Đạp xe, tốc độ nào là vừa?

DƯỢC SĨ THÁI TRẦN 18/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - Ở Sài Gòn bây giờ buổi sáng sớm không hiếm thấy những đoàn xe đạp băng băng trên đường, nhất là ở những con đường lớn vừa mới mở thông thoáng. Già trẻ lớn bé đều có. Rất tốt cho sức khỏe, cho phong trào thể dục thể thao nước nhà.

Đạp xe, chỉ cần 12km/h -L.N.M.
Đạp xe, chỉ cần 12km/h -L.N.M.

 

Lợi ích của 15 phút mỗi ngày

Lợi ích của việc tập thể dục bằng đạp xe đã được khoa học chứng minh từ lâu. Kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn, khá dài hơi của các nhà khoa học Đan Mạch mới vừa công bố càng bổ sung các tín hiệu vui cho những tín đồ xe đạp, cũng như các chuyên gia y tế, cộng đồng...

Nghiên cứu đã chọn ra 45.000 người tình nguyện tuổi từ 45 - 65 để tiếp tục theo dõi trong suốt 20 năm (1993 - 2013).

Kết quả cho thấy những người thường xuyên đạp xe 90 phút mỗi tuần (tức chỉ dưới 15 phút mỗi ngày) giảm nguy cơ bị cơn đau thắt ngực hay đau tim lên đến 24% so với những người không vận động. Ngay cả ở những người chỉ đạp xe 30 phút hằng tuần (tương đương 4 phút mỗi ngày), nguy cơ này cũng giảm tới 16%.

Cùng lúc, một nghiên cứu cũng quy mô lớn khác ở Thụy Điển, theo dõi 20.000 người từ 40 - 60 tuổi trong suốt 10 năm, cho thấy những người luyện tập bằng xe đạp đều giảm các nguy cơ béo phì, cao huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường... từ 12 - 15%.

Điều ghi nhận nổi bật ở các nghiên cứu này, theo bác sĩ Pual Franks - trưởng nhóm nghiên cứu tại Đan Mạch, là “không bao giờ muộn cho việc tập thể dục”. Vì các nghiên cứu này đều tiến hành trên những người ở độ tuổi từ trung niên trở lên và đều cho kết quả rất khích lệ.

Tuy nhiên, có một vấn đề các chuyên gia không nói rõ nhưng chúng ta rất cần lưu ý là những nghiên cứu này được tiến hành ở các nước Bắc Âu.

Môi trường sống cũng như để đạp xe của họ hoàn toàn khác với các nước đang phát triển, khi tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nước ta đều đang ở mức báo động.

Theo Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM, nồng độ khí độc hại CO (cacbon monoxit) tại thành phố đo trong 6 tháng đầu năm 2016 rất cao. Tương tự, mức độ bụi, bụi lơ lửng cũng tăng cao vượt tiêu chuẩn Việt Nam từ 1,2 - 2,2 lần. Lượng chất thải độc hại từ việc đốt cháy nhiên liệu của xe cộ... cũng tăng mức báo động.

Do vậy, việc đạp xe trên đường làm tăng khả năng tiếp xúc với các chất độc hại ô nhiễm, nguy cơ bị tác động đến sức khỏe là lo lắng của nhiều người. Một nghiên cứu trên tạp chí Journal Environmental Research (Hoa Kỳ) cho thấy các trẻ em tập thể dục ngoài trời có sự tích tụ lượng muội than mịn từ chất thải của việc đốt cháy nhiên liệu - tác nhân độc hại đến sức khỏe - cao hơn 25% so với nhóm các trẻ đối chứng.

Chầm chậm thôi

Tuy đã có các nghiên cứu khác cho rằng lợi ích thu được từ việc đi xe đạp (hoặc cả việc đi bộ) trong môi trường ô nhiễm sẽ vượt qua những tác hại gây ra của chúng, việc tìm cách hạn chế tối thiểu các tác hại đó vẫn luôn được đặt ra. Bên cạnh các việc cần phải giải quyết của cơ quan quản lý chức năng, các nhà môi trường học..., giới y tế cũng bắt tay vào cuộc.

Phát hiện mới vừa công bố trên tờ International Journal of Sustainable Transportation (Anh) đã phát hiện hướng giải quyết khá thú vị và đơn giản: điều chỉnh tốc độ phù hợp khi đạp xe.

Khi đạp xe nhanh, gấp, việc thở sâu sẽ đưa nhiều các chất ô nhiễm vào cơ thể. Nhưng mâu thuẫn là nếu đạp chậm thì việc tiếp xúc với ô nhiễm sẽ lâu hơn cũng như tác động đến sức khỏe sẽ ít hơn.

Nghiên cứu thực hiện trên 10.000 người sau khi tiến hành các khảo sát, đo đạc... đã đưa ra khuyến cáo tốc độ phù hợp cho người tập thể dục với xe đạp. Tốc độ trung bình được đề nghị là từ 12km/h đến 20km/h khi đạp xe trên đường bằng phẳng.

Tuy nhiên có chút xê dịch giữa giới tính, tuổi tác và điều gây ngạc nhiên là các nhà khoa học khuyên người lớn tuổi nên đạp nhanh hơn một tí! Cụ thể, tốc độ tối thiểu cho thiếu niên dưới 20 tuổi là 12,5km/h (nữ) và 13,4km/h (nam).

Trên độ tuổi đó, tốc độ khuyến cáo là 15km/h. Giáo sư Alex Bigazzi, Đại học British Columbia (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Khá thú vị là các tốc độ này nằm trong giới hạn, cũng như tốc độ bình thường của người đi xe đạp nên rất dễ thực hiện”.

Chưa có nghiên cứu tương tự nào được tiến hành ở Việt Nam. Môi trường và thể trạng người Việt cũng khá khác biệt với bên trời Âu.

Nhưng những thông tin này cũng sẽ rất hữu ích cho việc tham khảo của những người đạp xe vì sức khỏe, cũng như cho các nhà khoa học nước nhà tham chiếu. Hi vọng sẽ sớm có những nghiên cứu cũng như kết quả được công bố, để giúp việc nâng cao thể trạng người Việt ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận