Thế hệ bác sĩ mới cho nhân loại

TRƯỜNG SƠN 06/01/2017 21:01 GMT+7

TTCT - Nhiều công ty đã chi hàng tỉ USD đầu tư cho trí tuệ nhân tạo trong y học và những quả ngọt đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện, mang lại lợi ích cho người bệnh.

Bác sĩ AI
 

 

Khi máy tính “đi học trường y”

Theo tạp chí HealthLeaders ngày 29-11, nếu ứng dụng quen thuộc nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) trong y khoa chỉ là dạy máy móc cách chẩn đoán một vài chứng bệnh nhất định thì IBM, cha đẻ hệ thống AI nổi tiếng Watson, đã đưa mọi thứ lên tầm cao mới.

IBM “cho Watson đi học trường y” bằng cách “nạp” vào hệ thống số lượng y văn cực lớn để nó “học mọi thứ mà các sinh viên y khoa được học về tình trạng bệnh tật cũng như cách đưa ra chẩn đoán”.

Cụ thể, Watson có thể đọc hồ sơ bệnh án điện tử, phân tích hình ảnh và thậm chí trình tự gen của khối u ung thư để đưa ra kế hoạch điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân cụ thể.

Nhờ được “cho học y khoa”, hồi tháng 8 Watson đã giúp các bác sĩ Đại học Tokyo xác định một dạng bệnh bạch cầu hiếm gặp ở một phụ nữ 60 tuổi.

Theo tạp chí Fortune ngày 2-11, Watson đã thắng cả bác sĩ là con người trong trường hợp này nhờ đã đọc qua và ghi nhớ thông tin từ 20 triệu nghiên cứu sẵn có về ung thư.

Watson tra cứu thông tin di truyền của bệnh nhân với cơ sở dữ liệu của mình và tìm thấy các mẫu tương tự, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác.

Để làm điều này theo cách truyền thống, có thể phải mất hàng ngàn giờ công của nhiều chuyên gia khoa học có trình độ cao kèm theo chi phí khủng. Ấy là chưa kể các bác sĩ và nhà khoa học buộc phải ngưng công việc chính của họ để “ngụp lặn” trong khối dữ liệu khổng lồ đó.

“Nếu các công ty công nghệ có thể tiếp tục hoàn thiện các giải pháp AI có thể cho ra kết quả chính xác với giá phải chăng, việc AI được sử dụng phổ biến trong các trường hợp tương tự chỉ là vấn đề thời gian” - Fortune bình luận.

health data
cơ sở dữ liệu cho bác sĩ AI

 

Google cũng vừa đạt thành tựu mới khiến trang tin công nghệ BGR phải giật tít: “Đừng hoảng nhé, AI của Google đã thông minh hơn bác sĩ rồi đó”.

Trang Quartz, điềm tĩnh hơn, chỉ bình luận đơn giản: “Google vừa chứng minh AI có thể định hình lại ngành y”. Mọi chuyện bắt nguồn từ bài báo do đội ngũ AI của Google công bố trên tạp chí y khoa uy tín JAMA hôm 29-11 rằng họ đã tạo ra thuật toán có thể chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường hiệu quả hơn cả con người.

Theo bài báo do Google công bố, thuật toán kết hợp công nghệ neural network (máy tính mô phỏng não người) và deep learning được “huấn luyện” bằng cách tiếp nhận 128.000 ảnh chụp võng mạc để học cách xác định dấu hiệu của bệnh.

Sau khi “tu nghiệp” xong, Google AI được yêu cầu phân tích 10.000 ảnh chụp võng mạc hoàn toàn mới để chỉ ra đâu là hình ảnh của người có nguy cơ bị mù do đái tháo đường. Kết quả, Google đạt hệ số F (đo độ chính xác trong thống kê) là 0,95/1, cao hơn mức trung bình 0,91 của nhóm 8 bác sĩ nhãn khoa được mời phân tích cùng nhóm dữ liệu nói trên.

Thí nghiệm của Google được tạp chí chuyên ngành có uy tín chứng nhận và thật sự ấn tượng bởi nó có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực y học khác vốn đang thiếu chuyên gia.

Chính tạp chí JAMA cũng cho rằng các thuật toán của Google, nếu tiếp tục được hoàn thiện, “hoàn toàn có thể định hình lại nhiều khía cạnh trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, bởi chúng có thể được dùng để phân tích một số lượng lớn hình ảnh từ các bệnh viện trên toàn thế giới, cho phép các bác sĩ tập trung vào chuyên môn (thay vì mất thời gian xem và phân tích ảnh)”.

Có tin được bác sĩ AI?
Có tin được bác sĩ AI?

 

Bác sĩ bỏ túi

Chatbot hoàn toàn có thể trở thành bác sĩ tư vấn để người dùng dễ dàng hỏi ý kiến mọi lúc mọi nơi. Đó là ý tưởng của hai công ty khởi nghiệp cùng có trụ sở tại London: Your.MD và Babylon Health.

Theo trang Digital Trends, hai công ty này tin rằng quy trình khám bệnh hiện quá bất tiện cho cả bác sĩ lẫn người khám. Chúng ta hẳn từng nhiều lần thấy không khỏe, nhưng lười đi khám vì nghĩ rằng chỉ cần nghỉ ngơi chút là được.

Và dù đã đi khám, đôi khi ta lại không đủ kiên nhẫn làm theo lời khuyên bác sĩ đến cùng. Giải pháp của Your.MD và Babylon Health là xây dựng các chatbot có thể hỏi thăm các triệu chứng của người dùng và đưa ra tư vấn, giúp người bệnh không cần đến bác sĩ mà chỉ cần ngồi nhà “chat” với “bác sĩ AI” trên điện thoại.

Dĩ nhiên để làm thế, dữ liệu của “đốc tờ ảo” phải cực kỳ đáng tin cậy bởi sai sót dù nhỏ nhất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Your.MD tuyên bố đã xây dựng được “bản đồ y học” lớn nhất thế giới, theo kiểu liên kết các triệu chứng và loại bệnh.

Tại hội thảo về công nghệ deep learning ở London hồi cuối tháng 9, CEO Matteo Berlucchi của Your.MD đã minh họa một buổi được “bác sĩ AI” khám bằng cách chat với ứng dụng, trả lời các câu hỏi của bác sĩ ảo về tuổi tác, giới tính, thấy không khỏe chỗ nào...

Bộ óc nhân tạo của Your.MD có thể dựa vào các thông tin đó mà đặt câu hỏi (với kho từ vựng y khoa phong phú) chính xác, đúng với tình trạng của từng bệnh nhân. Sau khi đã liên kết được triệu chứng của bệnh nhân với một chứng bệnh cụ thể, Your.MD sẽ truy xuất vào dữ liệu của NHS (Dịch vụ y tế quốc gia của Vương quốc Anh) và đưa ra lời khuyên điều trị.

Trong khi đó, Babylon Health ôm mộng xây dựng “AI y khoa chính xác nhất thế giới” cũng với hình thức chatbot tương tự. Digital Trends cũng thuật lại minh họa do Ali Parsa, CEO của Babylon Health, thực hiện với tình huống “tái khám” chứng nhức đầu sau lần khám trước đó.

Babylon Health, như một bác sĩ được đào tạo bài bản, vẫn còn nhớ những gì đã tiếp nhận trong lần khám trước, tiếp tục đặt thêm các câu hỏi để nắm rõ bệnh tình. Cuối cùng, “bác sĩ ảo” kết luận dù chứng nhức đầu của Parsa gây khó chịu nhưng cũng đừng quá lo và đề nghị đặt lịch bác sĩ (thật) giúp nếu ông muốn.

AI có đáng tin
Sẽ là trợ lý đắc lực cho bác sĩ

 

Vẫn không thay thế con người

Google đang làm việc với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan để kiểm nghiệm lâm sàng cho thuật toán của mình. Nếu vượt qua được thử thách này, AI sẽ thật sự được áp dụng thực tế tại các bệnh viện.

Những tiến bộ của AI trong y khoa có khiến bác sĩ mất việc? Tờ Business Insider đặt câu hỏi như thế trong bài viết ngày 30-11 và rồi trấn an giới thầy thuốc rằng không phải thế, bởi AI chỉ là công cụ hữu hiệu giúp ích thêm cho bác sĩ, chứ không thay thế họ.

Business Insider dẫn một bài báo trên tạp chí JAMA cho rằng các bác sĩ X-quang và bệnh lý học không cần phải lo sợ AI, mà phải từng bước thích ứng với nó.

Bài báo cũng khẳng định dưới tác động của AI, “các việc làm (trong ngành y) không mất đi, mà chỉ là các vai trò được định nghĩa lại”. Theo đó, con người sẽ nhường một số việc cho AI để có thể chuyên chú vào các trọng trách bắt buộc phải có yếu tố con người.

Kyu Rhee, giám đốc y tế của IBM Watson Health, cũng khẳng định vai trò của “đốc tờ AI” không phải là thay thế con người, mà là bổ sung cho họ.

“Vai trò của bác - sĩ - con - người là tạo dựng các mối quan hệ (với bệnh nhân) nhờ vào các kỹ năng của họ (đạo đức, lòng trắc ẩn, khả năng trừu tượng, khái quát hóa) và công nghệ sẽ củng cố các mối quan hệ này thay vì làm mọi thứ khó khăn hơn” - Rhee kết luận.

Dẫu cho công nghệ thay thế bác sĩ không còn là mối lo, không có gì ngạc nhiên nếu có người hồ nghi sự hiệu quả của AI trong ngành y khoa.

Trong chuyện khám bệnh, ngoài chuyên môn, trực giác của bác sĩ cũng rất quan trọng, mà đây lại là điều máy móc dù thông minh đến mấy cũng không có được.

“Bác sĩ AI có thể sẽ quá nhạy cảm và cho rằng tình trạng của bệnh nhân trầm trọng hơn thực tế, và ngược lại cũng sẽ có lúc AI kém nhạy cảm, dẫn đến chẩn đoán sai lệch nghiêm trọng” - tạp chí MIT Technology Review dẫn lời một chuyên gia cảnh báo.

Trên thực tế, phản ứng của giới y khoa với các tiến bộ AI có thể gọi là tích cực. Watson đang được sử dụng để đề xuất cách điều trị ung thư tại các vùng nông thôn ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, nơi khan hiếm bác sĩ ung thư, theo Deborah DiSanzo - giám đốc điều hành IBM Watson Health.

Google cũng vừa đạt thỏa thuận với NHS để giành quyền tiếp cận dữ liệu của hơn 1,6 triệu bệnh nhân, nhằm cảnh báo kịp thời cho các chuyên viên y khoa mỗi khi người bệnh có chuyển biến xấu. Dù gây quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin, dự án này sẽ giúp bác sĩ giảm nửa triệu giờ làm việc với giấy tờ và phát hiện bệnh nhanh hơn, vì “AI của Google hiểu bạn đủ đến mức có thể cứu mạng bạn”. ■

 

Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật vừa công bố sẽ phát triển hệ thống chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị ung thư sử dụng AI trong vòng 5 năm tới. Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng ký hợp đồng 5 năm với Công ty Flow Health để đưa bác sĩ AI thăm khám cho các cựu binh. Flow Health được phát triển dựa trên công nghệ deep learning, lưu trữ dữ liệu di truyền học của các cựu binh, từ đó phát hiện những nguy cơ phát bệnh và đưa ra tư vấn điều trị kịp thời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận