên về nghiên cứu - Gortler nói - Tôi đã thấy đủ mọi thứ tồi tệ suốt nhiều năm và đủ lo lắng để cá nhân tôi không chấp nhận rủi ro”. Nhưng với các thử nghiệm giai đoạn sau thì ông sẽ đỡ lo hơn.

Ranh giới mong manh

“Tất cả mọi người đều nên cân nhắc tham gia các thử nghiệm y khoa, bởi họ là một phần cực kỳ quan trọng cho các nghiên cứu mà kết quả có thể cải thiện những kết quả về y tế và trị bệnh ở tầm mức toàn cầu” - bác sĩ Wendy Parulekar, chủ tịch Hội Thử nghiệm y khoa Mỹ và là một nhà nghiên cứu ung thư, nói. Bác sĩ Parulekar đồng thời khuyến cáo những người tham gia nghiên cứu phải tìm hiểu kỹ và cố gắng trả lời những câu hỏi liên quan, bao gồm việc tại sao nghiên cứu được thực hiện, các tiêu chuẩn là như thế nào, việc giám sát ra sao, bao nhiêu người tham gia, các xét nghiệm và điều trị được giám sát bởi cơ quan nào?...

Nhưng ngay cả khi thông tin đã là minh bạch và việc thử nghiệm được giám sát tốt, khả năng xảy ra sự cố không thể nào bằng không và nhiều vấn đề đạo đức vẫn sẽ được đặt ra. Tất cả các loại thuốc mới đều phải được thử nghiệm ở người.

Tuy nhiên, nhiều loại thuốc được phát triển bởi các hãng dược ngày nay không mang lại lợi ích gì khác biệt so với các phương pháp điều trị đã có. Rất nhiều loại được phát triển chỉ là để tạo ra một phiên bản khác có thể được cấp bằng tác quyền với một loại thuốc vốn đã tồn tại rồi. Trong ngành dược, bằng tác quyền đồng nghĩa với tiền bạc.

Tất nhiên, các nhà sản xuất luôn hi vọng rằng thử nghiệm ở động vật là đủ để chỉ ra một loại thuốc cụ thể sẽ ảnh hưởng ra sao ở người.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của FDA, 70-75% các loại thuốc đã được FDA chấp thuận đưa vào thử nghiệm ở người sau khi cho thấy tác dụng tích cực ở động vật hóa ra không an toàn hay không hiệu quả ở người.

Một nghiên cứu khác của Văn phòng Tổng kiểm toán Hoa Kỳ (GAO) cho thấy trong 198 loại thuốc mới được đưa ra thị trường giai đoạn 1976-1985, 102 loại (52%) gây ra các tác dụng phụ mà việc thử nghiệm không tiên đoán được.

Vấn đề có thể càng trở nên nhạy cảm nếu nghiên cứu có sự tham gia của trẻ em hay liên quan tới việc dùng giả dược. Bệnh ho gà chẳng hạn từng là một mối đe dọa nghiêm trọng với trẻ sơ sinh, với những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.

Văcxin đã gần như khiến bệnh này biến mất ở Mỹ. Nhưng do vẫn còn một tỉ lệ không chắc chắn nhất định, những cố gắng tìm kiếm một loại văcxin mới đã được NIH bật đèn xanh vào năm 1993.

Trong thí nghiệm đầy tranh cãi đó, một nhóm hơn 500 trẻ sơ sinh đã được sử dụng giả dược thay vì văcxin thật sự và ước tính 5% có thể sẽ mắc chứng ho gà so với chỉ 1,4% trong nhóm nghiên cứu tổng thể, bao gồm cả các trẻ được tiêm văcxin. Vì những rủi ro này, nghiên cứu không được cấp phép ở Mỹ. NIH khi đó đã tiến hành thí nghiệm ở Ý, nơi có ít rào cản luật lệ hơn.

Những vấn đề đạo đức với việc sử dụng nghiên cứu có nhóm dùng giả dược đặc biệt phức tạp trong các nghiên cứu được tiến hành ở những nước nghèo. Mới đây thôi, một nghiên cứu ngăn ngừa truyền nhiễm HIV từ mẹ sang trẻ sơ sinh ở châu Phi đã gây nhiều chú ý.

Cách điều trị tiêu chuẩn để ngăn ngừa HIV truyền từ phụ nữ mang thai sang con ở Mỹ là sử dụng thuốc AZT (azidothymidine) rất đắt đỏ. Loại thuốc này ngoài tầm với của hầu hết các nước nghèo.

Điều đó dẫn tới các nghiên cứu tìm kiếm những biện pháp trị liệu tiết kiệm chi phí và kết quả là hàng loạt nghiên cứu được tiến hành với đối tượng tham gia là những phụ nữ mang thai nhiễm HIV không hề được điều trị bằng phương pháp ARV (antiretroviral) quen thuộc.

Những nghiên cứu đó chắc chắn không được phép ở Mỹ, nơi điều trị AZT là tiêu chuẩn cho mọi bà mẹ nhiễm HIV. Tiến sĩ Peter Lurie, trong một bài xã luận trên tạp chí chuyên ngành New England Journal of Medicine, đã lập luận rằng như thế thì việc tiến hành nghiên cứu ở các nước nghèo là phi đạo đức, tiêu chuẩn kép và “có động cơ nhắm vào những đối tượng nghiên cứu được tiếp xúc ít nhất với việc chăm sóc y tế”.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận