Bức tranh ngày hăm ba tết

PHẠM CÔNG LUẬN 21/01/2017 04:01 GMT+7

TTCT - Ngày đưa ông Táo về trời, má tôi dọn dẹp sạp tạp hóa của bà. Bà bỏ những món đồ không cần bán nữa vào mấy cái giỏ rồi bảo: “Con mang về nhà cất rồi quay lại đón má!”.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

 

Khu chợ nhỏ má ngồi bán gọi là chợ Ga vì gần ga xe lửa Phú Nhuận. Đây là một ga xép, mỗi lần xe lửa đến đều dừng chỉ trong thời gian ngắn.

Từ ga xe lửa đi dọc đường ray mới đến chợ. Má bán kim chỉ, xà bông cục, thun lưng quần và nhiều thứ khác. Trước năm 1975, hàng hóa từ các siêu thị và các cửa hàng PX về nhiều, má bán chạy lắm, con cái được may sắm, được mua đồ chơi nhiều.

Sau đó cuộc sống khó khăn, má không rời cái sạp nhỏ xíu này. Hàng hóa lúc đó là nút, chỉ, vải thô mua từ các đợt phân phối nhu yếu phẩm, được người ta bán ra để mua gạo.

Má bán lây lất vậy mà nuôi cả nhà. Lúc đó ba tôi thất nghiệp sau khi người chủ ở chợ Bến Thành bị “đánh” tư sản thương nghiệp.

Đang làm ra tiền, ông hoàn toàn không kiếm ra đồng nào. Ông bị trầm cảm nhẹ một thời gian, thường ôm đầu ngồi ngẫm nghĩ, im lặng trong bóng tối trong những buổi tối cúp điện cuối năm 1978. Rồi sau đó ông chợt tỉnh, bắt đầu lao vào tu sửa căn nhà cũ kỹ.

Ông kiếm gỗ tạp đóng kệ sách, khi tôi bắt đầu cắc củm từng xu mua sách vỉa hè lúc đó rất rẻ. Khi được Nhà nước phân phối khoai mì, khoai lang hay gạo, ông ngồi lột vỏ mì, nhặt bông cỏ trong gạo. Ông vào bếp nấu cơm buổi trưa cho đám con đi học về ăn, việc chưa bao giờ làm trước đó.

Sau này lớn lên, tôi kính trọng cách ứng xử của ba má tôi trong khoảng thời gian này. Má tôi cả đời chưa từng được đi chơi xa, chưa từng đòi hỏi chồng mua món nữ trang nào, chịu khó ra chợ kiếm đồng ra đồng vào để không là gánh nặng cho chồng.

Chồng thất nghiệp, bà bám cái sạp để lo cho các con, đến nỗi mỗi năm nghỉ đúng một ngày là mùng một Tết. Suốt thời gian đó không bao giờ thấy bà cằn nhằn, trách cứ ba tôi bất cứ chuyện gì. Ba tôi bớt hút pipe vì lúc đó thuốc lá nhập không có, thuốc lá Gò Vấp đã mắc.

Ông chỉ giữ chút xa xỉ là chai rượu Whisky để dành từ lâu, đợi ông bạn cố tri hàng xóm qua chơi là rót vào hai cái ly bé xíu mời cùng nhấp. Ông bình thản, ít nói hơn và làm nhiều hơn. Ông tự trọng, không muốn làm gánh nặng cho vợ.

Buổi sáng 23 tháng chạp năm đó, tôi chở cái giỏ về xong quay lại đón má. Má dọn hàng đã xong, để sẵn mấy cái giỏ đựng đầy nhóc đồ chờ tôi.

Trước đây má để hàng trong sạp khóa kín lại, nhưng sau này phải mang về nhà vì cuộc sống khó khăn, nhiều kẻ trộm tìm cách cạy cửa sạp móc đồ đạc bên trong.

Bên cạnh mấy cái giỏ có một gói giấy to vuông vức. Dựng chiếc xe đạp vào tường, tôi được bà ngoắt: “Má cho con cái này!”. Bà chỉ vào gói giấy vuông. Tôi mở ra. Bên trong là một bức tranh sơn dầu cũ nhỏ, vẽ một ngôi làng nằm bên cạnh bến sông.

Có vài người đi trên bờ sông. Tranh dùng bay vẽ chứ không dùng cọ, các nếp màu còn cứng chứ chưa bị gãy. Tôi lặng người đi vì sung sướng. Đó là mơ ước đeo đẳng, khi tôi đến nhà một bác hàng xóm và thấy một bức tranh đẹp vẽ cảnh nông thôn.

Tôi kể với má và hôm đó lần đầu được nghe bà kể về ngôi nhà thời thơ ấu của bà với hoành phi câu đối trên tường, ván gõ hai bên nhà và ba cái tủ thờ, hai cái tủ chén. Bà kể về người em trai vẽ rất đẹp, thích làm thơ và mất do đạn pháo tại Sài Gòn năm 1945.

Bà nói: “Con có tính nghệ sĩ giống cậu của con!”. Má tôi bảo bức tranh đó do một người quen đến năn nỉ bà mua để sắm chút đồ ăn Tết và bà đã giúp, giá không nhiều nhặn gì.

Đồ đạc chất lên xe, cái ghiđông mắc một lúc bốn cái giỏ, mỗi bên hai cái, khá nặng. Tôi mười bảy tuổi, còng lưng chở má ôm một cái giỏ to cùng bốn cái giỏ treo đầu xe và bức tranh cột bằng sợi dây.

Qua ngã tư đối diện nhà thờ Nam, một chiếc xe đạp đi ẩu vọt qua, tôi thắng gấp. Xe nặng, thắng đứt và sụm xuống. Má và tôi ngã lăn ra. Tôi quay lại, thấy gương mặt má tôi với nước da trắng, cái mũi cao, bà điềm nhiên ngồi dậy và thấy cả một trời nghị lực của bà mẹ hiền lành, nhân hậu của tôi.

Chiếc xe gãy ngang sườn. May là ngã gần nhà, hàng xóm đi ngang thấy vậy giúp đưa xe về.

Về nhà, tôi suýt khóc khi mở gói giấy ra thấy mặt bức tranh đã bị rách một lỗ vì bị đầu ghiđông đâm vào. Ba tôi lẳng lặng tháo sườn xe đem đi hàn. Xong xuôi, ông dùng chỉ may chỗ rách ở bức tranh rồi xách đi đâu đó.

Khi trở về, những mảng màu dầu dày đã đắp lên chỗ rách, rất khéo. Bức tranh trở lại nguyên vẹn. Tết đó, nhà tôi lần đầu tiên có bức tranh sơn dầu treo trong nhà, ngay bức tường sau cái ghế sofa, nơi lâu nay dành cho mấy tấm lịch.

Trưa giao thừa cúng rước ông bà xong, cả nhà ăn bữa cơm sum họp gia đình với bánh tráng cuốn thịt kho nước dừa, củ kiệu ngâm giấm, thịt vịt hầm, khổ qua...

Xong bữa cơm, má tôi dọn dẹp rồi ngồi xuống ghế nhấp tách trà, tay trái đỡ lấy cái đĩa. Ba tôi rút pipe nhồi thuốc Gò Vấp mà hút. Qua làn khói trắng, tôi thấy ba má cùng nhìn bức tranh. Ba nhớ về con sông Đồng Nai ở quê hương cù lao Phố?

Má nhớ về con sông Sài Gòn phía cầu Ông Lãnh? Tôi không chắc nhưng qua gương mặt, tôi tin ba má đang cảm thấy điều gì đó, tựa như một thứ hạnh phúc nhẹ nhàng của những con người an nhiên, tựa vào nhau vượt qua khó khăn, biết giữ niềm vui cho nhau.

Đó là cái Tết cuối cùng của thời mới lớn của tôi, năm 1978. Tôi bước vào đời sau đó với những nhọc nhằn, băn khoăn và âm ỉ những giấc mơ.

Đường đời tôi có lúc nhẹ tênh, có lúc lầm lũi khó khăn nhưng không bao giờ nản lòng, luôn chờ lúc tươi sáng khi mệt mỏi nhất. Khi lòng chùng, tôi nhìn lên bức tranh Tết cũ kỹ năm nào, còn rõ những dáng người đi xuống bến sông. Tôi như thấy bóng hình ba má tôi sau làn khói, giờ là khói nhang trên bàn thờ, đang mỉm cười từ cái Tết năm ấy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận