Thủy trị liệu: những hiệu quả bất ngờ

ĐỨC TÍN TỔNG HỢP 15/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT- LTS: Theo yêu cầu của bạn đọc sau bài viết dùng luyện tập thể thao để trị liệu và phục hồi sức khỏe trên TTCT số 11 (ra ngày 26-3), kỳ này mời bạn đọc tham khảo về phương pháp thủy trị liệu.

Phương pháp thủy trị liệu hiệu quả không ngờ

Thủy trị liệu là quá trình sử dụng nước để điều trị bệnh và duy trì sức khỏe. Khả năng chữa lành của nước nhờ vào những đặc tính riêng biệt của nó.

Với khả năng giữ nhiệt và năng lượng rất tốt, nước là môi trường lý tưởng khi cần làm nóng hoặc làm lạnh một mô hoặc một vùng cơ thể.

Khi có dòng nước luân chuyển tác dụng lên các bề mặt cơ thể, các thụ cảm thần kinh sẽ được kích thích giúp gia tăng tuần hoàn máu đến vị trí cần tác động, đồng thời tẩy đi các lớp tế bào chết trên da.

Ngoài ra, thủy trị liệu còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi chức năng ở các bệnh nhân có tổn thương khớp nhờ lực đẩy Archimedes, khiến trọng lượng cơ thể giảm đi khi người bệnh nằm trong môi trường nước. Mặt khác, áp suất nước còn được áp dụng trong điều trị triệu chứng phù nề.

Có từ bao giờ?

Thật ra, thủy trị liệu không hề mới mẻ. Liệu pháp này đã xuất hiện từ thời cổ đại. “Ông tổ nghề y” người Hi Lạp Hippocrates (460-370 TCN) đã biết chỉ định cho bệnh nhân ngâm mình trong dòng nước suối để điều trị một số bệnh lý.

Thời La Mã cổ đại, cư dân thường tìm đến những hồ tắm công cộng mỗi khi bệnh tật. Còn tại các nước Á Đông, trị bệnh bằng nước đã được đề cập đến từ thời xa xưa.

Tuy nhiên phải đến thế kỷ 18, thủy trị liệu mới có một chỗ đứng chính thức trong y văn. Năm 1797, bác sĩ James Currie (Anh) xuất bản một quyển sách bàn về trị liệu sốt và một số bệnh bằng nước nóng và lạnh.

Đây là tác phẩm đầu tiên ghi nhận việc sử dụng cơ sở khoa học để chứng minh tác dụng của thủy trị liệu. Vincent Preissnitz (1799-1851) được coi như người khởi xướng sự trở lại của thủy trị liệu.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, Preissnitz mở phòng khám thủy trị liệu đầu tiên vào năm 1826 với một liệu trình nhấn mạnh dinh dưỡng, tập luyện và uống nước bên cạnh những bài thuốc y học thông thường.

Đến năm 1840, số lượng bệnh nhân thường xuyên tại phòng khám của Preissnitz đã lên đến 1.600, trong đó có cả nhiều đồng nghiệp bác sĩ, chính trị gia nổi tiếng và quan chức quân đội thời bấy giờ. Phương pháp thủy trị liệu của Preissnitz trở nên nổi tiếng khắp châu Âu và đặt nền móng cho sự bén rễ của nó tại vùng đất mới được khai phá lúc bấy giờ là Mỹ.

Những năm Đệ nhất thế chiến, tọa lạc tại công viên Heaton thuộc thành phố Manchester, miền bắc nước Anh là một trại phục hồi chức năng dành riêng cho thương binh.

Người ta đặt tên cho nơi này là “Hồ Bethesda”, phỏng theo một địa điểm trong Kinh thánh nơi Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. Cơ sở điều trị tại Manchester đã thành công trong việc áp dụng thủy trị liệu để phục hồi chức năng các vùng cơ thể bị tổn thương của binh sĩ.

Ban đầu, hiệu quả điều trị không đạt được như mong muốn khi một số bệnh nhân cho biết cảm giác suy nhược chỉ mất đi trong thời gian đầu điều trị, trong khi một số binh lính hoàn toàn không đáp ứng điều trị.

Phải mất một thời gian, người ta mới thu được kết quả tốt hơn bằng cách bắt đầu những bài tập “tăng sức mạnh” mà không cần phải chờ đợi tổn thương hồi phục hoàn toàn. Tiến bộ rõ rệt nhất có thể nhận thấy được ở những bệnh nhân được điều trị tại bồn tắm thủy lực ở đây: hơn 90% bệnh nhân sau khi xuất viện có thể bắt đầu tham gia huấn luyện trở lại trong quân ngũ ngay mà không gặp phải khó khăn gì.

Hiệu quả không chỉ cho bệnh khớp

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, nước đã trở thành yếu tố quan trọng trong y văn chính thức ở rất nhiều chuyên khoa. Một tập hợp các nghiên cứu từ năm 1986 đến 2012 do Viện Y tế quốc gia (Mỹ) đã đưa ra nhiều bằng chứng về tác dụng của nước theo y học hiện đại.

Đối với các bệnh nhân suy tim mãn tính, chức năng của tim cải thiện rõ rệt sau khi họ được tắm nước nóng và xông hơi khô (sauna) ở nhiệt độ 60°C trong 15 phút.

Bệnh nhân có thể đi bộ thêm 6 phút mà không xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở hay đau thắt ngực. Ngoài ra, cholesterol máu cũng thay đổi tích cực sau thời gian điều trị: mức LDL (cholesterol “xấu”) giảm, còn HDL (cholesterol “tốt”) tăng rõ rệt.

Đây là dấu hiệu tốt trong việc phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ. Các bài tập dưới nước cũng được chú ý nhiều trong trị liệu các bệnh lý cơ xương khớp. Đi bộ dưới nước làm tăng hoạt động của cơ dựng cột sống và cơ thẳng đùi, có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi chức năng sau khi bị yếu liệt chi do bệnh lý dây thần kinh hoặc đột quỵ.

Đối với các bệnh nhân béo phì, việc lựa chọn bài tập không hề đơn giản vì trọng lượng cơ thể lớn sẽ ảnh hưởng xấu đến xương và khớp, nhất là ở chi dưới, khi thực hiện các bài tập trên cạn. Việc tập các bài tập đi bộ dưới nước và bơi lội chính là giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Một mặt, trọng lực sẽ bị triệt tiêu bởi lực cản của nước, làm giảm ảnh hưởng của việc tập luyện lên hệ xương khớp. Mặt khác, sức cản tăng trong môi trường nước sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ đắc lực trong việc giảm cân.

Ngoài ra, ngâm nước lạnh (dưới 15°C) đã được chứng minh giúp làm giảm tình trạng đau nhức cơ sau luyện tập.

Mức độ giảm này nhiều hơn so với việc chỉ nghỉ ngơi hoặc can thiệp thụ động bằng massage. Nước lạnh làm giảm nồng độ lactate trong huyết tương, vốn là chất gây mỏi cơ, đau cơ sau tập luyện.

Ngoài ra, liệu pháp ngâm nước nóng - lạnh xen kẽ cũng có tác dụng tốt trong giảm đau, giảm nhức mỏi. Nhiệt độ và áp suất nước có thể làm giảm đau cho bệnh nhân.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2005 của bác sĩ Tamas Bender (Hungary), sau 40 buổi tập luyện thái cực quyền (Tai Chi) dưới nước, các bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng đã cải thiện tình trạng đau nhức, co thắt, trầm cảm và suy nhược.

Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên 11 bệnh nhân mắc bệnh Parkinson tại Tây Ban Nha năm 2011, nhằm mục đích so sánh hiệu quả vật lý trị liệu trên cạn và dưới nước.

Theo đó, vật lý trị liệu dưới nước cho kết quả toàn diện hơn, mức độ mất thăng bằng tư thế cũng được cải thiện hơn so với trên cạn.

Các phương pháp thủy trị liệu, đặc biệt là hồ thủy lực, còn được cho là có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý bệnh nhân. Một nghiên cứu thực hiện trên 40 người lớn khỏe mạnh đã cho thấy sau khi ngâm mình 10 phút dưới hồ thủy lực, họ không chỉ cảm thấy khỏe khoắn hơn mà cảm giác âu lo cũng được cải thiện đáng kể.

Thủy trị liệu với nước lạnh cũng cho thấy hiệu quả đối với các rối loạn trầm cảm, nhờ tác động của nó lên hệ thống thụ thể lạnh dày đặc dưới da. Khi bị kích thích bởi nước lạnh, các thụ thể này sẽ truyền hàng loạt xung điện về não, tạo nên hiệu ứng tương tự như khi sử dụng thuốc chống trầm cảm mà lại không gây tác dụng phụ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận