Giờ của người nghèo

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA 25/08/2013 17:08 GMT+7

TTCT - Sài Gòn là thành phố không ngủ. Từ sáng sớm đến chiều tối, từ chiều tối đến sáng sớm, đường phố không lúc nào vắng bóng người. Buổi sáng được xem bắt đầu cho một ngày mới của đa số người với xe cộ nghìn nghịt, chen chúc, bấm còi inh ỏi.

Phóng to
Minh họa: Salem

Người đi học, người đi làm, người chở con đi học rồi đi làm. Buổi chiều là lộ trình ngược lại. Còn ban đêm là giờ của hàng quán, phố xá, nhà hàng, vũ trường. Ngay cả giữa khuya vẫn nườm nượp khách của các hàng quán dành cho các tay chơi vừa ở các bar rượu, vũ trường ra. Nhưng có những giờ mà ra đường chỉ thấy người nghèo, của riêng người nghèo.

Đó là cái giấc từ 3 đến 5 giờ sáng, khi giấc ngủ đang chìm rất sâu và rất say trong từng căn nhà thì mịt mùng giữa đêm đen, một ngày mới đã bắt đầu cho hầu hết những người phải vất vả mưu sinh. Tôi nhớ cách đây hơn 30 năm, khi ngoại thành Sài Gòn chưa đô thị hóa như bây giờ, cứ đến giấc chừng 3 giờ sáng là tiếng xe bò bánh gỗ lóc cóc ngang nhà. Xe hướng về An Phú Đông cắt cỏ cho bò, xe ngược lên miệt Sông Bé lấy củi, xe ra miệt ngã tư Bình Phước làm ruộng sớm.

Đến giấc 4 giờ sáng là tiếng xe lam, xe ba gác nổ giòn giã, chiếc chở đầy hàng hóa chuẩn bị cho phiên chợ sớm, chiếc chờ nước đá ở mấy đềpô để đi phân phối quán xá. Còn quốc lộ 13 từ Lái Thiêu về cầu Bình Triệu là những xe đạp thồ chất ngất lu khạp mà những người đạp xe - không quá hiếm là những phụ nữ nhỏ nhắn lam lũ - còng lưng đạp. Nhiều lần tôi bắt gặp hơn chục chiếc xe đạp thồ, phía sau mỗi bên chở hai cái lu cỡ đại, đang dừng xe nghỉ mệt trước khi lên dốc cầu Bình Triệu.

Cái để chống xe là những thanh gỗ... đặc chủng vì chỉ cần sơ suất xe bị ngã bể lu là coi như cụt vốn làm ăn. Trời khuya lạnh căm mà ai cũng chỉ phong phanh một manh áo vá mà lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Rồi những chuyến xe của các nhà máy dệt chở công nhân đi về. Dưới mấy đám ruộng hai bên quốc lộ 13 thấp thoáng các chị, các bà đang quơ lưỡi hái cắt rau muống để kịp bỏ mối cho các chợ sáng sớm.

Bây giờ khác nhiều rồi nhưng cái giấc nửa đêm về sáng đó vẫn là giờ của người nghèo. Xe bò, xe lam, xe đạp thồ đã được thay bằng những chiếc xe gắn máy cũ kỹ kéo theo rơmoóc nhỏ tự chế chất đầy hàng hóa. Có lần nhìn phía sau đống hàng hóa đó là hai phụ nữ dựa vào nhau ngủ gà gật. Có lần tôi còn bắt gặp một chiếc Cup cánh én cũ chất đầy bao hàng phía trước và phía sau trên yên ngồi, và vắt vẻo trên những bao hàng đó là... một phụ nữ ngồi chông chênh.

Có lần tôi nhìn thấy những gương mặt ngủ gà gật trên xe buýt từ các chợ đầu mối về. Những bác xe ôm co ro trong manh áo mỏng. Mấy anh lái taxi gục đầu lên tay lái ngủ khi chờ khách. Và các cô các chị nón lá khăn rằn quấn mặt thồ từng cần xé hàng ì ạch đẩy xe đi ngược chiều trong bóng đêm chuẩn bị một ngày bán dạo xa.

Thành phố bao nhiêu năm vẫn vậy, vẫn cứ là thành phố không bao giờ vắng bóng người.

Che nắng

Đi chợ thường, tôi biết chị là người mới. Chị ngồi khép nép trong một khoảng trống nhỏ xíu giữa hai tiệm tạp hóa của chợ. Nhìn hàng chị bán mà ái ngại: những bịch yaourt nhỏ xíu trong một thùng đá nhỏ xíu. Không biết có ai mua không và mỗi phiên chợ như vậy chị kiếm được bao nhiêu. Da chị xanh rớt, giọng chị miền Tây, ngọt và nhỏ nhẹ.

Có ai hỏi, chị hồ hởi giới thiệu: “Ba ngàn một bịch cô, màu vàng là yaourt chanh dây, màu hồng là yaourt dâu, màu trắng là sữa tươi. Tui làm đàng hoàng lắm cô, không bỏ bậy bạ gì đâu. Hôm nay tui có bán thêm me ngào đường, chè chuối. Tui nấu nước dừa đàng hoàng, không bỏ bột béo đâu cô”.

Mẹt hàng của chị không có món nào giá quá năm ngàn.

Hôm nay đi chợ trưa trời nắng dữ dội. Ai cũng vội vã để về. Vẫn thấy chị ngồi đó, thùng yaourt chưa vơi bao nhiêu. Những cái dù giữa hai gian hàng chị ngồi ké không đủ che nắng. Chị giở nón lá đang đội che nắng cho thùng yaourt. Chắc chị sợ yaourt hư.

Đầu chị phơi ra giữa nắng...

TTCT cảm ơn các bạn: Diệu Kim, Nguyễn Thị Quý Trân, Nguyễn Thị Hiểu, Võ Văn Dũng, Kim Dung, Trần Văn Tám... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận