“Hảo ngọt”, bỏ dễ hay khó?

DƯỢC SĨ THÁI TRẦN 01/10/2016 21:10 GMT+7

TTCT - Rất không dễ, ai là người trong cuộc hoặc có người thân, con cái “hảo ngọt” đều rất rõ. Nhưng kết quả nghiên cứu mới cho thấy một tương lai khả quan hơn trong cuộc chiến nhiều gian nan này.

Chế độ ăn là mấu chốt để kiểm soát đường
Chế độ ăn là mấu chốt để kiểm soát đường


Báo cáo của Hội Nội tiết và đái tháo đường TP.HCM cho thấy bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đang tăng rất nhanh. Năm 2012, tỉ lệ bệnh này khoảng 5,4% dân số, với khoảng 5 triệu người mắc, dự báo năm 2016 con số này hơn 7 triệu, nhưng theo một số chuyên gia, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Còn theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến tháng 4 năm nay số lượng người bị bệnh đái tháo đường đã tăng gấp bốn lần trên toàn thế giới trong khoảng 35 năm qua.

Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố, từ di truyền cơ địa đến chế độ ăn uống, vận động, gia tăng sử dụng rượu bia, thuốc lá... nhưng không thể không nói đến việc dùng nhiều đường trong chế độ ăn uống, nhất là các loại nước giải khát và bánh ngọt.

Nhiều nghiên cứu được tiến hành để đưa ra các biện pháp từ truyền thông đến điều trị, nhưng hình như chưa thật hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức vừa công bố đưa ra hướng đi mới trong việc tìm biện pháp hỗ trợ, điều trị giúp đỡ những người “hảo ngọt”.

Giữa tháng 8 vừa qua, một nghiên cứu của các bác sĩ Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) đã đưa ra phát hiện hoàn toàn mới về sự hấp thu đường của não bộ. Kết quả cho thấy phần nào những lý do chúng ta chưa thành công trong cuộc chiến với đường, cũng như đưa ra định hướng nghiên cứu mới cho việc chữa trị, dù chúng chỉ là nghiên cứu bước đầu, cần có những nghiên cứu tiếp theo, sâu rộng hơn nữa để đưa vào áp dụng.

Não là cơ quan tiêu thụ đường nhiều nhất trong toàn bộ các cơ quan của cơ thể, điều khiển cảm giác đói, thèm ăn của cơ thể. Do vậy, các nhà khoa học đặt nghi vấn về cơ chế hấp thụ đường của não để có thể lấy nhanh được lượng đường cần thiết đó.

Trước giờ người ta vẫn cho là cơ chế hấp thu thụ động - hấp thu bình thường với việc thẩm thấu, khuếch tán đường từ máu qua các tế bào não do chênh lệch nồng độ, áp suất... Nghiên cứu cho thấy não đã chủ động trong việc này, thông qua hoạt động của các thụ thể insulin ở các tế bào não.

Nhưng điều phát hiện quan trọng là việc chủ động hấp thụ đường đó không chỉ do các nơron thần kinh điều khiển cảm giác đói no mà còn do các tế bào khác ở não.

“Trước giờ chúng ta chỉ biết tế bào thần kinh (nơron thần kinh) tham gia quá trình điều khiển sự hấp thụ đường. Nhưng nghiên cứu này cho thấy cả những tế bào đệm cũng tham gia tích cực”.

Trước khi nói sâu hơn về cơ chế hoạt động này, chúng ta cần biết rằng trong não bộ, lượng tế bào đệm chiếm đến 90% số lượng tế bào não, các tế bào thần kinh chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Các tế bào đệm này nằm ôm quanh các tế bào thần kinh, với vai trò (được cho là) bảo vệ, dẫn truyền xung điện, cung cấp dưỡng chất cho các nơron...

Đặc biệt trong nhóm các tế bào đệm, các tế bào hình sao (với số lượng nhiều gấp 5 lần các tế bào thần kinh) đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết việc hấp thụ đường của não.

Kết quả thu được qua theo dõi hoạt động của các thụ thể insulin ở các tế bào não bằng phương pháp tiên tiến chụp xạ hình cắt lớp Positron (PET). Insulin là một nội tiết tố do tụy sản xuất, có tác dụng điều hòa sự hấp thu đường glucose trong máu, nếu thấp sẽ làm tăng đường huyết và ngược lại.

Thụ thể insulin là nơi insulin sẽ gắn vào các tế bào để hoạt động (không chỉ ở não mà còn nhiều cơ quan khác). Việc insulin gắn vào các thụ thể trên tế bào đệm tác động đến lượng đường được hấp thụ vào não, chúng dùng tế bào đệm như “công tắc” điều khiển sự hấp thụ đường.

Nghiên cứu cho thấy ở những tế bào hình sao giảm sút số lượng thụ thể insulin sẽ làm các nơron thần kinh chúng ôm quanh hoạt động kém hiệu quả, nhất là các nơron thần kinh ở trung tâm cảm giác no, nằm ở vùng dưới đồi trong não bộ.

Cụ thể hơn, cảm giác no đói bị tác động bởi các tế bào đệm này, sự cân bằng hay thiếu hụt thụ thể insulin của nó, thay vì chỉ bởi một mình các nơron thần kinh như trước giờ người ta vẫn nghĩ.

Do vậy, thay vì chỉ tập trung nghiên cứu tác động lên các nơron thần kinh ở trung tâm điều khiển cảm giác đói, thèm ăn của não, các nghiên cứu cần được mở rộng hơn để phát triển thêm những biện pháp hỗ trợ, liệu pháp điều trị mới. Không chỉ để hỗ trợ những người “hảo ngọt” mà quan trọng hơn là hiệu quả mong đợi cho cuộc chiến với đại dịch béo phì đang lan nhanh trên thế giới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận