Rung nhĩ, thường gặp và nguy hiểm

TTCT - Vào giữa tháng 7, một nghiên cứu trên tạp chí European Heart Journal đưa ra kết luận rằng những người làm việc trên 55 giờ/tuần sẽ gia tăng nguy cơ bị rung nhĩ.

không chú thích
 

 

Còn nhiều tranh luận xung quanh cách thức nghiên cứu chủ yếu trên người châu Âu này, nhưng cần biết rằng rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất và có thể khiến người bệnh tử vong hoặc bị tàn phế suốt đời. Chính vì vậy, việc hiểu biết và xử trí thích hợp với rung nhĩ sẽ giúp tránh được các biến chứng nặng nề.

Không coi thường dấu hiệu thoáng qua

Rung nhĩ là tình trạng buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất. Tình trạng này có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết, có thể là mãn tính.

Theo số liệu của Hội Tim mạch châu Âu, khoảng 3% người lớn trên 20 tuổi bị rung nhĩ và tỉ lệ này tăng lên trên 5% ở lứa tuổi trên 69. Trong năm 2010, ước tính trên thế giới có 20,9 triệu nam giới và 12,6 triệu nữ giới bị rung nhĩ.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây rung nhĩ là do lớn tuổi. Tỉ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, trung bình tỉ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi, nhưng tăng lên tới 1,5-2% ở người trên 80 tuổi.

Ngoài ra, một số tình trạng và bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh hẹp động mạch vành, bệnh van tim (thường nhất là bệnh hẹp van hai lá), nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật tim... cũng thường đưa đến rung nhĩ. Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng và việc điều trị càng khó khăn hơn nữa khi kèm theo rung nhĩ.

Rung nhĩ thường làm nhịp tim không đều và nhanh, khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập.

Điều này gây cho một số người các triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở... trong khi một số người khác lại không cảm nhận triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện rung nhĩ. Để xác định rung nhĩ, bác sĩ đo điện tim và sử dụng điện tâm đồ nhật ký nếu cần thiết.

Bên cạnh các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh, cần hết sức lưu tâm đến rung nhĩ vì rung nhĩ có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ và suy tim.

Trạng thái tâm nhĩ rung lên từng đợt mà không co bóp để tống máu vào tâm thất ở cuối thì tâm trương làm máu ứ lại và tạo nên dòng máu xoáy trong tâm nhĩ, đưa đến việc dễ hình thành nhiều cục máu đông trong tâm nhĩ.

Cục máu đông khi vào dòng máu có nguy cơ gây tắc mạch máu ở nhiều nơi, nếu tắc mạch máu ở não sẽ gây nhồi máu não. Thống kê cho thấy rung nhĩ là nguyên nhân gây ra khoảng 5% trường hợp nhồi máu não mỗi năm.

Ngoài ra, tình trạng rung nhĩ mãn tính khiến tim co bóp thiếu hiệu quả, lâu ngày sẽ đưa đến suy tim. Bệnh nhân suy tim kèm theo rung nhĩ có tỉ lệ tử vong gia tăng nhiều hơn đến 34%.

Đối phó với rung nhĩ

Nguyên tắc điều trị rung nhĩ bao gồm hai điểm chính: thứ nhất, đưa nhịp tim trở về nhịp tim bình thường là nhịp xoang hoặc kiểm soát tần số tim, thứ hai là ngăn ngừa hình thành huyết khối.

Với mục tiêu đầu, dựa vào thời gian mắc bệnh, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng biểu hiện, bác sĩ sẽ chọn lựa phương thức điều trị phù hợp, thường là dùng thuốc hoặc các phương pháp can thiệp như đốt rung nhĩ qua ống thông, sốc điện, phẫu thuật Maze...

Với mục tiêu thứ hai, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng đông, thường là Sintrom, để ngăn ngừa tạo huyết khối và phòng ngừa biến chứng do huyết khối.

Khi dùng thuốc kháng đông, người bệnh gặp phải nguy cơ xuất huyết tại các cơ quan nên cần lưu ý uống thuốc đúng theo toa bác sĩ đã cho và nhờ bác sĩ can thiệp ngay khi nhận thấy có dấu hiệu xuất huyết bất thường (chảy máu nướu răng tự nhiên hay khi đánh răng, chảy máu mũi, nổi vết bầm dưới da, đi tiêu phân đen sệt, ói ra máu, tiểu đỏ, lượng máu hành kinh ra nhiều...).

Trong cuộc sống, chúng ta nên áp dụng lối sống điều độ, lành mạnh để phòng ngừa các bệnh tim mạch cũng như tránh cho tình trạng rung nhĩ nặng nề hơn ở người bị rung nhĩ.

Trong sinh hoạt hằng ngày cần lưu ý: tuyệt đối không hút thuốc; nếu có các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này;

thường xuyên vận động và tập thể dục ở mức vừa sức; có chế độ ăn hợp lý, ăn lạt, ít mỡ, ăn nhiều chất xơ, không uống rượu bia (những chất kích thích này có thể làm xấu hơn các tình trạng rối loạn nhịp tim)...; tránh để thừa cân; sống vui khỏe, điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh để bị stress.

Cần lưu ý là không tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc thông thường, vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nhịp hoặc tương tác với thuốc chống loạn nhịp.

Một điều cần lưu ý là để có thể phát hiện sớm rung nhĩ hoặc các tình trạng rối loạn nhịp tim, mọi người được khuyến cáo thỉnh thoảng nên tự kiểm tra nhịp mạch của mình để phát hiện nhịp đập bất thường về tần số, cường độ.

Những đối tượng trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ tim mạch, người lớn trên 65 tuổi cần tầm soát bệnh tim mạch, trong đó xét nghiệm đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện rung nhĩ và rối loạn nhịp tim.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận