Giảm uống thuốc nhờ bản năng sinh tồn

ĐỨC TÍN 05/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT - Cắt giảm lượng thuốc bệnh nhân cần uống mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn là hứa hẹn của một phương pháp điều trị vận dụng khả năng phản xạ tự nhiên của con người.

Bí quyết của phương pháp này là “dạy” cơ thể cách phản xạ với việc uống thuốc để về sau chỉ cần kích thích cho phản xạ này lặp lại nhằm đạt được hiệu quả tương tự mà không cần đến thuốc nữa
Bí quyết của phương pháp này là “dạy” cơ thể cách phản xạ với việc uống thuốc để về sau chỉ cần kích thích cho phản xạ này lặp lại nhằm đạt được hiệu quả tương tự mà không cần đến thuốc nữa


Đúng 9h mỗi sáng, cô Barbara Nowak yên vị trong căn bếp của mình ở thị trấn Sprockhövel, miền bắc nước Đức để dùng một “bữa sáng” đặc biệt. Thực đơn của nhà địa chất học 46 tuổi này là các loại thuốc ức chế miễn dịch uống hai lần mỗi ngày để tránh đào thải quả thận cô nhận từ một người hiến tạng nhiều năm trước.

Nhưng “bữa sáng” hôm nay có một thay đổi nhỏ. Trước khi uống thuốc, cô Nowak “khai vị” bằng một ly nước có vị ngọt đắng, màu xanh lục và thơm nồng mùi hoa oải hương.

Công thức nước đặc biệt này là một phần của nghiên cứu lâm sàng đang được các nhà khoa học tại ĐH Essen (Đức) tiến hành để thử nghiệm phản xạ có điều kiện ở người, như một phương pháp để cắt giảm lượng thuốc mà người bệnh phải sử dụng, từ đó hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn và tiết kiệm hàng tỉ USD chi phí y tế mỗi năm.

Bí quyết của phương pháp này là “dạy” cơ thể cách phản xạ với việc uống thuốc - bằng cách cung cấp cho cơ thể những chỉ dấu, mà trong trường hợp của cô Nowak là thứ nước màu xanh cô uống trước mỗi cữ thuốc - để về sau chỉ cần kích thích cho phản xạ này lặp lại nhằm đạt được hiệu quả tương tự mà không cần đến thuốc nữa.

Trợ giúp tuyệt vời của bản năng sinh tồn

Nghiên cứu của ĐH Essen là bước tiến mới nhất của phương pháp này, được tiến hành trên người lần đầu tiên cách đây gần 35 năm.

Năm 1983, cô bé Marette Flies ở bang Minnesota (Mỹ) được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ quái ác, khiến chính hệ miễn dịch của em quay sang tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Khi ấy, Marette tròn 11 tuổi. Khi bệnh phát triển đến giai đoạn suy tim, các bác sĩ của Marette không còn cách nào khác phải viện đến Cytoxan, một loại thuốc ức chế hệ miễn dịch cực mạnh nhưng cũng cực độc.

Họ đứng trước lựa chọn khó khăn: một liều Cytoxan đủ cao để đẩy lùi căn bệnh lupus cũng có khả năng giết chết cô bé bởi độc tính cực mạnh của nó.

Trong hoàn cảnh đó, mẹ của Marette như vớ được phao cứu sinh cho con mình khi được sự đồng ý giúp đỡ từ Robert Ader - nhà tâm lý học ở New York khi đó đang tìm kiếm bệnh nhân để thử nghiệm phương pháp mới của ông.

Được sự chấp thuận của hội đồng y khoa bệnh viện nơi Marette điều trị, Ader cùng bác sĩ nhi khoa trực tiếp điều trị cho cô bé là Karen Olness cho em uống dung dịch dầu gan cá tuyết và ngửi hương hoa hồng trong lúc thuốc Cytoxan được truyền theo đường tĩnh mạch vào cơ thể em.

“Chúng tôi phải nghĩ ra một sự kết hợp mùi vị đặc biệt mà cô bé chưa từng trải nghiệm qua bao giờ” - bác sĩ Olness giải thích.

Marette vẫn được cho uống dầu gan cá tuyết và ngửi hương hoa hồng đều đặn hằng tháng, nhưng tần suất truyền Cytoxan giảm xuống chỉ còn 3 tháng/lần. Như vậy trong vòng một năm, Marette được truyền tổng cộng 6 liều Cytoxan thay vì 12 liều như bình thường.

Những tế bào khỏe mạnh từng bị hệ miễn dịch của em hủy hoại dần xuất hiện trở lại, huyết áp của em trở lại mức bình thường và sau một thời gian điều trị, Marette đã hồi phục hoàn toàn và trở lại trường học. Cơ sở khoa học của hiện tượng này là gì?

Nếu từng bị trúng thực sau khi ăn một món ăn nào đó, chắc hẳn bạn cũng thấy phải mất một thời gian rất lâu sau đó mới tìm lại được cảm giác thèm ăn loại thức ăn đó. Hiện tượng này mang một ý nghĩa sinh tồn: nó giúp cơ thể tránh xa các loại thực phẩm từng khiến ta bị ngộ độc.

Năm 1975, Ader đã nghiên cứu hiện tượng này trên loài chuột và đi đến một khám phá bất ngờ. Trong thí nghiệm của mình, Ader cho các chú chuột uống nước đường có pha Cytoxan khiến chúng cảm thấy không được khỏe.

Như đã dự đoán trước, lũ chuột từng bị bệnh vì nước đường không dám đụng vào nó nữa dù những lần sau Ader không còn thêm Cytoxan vào. Khi ông cố tình ép chúng uống nước đường (không có Cytoxan) thì thật bất ngờ, lần lượt từng con một lăn ra chết.

Hóa ra khi lũ chuột uống nước đường có chứa Cytoxan, cơ thể chúng không chỉ liên kết vị ngọt với cảm giác khó chịu, mà còn với sự ức chế miễn dịch do Cytoxan gây ra.

Đến khi các chú chuột bị ép uống nước đường nguyên chất, hệ miễn dịch của chúng cũng bị ức chế như thể có sự hiện diện của Cytoxan, khiến chúng bị nhiễm trùng mà chết. Nói cách khác, sự hình thành phản xạ có điều kiện với vị ngọt của nước đường đã khiến chúng “không uống mà như uống” Cytoxan.

Kết quả nghiên cứu của Ader mang tính đột phá ở chỗ nó cho thấy loại phản xạ này không chỉ biểu hiện ra bên ngoài (như chóng mặt, tim đập nhanh hay tăng tiết nước bọt) mà còn ảnh hưởng đến những chức năng bên trong của cơ thể, đơn cử như chức năng miễn dịch.

Ader tin rằng hệ miễn dịch không hoạt động độc lập, mà chịu sự điều khiển nhất định từ bộ não. Nghiên cứu của Ader vào thời điểm đó bị xem là “điên rồ”. Phải mất nhiều năm sau khi Ader xuất bản những kết quả nghiên cứu của mình, mới có một nhà khoa học tìm ra được bằng chứng cho sự tồn tại của mắt xích còn thiếu đó trong công trình của ông.

David Felten - nhà thần kinh học tại trường Y, ĐH Indiana (Mỹ) - đã dùng kính hiển vi có độ phóng đại cực cao theo dõi đường đi của các dây thần kinh trong cơ thể chuột, phát hiện hệ thần kinh tự trị - mang nhiệm vụ điều khiển các chức năng cơ thể như nhịp tim, huyết áp và tiêu hóa - cũng kết nối đến các cơ quan miễn dịch như lá lách và tuyến ức.

Phát hiện này khiến Felten cùng các cộng sự kinh ngạc đến nỗi họ suýt chút nữa đã không dám công bố nghiên cứu của mình vì sợ có gì đó sai sót, Felten thú nhận trong một bài phỏng vấn với Đài PBS.

Nhưng cuối cùng khám phá của ông được thừa nhận, Felten được ghi nhận là một trong ba nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu mới có tên gọi Tâm lý thần kinh miễn dịch học (psychoneuroimmunology) bên cạnh Ader và một cộng sự của ông là Nicholas Cohen.

Chỉ cần cắt giảm 20-30% liều thuốc là đã có thể cải thiện đáng kể cuộc sống bệnh nhân, cũng như kéo dài tuổi thọ của thận ghép lên 12-15 năm
Chỉ cần cắt giảm 20-30% liều thuốc là đã có thể cải thiện đáng kể cuộc sống bệnh nhân, cũng như kéo dài tuổi thọ của thận ghép lên 12-15 năm

 

Triển vọng cho ghép tạng

Trở lại thí nghiệm đầu bài, trưởng nhóm nghiên cứu Manfred Schedlowski cho biết trong số các bệnh nhân tình nguyện tham gia thí nghiệm, thứ thức uống màu xanh có thể tạo ra phản xạ ức chế miễn dịch tương đương 60-80% tác dụng của thuốc thật.

Cùng điều hành thí nghiệm với Schedlowski là bác sĩ Oliver Witzke (chuyên ngành niệu). “Khoảng 10% các ca hiến tạng bị cơ thể người nhận đào thải trong năm đầu tiên” không chỉ vì hoạt động của hệ miễn dịch, mà còn do hoạt lực của các loại thuốc chống đào thải, Witzke cho biết.

Một trong những tác dụng phụ đáng ngại nhất của các thuốc này là độc tính trên thận: chúng có khả năng phá hủy trực tiếp các tế bào thận, khiến tuổi thọ trung bình của một quả thận ghép chỉ là 8-10 năm, bác sĩ Witzke cho biết.

Giấc mơ của bất kỳ bác sĩ ghép tạng nào là bệnh nhân không cần phải uống thứ thuốc có thể gây tổn thương tạng ghép” - ông nói.

Dù giấc mơ hãy còn xa, Schedlowski và Witzke tin rằng với phương pháp này, liều thuốc chống đào thải mà bệnh nhân cần uống có thể được cắt giảm đáng kể mà vẫn giữ được hiệu quả điều trị ổn định.

Chỉ cần cắt giảm 20-30% liều thuốc là đã có thể cải thiện đáng kể cuộc sống bệnh nhân, cũng như kéo dài tuổi thọ của thận ghép lên 12-15 năm.

Không những vậy, việc cắt giảm lượng thuốc nói chung còn giúp giảm các tác dụng phụ không mong muốn, tạo điều kiện tiếp cận các phương pháp điều trị đắt tiền cho những bệnh nhân không có đủ tiềm lực tài chính, cũng như tiết kiệm hàng tỉ USD chi trả bảo hiểm y tế mỗi năm cho các chính phủ.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi mà các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này đang cố gắng đi tìm câu trả lời.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt với phương pháp điều trị kết hợp phản xạ có điều kiện, nhưng một số người lại hoàn toàn không đạt được phản xạ như mong muốn, hay chỉ phản xạ rất yếu ớt” - Schedlowski nhận định.

Trong những nghiên cứu riêng, Schedlowski nhận thấy những người hay lo lắng hoặc dễ bị stress có phản xạ tốt hơn người bình thường, do đó ông ngờ rằng tính hiệu quả của phương pháp này còn được quyết định bởi hệ thần kinh giao cảm.

Một hướng nghiên cứu tiềm năng khác là ngoài miễn dịch ra thì những chức năng khác trong cơ thể, ví dụ chức năng sinh lý, liệu có thể được “dạy” cách phản xạ có điều kiện tương tự hay không? Vẫn còn cần nhiều thời gian nghiên cứu trước khi các liệu trình điều trị bằng phản xạ có điều kiện được ứng dụng lâm sàng rộng rãi, nhưng Schedlowski lạc quan rằng những lợi ích của nó là quá to lớn để người ta không thể ngó lơ mãi. ■

Schedlowski tin rằng sớm nhất trong vòng một thập kỷ nữa, phương pháp này sẽ có mặt thường xuyên trong các phác đồ điều trị bằng thuốc cho nhiều tình trạng bệnh khác nhau. Ông còn dự đoán các công ty dược phẩm sẽ có lúc đưa ưu điểm của phương pháp này vào chiến lược marketing cho các sản phẩm dược của công ty mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận