Giấc mơ trường sinh

CHIÊU VĂN 08/09/2016 16:09 GMT+7

TTCT - Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó mọi người được ăn mừng sinh nhật 500 tuổi, nơi 30 tuổi vẫn còn là “thời thơ ấu” và sự lão hóa gần như chấm dứt.

Cụ bà Emma Moreno 117 tuổi (sinh năm 1899, người Ý), người già nhất hành tinh hiện còn sống -telegraph.co.uk
Cụ bà Emma Moreno 117 tuổi (sinh năm 1899, người Ý), người già nhất hành tinh hiện còn sống -telegraph.co.uk

Nghe không khác gì chuyện thần tiên, nhưng nhà khoa học về sự lão hóa và tuổi thọ, tiến sĩ - bác sĩ Alex Zhavoronkov tin rằng viễn cảnh đó sẽ khả thi trong tương lai không xa.

Zhavoronkov, một bác sĩ lão khoa và có bằng tiến sĩ vật lý của Đại học Moscow State (Nga), hiện đang là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc chống lão hóa của công ty Mỹ Insilico Medicine, tin rằng ông có sức mạnh ngăn chặn sự lão hóa, và rồi cuối cùng sẽ đạt tới giấc mơ trường sinh.

Tư duy lớn

“Lão hóa là vấn đề khẩn thiết nhất với nhân loại” - tiến sĩ Zhavoronkov nói với báo Anh Telegraph. Kiêm nhiệm vị trí chủ tịch tổ chức Quỹ nghiên cứu lão hóa ở Oxford, Zhavoronkov (sinh ở Latvia) nói năm ngôn ngữ và tự coi mình là một công dân toàn cầu.

Mục tiêu hiện giờ của ông là tìm ra những kết hợp thuốc tối ưu để ngăn chặn quá trình lão hóa. Điều đặc biệt: ông đã tự lấy mình ra làm thí nghiệm với mục tiêu trở thành con người đầu tiên đạt tới mốc 150 tuổi, theo ghi nhận của khoa học.

Hiện giờ, ý tưởng bạn có thể sống lâu tới như thế có vẻ thật lố bịch, nhưng nếu so với 100 năm trước, loài người đã tiến được những bước rất xa trong cuộc tìm kiếm phương thuốc trường sinh. 100 năm qua, cứ mỗi 10 năm thì tuổi thọ trung bình của con người lại tăng gần 3 năm.

Một bé gái ra đời ở Anh ngày nay chẳng hạn, có thể sống tới 82,2 tuổi, và một bé trai là 78,8 tuổi. Với tốc độ đó thì cột mốc Zhavoronkov đặt ra không phải là phi lý hoàn toàn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là ông tin những liệu pháp đó đang ở trong tầm tay con người.

Ông đang hợp tác với công ty thực phẩm chức năng Mỹ The Life Extension Foundation, và nếu mọi chuyện đúng kế hoạch, vào năm tới họ sẽ giới thiệu những loại biệt dược không chỉ làm chậm quá trình lão hóa mà còn có thể ngăn chặn một số căn bệnh liên quan tới việc cơ thể già đi.

“Chúng tôi tư duy lớn - ông nói - Hãy nghĩ tới việc có thể sống được tới 500 tuổi! Chúng ta không chỉ khỏe mạnh hơn một chút so với cha mẹ mình, đó không phải mục tiêu của chúng tôi, mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một cú nhảy vọt”.

Dù nghe có phần huyễn hoặc, tiến sĩ Zhavoronkov chỉ là một trong lực lượng đông đảo các nhà khoa học đang đi tìm đảo Bồng Lai, không khác gì 2.000 năm trước của thời Tần Thủy Hoàng hay Nero bạo chúa. Chỉ có điều, giờ họ được khoa học dẫn đường.

Những con đường sáng

Năm 2013, Google đã thành lập Calio, một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học độc lập chuyên trách việc tìm ra phương thuốc thần trường sinh.

Một năm sau, chuyên gia X-quang và nhà đầu tư mạo hiểm Joon Yun đã công bố Giải thưởng Longevity ở Palo Alto, theo đó ông cam kết thưởng 1 triệu USD cho nhóm nhà khoa học đầu tiên giải được bài toán về lão hóa và hiện đã có 15 nhóm đăng ký tham gia.

Cùng lúc, các chuyên gia ở Đại học California và Trường Y Harvard phát hiện ra rằng lithium (thường được dùng để trị chứng rối loạn lưỡng cực) có thể có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi sự hủy hoại của quá trình lão hóa.

Ở Đại học Cardiff (Xứ Wales), những thử nghiệm ở người với thuốc metformin, thường được kê cho các bệnh nhân tiểu đường, cho thấy những người không mắc bệnh uống thuốc này có thể kéo dài tuổi thọ thêm trung bình là 3 năm.

Đây chỉ là những tiến bộ mới nhất của hành trình đã kéo dài hàng nghìn năm, với rất nhiều cột mốc. Như vào năm 1993 chẳng hạn, một phát hiện đã gây tiếng vang trên toàn thế giới. Bằng cách chỉ lấy đi một gen từ loài giun tròn, các nhà khoa học có thể tăng tuổi thọ của những cá thể thí nghiệm lên gần 50%.

Trong hơn hai thập kỷ qua kể từ đó, hiểu biết về quá trình lão hóa đã tăng lên rất nhiều. Gen đã rút ngắn tuổi thọ của loài giun tròn 1/3 tên gọi DAF2, và con người cũng có gen tương tự với một cái tên khác - IGF1 (viết tắt của “insulin like growth factor 1”).

Gen IGF1 làm tăng hoạt động của quá trình trao đổi chất ở tế bào khi cơ thể nhận được nhiều dưỡng chất. Dữ liệu từ IGF1 khớp với kiến thức lâu đời của con người là giảm bớt khối lượng thức ăn 20-40% có thể giúp tăng tuổi thọ đáng kể ở gần như mọi loài được nghiên cứu.

Cũng chính vì thế mà việc nghiên cứu lão hóa gắn với các bệnh nhân tiểu đường, những người vốn phải ăn uống kiêng khem rất cực khổ. Tiểu đường là một bệnh mãn tính phổ biến với nguyên nhân thường là chế độ dinh dưỡng quá mức.

Do cơ thể người bệnh gặp khó khăn trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất, họ cần các loại thuốc khống chế về mặt dinh dưỡng. Metformin là một loại thuốc như thế, đã được dùng để trị tiểu đường từ những năm 1950.

Hàng loạt thử nghiệm đã cho thấy ở hầu hết các loài có vú, metformin giúp gia tăng tuổi thọ thêm một chút, thường dưới 10%. Nhưng đừng xem thường con số đó, ngay cả việc tăng thêm khoảng 5% tuổi thọ ở người (khoảng 4 năm) vẫn sẽ khiến chúng ta sống thọ hơn cả việc tìm ra được một loại thuốc thần kỳ có thể chữa được ung thư (sẽ chỉ giúp chúng ta thọ thêm khoảng 3 năm).

Năm 2014, một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Christian Bannister đứng đầu ở Đại học Cardiff đã đào xới dữ liệu y tế của gần 200.000 bệnh nhân trong hồ sơ của Cơ quan Y tế Anh để đi tới kết luận các bệnh nhân dùng metformin sống thọ hơn hẳn so với những bệnh nhân được kê sulfonylurea, một loại thuốc trị tiểu đường type 2 khác, nhất là với những người trên 70 tuổi, vốn dễ mắc các chứng trụy tim, đột quỵ và ung thư.

Trong một bộ dữ liệu quy mô lớn khác chỉ có thể xử lý bằng máy điện toán hiện đại, nhóm của Bannister còn thấy rằng so với 200.000 người khỏe mạnh cùng độ tuổi với những người bị tiểu đường, thì những ai bị tiểu đường nhưng uống metformin thật ra sống lâu hơn một chút so với những người không bị tiểu đường!

Xuất phát từ nghiên cứu đó, một nhóm nhà khoa học do Nir Barzilai ở Trường y Albert Einstein (New York) đã tiến hành một thử nghiệm y khoa trên người với metformin. Dự án TAME, hay “Treating Aging with Metformin” (Điều trị lão hóa bằng metformin) đã kê thuốc cho những người lớn tuổi không bị tiểu đường.

Dự án được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) thông qua tháng 12-2015 và hiện trong giai đoạn triển khai. Một cách tiếp cận khác là của tiến sĩ người Úc - Mỹ Elizabeth Blackburn, giải Nobel y học 2009.

“Chúng ta không hề nói chuyện quá tham vọng hay không thực tế hay chỉ là viễn tưởng” - tiến sĩ Blackburn, giành giải Nobel nhờ nghiên cứu các điểm cuối nhiễm sắc thể và gen lão hóa, nói.

Tiến sĩ Blackburn và nhóm của bà phát hiện ra rằng các điểm cuối nhiễm sắc thể ngắn lại khi chúng ta già hơn. Chúng ngắn lại nhanh hơn nếu chúng ta già đi và ở trong tình trạng bị áp lực cao. Nếu chúng ta có thể ngăn cản điều đó bằng enzyme telomerase, trên lý thuyết có thể làm giảm đáng kể quá trình lão hóa ở tế bào và qua đó kéo dài tuổi thọ.

Ở chuột, thí nghiệm can thiệp với gen và nhiễm sắc thể này đã được tiến hành và cho thấy kết quả tích cực. Tiến sĩ Blackburn, hiện là giám đốc Viện Salk ở California, nói chúng ta vẫn nghĩ nhiều chứng bệnh do lão hóa là định mệnh không thể tránh khỏi, nhưng thực tế hoàn toàn khác.

“Với những người sống trăm tuổi, họ không chết vì các bệnh quen thuộc như tim mạch, ung thư hay tiểu đường. Họ là điều bí ẩn với các bác sĩ. Họ là một sản phẩm lỗi của tạo hóa nếu chúng ta nghĩ cái chết là điều tất yếu” - tiến sĩ Blackburn nói tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 ở Davos, Thụy Sĩ.

Chúng ta giờ đã chinh phạt được khá nhiều bệnh tật, và sự tập trung nên hướng vào việc hiểu bản chất của sự sống ở con người: các cấu trúc gen phức tạp. Bà Blackburn nói cách tiếp cận của các nhà khoa học không phải là tìm kiếm một phép lạ, mà là tìm hiểu cả hệ thống vận hành ra sao.

Những hệ quả thực tế và triết học

Thử nghiệm ở người rất chậm và đắt đỏ, nhất là với các loại thuốc kéo dài tuổi thọ. Đó là một phần lý do khiến tiến sĩ Zhavoronkov tự lấy mình ra làm “chuột bạch”. Ông uống rất nhiều loại thuốc chống lão hóa mỗi ngày.

“Đây là cách thử nghiệm nhanh nhất” - ông nói. Ở tuổi 37, ông còn cá với nhà đầu tư mạo hiểm Dmitry Kaminskiy khoản tiền 1 triệu USD xem ai sống lâu hơn (chỉ có hiệu lực nếu cả hai đều qua mốc 100 tuổi).

Ngoài việc uống hơn 100 loại thuốc và thực phẩm chức năng mỗi ngày, Zhavoronkov còn tập thể dục thường xuyên (ông tuyên bố nhịp tim khi nghỉ ngơi của ông là 55-60 nhịp/phút), khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu và đếm các tế bào cơ thể thường xuyên, tất cả phục vụ cho “sứ mệnh thay đổi thế giới” của ông.

Trong khi không tiết lộ cụ thể những loại thuốc và thực phẩm chức năng ông sử dụng (do sợ mọi người bắt chước mà không hiểu hết vấn đề), tiến sĩ Zhavoronkov nói hầu hết liên quan tới quá trình trao đổi chất, chống sưng viêm và hỗ trợ hệ thần kinh trung ương. Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, vì theo tiến sĩ Zhavoronkov, điều đó ảnh hưởng tới việc ngăn ngừa những căn bệnh hủy hoại tế bào tốc độ cao như ung thư.

“Tôi cố tránh không ăn mọi loại chất béo chuyển hóa và tránh hút thuốc, dù một điếu mỗi ngày thì cũng không chết ai. Tránh ánh nắng mặt trời cũng quan trọng, rất nhiều chứng ung thư liên quan tới phóng xạ và tia cực tím” - ông nói.

Ông cũng cho biết công trình của ông cho thấy hệ thống y tế và ngành công nghiệp dược của thế giới cần phải chuyển hướng từ điều trị sang nhấn mạnh vào ngăn ngừa bệnh tật. Ông tin rằng trong tương lai không xa, mỗi con người cụ thể sẽ nhận được một chế độ thuốc uống và thực phẩm chức năng riêng.

“Mỗi người chúng ta lão hóa một cách khác nhau, gan một số người già nhanh hơn gan những người khác” - ông nói. Sức khỏe tâm lý cũng cực kỳ quan trọng. Để sống thọ, con người nhất thiết phải tư duy tích cực và sống trẻ trung: “Nếu bạn muốn đạt tới chân trời của tuổi 150 và thay đổi hành vi thì bạn phải sống trẻ”.

Nhưng tất nhiên, lúc nào cũng tồn tại câu hỏi triết học: Tại sao một người lại muốn sống tới 150 tuổi, và hơn nữa, 500 tuổi, hay cả ước mơ hoang đường trường sinh bất tử?

Tiến sĩ Zhavoronkov ý thức được câu hỏi triết học đó, và ông tin rằng về lâu dài, con người cần phải sống như thế: “Hơn cả biến đổi khí hậu, nạn đói toàn cầu, và khám phá vũ trụ, ưu tiên hàng đầu phải là ngăn chặn lão hóa. Khi loài người được giải phóng khỏi nỗi sợ cái chết, họ sẽ có nhiều thời gian để vị tha và nhân ái hơn. Rồi chúng ta sẽ quay lại những vấn đề kia!”.■

Một nghiên cứu của Lynda Gratton ở Trường kinh doanh London cho thấy một thế giới mà tuổi thọ trung bình là 100 sẽ cực kỳ khác biệt. “Khi đó để về hưu với mức 50% thu nhập như hiện giờ, bạn cần làm việc tới 79 hay 82 tuổi - Gratton nói - Mọi chương trình hưu trí sẽ phải thay đổi”. Chúng ta cũng sẽ phải học hỏi và tái tạo bản thân nhiều hơn, với 3-4 sự nghiệp, thay vì chỉ 1-2 trong một đời người như hiện giờ. Một vấn đề khác là lý tưởng nhất thì các liệu pháp sống lâu nên giúp kéo dài tuổi trung niên, thay vì tuổi già. Thế giới có thể trở thành một nơi hỗn loạn với quá nhiều người mà thần trí không còn tỉnh táo nhưng cơ thể thì vẫn khỏe mạnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận