Bác sĩ không hoàn hảo

BS TRẦN VĂN PHÚC 12/07/2017 21:07 GMT+7

TTCT - Phải nói là cảm xúc của đa số người làm việc trong lĩnh vực y tế bùng nổ sau khi một bác sĩ bị công an khởi tố và bắt giam vì sai sót chuyên môn.

không chú thích
 

 

Nếu nhìn ở góc độ luật pháp, cơ quan công an đã làm đúng chức trách. Nếu căn cứ những thông tin báo chí đã đưa, bác sĩ (BS) L. không cố ý làm hại bệnh nhân.

Vậy đâu là ranh giới để phân định BS phạm tội hay không phạm tội? Sẽ rất khó để có câu trả lời thỏa đáng ở thời điểm hiện tại.

Nhưng với vai trò là một BS đã nhiều năm làm công tác chuyên môn, đối diện với không ít cái chết của bệnh nhân, tôi xin chia sẻ ý kiến của mình để làm rõ vấn đề khi nào thì sai sót của BS sẽ bị quy trách nhiệm hình sự.

Bao nhiêu sai sót?

BS L. hay BS khác là những người am hiểu, được đào tạo bài bản ngay từ trong trường đại học, được đào tạo liên tục kiến thức y khoa đến hết cả cuộc đời. Môi trường làm việc ở bệnh viện nào cũng vậy, có những quy định chặt chẽ để ngăn ngừa những sai sót.

Đạo đức nghề nghiệp cũng được giáo dục thường xuyên, có sự giám sát và kiểm tra liên tục để đảm bảo BS không thực hiện những công việc gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.

Nhưng trong thực tế sai sót vẫn cứ xảy ra. Trong vụ việc cụ thể ở Hòa Bình, con số 8 bệnh nhân tử vong, 10 người nguy kịch may mắn thoát chết là minh chứng rõ nhất cho công việc hằng ngày của BS luôn tiềm ẩn những rủi ro.

BS không bao giờ hoàn hảo. Chẳng ai có thể đảm bảo chẩn đoán của mình luôn chính xác, không ai dám khẳng định y lệnh hay các thủ thuật mình đưa ra sẽ tránh được hết tai biến khi thực hiện.

Hãy thử hình dung trường hợp một BS trung bình mỗi ngày đưa ra khoảng 100 quyết định và y lệnh. Cứ thế nhân lên, trong khoảng 35 năm công tác sẽ có tới 900.000 nội dung BS này đưa ra được thực hiện trực tiếp với người bệnh.

Giả sử vị BS này là chuyên gia xuất chúng đi chăng nữa, tỉ lệ chính xác đến 99% thì cả cuộc đời làm BS vẫn xảy ra khoảng 9.000 sai sót. Và trong số ấy chắc chắn không thể tránh được những sai lầm chết người.

Nêu ý kiến ra đây không nhằm biện minh cho BS L., tôi chỉ nêu dữ kiện xảy ra trên thực tế mà bất kỳ BS nào cũng có thể gặp phải. Đó là rủi ro nghề nghiệp. Chỉ có tòa án mới có quyền kết tội.

Ranh giới mong manh?

Lịch sử y học toàn thế giới chưa bao giờ phân định được rõ ràng sai sót chuyên môn dẫn đến phạm tội hình sự cần phải truy tố. Hãy thử nhìn sang nước Mỹ xem thống kê của Đại học Harvard, mỗi năm có khoảng 98.000 người Mỹ chết do sai sót y tế.

Một nửa trong số đó là các lỗi mà BS có thể tránh được. Luật pháp Mỹ quy định khi bệnh nhân tử vong, BS có thể phải chịu trách nhiệm về sự sơ suất, tội ngộ sát hay tội giết người ở mức độ 2. Nhưng việc truy tố các BS về tội sơ suất dẫn đến chết người hiếm khi xảy ra.

Theo số liệu báo cáo của James A và Daine E, tròn hai thế kỷ (1809 - 2009), cả nước Mỹ có 30 BS phải ngồi tù do chính sai sót của mình gây ra.

Để truy tố một BS, công tố viên ở Mỹ không chỉ dựa vào hành vi sơ suất gây ra cái chết mang yếu tố hình sự, mà bắt buộc phải xem xét trạng thái tâm lý BS khi thực hiện các thủ tục y tế, bắt buộc phải tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên gia y tế.

Và như vậy vai trò cũng như tiếng nói của các hội nghề nghiệp thực sự rất quan trọng để quyết định có hay không truy tố BS tội hình sự.

Nguyên nhân trực tiếp để xảy ra những sai sót chết người thường vẫn là những lỗi cẩu thả và chủ quan cá nhân. Nếu kiểm tra quy trình nghiêm túc, có hồ sơ sổ sách bàn giao đầy đủ mới cho thực hiện, khả năng xảy ra sự cố sẽ thấp.

Sai sót xảy ra có thể do từng cá nhân, có thể do hệ thống quản lý. Lỗi hệ thống tôi đề cập ở đây là công tác “quản lý chất lượng - an toàn người bệnh” chưa được thực hiện, hoặc nếu có thực hiện thì không đến nơi đến chốn.

Nhìn chung, BS sẽ giỏi về xây dựng phác đồ chẩn đoán điều trị bệnh, nhưng lại không giỏi khi xây dựng quy trình làm việc.

Tài năng khám chữa bệnh của một BS phụ thuộc vào phác đồ mà BS nắm được. Sức mạnh của một bệnh viện phụ thuộc vào quy trình làm việc mang tên “quản lý chất lượng - an toàn người bệnh”.

Ở đâu không có quy trình hoặc quy trình xây dựng không đúng chuẩn chất lượng, ở đó từ lãnh đạo đến nhân viên sẽ làm việc theo cảm tính, đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những sai sót đôi khi trở thành thảm họa.

Như đã đề cập, sai sót y khoa không hiếm. Điều gì sẽ xảy ra nếu BS vì sợ sơ suất chuyên môn làm chết bệnh nhân sẽ vướng vào vòng lao lý? Đứng trước những ca bệnh khó, BS nào sẽ tìm cách từ chối khéo, ai là người dám đứng ra chịu trách nhiệm nếu bệnh nhân có cơ hội được cứu sống dù mong manh?

Trên thế giới đến tận hôm nay, theo tôi biết, người ta không bỏ tù BS vì những sai lầm chuyên môn. Năm 1980, Tòa án tối cao Massachusetts (Mỹ) đã phải ra phán quyết: “Trường hợp BS sai nhưng vẫn được bảo vệ nếu hành động của BS dựa trên sự phán đoán có thiện chí tốt dành cho người bệnh”.

Cuối cùng, những người làm công tác chuyên môn chúng tôi rất mong mỏi khi mọi sự chưa rõ ràng, cơ quan công an không nhất thiết phải dùng đến biện pháp ngăn chặn bằng cách bắt giữ BS. Chúng tôi cũng mong cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án rất cẩn thận và tỉ mỉ khi phân tích hành vi phạm tội của BS.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận