Phẫu thuật nội soi tránh nhiều biến chứng

LAN ANH THỰC HIỆN 10/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT - Cuối tháng 10, khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đầu tiên ở Việt Nam.

Bệnh nhân đầu tiên được mổ nội soi  -Thế Nam
Bệnh nhân đầu tiên được mổ nội soi -Thế Nam


Bệnh nhân 52 tuổi trước phẫu thuật đã có 16 tháng điều trị liên tục nhưng không hiệu quả, nhiều tháng đau đớn. Kỹ thuật phẫu thuật mới giúp bệnh nhân giảm rất nhanh các triệu chứng điển hình của bệnh và được ra viện chỉ sau một ngày được phẫu thuật.

Ông Nguyễn Văn Thạch - chuyên gia về phẫu thuật cột sống, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ các thể ngách bên và lỗ liên hợp.

Hai thể này chiếm từ 30-50% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. So với phương pháp điều trị thông thường là mổ mở, điểm ưu việt của phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội soi là can thiệp ít xâm lấn, mổ mở thì vết mổ rộng 4-5cm, nay đầu nội soi chỉ 5mm, giảm đau đớn sau mổ cho bệnh nhân, ít ảnh hưởng đến độ vững của cột sống nên ít tái phát hơn.

Thưa ông, một trong những điểm mới mà kỹ thuật nội soi này mang lại là thời gian nằm viện của bệnh nhân giảm rất nhiều. Ra viện sớm như vậy liệu có ảnh hưởng đến tính an toàn?

- Thông thường nếu mổ mở thì bệnh nhân phải nằm viện thêm 7-10 ngày, một số trường hợp phải nằm viện thêm 2 tuần sau mổ. Bệnh nhân mổ mở cũng phải truyền giảm đau bằng máy, đeo nẹp cứng rồi nẹp mềm để đảm bảo hiệu quả phẫu thuật.

Nhưng phẫu thuật nội soi thì bệnh nhân đầu tiên đã ra viện sau một ngày được phẫu thuật, bệnh nhân được đeo nẹp mềm luôn mà không phải đeo nẹp cứng sau phẫu thuật.

Tuy nhiên việc xem xét cho bệnh nhân ra viện đều phải đánh giá về tính an toàn và hiệu quả phẫu thuật, bệnh nhân đầu tiên nói chị đã giảm hẳn đau đớn, giảm hẳn tê chân tay hay khó khăn về đi lại sau khi được phẫu thuật. Vì đây là bệnh nhân đầu tiên nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả sau phẫu thuật.

Ông đánh giá gì về bước tiến của kỹ thuật này? Theo ông, có thể nhân rộng ra các bệnh viện khác ở Việt Nam, vì đây là một chứng bệnh khá thường gặp?

- Về mặt kỹ thuật, tôi đánh giá là bước tiến khá dài so với mổ mở. Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ngay bằng mổ mở đã là một kỹ thuật khó, căng thẳng cho phẫu thuật viên và êkip, do phẫu thuật ở cột sống cổ nếu không cẩn thận có thể dẫn đến tai biến mà một trong số đó là liệt.

Nay thay bằng nội soi thì nguy cơ ảnh hưởng tới cột sống cổ giảm đi, hiệu quả mang lại cho bệnh nhân lại cao hơn mà rõ nhất là giảm nguy cơ tái phát và giảm số ngày điều trị sau mổ.

Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi hệ thống thiết bị nội soi mới và đồng bộ, có máy mài kim cương, đầu thiết bị nội soi rất nhỏ nên ngay tại Bệnh viện Việt Đức hiện có nhiều bệnh nhân đăng ký, nhưng chúng tôi mới đang chuẩn bị để tiến hành các ca kế tiếp, quan điểm là sẽ đưa kỹ thuật này trở thành thường quy nhưng theo hướng mở rộng dần. Việc mở rộng chuyển giao sang các bệnh viện khác đòi hỏi bệnh viện đó có đủ thiết bị phù hợp và phẫu thuật viên có kinh nghiệm.

Theo ông tỉ lệ biến chứng của phẫu thuật này như thế nào, bao lâu sau mổ thì bệnh nhân có thể trở lại làm việc, sinh hoạt?

- Do chúng tôi mới thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên nên chúng tôi chưa nói được kinh nghiệm của mình, mà nói về kinh nghiệm của thế giới.

Trên thế giới thì Mỹ, châu Âu và một số bệnh viện lớn ở châu Á đã triển khai kỹ thuật này, đa số bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt, làm việc ở mức độ nhẹ nhàng sau một tuần, còn mổ mở thì thường phải sau một tháng.

Về nguy cơ biến chứng thì phẫu thuật nào cũng có nguy cơ biến chứng, nhưng ở Bệnh viện Việt Đức thì từ năm 2007 đến nay khi bắt đầu triển khai các kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, tỉ lệ gặp biến chứng rất thấp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận